10/05/2015 12:08 GMT+7

Những vũng nước cứu làng

NGUYỄN VIỄN SỰ
NGUYỄN VIỄN SỰ

TT - Đương tiết cốc vũ có nghĩa là “mưa rào” nhưng bầu trời vùng Panduranga (tên xưa người Chăm gọi vùng đất Ninh Thuận) cứ xanh ngắt vì nắng.

Anh Bình Cu Dầu bên cạnh hố nước trên lưng chừng núi Chà Bang - Ảnh: Viễn Sự
Ninh Thuận, vùng đất vốn có lượng mưa ít nhất cả nước, đang trải qua cơn hạn hán khốc liệt nhất trong mười năm qua.Người dân xứ hoang mạc ấy trong mùa hạn này và từ ngàn xưa đã làm gì để sinh tồn qua những cơn “bão” nắng gió quanh năm?

Chúng tôi về Ninh Thuận vào đúng những ngày đầu năm mới lịch Chăm (cuối tháng 4 dương lịch). 

Từ mũi Cà Ná cho đến núi Chúa, những ngọn núi phân giới của vùng đất này, cây cỏ chuyển một màu vàng úa. Đã sáu tháng Ninh Thuận không có một giọt mưa. Tiếng trống ghi năng cứ rầm rập vang lên trong lễ cầu mưa ở các paley (làng) Chăm khắp vùng.

Người và cừu uống chung vũng nước

Từ quốc lộ 1, vượt qua hơn chục cây số truông bụi đã cháy vàng, chúng tôi đến làng Tam Lang, xã Phước Nam (Thuận Nam) giữa buổi trưa rát nắng. Đầu trần, chân đất, anh Phú Sửu, một người đàn ông Chăm, chở đứa con trai 4 tuổi mặt mũi như cục than xách theo hai cái can đi lấy nước chạy vù vù trong bụi mù.

“Trong kia còn nước, ngày nào cũng chạy đi lấy” - anh Phú Sửu chỉ tay, và chúng tôi cũng bám theo cha con anh băng qua những bụi xương rồng và đám cỏ gai hắc hầu đâm rát chân đi tìm nước.

Đi độ 4km thì đến nguồn nước, anh Sửu mau chóng vục hai cái can xuống vũng nước ngầu đục. Múc chưa xong thì cả một bầy cừu nhào xuống uống cho no bụng. “Nước này xách về cho cừu uống, còn lại thì quấy phèn, để đó mai mình cũng uống” - anh Phú Sửu nói tỉnh queo.

Anh Bình Cu Dầu, một người Chăm từ thôn Phước Lập kế bên qua đây làm rẫy, chính là chủ của vũng nước quý giá này. Anh Cu Dầu làm rẫy dưới dân núi Chà Bang này hơn 10 năm, kể rằng mùa nắng nào cũng thiếu nước nhưng chưa năm nào khủng khiếp như năm nay. Sau tết, tất cả các suối cạn và ao hồ quanh vùng đều trơ đáy.

Không thể khoanh tay nhìn bầy cừu 200 con và 100 gốc trôm đang cho mủ chết khát, anh Bình Cu Dầu ngược núi Chà Bang và may mắn tìm được một hồ nước từ công trình khai thác đá bỏ lại. Nói đoạn, anh Cu Dầu ra sau nhà cột đoạn ống nước dài hơn 30m sau xe rồi rồ máy: “Nhà báo đi theo tôi tới nguồn nước”.

Theo chân anh Bình Cu Dầu, chúng tôi cuốc bộ hơn cây số theo đường mương nhỏ xíu mà anh đào mất một tuần để dẫn nước đến hồ đá. Đúng hơn đó là một cái vực, sâu hơn 20m, đá lởm chởm quanh miệng mà trượt chân thì không cách nào bò lên.

Phía dưới, nước mưa lưu cữu đã chuyển màu vàng khé, rêu đọng từng mảng. Trên bờ chiếc máy bơm để sẵn, ngoài đoạn ống nối máy với hồ nước, anh Bình Cu Dầu còn phải mua thêm gần 200m ống giá hơn 10 triệu đồng và đào một đường mương dẫn nước dài hơn 1km để dẫn về đến vũng nước.

Biết anh Cu Dầu tìm được vũng nước đọng trên núi, dân chòm rẫy Tam Lang kéo nhau đến xin nước. Và giờ mỗi ngày anh Cu Dầu bỏ ra hơn 100.000 đồng để mua dầu bơm nước từ triền núi, theo đường mương dẫn về ao nhà mình cho bà con đến lấy miễn phí.

Nhìn vũng nước nhờ nhợ, chuyển màu vì đất cà giang, chúng tôi khó hình dung có cục phèn nào sẽ lóng nổi cho trong như anh Phú Sửu nói. Những người ở thành phố quanh năm tắm nước máy và uống nước tinh khiết nhìn vũng nước là thấy thất vọng.

Nhưng “dân chòm rẫy Tam Lang đều xài nước này, mà cái hồ này gần cạn rồi, sắp tới không biết sao đây” - anh Bình Cu Dầu nói thay cho nỗi tuyệt vọng khác của người dân Tam Lang.

Người và cừu cùng uống chung vũng nước - Ảnh: Viễn Sự

Một gáo nước - nửa gáo mồ hôi

Tam Lang chỉ là một trong số nhiều xóm làng đang thiếu nước quay quắt trong mùa hạn này ở Ninh Thuận. Cuộc chiến tìm nước mỗi làng mỗi kiểu nhưng ở đâu cũng khốc liệt.

Không may mắn như người dân Tam Lang còn tìm được nguồn nước lấy bằng can, ở thôn Rã Giữa, xã Phước Trung (huyện Bác Ái), người Raglay đang phải chắt chiu từng gáo nước nhỏ mà nói ví von như ông Chammale Hầu, một người dân Rã Giữa: “Múc được gáo nước, đổ hết nửa gáo mồ hôi”.

Chúng tôi gặp ông Chammale Hầu cùng những người hàng xóm đang trần lưng giữa nắng trưa hì hục khoét những cái giếng cạn trên dòng suối đã trơ đáy. Không chờ đến mùa hạn mà từ cuối mùa mưa năm rồi, mỗi ngày từ sáng sớm, ông Hầu cùng nhiều người dân thôn Rã Giữa lại vác cuốc xẻng và thùng đến đây tìm nước.

Dòng suối trơ đá, nhưng mọi người vẫn nhẫn nại cạy những tảng đá to trên mặt suối và khoét lớp cát phía dưới thành một lòng chảo nhỏ. Nhẫn nại từng chút một, những dòng nước mạch dần rỉ ra, từng mạch nhỏ. Dường như cái mạch nước ấy còn chảy chậm hơn dòng mồ hôi đang túa ra trên những tấm lưng đen trũi.

Những gáo nước đầu tiên bao giờ cũng đục, và đành phải múc đổ đi hoặc dành riêng vào một thùng nhỏ cho gia súc uống. Phải múc cạn nước trong cái giếng cạn ấy vài ba lần thì nước bắt đầu trong. Và lúc đó ông Hầu cùng những người hàng xóm mới bắt đầu chắt từng gáo nước đổ vào can nhựa để đưa về dùng.

Bà Chammale Tút, một người dân ở thôn Tham Dú cùng xã, nói tuy mỗi ngày đều có xe chở nước sạch của Nhà nước từ dưới xuôi lên nhưng lượng nước cũng có hạn. Do vậy người dân làm rẫy, chăn cừu ngoài truông bụi xa làng đều phải vét những mạch nước hiếm hoi bằng cách đào giếng cạn giữa suối.

Những bầy cừu, dê đói khát và kéo theo những phận đời du mục cũng tan tác trong mùa hạn này.

Ảnh: Thuận Thắng

Ninh Thuận vốn là vùng đất có lượng mưa trung bình thấp nhất cả nước, với tổng lượng hằng năm chỉ 600mm, bằng 1/6 lượng mưa của tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Tuy nhiên suốt năm 2014 lượng mưa ở Ninh Thuận chỉ là 300mm, dẫn đến tất cả hồ chứa nước đến thời điểm này đều gần như ở mực nước chết. Nắng hạn quay quắt nhất đang diễn ra tại các huyện Thuận Nam, Thuận Bắc, Bác Ái...

Hiện nay tỉnh Ninh Thuận phải cấp nước cho người dân ở tám thôn đang thiếu nước sinh hoạt trầm trọng với lượng nước khoảng 20 lít/ người/ ngày. Và dự báo sẽ có khoảng 34.000 người dân thiếu nước sinh hoạt nếu trời tiếp tục không mưa.

Ông Phan Hoàng Tựu, phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận, nói: “Thời điểm căng thẳng nhất vẫn còn ở phía trước. Đến tháng 9 mới có mưa nên tình hình này khó thể chống chọi. Bây giờ tất cả chỉ dồn sức vào việc đảm bảo nước sinh hoạt cho người, còn nước uống cho gia súc và cây trồng đành phải trở thành ưu tiên thứ yếu”.

_________

kỳ tới: Tan tác đồng cừu

NGUYỄN VIỄN SỰ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên