Những vùng đất mới của quần vợt

HUY ĐĂNG 19/07/2022 06:05 GMT+7

TTCT - "Jabeur và Rybakina đã vẽ thêm bản đồ của làng quần vợt" - Hãng tin AFP bình luận về trận chung kết đơn nữ Wimbledon 2022, khi cả hai tay vợt đều đến từ những quốc gia xa lạ với làng quần vợt đỉnh cao.

Những vùng đất mới của quần vợt - Ảnh 1.

Rybakina (trái) và Jabeur đến từ những quốc gia còn xa lạ với quần vợt đỉnh cao. Ảnh: Reuters


Tính trong tất cả các nội dung, Trung Quốc có 15 tay vợt tham dự Wimbledon, Thái Lan có 5, và ngay cả Ấn Độ cũng có 3 đại diện. Nhưng nếu xét toàn thể cộng đồng các quốc gia Ả Rập, Ons Jabeur là cái tên duy nhất.

Thành công nhờ gia đình

Năm nay 27 tuổi, Jabeur mới bắt đầu được làng quần vợt đỉnh cao biết đến trong khoảng một, hai năm gần đây. Nhưng suốt 10 năm qua, tay vợt người Tunisia đã là một biểu tượng của thế giới thể thao Ả Rập.

Ngay cả những người hâm mộ quần vợt lâu năm nhất chắc cũng khó nhớ được một tay vợt tên tuổi người Ả Rập, nhất là một tay vợt nữ. Phải lần tận về những năm 1990-2000 mới tìm được Younes El Aynaoui, tay vợt người Morocco từng vào đến tứ kết Úc và Mỹ mở rộng, đồng thời leo lên vị trí thứ 14 trên bảng xếp hạng thế giới, với tổng tiền thưởng sự nghiệp khoảng 4 triệu USD.

Tất cả những cột mốc trên đều là kỷ lục của quần vợt Ả Rập suốt một thời gian dài, trước khi Jabeur xuất hiện. Năm 2011, khi 16 tuổi, Jabeur vô địch giải trẻ Roland Garros. 10 năm sau, cô lọt vào tứ kết Wimbledon và đoạt danh hiệu WTA đầu tiên trong sự nghiệp. Cuối tháng 6 vừa rồi, Jabeur leo lên hạng 2 thế giới trong bối cảnh một loạt tay vợt nữ tên tuổi sa sút.

Tương tự El Aynaoui, ở một cấp độ cao hơn, mọi điều Jabeur làm giờ đây đều là lịch sử với cả thế giới quần vợt châu Phi và Ả Rập (Tunisia là quốc gia Bắc Phi thuộc cộng đồng Ả Rập). Cô là tay vợt châu Phi và Ả Rập có thứ hạng cao nhất trong lịch sử, tay vợt Ả Rập đầu tiên tiến xa hơn vòng tứ kết một giải Grand Slam...

Không giống nhiều tay vợt nổi tiếng đến từ các nền thể thao nhỏ, Jabeur mang lý lịch thuần Phi. Cô sinh trưởng ở một thị trấn ven biển gần Sousse, nơi dân số chỉ chưa đầy 300.000 người. Từ nhỏ, cô theo mẹ tập quần vợt như một môn thể thao giải trí. 

Đến tận khi Jabeur 10-11 tuổi, cả hai mẹ con vẫn chỉ tập trên sân bóng của khách sạn trong vùng. Ngay khi nhận thấy con mình có năng khiếu, cha mẹ Jabeur đưa con gái đến Tunis (thủ đô Tunisia) để theo học trường thể thao quốc gia. Năm 16 tuổi, cô được đưa sang Bỉ rồi Pháp để tập luyện.

"Cha mẹ tôi đã hy sinh rất nhiều để tôi được chơi quần vợt. Mẹ tôi bỏ công bỏ việc để đưa tôi đi khắp mọi nơi ở Tunisia và ra nước ngoài", Jabeur nói. Cô là hình mẫu cho sự thành công đến từ đầu tư của gia đình, điều đôi lúc có thể thoát ra khỏi tầm hạn chế của một nền thể thao.

Ai có quyền tự hào?

Không phải tay vợt nào cũng được gia đình hỗ trợ như vậy. Người đánh bại Jabeur trong trận chung kết Wimbledon - Elena Rybakina - là ví dụ. Cô gái người Kazakhstan cũng làm dấy lên nhiều tranh cãi khi chơi xuất sắc ở Wimbledon, bởi 4 năm trước, Rybakina vẫn còn là người Nga.

Việc Rybakina chuyển đổi quốc tịch không liên quan gì đến lệnh cấm mà Wimbledon áp lên các tay vợt Nga và Belarus. Cô đã nhập quốc tịch Kazakhstan 4 năm trước, theo lời mời của Liên đoàn quần vợt nước này KTF. Nếu không có sự hỗ trợ của KTF, Rybakina có thể đã giải nghệ.

Ở một quốc gia giàu truyền thống quần vợt như Nga, thành tích của Rybakina khi bắt đầu sự nghiệp không quá ấn tượng. Gia đình cô có lý do khi không muốn con gái đeo đuổi sự nghiệp thể thao nhiều rủi ro. 

"Cha tôi muốn tôi vào đại học. Khi đó tôi nhận được nhiều học bổng ở Mỹ (dành cho VĐV), và cha tôi muốn tôi đi theo con đường này. Ông ấy sợ tôi chấn thương, lo gia đình không đủ tài chính. Tôi phải tìm kiếm sự giúp đỡ, và KTF đã tin tưởng tôi. Họ cho tôi mọi thứ, tạo điều kiện tối đa để tôi tập luyện và phát triển", Rybakina kể.

Trong nhiều năm trời, KTF đã tìm cách phát triển nền quần vợt Kazakhstan bằng cách nhập tịch những tay vợt trẻ giàu tiềm năng từ Nga, như Yulia Putintseva, Alexander Bublik, Yaroslava Shvedova. 

Điểm chung của họ là khó khăn tài chính, mà nếu không có sự hẫu thuận từ KTF, họ có thể phải sớm giải nghệ, hoặc không bao giờ vươn lên đỉnh cao. Trong số đó, Rybakina là người giỏi nhất. Năm 2018, cô chuyển sang quốc tịch Kazakhstan khi 19 tuổi, và sự nghiệp phất lên từ đó. Trước khi chơi dưới màu cờ Kazakhstan, Rybakina chưa từng được dự Grand Slam.

Ngay sau kỳ tích của Rybakina, chủ tịch Liên đoàn quần vợt Nga phát biểu tự hào: "Sau tất cả, cô ấy là sản phẩm của nước Nga. Cô ấy đến từ trường học của Nga, và đã đại diện cho nước Nga một thời gian dài".

Tình huống này làm gợi nhớ đến Harmony Tan - tay vợt trẻ người Pháp cũng tạo nên làn sóng ở Wimbledon năm nay nhờ việc đánh bại Serena Williams. Truyền thông Việt Nam ca ngợi "tay vợt gốc Việt" làm nên bất ngờ. 

Nhưng trên thực tế, Tan có cha người Campuchia, mẹ là người Việt nhưng sinh trưởng hoàn toàn ở Pháp, đồng thời cũng được nuôi dưỡng tài năng ở đấy. Bản thân tay vợt người Pháp thì chưa từng phát biểu gì về nguồn gốc của mình.

So với Harmony Tan "gốc Việt", "gốc Nga" của Rybakina rõ ràng hơn nhiều. Liên đoàn quần vợt Nga cũng có lý do để tự hào về chiến tích của cô, trong bối cảnh Wimbledon áp đặt lệnh trừng phạt gây tranh cãi dành cho họ. Rybakina bị cuốn vào vòng xoáy những câu hỏi liên quan đến chính trị khiến cô phải khó xử. "Tôi muốn chiến tranh chấm dứt càng sớm càng tốt", cô phát biểu sau khi thắng trận tứ kết, và tránh việc chỉ trích quê hương.

Nhưng mặt khác, cô gái 23 tuổi không hề ngại ngần ca ngợi đất nước cô đang đại diện, nơi đã giúp sự nghiệp của cô phát triển đúng thời điểm. "Tôi đã chơi cho Kazakhstan một thời gian dài. Bạn thấy màu cờ rồi, tôi không hiểu tại sao mình phải trả lời về vấn đề này. Tôi không được chọn nơi mình sinh ra, nhưng Kazakhstan đã hỗ trợ và tin tưởng tôi rất nhiều. Tôi chỉ có thể nói rằng tôi đang đại diện cho Kazakhstan", Rybakina đáp trả những câu hỏi vặn vẹo về quê hương bản quán.

Dù bằng cách nào đi nữa, thành tích của Jabeur và Rybakina đã vẽ thêm bản đồ cho làng quần vợt thế giới.■

Quần vợt đang chuyển dịch

Được xem là môn thể thao quý tộc, sự phát triển toàn cầu của quần vợt chậm chạp hơn nhiều so với bóng đá. Nhưng nỗ lực của Liên đoàn Quần vợt thế giới (ITF) cũng giúp môn thể thao này ngày càng thoát khỏi khuôn khổ các nước phương Tây. Thống kê cho thấy số lượng người chơi quần vợt đã tăng hàng chục lần trong khoảng 20 năm qua - hiện có gần 90 triệu người chơi banh nỉ trên toàn cầu. Riêng ở Trung Quốc, số lượng người chơi quần vợt đã tăng từ 1 triệu lên 14 triệu trong khoảng thời gian đó.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận