Phóng to |
Michael Sestack - người có thẩm quyền cấp visa không di dân của Tổng lãnh sự quán Mỹ tại TP.HCM - bị cáo buộc nhận tiền hối lộ - Ảnh: Tổng lãnh sự quán Mỹ tại TP.HCM |
Đầu năm 2000, tại sứ quán Mỹ ở thủ đô Georgetown của Guyana, một viên chức sứ quán tên Thomas Carroll, khi đó 32 tuổi và cũng là người phụ trách bộ phận visa không di dân, bị phát hiện đã bán tới 800 visa với giá từ 10.000-15.000 USD/visa và kiếm khoảng 4 triệu USD. Đây là một trong những vụ bê bối bán visa lớn nhất trong lịch sử Bộ Ngoại giao Mỹ.
Bán visa, thuê sát thủ
Theo Workpermit.com, luật pháp Mỹ quy định những người liên quan tới các hành vi gian lận visa có thể bị truy tố hình sự. Trường hợp không bị truy tố hình sự, tất cả visa gian lận sẽ bị hủy bỏ và những người từng có visa gian lận này sẽ không thể vào Mỹ trong vòng 10 năm hoặc thậm chí lâu hơn. |
Khi vụ việc bại lộ, Carroll thậm chí thuê cả sát thủ để đe dọa những nhân chứng định ra làm chứng chống lại y. Theo tờ Los Angeles Times, Carroll khi đó thường sử dụng “cò” để bán visa thay vì bán visa trực tiếp cho người mua.
Tháng 3-2000, khi gặp người kế nhiệm mình ở sân bay quốc tế Miami, Carroll, từng làm tại các sứ quán ở Đài Loan và Trung Quốc đại lục, trắng trợn đề nghị người kế nhiệm “phê duyệt 250 visa để đổi lấy 1 triệu USD tiền mặt”. Carroll thậm chí còn khuyên người kế nhiệm giấu tiền trong két sắt thay vì gửi tiền vào ngân hàng để tránh bị phát hiện tài sản tăng đột biến.
Khi bắt giữ y tại nhà bố mẹ ở Chicago, các điều tra viên phát hiện rất nhiều tiền và vàng với tổng trị giá khoảng 1,8 triệu USD. Để tránh sự nghi ngờ, Carroll khi còn tại chức đã đề nghị cấp visa cho một số đơn đạt chuẩn nhưng lại dùng những suất này cho những người khác - cách thức để tránh bị điều tra từ cấp trên và bộ phận chống lừa dối visa.
Tờ Los Angeles Times khi đó phỏng vấn một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ thì quan chức này nói việc điều tra rất khó khi cán bộ visa ở các sứ quán có quyền rất nhiều trong việc cấp visa. Ngoài ra, quy định cũng yêu cầu các sứ quán phải hủy các đơn xin visa sau một năm nên rất khó theo dõi lượng đơn xin visa này.
Năm 2002, Thomas Carroll bị kết án 22 năm tù. Tuy vậy, sau đó đến năm 2004, tòa phúc thẩm xem xét lại án và giảm mức án của y xuống còn 6 năm. Ít nhất 26 người trong tổng số những người từng được Carroll bán visa sau đó đều phạm tội từ gây mất trật tự cho đến tội nặng như cưỡng dâm tập thể.
Một vụ bán visa khác ở sứ quán Mỹ tại Việt Nam
Năm 2003, lại có hai nhân viên sứ quán Mỹ ở thủ đô Colombo của Sri Lanka là Long N. Lee (51 tuổi) và chồng là Acey R. Johnson (32 tuổi) bị kết tội lừa đảo visa và buôn người. Hai nhân viên này sau đó bị kết tội nhận hối lộ và cấp trái phép khoảng 200 visa từ sứ quán Mỹ ở Sri Lanka, Fiji và Việt Nam.
Vụ điều tra kéo dài trong vòng 11 tháng. Theo tài liệu của Bộ Tư pháp Mỹ, khi sứ quán Mỹ ở Việt Nam mới thành lập, bà Lee là cán bộ lãnh sự đại sứ quán Mỹ ở Hà Nội từ năm 1995-1997. Sau đó bà Lee là người phụ trách hành chính ở sứ quán Mỹ tại Sri Lanka và Fiji từ năm 1997-2003. Ông Johnson thì làm nhân viên lãnh sự ở đại sứ quán Mỹ tại Sri Lanka và Fiji từ năm 1997-2003.
Bà Lee sau này thừa nhận đã sắp xếp chuyện bán visa ở Hà Nội từ năm 1995. Theo cách làm này, các “cò” visa ở vùng bắc Virginia, vùng Sacramento và vùng Los Angeles sẽ lấy tiền từ những người nước ngoài, chủ yếu là người Ấn Độ và Việt Nam, rồi giúp những người các nước này qua quá trình xin visa. Lee và/hoặc Johnson sau đó sẽ tác động để visa được cấp rồi nhận tiền hoa hồng, số tiền này lên tới hàng trăm ngàn USD. Theo chỉ dẫn của Lee và Johnson, các cò môi giới sẽ chuyển tiền thành nhiều đợt, mỗi đợt đều dưới 10.000 USD để tránh sự chú ý của các ngân hàng và các cơ quan pháp lý. Tiền sẽ được chuyển cho Lee, Johnson hoặc người thân của họ. Trong số các “cò” visa trong vụ này có hai người Việt Nam ở Gardena, California.
Cả Lee và Johnson đều bị kết án khoảng 5 năm tù, bị buộc phải nộp lại 750.000 USD tiền thu nhập bất chính và nộp phạt mỗi người 12.500 USD. Hai người sau khi ra tù phải chịu thêm ba năm quản thúc.
Tới năm 2009, một nhân viên ngoại giao khác của Mỹ, Michael John O’Keefe, 62 tuổi, phó phụ trách bộ phận visa không di dân ở lãnh sự quán Mỹ tại Toronto, Canada, bị phạt 1 năm tù và phải nộp phạt 5.000 USD vì liên quan tới bê bối visa. O’Keefe, có 22 năm làm việc trong ngành ngoại giao. Trong giai đoạn từ 2004-2006, anh ta bị phát hiện đã nhiều lần nhận vé hai chiều giữa Toronto và Las Vegas cùng với dịch vụ vũ nữ, tiền ăn ở New York, cùng nhiều đồ trang sức để đẩy nhanh quá trình phỏng vấn và cấp visa cho 21 nhân vật liên quan tới công ty đồ trang sức STS Jewels. Liên quan tới vụ này, một nhân vật của STS Jewels cũng đã phải lãnh án tù.
Nội dung cốt lõi khi xin visa du hoc va du lịch Mỹ
Xin visa du học Mỹ: 3 lý do bị từ chối
Theo Trung tâm giáo dục StudyLink International - đơn vị chuyên tư vấn du học Mỹ, quy trình xin visa du học Mỹ hoàn toàn khác các nước. Theo kinh nghiệm đúc kết từ các trường hợp phỏng vấn, rớt visa đa số đều rơi vào trường hợp lúng túng, không trả lời rõ ràng mục đích học tập... Có những trường hợp giấy tờ chứng minh rất rõ ràng nhưng phải qua hai, ba lần phỏng vấn mới có thể đậu visa. Cũng theo Trung tâm giáo dục StudyLink International, một số khách hàng từng đặt vấn đề nhờ “chuẩn bị giúp” các giấy tờ chứng minh tài chính hoặc học tập, hoặc đưa chi phí lót tay để có visa nhưng trung tâm từ chối vì cũng không biết thông tin về vấn đề này. Trung tâm cũng khuyên phụ huynh và học sinh tuyệt đối đừng bao giờ tham gia các đường dây này, vì sẽ phải mất tiền và vi phạm luật pháp. Và một khi hồ sơ bị đại sứ quán/lãnh sự Mỹ “đánh dấu đen” thì đương đơn sẽ mãi mãi không được cấp visa vào Mỹ dù là xin visa đi theo diện gì (kết hôn, đoàn tụ...) cho dù là vài chục năm sau. Ngay cả sau này đổi sang đi các nước khác cũng sẽ bị vấn đề tương tự vì các nước hiện đã liên kết với nhau để chống di trú giả mạo.
Một viên chức Tổng lãnh sự quán Mỹ tại TP.HCM cho biết mỗi ngày Tổng lãnh sự quán Mỹ phỏng vấn rất nhiều sinh viên để cấp visa. Mỗi viên chức chỉ có một thời gian giới hạn để đánh giá mức độ đầy đủ về phẩm chất của một đương đơn. Ba đòi hỏi theo luật định để được cấp visa sinh viên, đó là: 1- Đương đơn có ý định học tập tại Hoa Kỳ, 2- Đương đơn có đủ khả năng tài chính để đóng học phí và 3- Đương đơn có ý định quay về Việt Nam sau khi học xong.
Đại diện một công ty tư vấn du học cho biết đa số các trường hợp bị từ chối visa thường rơi vào các trường hợp như lý lịch gia đình không rõ ràng, chưa chứng minh được động cơ học tập, vấn đề tài chính. Chẳng hạn có học sinh xin visa du học khai ba mẹ tại Việt Nam nhưng sau đó bị phát hiện mẹ đang cư trú tại Mỹ nên bị từ chối visa.
MINH GIẢNG
Xin visa du lịch Mỹ: chứng minh rõ đi là về
Tổng giám đốc một công ty du lịch chuyên tổ chức tour đi Mỹ cho biết phía Mỹ không kiểm soát việc công ty du lịch đưa khách đi Mỹ có về Việt Nam hay không mà khách phải chịu trách nhiệm chính. Trong khi một số quốc gia châu Âu lại yêu cầu công ty du lịch sau khi đưa khách đi du lịch về phải nộp lại hộ chiếu để cơ quan lãnh sự kiểm tra xem có ai trốn ở lại. “Hơn nữa phía Mỹ chỉ kiểm tra phần nhập cảnh rất gắt gao nhưng khách đi về lại không kiểm soát (đóng dấu xuất cảnh) nên cũng tạo kẽ hở để những người có ý định trốn ở lại có cơ hội thực hiện kế hoạch của mình - tổng giám đốc này nói - Đây có thể chính là lý do mà nhiều người sẵn sàng đầu tư một khoản tiền lớn để thực hiện việc ở lại Mỹ”.
Phó tổng giám đốc một công ty du lịch lớn tại TP.HCM chuyên tổ chức tour đi Mỹ cho biết xin visa vào Mỹ không khó. Điều quan trọng là người nộp đơn xin visa chứng minh được đi và quay trở về nước, có đủ tài chính để trang trải các chi phí cá nhân trong suốt thời gian ở Mỹ, có công ăn việc làm ổn định, có thu nhập rõ ràng, ổn định... Do quy định của Mỹ là khách phải đến tự phỏng vấn nên thái độ trung thực, tự tin sẽ ảnh hưởng nhiều đến kết quả cấp visa. Công ty của ông thường tư vấn khách đừng nghĩ có nhiều tiền hoặc tài sản, đã đi nhiều quốc gia là đi được hoặc ngược lại, vì đã có nhiều trường hợp khách mua tour không có nhiều tài sản, chưa đi du lịch nhiều vẫn được cấp visa.
LÊ NAM
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận