Những vần thơ xuân đẹp đẽ

TTCT - Giữa muôn vàn tình cảm mà mùa xuân có thể đem lại, bất kể là phấn chấn hay u buồn, dạt dào hay kín kẽ, mong đợi hay nhung nhớ, những bài thơ lấy cảm hứng từ đây một lần nữa nhắc nhở rằng sống có nghĩa là thế nào trong một dòng chảy bất tận của thời gian, trước cái không-biết rộng khôn cùng phía trước, nơi mọi thứ, với chúng ta, vẫn vẹn nguyên và khả dĩ. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Nhân loại đang sống trong thời đại của tốc độ. Mọi thứ cần phải nhanh, đầy ắp thông tin và dài không quá một màn hình điện thoại, tất cả những gì trái ngược với ý niệm về thơ. Khó mà lấy được tin tức gì từ nó, như một nhà thơ than thở, nhưng người ta vẫn chết một cách khốn khổ vì thiếu đi cái được tìm thấy trong thơ mỗi ngày. Đó là cái chết “từ từ rồi bỗng đột ngột” của tâm hồn, để lại không gì ngoài một nỗi hoài niệm cơ hồ nhận ra được khi người ta đứng trước một cái gì vĩ đại như thiên nhiên lúc giao thời, không thể nói thành lời. 

Song, trước sự bất lực ấy vẫn luôn có những người, một cách âm thầm và nhẫn nại, tìm cách kháng cự sự vô nghĩa của đời sống hiện đại, tái hiện cái đẹp tót vời của sự sống bao trùm lên toàn bộ thiên nhiên và thân phận con người. Viện đến sức mạnh mà chỉ ngôn từ mới có thể gợi ra, họ thấu suốt những kinh nghiệm vừa phổ quát mà lại càng riêng tư của con người. Những nhà thơ.

 Gustav Klimt, Vườn trong trang trại. Ảnh: Pixels

Sonnet XCVIII

Người xa tôi phải thời xuân muôn vẻ,

Khi tháng tư, khoác màu áo rạng ngời,

Phủ khắp nơi một tinh thần son trẻ,

Đến Saturn cũng nhảy múa tươi cười.

Song tiếng chim hay hương hoa dịu ngọt

Không làm nên một chuyện kể đêm hè,

Đến những nơi hoa cỏ mọc tươi tốt

Cũng không làm tôi muốn hái đem về:

Tôi hững hờ trước sắc bông huệ trắng,

Chẳng ngợi ca màu đỏ vợi hoa hồng;

Quả ngọt ngào, phải dáng hình tươi tắn,

Song chỉ là bắt chước người tôi mong.

Người đã đi, tựa đông xưa còn ở,

Tôi chơi xuân, như mải với bóng người.

(William Shakespeare, từ tập Sonnets - 1609)

William Shakespeare (1564-1616) là nhà thơ, nhà soạn kịch vĩ đại người Anh. Ông để lại khoảng 39 vở kịch, 154 bài sonnet cùng một số tác phẩm khác bằng thơ.  

Vincent van Gogh, Câu cá mùa xuân. -Ảnh: art-vangogh.com

Hôm nay

Nếu như có một ngày xuân hoàn hảo,

được nâng lên bởi một làn gió thoảng ấm áp

làm bạn muốn mở hết

tất cả các cửa sổ trong nhà

và mở cửa lồng nhốt con chim hoàng yến,

giật cái ô cửa nhỏ khỏi thanh chắn của nó,

một ngày mà những con đường gạch mát mẻ

và khu vườn vỡ òa với những bông mẫu đơn

trông như được khắc sâu dưới nắng

làm bạn thấy muốn lấy

một cây búa đến chỗ cái chặn giấy bằng pha lê

trên cái đôn ở trong phòng khách

để giải phóng những cư dân

khỏi ngôi nhà phủ đầy tuyết của họ

để họ có thể đi ra ngoài,

nắm tay nhau và nheo mắt nhìn

lên vòm trời lớn hơn của màu xanh và trắng

thì đây, hôm ấy chính là ngày hôm nay.

(Billy Collins, từ tập Nine Horses - 2002)

Billy Collins (1941) là thi sĩ công huân của Hoa Kỳ từ năm 2001 đến 2003. 

 Isaac Levitan, Mùa xuân trong rừng

Anh muốn chỉ cho em

Anh muốn chỉ cho em

xuân với trăm điều lạ.

Mùa xuân đến từ rừng,

xuân không vào phố xá.

Chỉ những ai cách xa

nơi ngõ lạnh sánh bước,

tay trong tay mới được

một lần thấy mùa xuân.

(Rainer Maria Rilke, từ tập Advent - 1898)

 Rainer Maria Rilke là một trong những nhà thơ vĩ đại nhất viết bằng tiếng Đức của thế kỷ XX. Ông sinh năm 1875 ở Praha và xuất bản tập thơ đầu năm 1894. Phần lớn cuộc đời ông sống chu du ở các nước châu Âu, với Paris là nơi hoạt động chính trước khi ông phải ở lại Munich khi Thế chiến I nổ ra. Năm 1919, ông đến Thụy Sĩ, nơi ông qua đời vì bệnh máu trắng năm 1926.

 

 Edward Henry Potthast, Mùa nở hoa

Mùa xuân

Chim đã đến

mang ánh sáng ra đời:

nước sinh ra

từ mỗi tiếng hót.

Và giữa nước và ánh sáng làm dậy bầu thinh không,

mùa xuân đã được khánh thành,

giờ hạt giống đã biết mình phát triển,

trong tràng hoa là rễ được thể hiện,

mí mắt của hạt phấn cuối cùng cũng mở ra.

Và tất cả, chỉ là nhờ một chú chim đơn giản

từ một nhành cây xanh.

( Pablo Neruda, từ tập Plenos poderes - 1962)

Pablo Neruda (1904-1973) là nhà thơ người Chilê. Ông được trao giải Nobel văn chương năm 1971 cho “một thứ thơ […] đã làm sống lại định mệnh và những ước mơ của một châu lục”. 

 

 Bức tranh Mùa xuân trên hồ của Andrés Rueda

Mùa xuân

Thân thủy tinh của những đám mây đang vỡ

những bông hoa xám mắc kẹt

và được đưa trong im lặng đến ngọn núi vô hình

một sợi nhạc đang bay

trên dòng kẻ của những mặt hồ lạnh

mà từ đó mắt chúng ta tạo thành

mọi thứ trên thế giới đều đã mất và mất

nhưng sớm thôi ta sẽ tìm thấy lại

và hiểu nó bảo chúng ta gì khi chúng ta yêu nó

( W.S. Merwin, từ tập Writings to an Unfinished Accompaniment - 1973)

 W.S. Merwin (1927-2019) là nhà thơ và dịch giả người Mỹ. Ông được trao nhiều giải thưởng, trong đó có hai giải Pulitzer cho thơ, giải thơ Bollingen và giải Sách quốc gia Mỹ cho thơ.

 Bức tranh Mùa xuân bên cửa sổ của Daria Prokhorchuk

Mùa xuân có lẽ giống như một bàn tay

Mùa xuân có lẽ giống như một bàn tay

(thò cẩn thận

ra từ Hư không) sắp xếp

một ô cửa sổ, mà mọi người nhìn vào (trong khi

người ta nhìn chằm chằm

sắp đặt và thay đổi đặt

cẩn thận ở kia một vật

lạ và ở đây một thứ quen) và

cẩn thận thay đổi mọi thứ

mùa xuân có lẽ giống như một

Bàn tay trong một ô cửa sổ

(cẩn thận dịch

đi dịch lại những thứ Mới và

Cũ, trong khi

người ta nhìn chằm chằm cẩn thận

dịch có lẽ một

tẹo hoa ở đây đặt

một phân không khí ở kia) và

không làm vỡ thứ gì.

(E. E. Cummings, từ tập & - 1925)

E. E. Cummings (1894-1962) là nhà thơ người Mỹ. Ông được trao giải thơ Bollingen năm 1958. (Trong bài thơ này, ông có kiểu đặt dấu lạ lùng chứ không phải là lỗi). 

 

 Bức tranh "Mùa xuân từ Nhật Bản của hoa sĩ Yekaterina Chikhar

Mùa xuân

Một cơn gió biển thổi nhẹ từ phương Nam

và một ngọn núi xa ẩn mình sau bức màn.

Tuy không phải là một người của đất

và chỉ xử lý hình dạng của các nhân vật

nếu tôi đặt cây bút nhàn rỗi xuống và nhắm mắt lại

tôi có thể mường tượng thấy mùa xuân.

Thời gian sẽ sớm trôi đi

khi con người còn dùng đến tay chân, trí tuệ và quyền lực,

và sản xuất đồ ăn và quần áo cho riêng mình.

Chúng ta suốt ngày vã mồ hôi lạnh vì tiền,

tìm lạc thú thay vì niềm vui,

cảm thấy sự cô lập lạnh lẽo thay vì sự giận dữ.

Mình đã biến mất vào Âm phủ từ lâu.

Tôi thực sự muốn nói chuyện với mình -

nhưng chúng ta sẽ nói chuyện gì?

Tôi nằm đây sáng nay muộn trên giường

đọc những bài thơ cũ đầy những tiếng chim ca

và chúng đả kích tôi.

(Shuntarō Tanikawa, từ tập Giving People Poems - 2005)

Shuntarō Tanikawa (1931) là nhà thơ người Nhật Bản. Ông nổi tiếng là một trong những bậc thầy sáng tạo nhất về hình thức và ngôn ngữ của thơ Nhật hiện đại. 

 

 Bức tranh "Tắm ngựa trong ngày xuân" của họa sĩ Hàn Quốc Kim Hong-do (1745-1806)

Ngày đầu năm

Đây là nơi cô độc nhất nước vào ngày đầu năm mới.

Tôi ở đây cả đông dài đằng đẵng,

tách biệt với mọi thứ.

Đã một tuần kể từ khi những con tàu ngừng chạy.

Đảo Chuja ngày càng nhỏ đi

cho đến khi những con mắt buồn không thể nhìn thấy nữa.

Đừng lật ngược chiếc ly anh vừa uống.

Một khi đã quá tuổi ba mươi,

anh có thể làm bạn với một chiếc ly rỗng.

Nói tôi nghe đi gió: tôi có thể mong gì vào ngày đầu năm mới nơi hòn đảo xa xôi?

Sau khi đọc một hồi những điều tẻ nhạt, vô cùng tẻ nhạt,

dưới ánh sáng của một ngọn đèn dầu hiu hắt,

tôi ậm ừ một dòng thơ say

nhưng chỉ các nguyên âm thì không thể nghe được

tới mộ của kẻ góa vợ ngoài kia.

Vậy thì gió: đừng để cho ai sống ở đây ngoài những kẻ sẽ chết ở đây.

Sự chịu đựng là hành trình vĩ đại nhất.

Ngay cả khi những con thuyền bị gió lớn áp đảo hoàn toàn,

tôi cũng sẽ lên đường, mặc dầu không áo khoác.

Nói cho tôi nghe lại gió ơi: tôi có thể mong gì hơn vào ngày đầu năm mới?

Từ những ngách nhỏ trong căn nhà trọ, những tiếng ho nối đuôi nhau

bắn ra, đó là tất cả những gì mà tôi nghe được.

Một ngày kia chúng sẽ quay trở lại, biến thành tiếng địa phương.

Ôi những lời chào năm mới, bị chôn sống dưới những cơn lốc dại của đảo Jeju.

(Ko Un, từ tập God, the Last Village of Language -1967)

 Ko Un (1933) là nhà thơ người Hàn Quốc. Ông được trao nhiều giải thưởng văn chương trong nước và quốc tế, trong đó có giải công nhận trọn đời của giải thơ Griffin năm 2008. 

 

 Bức tranh Mưa mùa xuân của họa sĩ Tate Hamilton.

Mùa xuân ướt

Lâu đài thực tế lạnh lẽo.

Xung quanh nó thế giới là một lòng suối.

Vài lỗ đặt khéo léo

dưới những ô cửa sổ

cho phép mưa chảy trở lại ra ngoài.

Mưa là một sợi dây

dùng để gói một gói quà không ai biết

có gì bên trong, mà người ta cứ cố gắng gửi.

Có lẽ nó là cam thảo. Có lẽ nó là lòng tốt.

Gói quà lớn đến nỗi ngay cả sự ẩm ướt cũng biến thành một chiếc ô.

(Jane Hirshfield, từ tập The Beauty - 2015)

 Jane Hirshfield (1953) là tác giả của chín tập thơ, hai tập tiểu luận và một số tác phẩm dịch. Năm 2019, bà được bầu làm viện sĩ Viện hàn lâm Khoa học và nghệ thuật Hoa Kỳ.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận