Theo Luật trưng cầu ý dân, người dân sẽ được hỏi ý kiến về những vấn đề quan trọng của đất nước. Trong ảnh: sinh viên tại TP.HCM bỏ phiếu lựa chọn đại biểu đại diện cho mình trong ngày bầu cử 22-5 - Ảnh: Q.Định |
Cùng thời điểm 1-7 còn có 16 luật khác sẽ có hiệu lực thi hành, gồm Bộ luật tố tụng hình sự 2015; Luật thi hành tạm giữ, tạm giam 2015; Bộ luật tố tụng dân sự 2015... Tuổi Trẻ xin giới thiệu một số nội dung quan trọng của các luật này.
Các nội dung được trưng cầu ý dân
Theo Luật trưng cầu ý dân 2015, Quốc hội xem xét, quyết định trưng cầu ý dân về các vấn đề sau đây:
1. Toàn văn Hiến pháp hoặc một số nội dung quan trọng của Hiến pháp.
2. Vấn đề đặc biệt quan trọng về chủ quyền, lãnh thổ quốc gia, về quốc phòng, an ninh, đối ngoại có ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của quốc gia.
3. Vấn đề đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của đất nước.
4. Vấn đề đặc biệt quan trọng khác của đất nước.
Trưng cầu ý dân được thực hiện trong phạm vi cả nước. Ngày bỏ phiếu trưng cầu ý dân là ngày chủ nhật, do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định và được công bố chậm nhất là 60 ngày trước ngày bỏ phiếu trưng cầu ý dân.
Các trường hợp sau đây không tổ chức trưng cầu ý dân: Không tổ chức lại việc trưng cầu ý dân về nội dung đã được trưng cầu ý dân trong thời hạn 24 tháng kể từ ngày kết quả trưng cầu ý dân được công bố.
Không tổ chức trưng cầu ý dân trong thời gian ban bố tình trạng chiến tranh, tình trạng khẩn cấp trong cả nước hoặc trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày bãi bỏ tình trạng chiến tranh, bãi bỏ tình trạng khẩn cấp trong cả nước.
Tòa không được từ chối giải quyết do chưa có luật
Một quy định rất mới của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 là tòa án không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng.
Tòa án được áp dụng tập quán để giải quyết vụ việc dân sự, trong trường hợp các bên không có thỏa thuận và pháp luật không quy định.
Tập quán không được trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định tại điều 3 của Bộ luật dân sự.
Đặc biệt, chánh án Tòa án nhân dân cấp cao, viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của tòa án nhân dân cấp tỉnh, tòa án nhân dân cấp huyện trong phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ.
Nộp đơn khởi kiện bằng hình thức trực tuyến
Đây là nội dung lần đầu tiên được quy định tại Luật tố tụng hành chính năm 2015 và Bộ luật tố tụng dân sự 2015.
Theo đó, ngoài việc nộp đơn trực tiếp tại tòa án, gửi qua dịch vụ bưu chính thì người khởi kiện còn có quyền gửi đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo đến tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án bằng cách gửi trực tuyến qua cổng thông tin điện tử của tòa án (nếu có).
Ngày khởi kiện được xác định là ngày gửi đơn. Sau khi nhận đơn trực tuyến, tòa án in ra bản giấy, ghi vào sổ nhận đơn và thông báo trên cổng thông tin điện tử của tòa án, đồng thời trả lời cho người khởi kiện biết qua thư điện tử.
Bảo vệ thông tin cá nhân
Theo Luật an toàn thông tin mạng 2015, các tổ chức, cá nhân xử lý thông tin cá nhân chỉ được thu thập thông tin cá nhân sau khi có sự đồng ý của chủ thể thông tin cá nhân về phạm vi, mục đích của việc thu thập và sử dụng thông tin đó.
Mức đóng quỹ bảo hiểm tai nạn lao động Đối với quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, người sử dụng lao động hằng tháng phải đóng mức 1% trên quỹ tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của người lao động là cán bộ, công chức, viên chức...; người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn và hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên và người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 1 tháng đến dưới 3 tháng. Lưu ý là không bao gồm người lao động là người giúp việc gia đình. Đây là một trong những nội dung được quy định tại nghị định 37/2016 của Chính phủ (hướng dẫn Luật an toàn, vệ sinh lao động 2015), có hiệu lực từ ngày 1-7. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận