- Nghị định số 103/2012/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 4-12-2012, quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các cơ quan, tổ chức có thuê mướn lao động. Theo nghị định, người lao động sẽ nhận được mức lương tối thiểu cao hơn mức lương hiện nay khoảng 250.000 – 350.000 đồng/tháng. Cụ thể, mức lương tối thiểu của vùng áp dụng với doanh nghiệp: Vùng I là 2.350.000 đồng/tháng; vùng II là 2.100.000 đồng/tháng; vùng III là 1.800.000 đồng/tháng; vùng IV là 1.650.000 đồng/tháng. Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 20-1-2013, mức lương tối thiểu vùng quy định tại Nghị định này được áp dụng từ ngày 1-1-2013.
- Quyết định số 53/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ban hành ngày 22-11-2012, về việc ban hành lộ trình áp dụng tỷ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống. Cụ thể, từ ngày 1-12-2015, xăng được sản xuất, phối chế, kinh doanh để sử dụng cho phương tiện cơ giới đường bộ tiêu thụ trên toàn quốc là xăng E5 (hỗn hợp của xăng không chì và ethanol nhiên liệu biến tính với hàm lượng ethanol từ 4% đến 5% theo thể tích); từ ngày 1-12-2017, xăng được sản xuất, phối chế, kinh doanh để sử dụng cho phương tiện cơ giới đường bộ tiêu thụ trên toàn quốc là xăng E10 (hỗn hợp của xăng không chì và ethanol nhiên liệu biến tính với hàm lượng ethanol từ 9% đến 10% theo thể tích). Trong thời gian chưa thực hiện áp dụng tỷ lệ phối trộn theo lộ trình, khuyến khích các tổ chức, cá nhân sản xuất, phối chế và kinh doanh xăng E5, E10 và đi-ê-zen B5 và B10. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15-1-2013.
- Quyết định số 52/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ban hành ngày 16-11-2012, về chính sách hỗ trợ giải quyết việc làm và đào tạo nghề cho người lao động bị thu hồi đất nông nghiệp. Cụ thể, người lao động thuộc các hộ gia đình trực tiếp sản xuất nông nghiệp bị Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp mà không có đất để bồi thường, có đủ 3 điều kiện: Có hộ khẩu thường trú tại hộ gia đình có đất nông nghiệp bị thu hồi; trong độ tuổi lao động; có nhu cầu học nghề, chuyển đổi nghề, tìm kiếm việc làm, vay vốn tạo việc làm sẽ được Nhà nước hỗ trợ chi phí học nghề, hỗ trợ tìm việc làm, hỗ trợ vay vốn. Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-1-2013.
- Nghị định 94/2012/NĐ-CP do Chính phủ ban hành vào ngày 12-11-2012, về sản xuất, kinh doanh rượu. Theo đó, rượu thuộc nhóm hàng hóa Nhà nước hạn chế kinh doanh nên tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh sản phẩm rượu (phân phối, bán buôn, bán lẻ) phải có giấy phép, trừ trường hợp sản xuất rượu thủ công để bán cho các doanh nghiệp có giấy phép sản xuất rượu để chế biến lại. Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-1-2013.
- Nghị định số 79/2012/NĐ-CP của Chính phủ, ban hành ngày 5-10-2012, quy định về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp và người mẫu; lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu. Nghị định 79/2012/NĐ-CP kế thừa những điểm tích cực của các văn bản trước: quy chế, quy định về nghệ thuật biểu diễn, đồng thời bổ sung thêm những quy định mới về các vấn đề nảy sinh gần đây trong hoạt động biểu diễn, trình diễn thời trang, thi người đẹp và người mẫu... Nghị định gồm 5 Chương, 31 Điều. Trong đó, Nghị định đặc biệt nhấn mạnh tới những điều cấm trong hoạt động biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang, thi người đẹp, người mẫu… của các tổ chức, cá nhân và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động biểu diễn và tổ chức biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang, thi người đẹp và người mẫu, lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-1-2013.
- Nghị định 100/2012/NĐ-CP của Chính phủ, ban hành ngày 21-11-2012, sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 127/2008NĐ-CP về bảo hiểm thất nghiệp. Theo đó, dãn thời hạn đăng ký thất nghiệp từ 7 ngày lên 3 tháng. Cụ thể, trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày mất việc hoặc chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nếu chưa có việc làm mà có nhu cầu hưởng trợ cấp thất nghiệp thì người lao động đăng ký thất nghiệp với cơ quan lao động (nghị định cũ là 7 ngày). Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15-1-2013.
- Nghị định số 96/2012/NĐ-CP của Chính phủ, ban hành ngày 15-11-2012, quy định về điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế. Theo nghị định, đối tượng đăng ký tham gia điều trị phải là người nghiện chất dạng thuốc phiện, có nơi cư trú rõ ràng, tự nguyện tham gia điều trị; người nghiện chưa đủ 16 tuổi chỉ được điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện khi có sự đồng ý của cha, mẹ hoặc người giám hộ hợp pháp. Ngân sách nhà nước bảo đảm toàn bộ chi phí khám sức khỏe, chi phí điều trị cho các đối tượng tham gia điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện trong cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng, trại giam, trại tạm giam. Ngân sách nhà nước hỗ trợ một phần chi phí khám sức khỏe và chi phí điều trị cho người tham gia điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện tại các cơ sở điều trị công lập đối với các đối tượng sau đây: thương binh; người bị nhiễm chất độc hóa học có tỷ lệ thương tật trên 81%; người nghèo; người cao tuổi cô đơn không nơi nương tựa; trẻ em mồ côi; người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2013.
- Quyết định 54/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 4-12-2012 về việc cho vay vốn phát triển sản xuất đối với hộ dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn giai đoạn 2012 – 2015, thay thế các Quyết định 32/2007/QĐ-TTg và 126/2008/QĐ-TTg. Theo đó, hộ dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn có thể vay vốn đến 8 triệu đồng/hộ với lãi suất 0,1%/tháng để phát triển sản xuất, ổn định đời sống, thoát nghèo bền vững. Quyết định có hiệu lực từ ngày 1-2-2013.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận