Những ngày qua, thông tin NSƯT Thành Lộc rời Idecaf sau 26 năm gắn bó đã làm khán giả yêu sân khấu hụt hẫng. Nam nghệ sĩ "xin miễn bình luận", còn người quản lý sân khấu kịch cho biết không nghe thông tin gì từ chính chủ càng khiến dư luận thêm... hoang mang.
Trên nhiều diễn đàn thảo luận chuyện thực hư tin tức Thành Lộc rời bỏ sân khấu, có nhiều bình luận hy vọng rằng đây chỉ là tin đồn nhảm.
Cũng có ý kiến cho rằng, nam nghệ sĩ chỉ đang nghỉ ngơi sau nhiều năm miệt mài sáng tạo và sẽ sớm quay lại như để khẳng định rằng NSƯT Thành Lộc là một phần "linh hồn" của sân khấu kịch Idecaf - địa chỉ uy tín, lâu đời dành cho người yêu nghệ thuật sân khấu.
Những vai diễn khó quên của 'phù thủy sân khấu' Thành Lộc
Điều khiến NSƯT Thành Lộc gắn bó với danh xưng "phù thủy diễn xuất" nằm chính kho tàng 600 vai diễn từ chính diện đến phản diện, từ người già đến trẻ nhỏ, từ bi đến hài, con người đến muông thú... đến những tác phẩm Thành Lộc đứng vai trò đạo diễn. Đó quả là cả gia sản đồ sộ, vô giá.
Nhắc đến NSƯT Thành Lộc là khán giả có thể kể loạt vở diễn có sự góp mặt của anh như series Ngày xửa ngày xưa, Những người thích đùa, Nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn, Dạ cổ hoài lang, Bí mật vườn Lệ Chi, Tía ơi! Má dzìa, Cậu Đồng, Tiên Nga, Ngôi nhà không có đàn ông, Hợp đồng mãnh thú, Ngôi nhà anh túc, Linh vật hoàng triều, Bông hồng cài áo, Người mua hạnh phúc, Ngôi nhà bươm bướm, Giấc mơ tình tình, Tấm Cám, A lô! Lộ hàng!,...
Nhiều người trong giới còn nhận định, đến hiện tại vẫn chưa có một ai đủ khả năng trở thành một "phù thủy sân khấu" thứ hai. Đến hiện tại, nhiều vở diễn chỉ cần có tên NSƯT Thành Lộc đã là một bảo chứng cho chất lượng, sự đầu tư và sẽ... cháy vé.
Cậu Đồng
Cậu Đồng là kịch bản được Việt hóa từ tác phẩm Tartuffe (Lão Lừa Tartuffe) của soạn giả Molière người Pháp, qua bàn tay của đạo diễn Trần Minh Ngọc đã trở thành vở kịch ăn khách hơn 20 năm qua.
Trong đó, Thành Lộc đảm nhận vai chính cậu Đồng - một nhà tu hành biến chất bỗng nhiên được gia đình giàu có cuồng đạo sủng ái hết mực.
Hàng ngàn khán giả từng xem Cậu Đồng đều thừa nhận, yếu tố níu chân khán giả nhiều nhất là tài diễn xuất của Thành Lộc.
Những tràng vỗ tay, tiếng cười liên tiếp xuất hiện mỗi khi Thành Lộc thay đổi biểu cảm, từ cái liếc mắt, nhíu mày đến cách diễn hình thể. Đặc biệt trong những màn diễn lên đồng, nam nghệ sĩ đã vô cùng tinh tế khi kết hợp kỹ thuật múa rối, cải lương, tuồng cổ vào.
Suốt nhiều năm, vở diễn Cậu Đồng cứ mở bán là “cháy vé” đã đủ chứng minh sức hút mãnh liệt đến từ tài nghệ diễn xuất của Thành Lộc.
Bà Một trong '12 bà mụ'
Cũng giống như Cậu Đồng, 12 bà mụ là vở diễn ăn khách và luôn trong tình trạng cháy vé ngay sau khi mở bán của sân khấu Idecaf. Nội dung 12 bà mụ nói về chuyện 12 cung tần được Ngọc hoàng thượng đế giao trọng trách "nặn" ra con người.
Mỗi bà phụ trách một bộ phận trên cơ thể con người như chân, tay, mắt mũi, khuôn mặt... Trong đó, bà mụ cả - Hoàng Thị Mộng Một do NSƯT Thành Lộc thủ vai là người có vai trò quan trọng nhất - tạo ra não bộ, khai nhãn, thổi linh hồn cho đứa trẻ.
Cho đến nay, kịch bản 12 bà mụ vẫn còn nhiều "gợn" nhưng vẫn là vở diễn ăn khách bởi chứa đựng triết lý cuộc sống. Hơn hết, sức hút của vở diễn đến từ tài năng diễn xuất của dàn nghệ sĩ lão làng như Hữu Châu, Thành Lộc, Lê Khánh...
Trong đó, nhiều lời khen ngợi cho Thành Lộc - gọi sự nhập vai của nam nghệ sĩ là "biến hóa khôn lường" với vai bà Một. Khán giả cảm thán, có xem 12 bà mụ mới thấy được đam mê diễn xuất đầy máu lửa, cháy hết mình cho nhân vật của Thành Lộc. Từ đó hiểu được vì sao Thành Lộc được tặng danh xưng "phù thủy sân khấu" bên cạnh vô số giải thưởng diễn xuất.
Trong vở diễn dài gần 3 tiếng, Thành Lộc hóa thân thành bà Một, thầy đồng cốt, con hổ... Ở mỗi lần "biến hình" nam nghệ sĩ lại đặc tả những nét cá tính riêng, cử chỉ đặc trưng của từng hóa thân khó trộn lẫn.
Ông Tư đờn kìm trong 'Tía ơi! Má dzìa'
Năm 2012, sân khấu Idecaf ra mắt vở diễn mới với câu chuyện đương đại mang tên Tía ơi! Má dzìa mà Thành Lộc đảm nhận vai chính - một ông già góa vợ.
Có thể nói, kịch bản của Tía ơi! Má dzìa không chứa yếu tố đột phá nhưng nếu đã xem hẳn phải mủi lòng. Nhiều khán giả tự quảng bá "truyền miệng" cho vở diễn rằng: "Nếu bạn là người đa cảm, dễ mít ướt, hãy chuẩn bị sẵn một bịch khăn giấy lớn để xem ông Tư đờn kìm đau trong nỗi nhớ vợ".
Quả thật, diễn xuất của NSƯT Thành Lộc không cần phải bàn luận nhiều bởi danh xưng "phù thủy sân khấu" được trao tặng nhiều thập kỷ.
Trên sân khấu, ông Tư Chơn uống rượu, đánh đàn kìm và nghêu ngao hát để bày tỏ niềm nhớ thương đến người vợ của mình khiến ai cũng phải sụt sùi. Rồi kế đó, ông cũng có thể làm người ta bật cười một cách sảng khoái ngay được.
Trong cuốn hồi ký Tâm thành và Lộc đời của mình, Thành Lộc dành nguyên một chương để tự họa về các vai diễn, những phản ứng của khán giả khi xem nghệ sĩ biểu diễn.
Thành Lộc làm người xem khóc sụt sùi với hình ảnh ông Tư trong Dạ cổ hoài lang khắc khoải nỗi nhớ nơi "chôn nhau cắt rốn", là kinh ngạc đến xót xa cho phận cô gái trong Hợp đồng mãnh thú - vở diễn từng khiến Thành Lộc bị nghi ngờ về giới tính vì diễn vai giả gái.
Nam nghệ sĩ cũng kể ký ức từng bị khán giả nhí rượt đánh ngay trên sân khấu khi đóng vai phù thủy trong Nàng Bạch Tuyết và 7 chú lùn. Thành Lộc cũng nhắc nữ khán giả đã nán lại cuối đêm diễn, chờ anh ra về để "mắng như tát nước" vì vai diễn người chồng tệ bạc trong vở Hãy khóc đi em.
Cảm xúc của khán giả chỉ đến và đi sau một suất diễn nhưng ở vai trò diễn viên, NSƯT Thành Lộc phải rút cạn năng lượng cho mỗi khi sân khấu sáng đèn.
Nam nghệ sĩ kể, anh diễn hơn 300 suất cho vở Dạ cổ hoài lang và mỗi lần diễn đều khóc đến nỗi mờ mắt, không nhìn rõ bạn diễn. Sau 10 năm gắn bó với vai ông Tư, NSƯT Thành Lộc bị giảm thị lực, khàn giọng vì khóc và nói to quá nhiều.
Nhìn lại mấy chục năm hoạt động sân khấu, NSƯT Thành Lộc nhận định đã vắt kiệt sức lực cho những vai diễn. Đó không chỉ đơn giản là khóc - cười với nhân vật, mà có những thời điểm Thành Lộc phải tìm đến bia, rượu, thuốc lá để có thể sống chân thật với mỗi hóa thân của mình trên sân khấu.
Nhìn lại hành trình 40 năm làm "con tằm rút ruột nhả tơ" đến suy kiệt thể chất, NSƯT Thành Lộc trầm ngâm: "Đó cũng là cái giá mà tôi phải trả cho nghề nghiệp của mình" mà không nửa lời than thở. Sau 10 năm trôi qua, NSƯT Thành Lộc vẫn kiên trì nói ít làm nhiều, để vai diễn, tác phẩm lên tiếng thay mình.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận