07/04/2019 07:29 GMT+7

Những trận đòn lấy đi cuộc đời

THS NGUYỄN QUẾ DIỆU
THS NGUYỄN QUẾ DIỆU

TTO - Bạo lực gia đình đang tồn tại như... một thực tế của đời sống! Nhưng những vết xước, những tổn thương hằn lên mối quan hệ chồng-vợ, cha-con, mẹ-con... gây ra những hệ lụy đáng buồn.

Những trận đòn lấy đi cuộc đời - Ảnh 1.

Gia đình được xây dựng trên tình yêu thương, chăm sóc sẽ mang lại hạnh phúc cho các thành viên. Trong ảnh: cha mẹ vui đùa cùng con tại khuôn viên một chung cư ở Q.Bình Thạnh, TP.HCM Ảnh: TỰ TRUNG

Cần nâng cao nhận thức của phụ nữ và cộng đồng về gia đình và phòng chống bạo lực gia đình. Các cơ quan tư pháp cần tăng cường giáo dục pháp luật cho mọi tầng lớp nhân dân và trợ giúp pháp lý, tuyên truyền pháp luật, tư vấn cho phụ nữ. Chính quyền địa phương cũng cần được trang bị các kỹ năng làm việc cụ thể khi có bạo lực xảy ra

ThS NGUYỄN THỊ HỒNG THỦY

Chị P. (Nhơn Trạch, Đồng Nai) dù đã gần 40 tuổi nhưng hai con vẫn còn nhỏ, bởi chị lập gia đình muộn. Lý do là chị từng có ý định "không lấy chồng" khi có một tuổi thơ không êm đềm.

"Chạy trốn" gia đình

Nhớ về tuổi thơ, chị P. rơm rớm nước mắt: "Cứ mỗi lần không hài lòng là bố hết chửi bới rồi đánh đập. Bố đánh mà chẳng quan tâm đến việc đúng - sai, trong nhà mẹ thường hứng chịu những trận đòn vô cớ từ bố".

Theo chị P., bố chị rất gia trưởng, mọi việc đều phải làm theo ý bố. Đúng - sai chưa biết, nhưng mẹ và các con làm trái ý, không đúng ý bố là bị ăn đòn.

"Nhiều lúc bố lấy dây thừng đánh mấy mẹ con lại cấm không được khóc, nếu khóc bố lại đánh nhiều hơn. Đến nay chị em trong nhà vẫn còn sẹo" - chị P. tiếp tục câu chuyện.

Tuổi thơ chịu đòn roi, chứng kiến bố bạo hành mẹ, "tôi không muốn lấy chồng bởi sợ rơi vào cảnh như mẹ" - chị P. cho biết thêm. Sau này, khi có người theo đuổi, chị P. đã tìm hiểu rất kỹ về "đối tượng" nên bước sang tuổi 36 mới lên xe hoa.

Nhiều trẻ trải qua tuổi thơ bị bạo hành thường bị ám ảnh, gây ra các chấn thương tâm lý trầm trọng, ảnh hưởng đến quá trình phát triển của các em. Biểu hiện thường thấy ở các trẻ bị bạo hành là sợ hãi, không muốn tiếp xúc, không muốn về nhà, bỏ đi nơi khác, thậm chí có em tìm đến cái chết khi bị cha mẹ la mắng, đánh đập...

Nếu không may mắn sống trong gia đình mà bản thân thường xuyên bị bạo hành hoặc chứng kiến sự bạo hành, thường trẻ sẽ có những suy nghĩ, những hành động khác biệt. Cũng vì vậy, nhiều người khi trưởng thành đã không muốn lập gia đình vì sợ cảnh bị la mắng, đánh đập lặp lại.

Bạo hành vượt ngưỡng: tội ác hình thành?

Dù phiên tòa đã qua khá lâu nhưng tôi không thể quên M. - bị cáo mang tội giết cha ở Bình Chánh (TP.HCM). Tại thời điểm gây án, M. là sinh viên một trường cao đẳng. Bị hại, bị cáo là người một nhà nên cả hai bên đều rơi nước mắt khi luật sư hay chủ tọa phiên tòa chất vấn. Nói về động cơ phạm tội thì dài nhưng có thể tóm gọn trong mấy từ, đó là M. phạm tội giết cha vì... thương mẹ.

Cha của M. hay rượu chè, và thường gây sự với vợ. Gánh nặng cơm áo gạo tiền đặt lên vai của người vợ nhưng vẫn bị bạo hành. Suốt cả tuổi thơ phải chứng kiến cảnh mẹ vất vả, tần tảo mà còn bị đánh đập, nên M. tỏ ra ghét người đàn ông đã sinh thành ra chính mình.

Sự căm ghét đối với người cha âm ỉ lớn dần theo ngày tháng đến một ngày, khi về nhà thăm mẹ, thấy cha nằm ngủ mà vẫn nồng nặc mùi rượu nên bao nhiêu nỗi căm ghét tích tụ bấy lâu dâng lên khiến M. không kiểm soát, trở thành kẻ sát nhân, nạn nhân chính là cha ruột.

Những câu chuyện đẫm nước mắt như con giết cha, mẹ; chồng giết vợ hoặc ngược lại đều có những điểm chung: đó là sự tích tụ các mâu thuẫn, bị bạo hành kéo dài nhưng không được giải quyết kịp thời.

Khi tình cảm không còn, sự tích tụ những ấm ức, bực tức hay sự chịu đựng đã vượt ngưỡng, chỉ cần một hành vi "giọt nước làm tràn ly" từ phía người kia có thể khơi nguồn một hành vi tội ác.

Những trận đòn lấy đi cuộc đời - Ảnh 3.

Cha mẹ cùng con đi dạo trong khu dân cư ở Dĩ An, Bình Dương - Ảnh: NGUYỆT NHI

"N" nguyên nhân

Ở Việt Nam, mặc dù Luật phòng chống bạo lực gia đình có hiệu lực từ ngày 1-7-2008 nhưng qua hơn 10 năm thực hiện, tình trạng bạo lực gia đình vẫn còn tồn tại và không ít trường hợp đáng báo động.

Nhìn thẳng vào nguyên nhân của bạo lực gia đình, hầu hết "người trong cuộc" chúng tôi trực tiếp trao đổi đều cho rằng: do bản tính gia trưởng, trọng nam khinh nữ của một số nam giới dẫn đến việc họ tự cho mình cái gọi là quyền quyết định tất cả. Những biểu hiện trái ý đều có thể dẫn đến việc bị bạo hành.

Hoặc tình trạng đó còn xuất phát từ "nghịch cảnh" khách quan như ý kiến của TS tâm lý Nguyễn Văn Công (Hội Tâm lý - giáo dục tỉnh Đồng Nai): trong nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng bạo lực gia đình thì "sự nghèo nàn, túng quẫn là một trong những nguyên nhân dẫn đến cá nhân cảm thấy bất lực và hành động mất sự kiểm soát của ý thức". 

Bên cạnh đó, "việc các cá nhân bị ảnh hưởng bởi hành vi bạo lực của một thành viên trong gia đình, hoặc bị nhiễm những thói hư tật xấu từ môi trường xã hội cũng làm gia tăng tình trạng bạo lực gia đình" - TS Công cho biết.

Còn theo Ths xã hội học Nguyễn Thị Hồng Thủy (trưởng bộ môn xã hội học ĐH Văn Hiến), "có một nguyên nhân rất cơ bản là các thành viên trong gia đình chưa nhận thức đầy đủ quyền và nghĩa vụ của mình trong gia đình và ngoài xã hội. Họ hay sử dụng bạo lực trong việc giải quyết mâu thuẫn xảy ra trong gia đình".

Nhìn nhận những vụ án đau lòng mà bị nạn và bị hại đều là người trong một gia đình thời gian qua, TS xã hội học Lê Hoàng Việt Lâm (Trường ĐH An ninh nhân dân) bổ sung một nguyên nhân đáng báo động khác: "Do nghiện ma túy, do nghiện các game bạo lực hay ghen tuông, hoặc có mâu thuẫn trong vấn đề tài sản khiến một số cá nhân không kiểm soát được hành vi, dẫn đến những hành động mất cả tính người".

Giảm bạo lực gia đình từ nhiều phía

Khi đề cập việc đi tìm giải pháp nhằm giảm tình trạng bạo lực gia đình hiện nay, ngay những nạn nhân của bạo lực gia đình cũng thừa nhận là rất khó bởi một nguyên nhân không nhỏ là sự bất bình đẳng giới.

Hay nguyên nhân khó lường khác chính là những diễn biến, sự thay đổi từ cuộc sống có thể dẫn đến thay đổi tính cách, cách thức hành xử của mỗi người. Chẳng hạn một số ông chồng lúc mới cưới được đánh giá là hiền, chí thú làm ăn, nhưng chỉ một thời gian sau lại sa vào rượu chè, cờ bạc... làm thay đổi tính nết.

Do đó, nhìn thấy được thực trạng, nắm bắt được nguyên nhân nhưng làm sao hạn chế đến mức thấp nhất các hành vi bạo lực gia đình vẫn là chủ đề không bao giờ cũ cho các cơ quan có thẩm quyền, giới chuyên môn và cho cả cộng đồng quyết liệt tìm giải pháp.

TS xã hội học Lê Hoàng Việt Lâm đã chia sẻ một góc nhìn: mọi việc cần đi từ mỗi tế bào của xã hội - đó chính là gia đình. "Trước hết, mỗi người làm cha, làm mẹ phải nêu gương. Đồng thời cần phải phát huy tốt vai trò của các phương tiện truyền thông, nhất là những tuyên truyền về gia đình hạnh phúc; phê phán và đề nghị các cơ quan chức năng kiên quyết xử lý nghiêm các vụ bạo lực gia đình nhằm răn đe" - ông nói. Ngoài ra, TS Lâm còn đề xuất "có những buổi chuyên đề, tọa đàm liên quan đến bình đẳng giới một cách hiệu quả".

Trong khi đó, TS Nguyễn Văn Công cho rằng "trước hôn nhân cần được tư vấn về pháp lý hay kỹ năng phòng ngừa bạo lực, nhất là tư vấn về Luật Hôn nhân và gia đình, Luật bình đẳng giới cho các cặp vợ chồng cũng như tư vấn về tính cách để giảm nguy cơ xung đột".

Đồng tình với những quan điểm trên, nhưng theo Ths Nguyễn Thị Hồng Thủy, các cơ quan chức năng nên lập quỹ phòng chống bạo lực gia đình bởi "số tiền gây quỹ dành để chi trả cho việc chăm sóc, hỗ trợ và cứu giúp các nạn nhân bị bạo hành trong các chương trình hành động của địa phương".

Phụ nữ, trẻ em: đối tượng của nạn bạo hành

Theo Luật phòng chống bạo lực gia đình năm 2007: "Bạo lực gia đình là hành vi cố ý gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, kinh tế đối với thành viên khác trong gia đình".

Bạo lực gia đình tồn tại ở hầu hết các nước trên thế giới và được biểu hiện bằng các hành vi bạo hành về thể chất, tinh thần, tình dục và kinh tế, trong đó người bị bạo hành chủ yếu là phụ nữ và trẻ em.

Theo số liệu một cuộc khảo sát về bạo lực gia đình ở Việt Nam được tiến hành trên tổng số 4.838 phụ nữ từ 18 đến 60 tuổi, có đến 58% cho biết họ từng là nạn nhân của ít nhất một hình thức bạo lực gia đình kể trên.

Chúng ta không "vô can"

vietlam

Một lần đi du lịch cùng gia đình tại làng du lịch Mỹ Khánh (Cần Thơ), tôi đã chứng kiến một bà mẹ cầm cán chổi tre đánh tới tấp vào hai chân một đứa bé lớp 2, đến nỗi bé quỵ chân xuống rồi mà vẫn cứ đánh.

Lạ thay, người cha đứng bên cạnh không có bất cứ động thái nào, những người xung quanh chỉ đứng nhìn. Sau đó, tôi đã nói chuyện với bé và biết bé ở Bình Dương, đang đi du lịch cùng gia đình. Tôi hỏi: "Mẹ có hay đánh con không?", bé trả lời:"Dạ, rất hay đánh con, con đau lắm...".

Vậy nếu người cha can ngăn, có lời khuyên dành cho vợ thì liệu rằng đứa con có đớn đau như thế? Và trách nhiệm của những người xung quanh? Có lẽ ai cũng sợ liên lụy, sợ đứng ra căn ngăn sẽ trở thành "người không bình thường"...

TS LÊ HOÀNG VIỆT LÂM

THS NGUYỄN QUẾ DIỆU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên