Trần Trung Hiếu (bìa phải) phiên dịch chính trong các cuộc họp báo ở môn futsal SEA Games 31 - Ảnh: K.XUÂN
Không chỉ hỗ trợ khán giả đến nhà thi đấu ngồi đúng vị trí, thu dọn rác, hỗ trợ các đoàn quốc tế, các TNV còn phiên dịch trong cuộc họp báo của các HLV, ban tổ chức đại hội. Tất cả hơn 100 TNV ở đây đều là các em học sinh THPT ở độ tuổi 16 - 18.
Ông Mai Thành Chung - giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Hà Nam - cho biết điều khác biệt với nhiều địa phương khác là TNV ở Hà Nam không phải là sinh viên mà đều là các học sinh THPT. Các TNV "búng ra sữa" nhưng năng động, nhiệt tình này sẽ là cầu nối trong việc quảng bá văn hóa, đất nước, con người Việt Nam với bạn bè quốc tế.
Chiều 11-5, Trần Trung Hiếu (học sinh lớp 12 Anh Trường THPT chuyên Biên Hòa, TP Phủ Lý, tỉnh Hà Nam) đĩnh đạc ngồi trên bàn chủ tọa trong cuộc họp báo sau trận đấu giữa đội tuyển futsal VN - Indonesia trong vai trò phiên dịch viên chính.
Dù chưa có cách chuyển ngữ uyển chuyển trong các từ sử dụng riêng cho thi đấu thể thao nhưng việc diễn đạt chi tiết, cẩn trọng của Hiếu giúp các nhà báo rất nhiều trong việc tiếp cận thông tin.
Nhà thi đấu Hà Nam với sức chứa 7.500 chỗ ngồi những buổi thi đấu futsal lúc nào cũng gần như kín chỗ. Để giúp khán giả ngồi đúng vị trí, không xả rác ra khán đài, cổ vũ văn minh... có sự góp sức rất lớn của các TNV học sinh.
TNV Nguyễn Thị Hải Hà (lớp 11 Trường THPT A Bình Lục, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam) cho biết bố mẹ và cả hàng xóm đều ủng hộ em đi làm TNV. Được là một phần của SEA Games 31 em rất tự hào.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận