24/11/2013 09:37 GMT+7

Những tình huống không có trong sách vở

VIỄN SỰ - HỮU KHÁ
VIỄN SỰ - HỮU KHÁ

TT - 21g ngày 2-8, Vũng Tàu MRCC nhận được tin cấp báo về chiếc canô H29BP bị nạn trên vùng biển Cần Giờ. Nhưng người đến báo tin, ngoài một tờ giấy nhàu nát ghi tên tuổi và yêu cầu ứng cứu đã không có bất cứ một thông tin nào về tọa độ của chiếc canô đang chìm dần giữa biển trời tối đen như mực.

bpnnpW1r.jpgPhóng to
Chiếc canô H29BP bị nạn ở vùng biển quá cạn, tàu SAR không thể tiếp cận, phải điều tàu nhỏ đến ứng cứu - Ảnh: Vũng tàu mrcc

Trước tình huống khẩn cấp này, Vũng Tàu MRCC vẫn quyết định cho tàu SAR 272 xuất bến. Dựa vào luồng phương tiện chạy từ Tiền Giang về Vũng Tàu, thuyền trưởng SAR 272 Nguyễn Văn Độ phán đoán canô H29BP có thể đã bị gió mùa tây nam thổi dạt về phía Cần Giờ và cho SAR 272 lao nhanh ra cửa sông Dinh, mở rộng vùng tìm kiếm về phía Cần Giờ...

Cứu nạn không tọa độ

Tuy nhiên, khi chưa tìm được tọa độ của canô bị nạn thì một tình huống éo le xuất hiện: vùng biển Cồn Ngựa, nơi nghi ngờ canô H29BP bị nạn, quá cạn, mực nước trung bình chỉ 0,6m trong khi mớn nước của tàu SAR đến 1,6m. Nếu để tàu mắc cạn thì toàn bộ thủy thủ đoàn và cả lãnh đạo Vũng Tàu MRCC sẽ bị kỷ luật và phải tốn một khoản tiền rất lớn để ứng cứu. Dù vậy, tình huống nguy cấp của 30 con người đang chới với giữa biển đã buộc Vũng Tàu MRCC cho phép SAR 272 đi vào vùng biển cạn. Vừa đi vừa dùng máy dò độ sâu và lợi dụng con nước triều đang lên để tiến nhanh nhất đến vị trí phán đoán canô bị chìm.

23g đêm, khi tàu SAR 272 không còn di chuyển được vì nước quá cạn, lực lượng cứu nạn quyết định hạ xuồng cao su và tìm kiếm bằng... đèn pin. Cuối cùng đến 1g06 ngày 3-8, chiếc canô H29BP với những bóng người đã cạn kiệt sức lực đang bám víu mới hiện ra. “Đó là một điều quá may mắn vì nếu chậm vài phút nữa có lẽ nhiều nạn nhân sẽ buông tay cho sóng biển cuốn trôi vì họ không còn sức để bám nữa” - thuyền trưởng Nguyễn Văn Độ nhớ lại.

Đó không là lần duy nhất mà Vũng Tàu MRCC cứu nạn khi không có tọa độ. Phó giám đốc Vũng Tàu MRCC Lương Trường Phi vẫn nhớ mãi một lần cứu nạn không tọa độ còn hi hữu hơn. Đó là trường hợp sà lan Trường Thịnh 09 với chín thuyền viên bị chìm ngoài khơi Vũng Tàu vào tháng 4-2010.

Khi sà lan chìm, cuộc điện thoại mà Vũng Tàu MRCC nhận được từ điện thoại di động của một thuyền viên có nội dung rất mơ hồ: Các thuyền viên đang bám trên mũi sà lan, rướn mắt thì nhìn thấy hải đăng Vũng Tàu và hai đèn xanh, đèn đỏ chớp nháy (!?). Lúc này, dù tìm cách để các thuyền viên xác định tọa độ, nhưng toàn bộ sà lan đã chìm nên không còn thiết bị để định vị. Chưa kịp hỏi thêm được thông tin gì thì một con sóng mạnh đánh văng điện thoại của thuyền viên và đường liên lạc về Vũng Tàu MRCC bị cắt đứt.

Đây là bài toán tìm tọa độ mà ông Lương Trường Phi nói suốt hơn 20 năm công tác trong ngành hàng hải ông chưa bao giờ gặp. Nhưng nhiệm vụ là phải giải nhanh bài toán ấy khi chín thuyền viên chen chúc nhau trên mũi sà lan đang chìm dần. Một cuộc hội ý gấp rút diễn ra, các thành viên Vũng Tàu MRCC phán đoán: sà lan có thể bị nạn ngay trong luồng, chưa quá xa mũi Vùng Tàu vì sóng điện thoại vẫn còn.

Dựa vào việc thuyền viên còn nhìn thấy hải đăng và đèn xanh (phao số 0), đèn đỏ (phao số 3), ông Phi ước tính: độ cao của phần mũi sà lan còn nhô lên khoảng 1m, cộng độ cao từ chân đến tầm mắt của thuyền viên khoảng 1,6m, tức khoảng 2,6m. Từ độ cao này, và dựa vào độ cao hải đăng và các đèn phao, Vũng Tàu MRCC dự đoán khoảng cách sà lan Trường Thịnh đến vị trí đèn khoảng 4 hải lý và nằm trong luồng phương tiện hàng hải hoạt động. Ngay lập tức tàu SAR 272 xuất bến, và đúng như dự đoán, khi đến vị trí tính toán, chỉ sau năm phút quét đèn, tàu cứu hộ đã phát hiện chín thuyền viên đang bám vào mũi sà lan, lúc này chỉ còn nhô khỏi mặt nước khoảng 30cm. Và chỉ chậm chừng năm mười phút nữa thì những phán đoán tọa độ dù có chính xác có thể cũng trở nên vô nghĩa.

bc4BEFvN.jpgPhóng to
Tàu SAR-272 đang đưa thi thể nạn nhân vụ chìm canô H29BP vào bờ - Ảnh: Viễn Sự

Tàu chưa chìm là chưa rời tàu

Ông Phạm Hiển - giám đốc Vũng Tàu MRCC - nói bài học mà ông luôn căn dặn các nhân viên cứu nạn nghe có vẻ rất tréo ngoe: muốn cứu được ngư dân phải thuyết phục được họ và đôi khi phải chấp nhận... trái quy định. Lý do là đa số ngư dân không ai chịu bỏ tàu khi tàu chưa chìm, kể cả sóng to gió lớn.

Gần đây nhất, vào cuối năm 2012, tàu SAR 412 của Vũng Tàu MRCC đi ứng cứu một tàu cá của ngư dân bị phá nước, đang chìm dần ngoài khơi Trà Vinh. Họ đã gặp tình thế tiến thoái lưỡng nan khi 11 ngư dân trên tàu chia làm hai phe: một phe quyết định lên tàu cứu nạn, một phe nhất định ở lại giữ tàu. Trong khi dầu và nước uống của tàu SAR 412 không đủ để ở lại trên biển lâu. Phải mất một ngày một đêm thuyết phục, các thuyền viên mới chịu bỏ lại con tàu sắp chìm để lên tàu cứu nạn. “Chỉ chậm thêm nửa ngày nữa thì không biết ra sao. Tính mạng ngư dân không thể bỏ nhưng dầu và nước uống lại không cho phép tàu SAR 412 ở lại lâu hơn” - ông Phạm Hiển nói.

Trước đó ít lâu, Vũng Tàu MRCC cũng nhận được điện cấp cứu của một tàu cá Bình Định đang chết máy, thả trôi gần Côn Đảo, trên tàu có 11 thuyền viên. Qua bộ đàm, tàu cá này cho biết xung quanh không có tàu bạn ứng cứu và đề nghị cho tàu ra cứu ngư dân. Nhưng khi tàu SAR 412 ra đến nơi thì thấy tàu cá Bình Định đang... cặp mạn một tàu cá khác, thả neo câu mực và xung quanh là rất nhiều tàu bạn. Theo quy định, đây không phải là trường hợp cứu nạn vì tàu cá Bình Định này có thể thỏa thuận để tàu bạn lai dắt về bờ, tính mạng ngư dân không bị đe dọa. Nhưng đã ra đến nơi, không thể bỏ ngư dân để chạy về, tàu cứu nạn vẫn lai dắt tàu cá về đến tận đảo Phú Quý hoàn toàn miễn phí.

Nói thêm về điều này, ông Trần Văn Long - giám đốc Đà Nẵng MRCC - cho biết theo quy định của Nhà nước, việc cứu nạn (liên quan đến tính mạng con người) là hoàn toàn miễn phí và được thực hiện khẩn cấp, còn cứu hộ (liên quan đến tài sản) được thực hiện theo thỏa thuận với nguyên tắc bù giá, do chủ phương tiện trả. Tuy nhiên áp dụng được nguyên tắc này trong cứu nạn với tàu cá ở Việt Nam là điều rất khó khi đa số tàu cá đều không mua bảo hiểm. Gặp sự cố, ngư dân đều cố bám lấy phương tiện mà không chịu rời tàu, gây khó khăn rất lớn cho việc cứu nạn, nhất là trong điều kiện thời tiết xấu.“Quy định thì không ai dám nói sẽ làm sai nhưng khi tàu cứu nạn đã tiếp cận phương tiện của ngư dân, trừ trường hợp không còn lai dắt được, còn lại đều cố gắng “vận dụng” để kéo phương tiện về cho ngư dân” - ông Long nói.

Có nhiều vụ cứu nạn tưởng chừng đi vào ngõ cụt thì những chuyên gia dày dạn xuất hiện chỉ đường ứng cứu. Họ là ai?

Kỳ tới: Những người cứu nạn nghiệp dư

VIỄN SỰ - HỮU KHÁ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên