Xếp xe ngay ngắn, bốn shipper lần lượt vào quán đọc mã đơn. Bên trong, chị Trúc chủ quán cùng hai nhân viên gắp đồ ăn và múc canh cho vào hộp.
Nằm trong hẻm sâu và chỉ bán online qua ứng dụng, nhưng quán Thế Giới Cơm Tấm - Bún Thịt Nướng - Xôi Mặn được khá nhiều khách biết đến và chọn làm nơi mua đồ ăn trưa bằng cách đặt qua Grab và thường theo combo để nhận ưu đãi hấp dẫn.
Bỡ ngỡ lần đầu bán qua app
Chuỗi cơm tấm - bún thịt nướng của vợ chồng chị Hoàng Thị Hoa (37 tuổi, chủ quán) có đến 6 chi nhánh ở TP.HCM và 1 quán ở TP Thủ Dầu Một (Bình Dương). Chị Hoa kể mình mở quán đầu tiên từ năm 2018, song lúc đó chủ yếu bán tại chỗ vì… không biết bán online là thế nào.
Ban đầu, chị chủ yếu bán cho khách ăn tại chỗ vì chuyện đưa quán của mình lên bán online qua các ứng dụng còn khá mới đối với anh chị. Khi thấy nhiều người bán online khá thành công, chồng chị Hoa bắt đầu học hỏi.
Khi mới liên kết ứng dụng, anh chị gặp không ít bỡ ngỡ. "Chồng tôi đi ra ngoài thấy các quán hay bán thông qua app nên tìm hiểu, mày mò từ từ. Lúc đầu chỉ đăng ký bán thôi chứ chưa rõ về các app bán hàng. Khi có đơn, tôi còn không biết xem đơn ở đâu, hay làm thiếu món cho khách".
Sau một thời gian, vợ chồng chị quen cách sử dụng app và thành thạo bán online với quán đầu tiên ở hẻm đường Nguyễn Văn Công, quận Gò Vấp. Khi doanh số tăng, chị mở thêm các chi nhánh khác.
Tương tự, chị Huỳnh Thị Trúc (38 tuổi, chủ shop hoa Iris ở quận Bình Thạnh) cũng thừa nhận có nhiều tiện ích trong việc liên kết với ứng dụng giao hàng để bán online, nhất là đối với cửa hàng nằm trong hẻm sâu ít người biết đến.
Chị Trúc mở tiệm hoa từ tháng 9-2022, mới dời vào hẻm sau thời gian bán ở mặt tiền diện tích nhỏ.
Theo xu hướng bán hàng online, sau vài tháng, chị cũng tập tành liên kết ứng dụng giao hàng. Khi đăng ký bán trên GrabMart, chị Trúc được hướng dẫn cụ thể và cách sử dụng app cũng đơn giản, bao gồm cách tải app, đăng nhập, đăng sản phẩm… Qua những bỡ ngỡ ban đầu, chị dần rành rẽ cách bán, biết đăng sản phẩm phù hợp phân khúc khách hàng.
Tăng doanh số, quảng bá thương hiệu cho quán trong hẻm
"Bán chạy nhất là những bó hoa nhỏ hoặc kết hợp vài loại hoa với nhau, giá mềm. Khách đặt nhiều nhất là sinh viên, nhân viên văn phòng…", chị Trúc nói và cho biết khách mua online khá cao, trong đó đơn trên GrabMart chiếm tỉ lệ nhiều nhất. Khách nước ngoài chiếm 40% lượng đơn.
Đơn hàng ở shop hoa thường "bùng nổ" vào buổi sáng khoảng 10h và chiều sau 17h, khách mua online nhiều hơn mua trực tiếp. Theo chị Trúc, trung bình một ngày shop hoa Iris bán ra khoảng 10 - 15 đơn trên ứng dụng Grab. "Ngày lễ thì đơn dồn dập, tài xế đến lấy đơn đông ngoài dự kiến.
"Những ngày như lễ 20-10, tiệm tôi bán hơn 30 triệu đồng và chỉ bán qua app nửa ngày vì không đủ nhân lực đáp ứng đơn", chị thông tin thêm.
Trong khi đó, mỗi ngày, tiệm cơm của chị Hoa bán khoảng 100 - 120 đơn đặt qua ứng dụng giao hàng, ngày nào nhiều 150 - 170 đơn. Có những đơn shipper xách một lần 5 - 7 phần cơm. Vào cuối tuần, đơn trải đều từ sáng đến tối.
Nói về lợi ích của việc liên kết bán hàng trên ứng dụng, chị Hoa chia sẻ: "Bán trong hẻm, diện tích quán nhỏ nên mình bán online rất tiện, đưa sản phẩm lên đó thì người ta mới biết tới mình để mua. Các chi nhánh của tôi chủ yếu bán online. Nhờ vậy mà có thu nhập ổn định, gia đình đủ tiền chi xài, nuôi con", chị Hoa nói và cho biết lượng khách chủ yếu là dân văn phòng.
Chị chia sẻ thêm: "Tôi kết hợp chạy chương trình khuyến mãi trên GrabFood để đơn tăng gấp đôi, và bán kèm các loại nước uống như trà, áp dụng combo giảm giá nếu khách mua cơm và nước kèm theo. Quán mình còn khá mới nên phải áp dụng khuyến mãi theo gói tuần hoặc tháng để bán chạy hơn", chị cho biết.
Để thúc đẩy đơn hàng cho shop hoa, chị Trúc cũng thường áp dụng các gói khuyến mãi phù hợp với sản phẩm. Tết này, chị sẽ bán đến 28 - 29 tháng Chạp rồi nghỉ, ngày lễ tình nhân 14-2 bán lại. Chị Trúc đoán ngày 14-2 sẽ có lượng khách vừa phải.
Với chị Hoa, mấy năm trước, chị bán đến ngày 28 tháng chạp và nghỉ tới mùng 6, có khi mùng 10. Năm nay chị dự định mở bán sớm hơn. "Gần cận Tết đơn ít hơn vì khách đã nghỉ về quê nhiều rồi", chị nói.
Đi chợ online, thoải mái chọn đồ
Những ngày cuối năm, kho hàng của FoodMap (tại quận Tân Phú) khá náo nhiệt khi các nhân viên liên tục cân hàng, đóng gói, dán logo để giao cho khách ở khắp nơi.
FoodMap, một startup thương mại điện tử chuyên cung cấp các mặt hàng nông, đặc sản, trái cây Việt, thành lập vào tháng 12-2018. Đưa hàng hóa lên GrabMart từ trước đại dịch, FoodMap mang đến cho người tiêu dùng đa dạng các sản phẩm không chỉ nông - đặc sản Việt mà còn là các sản phẩm quà tặng độc đáo, mới lạ.
Theo anh Mai Thanh Thái - đồng sáng lập FoodMap, khi đăng ký bán hàng trên GrabMart, doanh nghiệp tập trung vào những mặt hàng trái cây chất lượng cao. "Chúng tôi quảng bá sản phẩm, đặc biệt là công năng, cách sử dụng để khách hàng chịu chi tiền vào những sản phẩm tốt hơn thay vì mua phải đồ kém chất lượng", anh cho biết.
Trên nền tảng GrabMart, FoodMap bán xuyên suốt cả năm với những nhóm sản phẩm như trái cây quanh năm, trái cây nhập khẩu, đặc sản, hàng tiêu dùng. Đối với trái cây sẽ có hai nhóm, thứ nhất là trái quanh năm như ổi, cam, xoài, sầu riêng. Thứ hai là theo mùa như một số loại trái miền Bắc gồm vải thiều Bắc Giang, lê Tây Bắc, cam Hà Giang. Trong miền Nam có nhãn, chôm chôm, măng cụt…
Anh Thái cho hay trong năm có hai thời điểm khách hàng có nhu cầu mua nhiều là mùa trái cây giữa năm và mùa Tết cuối năm.
Để tối ưu đơn hàng, FoodMap liên tục tung ra ưu đãi hấp dẫn như freeship và các chương trình khuyến mãi khác. Theo anh Thái, khi có khuyến mãi, số lượng đơn hàng bán ra nhiều hơn và giá trị đơn hàng cũng tăng lên thông qua việc khách kết hợp thêm nhiều món khác vào giỏ hàng.
"Người dùng GrabMart có thể đi chợ online bằng cách lướt danh mục sản phẩm của các gian hàng. Vì vậy, chúng tôi đưa nhiều mặt hàng lên để khách dễ dàng tham khảo giống như đi siêu thị, có thể lựa chọn được nhiều thứ", anh Thái chia sẻ và nói rằng việc liên kết với Grab giúp FoodMap có doanh thu khá ấn tượng.
Sắp tới, các sản phẩm mà FoodMap hướng đến trên GrabMart là nhóm hàng ổn định hơn như cà phê, gia vị, quà tặng, trái cây chất lượng cao. Anh Thái nhận định: "Những nhóm này đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng Grab hướng đến là mua sử dụng liền, mua tặng với các sản phẩm sản phẩm tốt và tối ưu về giá".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận