"Trước hết, cần khẳng định ngay tôi là người có thói quen sử dụng còi xe khi đi đường. Rõ hơn, mỗi khi lên xe tôi đều kiểm tra đèn, đặc biệt là còi. Nếu các thiết bị ấy trục trặc tôi cảm thấy không an tâm khi lái xe ra đường.
"Chiếc còi xe rõ ràng được tạo ra để người lái xe sử dụng khi có nhu cầu xin vượt. Song, liệu có quá vô duyên và gây bực mình cho nhiều người khi đang dừng xe chờ đèn đỏ trong tình trạng xe cộ chật như nêm mà xe sau vẫn cứ bóp còi inh ỏi thúc xe trước vượt đèn."
Lê Công Sĩ
Từ đó, có thể thấy rằng còi xe được thiết kế là một thiết bị có chức năng báo hiệu, cảnh báo… là vấn đề không cần bàn cãi. Tương tự, việc sử dụng còi xe đúng chức năng mà nhà sản xuất tạo ra thiết tưởng cũng không là vấn đề đáng bàn.
Tuy vậy, làm sao sử dụng tiếng còi không gây phản cảm ở xứ ta là vấn đề đáng suy ngẫm?
Bạn Đoàn Sỹ trong bài viết đã nói không sai khi đề cập đến mặt tích cực của việc dùng còi bởi những tình huống bạn nêu trong bài phù hợp với chức năng chiếc còi được tạo ra bởi nhà sản xuất.
Ở bài viết ngắn này tôi đề cập những tình huống mà tiếng còi xe trở nên rất vô duyên, lạc lõng và theo tôi chắc hẳn nó nằm ngoài mục đích của nhà sản xuất.
Hàng ngày lưu thông trên đường hẳn chúng ta từng bắt gặp những biển "cấm" bóp còi xe hoặc những ai từng trải qua những bài học giáo dục công dân vỡ lòng đều hiểu rõ nơi nào hạn chế tiếng ồn nói chung, tiếng còi xe nói riêng.
Đó hẳn là bệnh viện, trường học, thư viện công trình tôn giáo như nhà thờ, chùa chiền…
Thế nhưng, không khó bắt gặp những tiếng còi đinh tai nhức óc từ phương tiện giao thông các loại khi lưu thông qua những khu vực này.
Chiếc còi xe rõ ràng được tạo ra để người lái xe sử dụng khi có nhu cầu xin vượt, song liệu có quá vô duyên và gây bực mình cho nhiều người khi đang dừng xe chờ đèn đỏ trong tình trạng xe cộ chật như nêm mà xe sau vẫn cứ bóp còi inh ỏi thúc xe trước vượt đèn(?!).
Tôi không nói chuyện đúng sai khi người lớn tuổi và trẻ nhỏ tham gia giao thông bằng cách tự điều khiển phương tiện, song hình ảnh đó khá phổ biến ở nông thôn.
Với tôi, người lớn tuổi và trẻ nhỏ là đối tượng dễ "tổn thương" và do vậy tôi không bao giờ dùng còi xe những khi gặp đối tượng này. Ngược lại, tôi thường cho xe chạy chậm lại và chủ động tránh.
Tuy vậy không ít lần tôi thấy nhiều người vẫn cứ bấm còi một cách bực dọc như thể quát nạt khi gặp người lớn và trẻ nhỏ trên đường.
Báo chí từng ghi nhận nhiều trường hợp nạn nhân các tình huống tai nạn giao thông đơn giản chỉ giật mình vì tiếng còi xe mà mất bình tĩnh, lạc tay láy và trong số đó không ít là người lớn và trẻ nhỏ.
Tôi cũng từng chứng kiến cảnh nhiều người chạy xe trên đường cứ luôn bấm còi xin vượt trong mọi tình huống và ở mọi nơi, mọi lúc đến mức tôi từng nghĩ họ có vấn đề về tâm thần nhưng không phải.
Đơn giản, họ bấm còi một cách… vô thức, như thể đường sá được thiết kế và xây dựng ra dành riêng cho họ vậy.
Kết thúc bài viết ngắn này, tôi cho rằng việc đề cập nhân cách một người khi sử dụng còi xe là cách nói "nâng quan điểm".
Ngược lại, việc sử dụng còi xe một cách vô tội vạ vốn là tâm điểm tranh luận chỉ là hành động xuất phát từ thói quen xấu, là biểu hiện của sự vị kỷ (chỉ biết đến lợi ích, sự an toàn của mình mà không quan tâm lợi ích, sự an toàn của người khác) nơi phần đông người tham gia giao thông mà thôi.
Để những tiếng còi không trở nên lạc lõng, gây bức xúc, khó chịu cho người khác, hãy trả nó về đúng chức năng của nhà sản xuất. Nói cách khác, người lái xe nên học cách tham gia giao thông một cách có văn hóa, đặt mình vào bối cảnh giao thông chung và tiết chế sự vị kỷ nơi mỗi người".
Bài viết thể hiện quan điểm, góc nhìn riêng của tác giả. Còn bạn, làm thế nào để dẹp đi những tiếng còi xe lạc lõng, gây phản cảm? Mời bạn hiến kế và chia sẻ với chúng tôi qua phần BÌNH LUẬN dưới bài viết hoặc gởi về địa chỉ: [email protected]. Cảm ơn bạn!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận