Hội nghị khoa học thúc đẩy sự trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm trong thực hành nghiên cứu ung thư phổi tại Việt Nam và thế giới, hướng tới việc nâng cao năng lực nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng tại các bệnh viện.
Thử nghiệm lâm sàng là một giai đoạn quan trọng và cần thiết trong quá trình nghiên cứu và phát triển các giải pháp điều trị hoặc các loại dược phẩm mới, góp phần thay đổi thực hành điều trị, đem lại những tác động tích cực đến sức khỏe con người.
Hiện nay có nhiều nghiên cứu của AstraZeneca đã và đang được triển khai tại Việt Nam, với sự tham gia của hơn 6.500 bệnh nhân. Các nghiên cứu được thực hiện trên nhiều bệnh lý khác nhau, đặc biệt là các bệnh không lây nhiễm như ung thư phổi, vốn có tỉ lệ mắc mới cao nhất thế giới và thứ 3 tại Việt Nam.
Tại hội nghị, "Chúng ta đã chứng kiến một sự tiến bộ mạnh mẽ, từ các phương pháp hóa trị truyền thống đến các loại thuốc nhằm trúng đích và thuốc miễn dịch tiên tiến. Những thành tựu này không chỉ nâng cao hiệu quả điều trị mà còn mang lại hy vọng sống cho nhiều bệnh nhân" - PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương - thứ trưởng Bộ Y tế - nhấn mạnh.
Với sự hỗ trợ từ Bộ Y tế, sự cam kết từ các chuyên gia y tế, sự tham gia tích cực, chất lượng của các bệnh viện/cơ sở nghiên cứu, sự hợp tác của các tổ chức nghiên cứu quốc tế, thứ trưởng tin tưởng rằng trong thời gian tới các cơ sở nghiên cứu sẽ tham gia nhiều nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng hơn nữa, đặc biệt là các nghiên cứu quốc tế, đa trung tâm để góp phần phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Nhiều nghiên cứu triển khai tại Việt Nam cũng đã được báo cáo với kết quả tích cực, đánh dấu sự tiến bộ rõ nét trong điều trị ung thư phổi nói riêng và trong phòng chống ung thư nói chung, đồng thời cập nhật các kết quả thử nghiệm lâm sàng quan trọng được báo cáo gần đây, tại các hội nghị lớn trên thế giới. Các kết quả từ các nghiên cứu này đang và sẽ mang đến những sự thay đổi lớn đối với thực hành lâm sàng điều trị ung thư phổi.
Đơn cử là nghiên cứu ADAURA trên bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ sau phẫu thuật có đột biến EGFR dương tính, mà Việt Nam đã tham gia từ năm 2015 đến nay. Đây là nghiên cứu Pha III toàn cầu đầu tiên chứng minh lợi ích của thuốc TKI thế hệ thứ 3 trên thời gian sống còn toàn bộ (OS), cũng như thời gian sống còn không bệnh (DFS) của nhóm bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ sau phẫu thuật có đột biến EGFR dương tính, so với giả dược.
Chia sẻ về thử nghiệm lâm sàng tại Việt Nam, GS.TS.BS. Lê Văn Quảng - giám đốc Bệnh viện K - cho biết: "Trong số nhiều thử nghiệm lâm sàng được thực hiện ở Việt Nam, nghiên cứu trên bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ giai đoạn bệnh tiến triển tại chỗ quá chỉ định phẫu thuật là một trong những nghiên cứu được báo cáo tại Hội nghị ASCO 2024 vừa diễn ra tại Hoa Kỳ.
Kết quả nghiên cứu vượt ngoài sự mong đợi với thời gian sống thêm cho bệnh nhân không tiến triển bệnh không chỉ là vài tháng, mà đến 39,1 tháng. Đây là thành quả của sự hợp tác và nỗ lực chung của các nghiên cứu viên ở nhiều bệnh viện trên cả nước".
Ông Atul Tandon, tổng giám đốc AstraZeneca Việt Nam, chia sẻ: "Trong thời gian vừa qua, kinh phí cho nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng của công ty tại Việt Nam là hơn 70 triệu đô la Mỹ. Đối với chúng tôi, trên cả sự đầu tư tài chính, đây là những khoản đầu tư cho nhân loại.
Chúng tôi không chỉ muốn thúc đẩy những phương pháp điều trị tiên tiến mà còn hướng tới tham vọng táo bạo hơn, đó là loại bỏ ung thư, trong đó có ung thư phổi như là một nguyên nhân gây tử vong".
Ông cho biết để làm được điều này, không chỉ nghiên cứu đưa ra các phương pháp điều trị tiên tiến mà công ty còn đang tập trung vào các khía cạnh khác như nâng cao nhận thức về bệnh, tăng cường phòng ngừa, tầm soát, chẩn đoán sớm và chăm sóc bệnh nhân.
Vào năm 2023, công ty và Bộ Y tế đã ký kết hợp tác chiến lược kéo dài 5 năm nhằm thắt chặt mối quan hệ song phương, thúc đẩy hợp tác toàn diện trong nghiên cứu và phát triển, sản xuất dược phẩm, phòng và kiểm soát bệnh tật, phát triển hệ thống y tế bền vững.
Từ năm 2006, Công ty AstraZeneca đã đầu tư 70 triệu USD vào R&D để tiến hành các nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng, góp phần tăng cường năng lực nghiên cứu của Việt Nam và giúp bệnh nhân tiếp cận sớm hơn với các loại thuốc tiên tiến nhất. Công ty hiện đang có 65 nghiên cứu đã và đang được triển khai tại gần 50 bệnh viện trên cả nước.
Song song đó, năm 2023 công ty đã ra mắt "Mạng lưới Đổi mới sáng tạo y tế" với sự hợp tác của Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam (VYPA), nhằm đẩy nhanh ứng dụng khoa học và công nghệ, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào chẩn đoán sớm và sàng lọc các bệnh không lây nhiễm (NCDs) phổ biến trong cộng đồng, trong đó có ung thư phổi.
Chương trình đã được triển khai tại 5 thành phố lớn với hơn 60 bệnh viện tham gia và sàng lọc các bệnh về phổi, trong đó có ung thư phổi, cho hơn 100.000 người.
Đến năm 2024, chương trình dự kiến khám sàng lọc miễn phí và chẩn đoán sớm trực tiếp cho hơn 100.000 người, đồng thời thực hiện khám sàng lọc và tư vấn trực tuyến dựa trên nền tảng ứng dụng AI về các bệnh không lây nhiễm cho khoảng 1 triệu người dân.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận