Bàn ăn là “hiểm địa”
Sốc phản vệ là ca dị ứng không đội trời chung của hệ miễn dịch. Chưa rõ oan khiên nào, hệ miễn dịch lại bất cộng đái thiên với một số thực phẩm. Người ta còn sốc la liệt với thuốc men, hóa chất, côn trùng..., nhưng ngày 3 bữa, bàn ăn vẫn là “hiểm địa” số một.
Cửu đại anh hào
Đứng đầu chuỗi thức ăn, chúng ta ăn đủ thứ trên trời dưới biển, nên khó nói món nào dễ dị ứng, dễ sốc hơn món nào. Tuy vậy, dựa vào thân thủ, người ta chỉ ra 8 cái tên xứng mặt hơn cả:
- Sữa: 2-3 % trẻ con có oán với sữa, nhưng vào tuổi trưởng thành, hơn 90% trong số chúng hòa giải thành công. Hai protein sữa hay sinh sự nhất là casein và váng sữa
- Trứng: cũng vậy, chừng 1,5 % trẻ chuốc thù với trứng. Lòng trắng nguy hơn lòng đỏ.
- Quả hạt vỏ cứng (hạnh nhân, điều, mắc-ca, dẻ, óc chó...). Chưa rõ cơn cớ, nhưng hạt có vỏ nổi tiếng gây dị ứng và dị ứng nghiêm trọng. Đây là loại dị ứng suốt đời.
- Đậu phộng: đáng lẽ chung nhóm có vỏ, nhưng được đặc biệt xếp riêng bởi sự “ác liệt” về mức phổ biến, cũng như khả năng sốc phản vệ. 8 - 10% trẻ em và 2% người lớn mắc mứu với đậu phộng và chế phẩm, nổi như cồn là bơ đậu phộng.
- Hải sản có vỏ: gồm cả giáp xác (cua, tôm hùm, tôm, tép...) và thân mềm (trai, hến, sò, mực, bạch tuộc...). Chưa rõ cách nào mà mấy thứ có vỏ cứng, đều “cứng”với hệ miễn dịch. Đây cũng là thể dị ứng kiểu cả đời.
- Lúa mì (bánh mì, mì, gato, bia, tương cà, nước tương, hương liệu, kem...). Phân biệt với bệnh celiac và bất dung nạp gluten không celiac, và chỉ có dị ứng lúa mì mới gây sốc phản vệ.
- Đậu nành: thường nhẹ, trẻ lớn lên có thể khỏi.
- Cá: tận 8% dân số thế giới lành dữ khó đoán với món cá, không chỉ số lượng mà còn vì bụng dạ khó lường. Đặc biệt, đây là loại dị ứng phát triển vào tuổi trưởng thành, bỏ qua thời kỳ quá độ hồi thơ bé.
Dị ứng suốt đời
Lưu ý về yếu tố dị ứng suốt đời của vài “điển hình”. Nhiều thể dị ứng có thể khỏi khi trẻ đến độ tuổi nào đó, nhưng số khác là mất khả năng hòa giải. Hiểu chuyện sẽ giúp xử lý thấu tình đạt lý. Chẳng hạn, trẻ có thể không phải cả đời né món bơ đậu phộng, nhưng với món tôm hùm thì chỉ có thôi kiếp này.
Chẩn đoán phân biệt
Chuyện tương tự với những nhầm lẫn giữa dị ứng và phản ứng không miễn dịch, thường là với chứng bất dung nạp (lactose, gluten), phản ứng phụ gia (bột ngọt), và một số bệnh như viêm dạ dày/ruột, hội chứng ruột kích thích... Chẩn đoán nhầm thì chữa trị nhầm, có khi vì thế mà oan thác.
Chuyện nọ xọ chuyện kia
Cần để mắt đến cả phản ứng chéo giữa thực phẩm và chất dị ứng không phải thực phẩm. Ai đó dị ứng củ quả cũng có thể dị ứng với phấn hoa. Người dị ứng đậu lạc có thể chí nguy với kem thoa chữa phát ban. Người dị ứng cao su latex trong găng tay làm bếp có cơ vô sốc khi dùng quả kiwi, chuối bơ... Nguyên cớ, tình cờ chúng có thành phần, thường là protein, tương tự nhau. Phát giác bắt cầu này có thể cứu nhiều mạng người.
“Xúc tác” sốc phản vệ
Đôi khi dị ứng lành như đếm lại trở nặng, không qua nổi con trăng, nhờ được “xúc tác”. Một số người chỉ sốc khi vận động, thể thao sau khi dùng thực phẩm có lúa mì. Dị ứng đôi khi treo đầu dê bán thịt chó. Người bệnh hen Baker bị khó thở khi hít phải bột mì, nhưng khi xơi thực phẩm có lúa mì lại vô sự. Phận hẩm của thanh niên thái hành kể trên, có thể diễn ra theo kịch bản như vậy: anh í ăn hành mòn răng, nhưng chỉ vì hít hơi hành khi thay vợ vào bếp, mà ra nông nỗi.
Ngăn ngừa dị ứng thực phẩm
Cơ bản là “điệp vụ bất khả thi”, nhưng không thiếu cách, ít ra giúp bạn không phải rơi vào sốc phản vệ. Cần chia hai nhóm, một chưa biết dị ứng thứ gì và một nhận rõ “thiên địch”
Ở nhóm đầu, “địch trong tối ta ở ngoài sáng”, nên bị phòng chỉ có thể dựa vào cơ địa, tiền sử, cảnh giác tiền án, tiền sự hoặc món chưa từng nếm qua. Có thể dùng tạm “test da” cải biên, tức nếm thử lượng nhỏ trước khi hạ hồi phân giải. Tuy vậy, cần cẩn thận với một số “mặt rô” thì một giọt, một miếng dính đầu đũa, cũng đủ gây họa.
Người ở nhóm đã rõ bạn thù có phần dễ thở hơn
Đào sâu hiểu biết về đối tượng để tránh oan gia. Đời muôn nẻo, dị ứng đâu chỉ mặt mũi rành rành, chúng còn giỏi núp bóng và đánh tráo khái niệm. Lúa mì gây dị ứng có thể tìm thấy trong... mỹ phẩm, chẳng hạn.
Nhận mặt biến trá qua nhiễm chéo. Nguồn dị ứng có thể từ chén, muỗng, tay người chế biến bốc từ món này sang món khác. Món xôi của bạn có thể dính hằng hà hạt lạc rang từ tay bà bán xôi, dù bạn đã order kỹ “miễn đậu phộng”
Cố gắng dùng thực phẩm tinh khiết nhất có thể, càng tối giản càng tránh “đi đêm có ngày găp ma” .
Sạch sẽ, không chủ ý nhưng có thể giúp loại bỏ bộn các chất gây dị ứng. Đơn giản như rửa tay giúp loại bỏ dị ứng đậu phộng. Chất tẩy rửa loại bộn các chất gây dị ứng trên bề mặt.
Kiểm tra nhãn mác thực phẩm. Biết thân thì xác định bạn phải mất thời gian nhiều hơn trước các quầy hàng. Đặc biệt nếu oan khiên của bạn là loại dị ứng nguyên quá phổ biến.
Nếu được nên có quyển nhật ký ẩm thực. Dị ứng không phải lúc nào cũng bưu đầu sứt trán, chúng có thể chỉ sượt nhẹ mà nếu bạn bỏ qua, lần sau sẽ không còn “lịch sự” như thế. Quyển hồi ký này còn cực quý khi bác sĩ cần tiền sử của bạn, nếu chẳng may.
Đặc biệt trẻ con, nếu tiện, nên mang vòng tay hoặc bảng hướng dẫn sơ cứu, luôn mang theo người. Nếu được kê đơn, đừng bỏ quên ở nhà mấy viên kháng histamin, hay cây bút chích epinephrine...
Yếu tố nguy cơ
Không có người miễn dị ứng, chỉ là nó chưa tới mà thôi. Dị ứng và sốc không chừa một ai, dù vậy vẫn có một số người cần “mở to mắt” hơn phần còn lại. Đó là người có bệnh hoặc có tiền sử gia đình dị ứng, hen suyễn, phát ban, chàm. Người từng bị dị ứng thực phẩm và tái phát. Những ai đã dị ứng, hoặc dị ứng với một món ăn, thường sẽ mắc mứu với những món khác, dị ứng thực phẩm ít khi chỉ một rồi thôi. Trẻ con mặc định là đối tượng nguy cơ, không chỉ vấn đề miễn dịch non trẻ, mà còn bởi “kho dữ liệu” dị ứng của chúng vẫn còn nhiều trang chờ điền đầy đủ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận