Gia đình voọc - Ảnh: NGUYỄN ĐĂNG ĐỆ
Với chiếc máy ảnh và ống kính dài ngoẵng trên tay, họ âm thầm mai phục, kiên trì đeo bám, nín thở quan sát cuộc sống đàn voọc. Chẳng ai trong số họ hay rằng mình đã vô tình trở thành người thư ký nhẫn nại ghi lại và giới thiệu vẻ đẹp loài voọc Sơn Trà đến công chúng.
Sức cuốn hút kỳ lạ
Bão số 10 quần thảo bắc miền Trung, trời Đà Nẵng âm u, mưa lất phất, nhưng các thành viên Câu lạc bộ Nhiếp ảnh nghệ thuật (CLBNANT) Sông Hàn vẫn gói ghém máy móc lên xe thẳng tiến hướng Sơn Trà. Hỏi Sơn Trà có gì hay lắm sao mà các anh mê đắm thế? Huỳnh Anh, chủ nhiệm CLB, cười khà khà, bảo có lên trên ấy mới hiểu được tại sao.
Ngót nghét gần chục năm theo chụp voọc Sơn Trà, có nhiều gia đình voọc anh nhớ mặt, đặt tên cho từng con. Anh bảo rằng cái đầu tiên hấp dẫn con người của loài voọc chà vá chân nâu Sơn Trà là màu lông sặc sỡ của chúng. Nhưng không chỉ có vậy. Những ngày theo chụp voọc, họ dần phát hiện ra cái hay, cái đẹp trong cuộc sống sinh hoạt của loài linh trưởng quý hiếm này.
"Một đàn voọc là tập hợp của vài gia đình nhỏ. Chúng sống với nhau rất tình cảm nhưng cũng rất kỷ luật, có thứ bậc rõ ràng. Tất cả voọc trong đàn luôn tuân thủ hiệu lệnh của con đầu đàn. Còn trong mỗi gia đình, voọc bố luôn nắm quyền quyết định" - Huỳnh Anh say sưa kể.
Anh nói rằng độ chục năm trước, công chúng chẳng mấy ai biết sự tồn tại của loài voọc chà vá chân nâu trên Sơn Trà. Cho đến năm 2008, một nữ tiến sĩ sinh học người Mỹ từng công tác tại căn cứ Sơn Trà trong thời gian chiến tranh quay lại đây tìm hiểu loài linh trưởng có vẻ ngoài đặc biệt mà bà từng được thấy.
Sau nhiều ngày băng rừng với sự giúp sức của người dân địa phương, bà tìm thấy xác một con voọc vừa bị bắn. Từ đó, thông tin về loài voọc Sơn Trà dần loan ra và thu hút giới săn ảnh động vật trong ngoài nước. Dù vậy, không phải ai cũng may mắn ghi được hình ảnh loài voọc.
Với các thành viên trong CLB, những chuyến đi về công cốc là bình thường. Nói như Huỳnh Anh, để chụp được voọc thì phải có duyên và quan trọng hơn là phải siêng năng lai vãng Sơn Trà.
Anh bảo: "Voọc có khả năng phân biệt người lạ quen, với những người thường xuyên tiếp xúc chúng sẽ mạnh dạn gần gũi, dễ tiếp cận. Ngược lại, những tay máy mới vào nghề rất khó có được những hình ảnh đẹp. Bởi vậy, để tạo sự thân thiện với voọc, những thợ săn ảnh phải bỏ ra vài năm trời chỉ để làm quen với chúng".
Quảng bá vẻ đẹp loài voọc
Là những người tiên phong mang hình ảnh cận cảnh loài voọc Sơn Trà ra giới thiệu với công chúng, những thành viên CLB NANT Sông Hàn chẳng có mục đích nào khác hơn là kêu gọi sự quan tâm của cộng đồng đến loài thú quý hiếm này.
"Bọn học trò lần đầu nhìn thấy voọc thích thú lắm, cả lớp đều nghĩ rằng đó là con khỉ. Mình vừa cho xem ảnh, vừa thuyết minh về chủng loài, tập tính sinh hoạt cho bọn trẻ hiểu. Khi biết những con thú có bộ lông xinh đẹp này sống ngay tại Đà Nẵng là cả lớp ồ lên thích thú, các em không ngờ rằng chính tại nơi mình sống lại có sinh vật đẹp như vậy."
Săn ảnh voọc là thú chơi tốn kém, đòi hỏi máy móc phải thuộc hàng "khủng". Để có tấm ảnh "coi được" thợ săn ảnh phải cầm trong tay bộ máy cả trăm triệu đồng. Vậy nhưng ảnh chụp ra không bán không buôn, cứ vậy mà mang đi "khoe" với thiên hạ cho thỏa mãn cái sự sung sướng của người may mắn chụp được ảnh đẹp.
Thậm chí, để tổ chức được triển lãm cho mọi người chiêm ngưỡng, các thành viên CLB còn tự tay dốc tiền túi đóng góp vào làm kinh phí chuẩn bị.
Trong CLB có một tay máy nữ khá tâm huyết với tồn vong của loài voọc là Nguyễn Thị Châu Liên, giáo viên Trường tiểu học Lý Công Uẩn (Hải Châu). Hơn 5 năm chụp voọc, bộ sưu tập ảnh voọc của chị có trên ngàn tấm. Chị chắt lọc ra những tấm ảnh tâm đắc mang đi in rồi lồng khung treo trên tường lớp học cho học trò chiêm ngưỡng.
Mấy năm trở lại đây, Đà Nẵng thường xuyên tổ chức những triển lãm ảnh về Sơn Trà và voọc chà vá chân nâu. Triển lãm nào cũng thu hút đông đảo quan khách. Nhờ đó, voọc trở nên nổi tiếng, được nhiều người biết tới và quan tâm bảo vệ hơn.
Nếu khách thưởng lãm tinh ý, dễ bắt gặp những cái tên như Huỳnh Anh, Nguyễn Thị Châu Liên hay Nguyễn Đăng Đệ, Trương Huỳnh Sơn, Nguyễn Bá Thức, Minh Hạnh… từ CLB NANT Đà Nẵng được ký dày đặc dưới góc ảnh.
Không chỉ để thỏa mãn niềm đam mê, những tác phẩm của họ còn ẩn chứa thứ tình cảm đặc biệt dành cho loài voọc Sơn Trà.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận