16/09/2017 07:33 GMT+7

Những thói quen cần thay đổi

BS TỊT TUỐT
BS TỊT TUỐT

Có một số thói quen đã được lưu truyền từ đời này sang đời khác, cha mẹ dạy cho con cái rồi cứ thế mà thực hiện, tưởng chừng như là hoàn toàn đúng. Tuy nhiên khi có những chứng cứ khoa học thì chúng ta mới thấy cần thay đổi.

Những thói quen cần thay đổi - Ảnh 1.

Đánh răng trước hay sau khi ăn sáng?

Thật ra thì nên gọi là chà răng bởi từ "đánh" mang theo ý nghĩa tiêu cực trong khi chà răng lại bao hàm việc làm sạch, bảo vệ hàm răng của chúng ta. Hầu như tất cả bà con ta đều chà răng 2 lần: vừa thức dậy và trước khi đi ngủ.

Tuy nhiên, khi bạn ngủ lại là lúc các vi khuẩn có lợi sản sinh nhằm cân bằng hệ sinh thái vi khuẩn trong khoang miệng. Nếu vừa thức dậy đã dùng bàn chải "chà sạch" những vi khuẩn này đi thì quả là sai lầm. 

Cũng theo tiến sĩ John Featherstone của UCSF (Đại học Y khoa California ở San Francisco): khi chúng ta ăn đồ ngọt, ăn ngũ cốc, vi khuẩn có sẵn trong khoang miệng sẽ lên men các món ngọt ngào ấy, làm pH của nước miếng giảm từ 7 xuống 4,5 trong vòng 5 phút tức là rất acid. 

Khoảng 30 phút sau, nước miếng (vốn có độ pH kiềm) mới trung hòa lấy lại cân bằng độ pH là 7. Vì thế nếu bạn vừa ăn xong, pH của khoang miệng đang acid sẽ làm mềm men răng, bạn lại dùng bàn chải chà đi chà lại thì men răng bị bào mòn và rất dễ bị sâu răng. 

Vì vậy tốt nhất là ngủ dậy uống 250 ml nước lọc, sau khi ăn sáng xong khoảng 30 phút thì chà răng vừa đẩy được các mảng bám dính trong răng vừa bảo vệ được men răng. bạn sẽ thấy hàm răng trắng sạch, hơi thở thơm tho hơn.

Trước khi đi ngủ chà răng sạch là một động tác tối cần thiết để làm sạch khoang miệng. Khi bạn ngủ, các tuyến nước bọt cũng… ngủ luôn nên khi bạn thức dậy thấy miệng khô và hôi. Ngoài ra, bạn đừng quên một anh bạn láng giềng hay đá đưa răng, đó là lưỡi. 

Khi chà răng thì cạo giùm những mảng bám trên thân hình uốn éo của anh ta. Trong mảng bám này chứa rất nhiều vi khuẩn đấy.

Gội đầu, uống nước dừa, hát hò… trong những "ngày ấy"

Nhiều bạn cho rằng hễ tắm thì phải gội đầu để cho tóc sạch. Tuy nhiên theo bác sĩ Lynne Goldberg ở Bệnh viện Boston(Mỹ) thì gội đầu thường xuyên sẽ làm mất hết chất dầu nuôi tóc nên sẽ làm tóc khô hơn. 

Nhiều bạn gái thắc mắc: "khi bị "đèn đỏ" có nên gội đầu? Chả lẽ "đèn đỏ" 7 ngày, phải nhịn vệ sinh mái tóc 7 ngày thì ai dám đến gần?" Thật ra nếu từ 3-5 ngày mà không gội đầu cũng chẳng sao. Khi có kinh thường lỗ chân lông nở rộng hơn ngày thường, nếu bạn gội đầu rất dễ bị cảm lạnh. 

Mặt khác, thời điểm đó cơ thể ở trong trạng thái âm (hàn), đầu là điểm đầu tiên của lục dương, gội đầu sẽ làm cho tình trạng âm dương mất cân bằng nhiều hơn càng dẫn đến đau đầu. 

Nếu lại gội đầu buổi tối, không sấy khô tóc đã lên giường thì tình trạng đau đầu sẽ dễ xuất hiện khiến bạn tưởng là mình đang mắc bệnh gì trầm trọng. Chưa kể, gội đầu buổi tối khi cơ thể đang ở trạng thái "hàn", để tóc ẩm đi ngủ rất dễ bị rụng tóc. 

Nếu bạn ngứa ngáy không chịu được thì tốt nhất là gội đầu nhanh vào buổi trưa và gội bằng nước ấm. Sau gội hãy sấy để tóc mau khô.

Một số bạn nữ cho rằng khi "đèn đỏ" không được uống nước dừa vì sẽ khiến cho kinh ra nhiều hơn. Không phải thế! Trong những ngày ấy chị em ta thường thấy cơ thể nặng nề vì nội tiết gây giữ nước và mạch máu ở tử cung đang sung huyết. Nước dừa sẽ làm lợi tiểu, làm giảm cảm giác nặng nề, co nhẹ cơ tử cung khiến kinh thoát ra nhanh hơn (nhanh hơn chứ không phải nhiều hơn). 

Bạn nào muốn "nó" ra nhanh để còn…đi chơi cũng nên uống nước dừa liền mấy ngày sẽ mau sạch. Có điều khi đó cơ thể ở trạng thái "hàn" nên không uống nước dừa lạnh mà chỉ uống ở nhiệt độ thường.

Với những cô ca sĩ hay chạy sô, lúc này tử cung, âm đạo đang sung huyết, chảy máu mà bạn hát, lượng máu buộc phải dồn đến thanh quản, kéo căng dây thanh âm, có thể làm dây thanh âm bị tổn thương gây vỡ giọng hoặc khàn giọng.

BS TỊT TUỐT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên