Chị Thúy cùng các bạn trẻ tích cực ôn tập để chuẩn bị cho kỳ thi - Ảnh: DUY KHÁNH
Năm thí sinh đặc biệt này vừa vượt 120km đường biển giữa mùa gió tây nam đầy sóng vào trung tâm huyện Phú Quốc tham dự kỳ thi THPT quốc gia 2019.
Mẹ là... học trò của con
Năm 1993, vừa tốt nghiệp THCS ở Gò Quao (Kiên Giang), cô gái trẻ Nguyễn Thị Thúy cùng gia đình vượt biển đi xây dựng kinh tế mới ở xã đảo Thổ Châu. Thổ Châu lúc đó chỉ có bộ đội hải quân đóng quân, gia đình chị Thúy là những người dân đầu tiên trở thành cư dân của đảo.
Là một trong những người có học vấn cao nhất ở xã lúc bấy giờ, chị Thúy vừa làm đủ nghề để mưu sinh vừa tham gia chính quyền xã. Rồi chị lấy chồng sinh con, gắn bó với Thổ Châu đến tận bây giờ.
Chị Thúy sinh được hai con, do ở Thổ Châu chưa có trường cấp III nên hết THCS, chị gửi hai con vào trung tâm Phú Quốc để tiếp tục học tập. Mặc dù xa gia đình trọ học nhưng hai con chị Thúy rất ngoan, đều đậu đại học. Con trai lớn tốt nghiệp ĐH Cần Thơ, cô con gái cũng tốt nghiệp ĐH Sư phạm và đều trở về Thổ Châu công tác.
Mãn nguyện với việc học hành của hai con nhưng chị Thúy vẫn đau đáu về con đường học tập của mình. Cách đây 3 năm, Trung tâm giáo dục thường xuyên Phú Quốc mở chương trình bổ túc ở Thổ Châu, hai con của chị động viên mẹ đăng ký học.
Thế là 3 năm nay, ăn cơm tối xong chị lại cắp sách đến lớp học bổ túc. Kiến thức bỏ lâu, ở Thổ Châu lại thiếu tài liệu tham khảo nên việc học đối với chị là chuyện không dễ dàng. Học ở lớp xong, về nhà hai con trở thành người thầy, người cô của mẹ.
Dẫn đầu nhóm năm thí sinh vượt 120km đường biển với gần 5 giờ vào trung tâm Phú Quốc, chị Thúy nằm bẹp gí hai hôm nay nhưng thấy mấy bạn trẻ đáng tuổi con mình chong đèn ôn bài, chị cũng ráng dậy để ôn tập.
"Tui lo lắm! Mấy chục năm rồi, kiến thức mai một hết, cố gắng lắm nhưng không sao bằng các cháu nhỏ được, nhất là môn toán phải thi trắc nghiệm. Biết là sẽ khó đậu nhưng tui sẽ cố gắng, nếu đậu thì tốt, còn không đậu sang năm tui sẽ thi tiếp đến khi nào đậu thì thôi" - chị Thúy chia sẻ.
Nhọc nhằn tìm chữ
Cùng đi thi với chị Thúy là bốn bạn trẻ vừa qua tuổi 20. Mỗi người một hoàn cảnh nhưng đều có điểm chung là sự nghèo khó đeo bám khiến con đường học tập dang dở. Và khi có cơ hội để đeo đuổi ước mơ tìm kiếm con chữ, các bạn trẻ này đều không muốn để vuột mất.
Là một trong những đứa trẻ đầu tiên sinh ra ở Thổ Châu, Đào Thanh Toàn (22 tuổi) học hết lớp 9 phải tạm gác việc học lại vì gia đình quá khó khăn. Cha mẹ Toàn làm nghề đục đá nuôi bốn anh em ăn học.
Hai anh của Toàn vào đất liền đi học trước, đến lượt Toàn thì cha mẹ không thể cáng đáng thêm nữa. Mấy năm nay, sau một ngày đi đục đá Toàn lại theo học lớp bổ túc ban đêm để đeo đuổi ước mơ.
Cùng có hoàn cảnh như Toàn là Lê Hữu Nghị (20 tuổi), cũng sinh ra và lớn lên ở Thổ Châu và tạm gác việc học khi xong lớp 9. Chàng trai có dáng người nhỏ bé vẫn ước mơ theo đuổi con đường học tập sau những chuyến đi biển dài ngày.
Hay như Trần Thị Ngọc Lan (26 tuổi), sau khi học hết lớp 9 không có điều kiện vào đất liền học đành ở nhà giúp gia đình. Rồi Lan lấy chồng, có hai con nhỏ nhưng mấy năm nay chưa bao giờ Lan vắng buổi học bổ túc nào.
Trong căn phòng trọ do UBND xã Thổ Châu thuê cho chị Thúy và các bạn trẻ ở trong mấy ngày thi, chị Thúy vừa là người chị, vừa như người mẹ luôn thúc giục mấy bạn trẻ lo ôn bài. Năm mảnh đời với niềm đau đáu con chữ chụm đầu chỉ cho nhau những bài tập khó giữa cơn mưa trắng trời xứ đảo khiến căn phòng ấm áp lạ thường.
Nhờ có chị Thúy
Thầy Phạm Văn Tiệp - hiệu trưởng Trường tiểu học và THCS Thổ Châu - cho biết: "Thầy cô dạy lớp bổ túc cấp III chỉ là những giáo viên cấp II nên vừa dạy vừa nghiên cứu tài liệu. Lớp học bổ túc ở Thổ Châu ban đầu có gần 30 bạn, nhưng do bận mưu sinh nên cuối cùng chỉ còn năm bạn theo đến giờ, siêng nhất là chị Thúy. Nhờ có chị Thúy làm gương mà mấy bạn trẻ mới cố gắng đeo đuổi việc học".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận