01/01/2016 09:50 GMT+7

Những thầy cô “hot” 2015 làm dậy sóng mạng xã hội

VĨNH HÀ - MINH GIẢNG - TRẦN HUỲNH - NGỌC HÀ
VĨNH HÀ - MINH GIẢNG - TRẦN HUỲNH - NGỌC HÀ

TT - Một người thầy đến giảng đường từ giường bệnh, một cô giáo với những đề văn làm lay động học trò, một thầy hiệu phó mở fanpage chuyên giải đáp thắc mắc thi cử cho thí sinh...Họ là những thầy giáo đã làm “dậy sóng” mạng xã hội.

Họ đã làm sáng bừng lên hình ảnh của người thầy trong mắt học sinh, là động lực và nguồn cảm hứng để các em phấn đấu học tập, rèn luyện.  

Cô giáo của những đề văn khơi dậy sáng tạo

Cô giáo Đặng Nguyệt Anh và học sinh - Ảnh: nhân vật cung cấp
Cô giáo Đặng Nguyệt Anh và học sinh - Ảnh: nhân vật cung cấp
“Tôi biết không phải lúc nào mình cũng tìm được tiếng nói chung nhưng tôi vẫn lựa chọn cách đi của riêng mình
Cô NGUYỆT ANH

Năm 2015 là năm nối dài những comment sôi nổi của nhiều thế hệ học sinh trên các diễn đàn về những đề văn gây hứng thú của cô giáo Đặng Nguyệt Anh, giáo viên dạy văn ở Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam. 

“Đợt đó cô tổ chức trao quà tết, kèm theo... xổ số. Cô đề nghị đúng ngày tết mở quà và viết bài văn về cảm tưởng khi mở quà. Bài văn ngờ nghệch của em đã được cô trao thưởng. Đó là cảm xúc thật của một đứa trẻ cứ lâm râm khấn mong trúng giải ba xổ số, vì giải là một con gà trống để mang về cho mẹ chứ không màng gì đến giải nhất hay giải nhì...” - đây là dòng comment của một trong những học sinh của cô giáo Nguyệt Anh. 

Đưa học sinh đi thực tế, tạo tình huống, yêu cầu học sinh làm các đề văn về chính những điều các em vừa trải nghiệm, là cách mà cô Đặng Nguyệt Anh đã làm trong nhiều năm qua. Điều khiến cô Đặng Nguyệt Anh tạo nên dấu ấn khác biệt so với nhiều giáo viên khác là cách cô gợi cho học sinh biết suy nghĩ về những điều sâu sắc, nhân văn từ một tình huống, một câu chuyện tưởng rất nhỏ nhặt. Như đề văn yêu cầu học sinh kể về người giúp việc trong gia đình, về ngày làm việc của cha, mẹ; bày tỏ suy nghĩ về việc nên hay không nên mặc đồng phục khi đến trường...

Rất nhiều vấn đề thời sự nóng bỏng đã xuất hiện trong những đề văn của cô Nguyệt Anh. Mỗi đề văn “điểm” trúng vào miền cảm xúc của học sinh lại làm xuất hiện những bài văn gây xôn xao dư luận. Từ đề văn yêu cầu học sinh bày tỏ suy nghĩ về việc Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép trên Biển Đông, đã xuất hiện bài văn “Bức thư gửi ông Tập Cận Bình” của một học sinh chuyên, hay bức thư gửi ông già Noel...

Không chỉ “gây sốt” ở dạng đề văn nghị luận xã hội, mà ở thể loại nào cô Nguyệt Anh cũng cố gắng tìm cách để tạo hứng thú cho học sinh.

“Tôi chú trọng hơn đến dạng văn thuyết minh. Đây là dạng học sinh thường không thích vì khô khan. Để làm dạng này nhiều học sinh phải thuộc lòng văn mẫu, hoặc copy các bài trên mạng mang nộp cho thầy cô để đối phó. Dạng thuyết minh không bao giờ xuất hiện trong đề thi nên nhiều thầy cô không chú trọng, học sinh cũng bỏ qua. Nhưng tôi nhận thấy nó rất cần thiết cho cuộc sống sau này của các em, nên tôi dành tâm sức để tạo hứng thú cho học sinh, rèn luyện kỹ năng một cách tự nguyện, thích thú” - cô Nguyệt Anh chia sẻ.

Để học sinh lớp 8 viết một bài văn về “Tò he, thứ đồ chơi dân gian thú vị”, cô Nguyệt Anh đã mời cả nghệ nhân đến giới thiệu về làng nghề tò he, hướng dẫn học sinh nặn tò he tại lớp. Cũng với học sinh lớp 8, để các em làm bài “Thuyết minh về một phương pháp”, cô Nguyệt Anh đã cho học sinh lập nhóm, tự tìm hiểu một món ăn.

Các em chọn món, tìm hiểu cách làm, thực hành chế biến món ăn đó. Vừa làm vừa thuyết minh, quay clip và trình chiếu trước cả lớp. “Việc học sinh thuyết minh chính những việc các em tự lựa chọn và cùng nhau làm khác hơn nhiều việc sao chép, thuộc lòng một nội dung nào đó chỉ để chấm điểm” - cô Nguyệt Anh nhận xét.

“Tôi biết không phải lúc nào mình cũng tìm được tiếng nói chung nhưng tôi vẫn lựa chọn cách đi của riêng mình. Cũng chỉ là được thể hiện tâm huyết với nghề, với bọn trẻ mà thôi” - cô Nguyệt Anh nói.

Thầy giáo tuyển sinh “hot” trên Facebook

Thầy Đỗ Văn Xê bên các sinh viên - Ảnh: nhân vật cung cấp
Thầy Đỗ Văn Xê bên các sinh viên - Ảnh: nhân vật cung cấp

Facebook của PGS.TS Đỗ Văn Xê - phó hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ - đã trở thành nơi cung cấp thông tin về quy chế, tình hình xét tuyển, điểm chuẩn... trong mùa tuyển sinh 2015.

Mình chỉ cần bỏ ra vài phút để viết bài, nhưng rất nhiều phụ huynh và thí sinh có được thông tin bổ ích
Thầy ĐỖ VĂN XÊ

Thầy Đỗ Văn Xê lập Facebook cách đây vài năm để trao đổi với bạn bè, sinh viên của trường về các vấn đề giáo dục - đào tạo, các vấn đề xã hội nhiều người quan tâm. Rồi kỳ thi THPT quốc gia 2015 diễn ra, Facebook này trở nên quá tải. Thầy phải lập thêm một fanpage cũng mang tên Đỗ Văn Xê để đáp ứng yêu cầu kết bạn, theo dõi của thí sinh và phụ huynh.

Chỉ trong thời gian ngắn, fanpage này có gần 17.000 lượt thích và theo dõi. Mỗi bài viết vào thời điểm công bố điểm thi, điểm xét tuyển đều có cả ngàn lượt thích, bình luận và chia sẻ trên mạng xã hội.

Vào thời điểm từ tháng 7 đến tháng 9-2015, hằng ngày thầy Xê đều đặn đăng bài viết về tình hình điểm thi, tư vấn cách thức xét tuyển để trấn an thí sinh và phụ huynh... Tin nhắn gửi đến thầy để nhờ tư vấn cũng hằng hà sa số. Thậm chí đêm hôm nhiều phụ huynh cũng gọi điện cho thầy để nhờ tư vấn về tình hình xét tuyển, cách chọn trường, chọn ngành phù hợp...

Nói về việc lập fanpage, thầy Xê cho biết hằng ngày nhận được rất nhiều email của sinh viên hỏi về vấn đề học tập. Lượng email ngày càng nhiều hơn, trùng lắp. Vậy là thầy lập fanpage để trả lời những thắc mắc của thí sinh lên đây.

Hằng ngày thầy Xê đều đăng bài viết mới. Những thông tin về tình hình thi THPT quốc gia 2016, đổi mới giáo dục, phương pháp học tập bậc ĐH... được rất nhiều người quan tâm, chia sẻ, phản hồi. “Nhiều người hỏi tôi làm phó hiệu trưởng bộ rảnh lắm hay sao mà ngày nào cũng lên Facebook rồi đăng bài này nọ. Thật ra Facebook là công cụ để tôi làm việc, cung cấp thông tin cho thí sinh trong những thời điểm quan trọng, giúp các em có thông tin đầy đủ, từ đó đưa ra các quyết định đúng đắn” - thầy Xê nói.

“Mình làm vì cái tâm, trách nhiệm với xã hội. Mình chỉ cần bỏ ra vài phút để viết bài, nhưng rất nhiều phụ huynh và thí sinh có được thông tin bổ ích; trong khi họ có thể sẽ mất hàng giờ, hàng ngày để tìm kiếm thông tin đó mà đôi khi không có hoặc không đầy đủ. Hiệu quả được nhân lên như vậy, hữu ích cho nhiều người như thế là tôi vui rồi” - thầy Xê tâm sự.

“Thầy hiệu trưởng bất thường”

PGS.TS Hồ Thanh Phong trong một buổi ký kết hợp tác với đối tác nước ngoài - Ảnh: nhân vật cung cấp.
PGS.TS Hồ Thanh Phong trong một buổi ký kết hợp tác với đối tác nước ngoài - Ảnh: nhân vật cung cấp.

 PGS.TS Hồ Thanh Phong - hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM) - được bình chọn là giảng viên tiêu biểu của ĐH Quốc gia TP.HCM năm 2015. 

Năm qua, ông Phong còn cực nổi trên mạng xã hội với biệt danh “thầy hiệu trưởng bất thường”.

Với tôi hạnh phúc nhất là đi dạy. Khi lên lớp mình biết được sinh viên đang nghĩ gì, cần gì...
Thầy HỒ THANH PHONG

Trước thời điểm các trường ĐH chuẩn bị đón tân sinh viên, sáng 28-8-2015 Huỳnh Quang Minh - sinh viên Trường ĐH Quốc tế - đã đăng status trên Facebook của mình: “Đừng có học tại ĐH Quốc tế”. Bài viết này ngay lập tức gây sốt trong cộng đồng mạng. Đến nay bài viết đã có hơn 6.700 lượt like và gần 2.000 lượt chia sẻ.

Ngay đầu bài viết, tác giả đã gây sốc khi kể về trường mình: “Đây là một ngôi trường hoàn toàn đi ngược lại xu thế xã hội. Nhiều thứ kỳ quặc và vô lý ở cái trường này như: văn hóa xếp hàng; việc dạy sinh viên “phải biết đặt cái tôi lên hàng đầu”; điều kiện học tập, cơ sở vật chất của trường...”.

Đáng chú ý, tác giả bài viết còn kể về “thầy hiệu trưởng bất thường” của Trường ĐH Quốc tế với hình ảnh thầy mặc vest vào căngtin ngồi ăn trưa cùng sinh viên như những người bạn, rồi hỏi han từng sinh viên: “Ăn được không em, có muốn thay đổi gì không?”.

Đó còn là chuyện trước đây mái che nhà chờ xe buýt trong khuôn viên trường khá ngắn, sinh viên xếp hàng lại đông nên rất nhiều bạn phải chịu nắng... Một sinh viên đã lên thẳng phòng hiệu trưởng than rằng vì đứng chờ xe buýt nên bị đen da! Ngay chiều hôm đó, một nhóm công nhân đã đến thi công mái che. Ngoài ra, thầy hiệu trưởng còn cho xây hẳn một con đường có mái che từ trường ra căngtin. Giờ nơi đây thành một con đường râm mát chuyên dùng để... selfie ảnh của sinh viên!

Năm 2007, nhận nhiệm vụ hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế, PGS.TS Hồ Thanh Phong xác định phải tập trung tuyển được giảng viên giỏi, sinh viên giỏi, xây dựng cơ sở vật chất đáp ứng tốt việc đào tạo. Một trong những việc làm đầu tiên của ông Phong khi nhận nhiệm vụ hiệu trưởng là đi tìm cơ chế hoạt động riêng.

Ông Phong quyết định đăng ký thực hiện cơ chế tự chủ tài chính hoàn toàn từ năm 2008. “Khi tự chủ tài chính, trường sẽ không còn được nhận khoản kinh phí chi thường xuyên, nhưng bù lại nhà trường được quyền trả lương phù hợp với nhiệm vụ của cán bộ nhân viên... Đối với trí thức trẻ, lương chỉ cần đủ sống để không phải vất vả chạy vạy. Nhưng điều quan trọng với họ là điều kiện làm việc, có nền tảng để nghiên cứu...” - ông Phong chia sẻ.

Sau đó, ông Phong liên tục đi nước ngoài, đến các trường ĐH, tham dự nhiều hội nghị để giới thiệu về trường và mời gọi các tiến sĩ về đầu quân cho trường. Đến nay đã có hơn 50 GS, PGS, tiến sĩ từ nhiều nước về trường làm việc.

Sau thời gian phát triển, nhà trường cần mở rộng cơ sở vật chất. Nhưng kinh phí ĐH Quốc gia TP.HCM cấp chỉ đủ xây dựng tòa nhà đầu tiên. Hiệu trưởng quyết định vay vốn kích cầu của TP.HCM để xây dựng tòa nhà thứ hai. Dù bận rộn với nhiều việc, nhưng hiệu trưởng vẫn tranh thủ dành thêm ngày thứ bảy để lên lớp, đồng thời tham gia quản lý chuyên môn bộ môn kỹ thuật hệ thống công nghiệp. 

Mặc áo bệnh nhân lên giảng đường

Hình ảnh thầy Bùi Quý Lực mặc quần áo bệnh nhân trên giảng đường - Ảnh từ Facebook sinh viên
Hình ảnh thầy Bùi Quý Lực mặc quần áo bệnh nhân trên giảng đường - Ảnh từ Facebook sinh viên

Một thầy giáo mặc quần áo bệnh nhân, lặng lẽ đi thẳng từ bệnh viện lên giảng đường, giảng cho sinh viên buổi cuối trước khi kết thúc môn. Người thầy đã quá lục tuần mang nặng tình thương với học trò ấy chính là TS Bùi Quý Lực, Viện Cơ khí - Trường ĐH Bách khoa Hà Nội.

Tôi muốn trực tiếp dặn dò các em những lỗi mà sinh viên các khóa trước thường mắc phải, để các em tránh được sai sót
Thầy BÙI QUÝ LỰC

Hình ảnh thầy Lực yếu ớt đứng trên bục giảng, khoác trên mình bộ quần áo kẻ xanh của bệnh nhân nội trú đã khiến hết thảy sinh viên đăng ký học tín chỉ môn phương pháp xây dựng bề mặt CAD/CAM hôm đó ngạc nhiên, ngỡ ngàng. Từ ngỡ ngàng đi đến xúc động và yêu thương. Không còn ở phạm vi của một lớp học trên tầng 5 của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, mà câu chuyện xúc động này nhanh chóng làm “dậy sóng” cả cộng đồng Facebook.

Hai bức ảnh chụp thầy Lực, một ảnh thầy đứng trên bục giảng, một ảnh thầy ngồi trước màn hình máy tính để chiếu bài giảng được lan truyền với tốc độ chóng mặt, cùng những bình luận ấm áp từ những người trẻ. “Một người thầy!”, “Thầy là tấm gương sáng cho nhà giáo”, “Một ngày làm thầy thì cả đời làm cha”, “Có những bài học thi qua rồi không còn nhớ gì hết, nhưng cũng có những thứ làm ta nhớ cả đời!!!”...

Nguyễn Xuân Chiến - chàng sinh viên ngành cơ khí Viện Cơ khí Trường ĐH Bách khoa Hà Nội - không giấu được xúc động khi đưa những bức ảnh chụp thầy Lực lên Facebook cá nhân. “Người thầy ấy mặc quần áo bệnh nhân, đi dép vẫn là đôi dép đi trong viện. Thầy nói còn lập bập chưa khỏe, mặt nhợt nhạt, đi từ Bệnh viện Hữu Nghị rồi leo lên tầng năm nhà tại chức để dạy, dặn dò sinh viên hôm cuối cùng. Tự dưng cảm thấy hổ thẹn với thầy, với mình...” - Chiến viết.

Chia sẻ với Tuổi Trẻ, thầy Lực cười hiền: “Đó là buổi học cuối cùng của các em để chuẩn bị cho buổi thi quan trọng. Học tín chỉ không thể dời lịch sang buổi khác, vì nếu đổi lịch sẽ có em đến lớp được, có em không. Tôi muốn trực tiếp tổng hợp những vấn đề đã dạy, dặn dò các em những lỗi mà sinh viên các khóa trước thường mắc phải khi làm bài, để các em tránh được sai sót, mất điểm không đáng có”.

Tuy nhiên, thực tế quyết định đến thẳng giảng đường từ giường bệnh của thầy không phải suôn sẻ. Cơn đột quỵ bất ngờ đã buộc người thầy 64 tuổi phải gắn với giường bệnh hai tháng trời, sức khỏe chưa hồi phục hoàn toàn. Đưa ra lý do giảng viên phải có trách nhiệm với môn học, nhớ trò, nhớ lớp, gặp các em sẽ khỏe hơn..., người thầy có thâm niên 39 năm gắn bó với Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đã thuyết phục được người thân tôn trọng quyết định của mình. 

Bạn đọc có thể chia sẻ về Tuổi Trẻ những tấm gương thầy cô "hot" để lại những dấu ấn trong công việc giáo dục học sinh qua địa chỉ [email protected]. Xin cám ơn.   

 

VĨNH HÀ - MINH GIẢNG - TRẦN HUỲNH - NGỌC HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên