Đợt biểu tình sắc tộc khởi nguồn từ bang Minnesota đang lan ra trên khắp nước Mỹ - Ảnh: USA TODAY
Từ bóng đêm, những kẻ mặc đồ đen, tay cầm khiên lặng lẽ tiến lên hàng đầu của đám đông biểu tình theo từng nhóm nhỏ. Nón bảo hiểm, mặt nạ hơi độc giúp che gương mặt chúng. Tên nào cũng thủ sẵn trong người chai sữa để phòng bị dính hơi cay.
Hầu hết nhóm người này là da trắng. Chúng không cầm băngrôn hay biểu ngữ, và tuyệt đối không tiếp xúc với các nhà báo. Đi cách chúng một quãng là những người mặc đồ có thêu chữ thập đỏ, có vẻ như chịu trách nhiệm băng bó thương tích.
Cứ đêm xuống ở thành phố tan hoang Minneapolis, những nhóm này đánh nhau với cảnh sát và Vệ binh quốc gia Mỹ. Chúng đá lựu đạn cay và ném trả đạn cao su ngược lại phía cảnh sát, đi tới đâu là lửa bùng lên, nhà cửa, xe cộ bị đập phá...
Phóng viên của báo USA Today nhìn thấy các nhóm này trong nhiều đêm, ở nhiều địa điểm khác nhau. Đôi khi chúng đe dọa những ai dám chụp hình cảnh đập phá tài sản của người dân.
Một người biểu tình đeo mặt nạ tại TP Los Angeles ngày 30-5 - Ảnh: REUTERS
Chính quyền bang Minnesota cáo buộc những kẻ quá khích từ bên ngoài đã trà trộn vào các cuộc tuần hành hòa bình phản đối cái chết của người đàn ông da màu George Floyd (46 tuổi) dưới tay cảnh sát.
Ông Jacob Frey, thị trưởng Minneapolis, cho biết các cuộc tuần hành trong thành phố chủ yếu ôn hòa và được tổ chức bởi cư dân địa phương, nhưng tình hình đã thay đổi trong vài ngày gần đây.
"Tôi muốn nói rõ: Những kẻ gây ra điều này không phải cư dân Minneapolis", ông Frey khẳng định. Tương tự, Thống đốc bang Minnesota Tim Walz tin rằng "80% người tham gia bạo động về đêm đến từ bên ngoài Minnesota".
"Có những kẻ cơ hội, những kẻ theo thuyết da trắng thượng đẳng, những kẻ vô chính phủ", bà Peggy Flanagan, phó thống đốc Minnesota, mô tả.
Tuy nhiên, cho đến nay hầu hết những kẻ phá hoại vẫn còn ngoài vòng pháp luật. Hồ sơ của Sở cảnh sát thành phố St. Paul, lân cận TP Minneapolis, ghi nhận 12/18 người bị bắt trong tuần này là dân Minnesota.
Người biểu tình đụng độ với cảnh sát ở thành phố Minneapolis ngày 30-5 - Ảnh: USA TODAY
Các chuyên gia Mỹ nhận định tình hình ở TP Minneapolis và nhiều thành phố khác sẽ còn tiếp tục xấu đi, như Los Angeles, Louisville (Kentucky), Des Moines (Iowa), Detroit (Atlanta), Washington, D.C...
"Toàn những tay cộm cán, đây là công việc của chúng. Chúng gây ra trận bạo lực này. Chúng cần lớp vỏ bọc biểu tình trên đường phố để ra tay", ông Adam Leggat, cựu sĩ quan chống khủng bố của Quân đội Anh hiện đang làm việc cho Công ty an ninh Densus Group, nhận định.
Chuyên gia Leggat cho biết báo cáo tình báo từ các đồng nghiệp của ông phát hiện những thành phần biểu tình quá khích ở Minneapolis là các nhóm cực tả hoặc vô chính phủ, riêng các nhóm cực hữu chưa xuất hiện đáng kể. Những vụ hôi của thì chủ yếu do dân địa phương thực hiện.
Nhiều kẻ vô chính phủ nhắm đến mục tiêu là các ngân hàng, chuỗi kinh doanh, và thậm chí là xe hơi sang vì cho đó là biểu tượng của các định chế tham nhũng, thối nát. Ở Mỹ, tuần hành hòa bình có thể biến thành bạo lực nếu những kẻ này quyết định nhúng tay.
"Điều khó là anh không thể kiểm soát ai có mặt. Nếu cứ kéo dài, sẽ có thêm nhiều kẻ kéo đến. Nếu các tay cực hữu xuất hiện mọi thứ sẽ trở nên phức tạp hơn nhiều. Bọn họ sẽ viện lý do bảo vệ trật tự, nhưng cảnh sát sẽ vất vả giữ không cho hai nhóm choảng nhau, tiêu tốn rất nhiều sức lực", ông Leggat phân tích.
Cảnh sát Mỹ canh giữ gần một cửa tiệm bán mỹ phẩm bị đập phá, hôi của ở Ferguson, bang Missouri tối 30-5 - Ảnh: REUTERS
Trả lời phỏng vấn báo USA Today, nhiều người biểu tình lên án bạo lực, mặc dù cũng có ý kiến nói đó là kết quả báo trước sau nhiều thế hệ dồn nén giận dữ và chịu đựng.
"Cần cái giá nào để họ chịu lắng nghe? Họ nói đừng kích động bạo lực, nhưng có ai chịu nghe đâu? Chúng ta phải kiện lên tới đâu, thành phố hay thủ đô? Chúng ta không thể cứ cam chịu mãi được" - ông Kon Johnson, nhà hoạt động 45 tuổi ở Minneapolis, phát biểu trước đám đông trưa ngày 29-5.
Johnson tuyên bố sẽ không chịu ngồi im nếu Derek Chauvin, viên cảnh sát gây ra cái chết của người đàn ông da màu Floyd, không bị kết án chung thân.
Bà Pamela Oliver, chuyên gia xã hội học của Đại học Wisconsin-Madison, giải thích các chính trị gia đôi khi đổ thừa cho những kẻ bên ngoài gây rối để che giấu vấn đề thực sự trong cộng đồng, nhưng trường hợp này không phải như vậy.
"Giới lãnh đạo thừa nhận cái chết của Floyd lôi kéo sự chú ý trở lại với các vấn đề đã có từ xưa... Khi cảnh sát đàn áp biểu tình ôn hòa quá trớn, người dân có xu hướng leo thang thành bạo lực. Tôi có đọc thông tin về việc một số cư dân Minneapolis cáo buộc cảnh sát đã hành xử quá tệ mới dẫn đến phản ứng như vậy", bà Pamela nói.
Nhưng dù có bất mãn, nhiều người dân ở Minneapolis bắt đầu cảm thấy mệt mỏi vì bạo lực và phá hoại.
"Không có người da đen nào đi đốt phá mấy cửa hiệu làm tóc trong khu họ sống. Chúng tôi không làm chuyện đó. Chúng tôi không phá nhà, không đốt nhà", anh Augustine Zion Livingstone, 23 tuổi, một người tham gia biểu tình, lên tiếng trần tình.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận