TTCT - Hội nghị bán chính thức của Hội đồng châu Âu (EC) tuần rồi tại Budapest cho thấy khối EU ngày càng phải đối diện những thách thức nan giải. Những băn khoăn của các lãnh đạo EU phần nào cũng là của các nền kinh tế khác. Ảnh: Dooney's Cafe Đã qua rồi giai đoạn mà EU chăm chăm trở thành thị trường duy nhất tự do lưu thông hàng hóa, vốn, dịch vụ và con người giữa các quốc gia thành viên. Trong Tuyên bố Budapest ngày 8-11, các nhà lãnh đạo EU cho biết họ đã dựa vào hai báo cáo "Còn hơn là một thị trường" của Enrico Letta (thủ tướng Ý từ 2013-2014, trưởng khoa quan hệ quốc tế Trường Khoa học chính trị Pháp), và "Tương lai của sức cạnh tranh châu Âu" của Mario Draghi (nguyên chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu, thủ tướng Ý 2021-2022), mà đưa ra kế hoạch chung "Thỏa thuận mới của châu Âu về tính cạnh tranh".Những cảnh tỉnh muộn màngÔng Letta đã nhắc các nhà lãnh đạo EU rằng khi Jacques Delors, "cha đẻ" của Liên minh châu Âu giới thiệu EU với thế giới vào năm 1985 với tên gọi Cộng đồng châu Âu, số quốc gia thành viên không bằng một nửa so với hiện nay, nước Đức vẫn còn chia hai, Liên Xô vẫn tồn tại, Trung Quốc và Ấn Độ cộng lại chỉ chiếm chưa đến 5% nền kinh tế toàn cầu, và khối BRICS chưa từng được nghe đến. Lúc đó, châu Âu ngang bằng với Hoa Kỳ, là trung tâm của nền kinh tế thế giới, dẫn đầu về sức nặng kinh tế và năng lực đổi mới, là mảnh đất màu mỡ cho sự phát triển và tăng trưởng.Thế nhưng trong ba thập kỷ qua, tỉ trọng của EU trong nền kinh tế toàn cầu đã giảm mạnh so với các nền kinh tế châu Á đang nổi lên không chỉ về sản lượng và giá trị, mà cả sáng tạo công nghệ lẫn dân số. Dân số châu Âu không chỉ ngày càng giảm, mà còn già đi nhanh chóng: Năm 2022, toàn EU chỉ ghi nhận 3,8 triệu trẻ sơ sinh ra đời, so với 4,7 triệu ca sinh được ghi nhận vào năm 2008.Ngay cả khi không xem xét các nền kinh tế châu Á, EU vẫn tụt hậu so với Hoa Kỳ: năm 1993, hai khu vực kinh tế có quy mô tương đương nhau. Tuy nhiên, trong khi GDP bình quân đầu người ở Hoa Kỳ tăng gần 60% từ năm 1993 đến năm 2022 thì ở châu Âu, mức tăng chỉ dưới 30%. Trên một bình diện khác, trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, EU, vốn theo truyền thống cam kết chủ nghĩa đa phương, thương mại tự do và hợp tác quốc tế, những nguyên tắc đã tạo thành nền tảng cho chiến lược kinh tế và quản trị toàn cầu của EU, ngày càng phải đối mặt với sự trỗi dậy trở lại của quyền lực chính trị, thể hiện bằng xung đột thương mại và gần đây là cả chiến tranh.Tác giả Letta đưa ra nhiều nhận xét và khuyến cáo trong báo cáo dày 147 trang, nổi bật là lời cảnh báo: "Trong bối cảnh toàn cầu ngày nay, châu Âu không thể và không nên nhường vai trò thủ lĩnh về sản xuất cho các nước khác". Theo đó, châu Âu cần "một lần nữa... dẫn đầu trong thích nghi với tiến bộ công nghệ mới", đẩy nhanh phát triển năng lực công nghiệp trong các lĩnh vực an ninh - quốc phòng, thậm chí phải chuyển đổi triệt để hòng tránh lặp lại tình trạng trì trệ như giai đoạn 2022-2024.Ảnh: ReutersGiậm chân tại chỗTrong khi đó, ông Draghi, trình bày trước các lãnh đạo EU hôm 17-9 ở Nghị viện châu Âu, cảnh báo: "Châu Âu đang phải đối mặt với một thế giới đang trải qua thay đổi mạnh mẽ. Thương mại thế giới đang chậm lại, địa chính trị đang bị chia rẽ song thay đổi công nghệ thì đang tăng tốc". Ông muốn đánh thức "lục địa già": "Đây là thế giới mà các mô hình kinh doanh lâu đời đang bị thách thức và nơi một số sự phụ thuộc kinh tế quan trọng đột nhiên chuyển thành điểm yếu địa chính trị".Châu Âu như thế nào trong thế giới mới đó? Theo ông, trong tất cả các nền kinh tế lớn, châu Âu là nền kinh tế dễ bị ảnh hưởng nhất bởi những thay đổi này: "Chúng ta phụ thuộc nhiều nhất: phụ thuộc vào một số ít nhà cung cấp nguyên liệu thô quan trọng và nhập khẩu hơn 80% công nghệ số của mình. Giá năng lượng ở châu Âu cao nhất: các công ty châu Âu phải đối mặt với giá điện cao hơn 2-3 lần so với giá điện ở Hoa Kỳ và Trung Quốc".Trên cơ sở đó, ông Draghi đề ra 3 lĩnh vực hành động chính. Đầu tiên là hướng đến mục tiêu thu hẹp khoảng cách đổi mới với Hoa Kỳ và Trung Quốc, mà bắt đầu là nghiên cứu và phát triển (R&D): Năm 2021, các công ty EU đã chi cho R&D ít hơn khoảng 270 tỉ euro so với các công ty Hoa Kỳ. Vấn đề không chỉ là số tiền mà chủ yếu là do EU có một cơ cấu công nghiệp tĩnh, bị chi phối bởi các công ty và công nghệ không khác gì nhiều thập kỷ trước.Cụ thể, 3 đơn vị đầu tư hàng đầu vào R&D ở châu Âu đã là các công ty ô tô trong suốt 20 năm qua; thành ra vấn đề cốt lõi ở châu Âu là các công ty với công nghệ mới không có chỗ để phát triển trong nền kinh tế.Trên thực tế, không có công ty EU nào có vốn hóa thị trường trên 100 tỉ euro được thành lập mới trong 50 năm qua trong khi cũng theo tác giả, cùng khoảng thời gian đó, 6 công ty Hoa Kỳ có định giá trên 1.000 tỉ euro đã được thành lập.Vấn đề không phải do châu Âu thiếu năng động, ý tưởng hay thiếu tham vọng. Châu Âu có nhiều nhà nghiên cứu và doanh nhân tài năng, song các công ty sáng tạo muốn mở rộng quy mô ở đây bị cản trở ở mọi giai đoạn do thiếu sự phối hợp. Tác giả kết luận bằng một câu mà bất cứ ai có chút hiểu biết châu Âu đều quan niệm từ mấy chục năm qua: EU không thể biến ý tưởng thành thành công thương mại!■ Tags: Các nền kinh tếEuNền kinh tếChâu ÂuLiên minh châu Âu
Truyện ngắn: Trích đoạn Chiến tranh (J. M. G. Le Clézio) J. M. G. Le Clézio (trích) 15/11/2024 2561 từ
Bộ Công an: Xuất hiện một số vụ cán bộ, văn nghệ sĩ, cầu thủ tổ chức sử dụng ma túy DANH TRỌNG 18/11/2024 Thời gian gần đây xuất hiện một số vụ cán bộ, công chức, văn nghệ sĩ, cầu thủ bóng đá tham gia tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy.
Ông Biden có đang 'đổ dầu' vào lửa chiến sự Nga - Ukraine? THANH HIỀN 18/11/2024 Nhà lập pháp Nga Maria Butina cho rằng Tổng thống Mỹ Biden đang mạo hiểm khơi mào Thế chiến 3.
Vụ Xuyên Việt Oil: Cựu thứ trưởng Bộ Công Thương sắp ra tòa vì cùng thuộc cấp nhận 365.000 USD TUYẾT MAI 18/11/2024 Cựu thứ trưởng Bộ công Thương và lãnh đạo Vụ Thị trường trong nước nhận hối lộ tổng cộng 365.000 USD (tương đương 8,2 tỉ đồng).
Thành phố hiện đại không thể là thành phố của xe máy? TS PHẠM SANH 18/11/2024 Hạn chế xe máy là cần thiết, nhưng cũng cần phải chia theo từng khu vực và theo lộ trình.