Ca sĩ Quang Hào tự mình vận chuyển đồ bảo hộ đến tặng hàng chục điểm kiểm soát dịch, bệnh viện, trung tâm y tế
Có hôm lái xe cả ngày người mỏi nhừ. Tối về vẫn lên phương án phân bổ nơi tiếp nhận chính xác, kịp thời. Dù mệt lắm nhưng nhìn các bác sĩ vui thì mình cũng vui lây. Mong rằng với sự chung sức của người dân, dịch bệnh COVID-19 sẽ sớm được đẩy lùi
Ca sĩ Quang Hào - Giám đốc Nhà hát Trưng Vương Đà Nẵng
TP Đà Nẵng cách ly trong "bão dịch", người ta vẫn thấy trên đường những chuyến xe của người dân, của các doanh nghiệp, những nhóm thiện nguyện chở hàng hóa, lương thực, vật phẩm ủng hộ tiếp viện cho các bệnh viện tuyến đầu đang bị phong tỏa; những chuyến xe chở lương thực cho sinh viên, những suất ăn nóng ấm ghé ngang qua các chốt kiểm soát dịch…
Đang có hàng ngàn những điểm huy động thiện nguyện như vậy giữa thành phố này.
Nghệ sĩ cũng… là chiến sĩ
Ai có sức dùng sức, ai có điều kiện sẽ chi viện tiền mua vật phẩm… những hỗ trợ dù ít dù nhiều đều là động lực lớn cho toàn thành phố vững vàng trong "tâm bão".
Vài ngày trước, ca sĩ Quang Hào, giám đốc Nhà hát Trưng Vương Đà Nẵng đã đăng những dòng kêu gọi ngắn gọn mà tâm huyết trên trang facebook cá nhân của mình.
Nam ca sĩ viết: "Hiện nay, như Hào được biết các y bác sĩ đang tham gia ở tuyến đầu của 2 bệnh viện Đa Khoa Đà Nẵng và bệnh viện C Đà Nẵng đang rất cần đồ bảo hộ y tế cấp 3, cấp tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân. Hào vừa tìm được nguồn hàng để mua và muốn dành tặng cho các y bác sĩ ở đó. Rất mong muốn sự đóng góp thêm của anh em, bạn bè để việc làm này càng thêm ý nghĩa, tiếp thêm động lực mạnh để Đà Nẵng được bình an".
Rất nhanh chóng, lời kêu gọi được tỏa ra khắp cả nước. Sau hai đợt quyên góp, số tiền anh nhận được lên đến 250 triệu đồng và con số đó vẫn chưa dừng lại.
Ủng hộ anh là nhiều nghệ sĩ như NSƯT Tự Long, các ca sĩ Plong Thiết, Đức Vũ, Khánh Hòa, Thu Lan, Thái Thùy Linh… các doanh nhân, nhà hảo tâm ở khắp nơi. Đặc biệt, có người ủng hộ 60 triệu đồng nhưng không đề tên.
Ca sĩ Quang Hào cho biết, đồ bảo hộ là thứ cần thiết nhất lúc này cho các y bác sĩ đang trực tiếp tiếp xúc, điều trị cho các bệnh nhân và các ca nghi nhiễm. Khi các y bác sĩ nhận được đồ bảo hộ họ sẽ rất yên tâm, vơi bớt áp lực trong công việc.
Mỗi ngày ca sĩ Quang Hào tự mình làm "shipper" chuyển vật phẩm đến các trung tâm y tế thuộc vùng ven Đà Nẵng còn các cộng sự của anh hỗ trợ đến các bệnh viện thuộc khu vực trung tâm. Anh cũng trực tiếp chuyển đồ bảo hộ cho những tình nguyện viên, chiến sĩ trực các chốt kiểm soát dịch cửa ngỏ của thành phố… Những ngày sắp tới anh sẽ tiến đến hỗ trợ tuyến đầu chống dịch ở Quảng Nam.
"Có hôm lái xe cả ngày người mỏi nhừ. Tối về vẫn lên phương án phân bổ nơi tiếp nhận chính xác, kịp thời. Dù mệt lắm nhưng nhìn các bác sĩ vui thì mình cũng vui lây. Mong rằng với sự chung sức của người dân, dịch bệnh COVID-19 sẽ sớm được đẩy lùi" - ca sĩ Quang Hào chia sẻ.
Những bao gạo được nhà hảo tâm khắp thành phố gửi tặng sinh viên kẹt lại giữa tâm dịch - Ảnh: Trường ĐH Bách Khoa Đà Nẵng
Đùm bọc nhau giữa nguy khó
Chị Nguyễn Thị Thu Hạnh (48 tuổi) quê ở Quảng Bình là chủ một khu trọ ở phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu. Thấy các sinh viên thuê trọ gặp khó khăn khi dịch bùng phát, chị Hạnh tự tay đi mua lương thực, khẩu trang đóng gói và mang đến phòng trọ tặng cho từng người.
Tiền thuê phòng trọ đều được chị giảm 50% chia sẻ với sinh viên và lao động khó khăn. Chủ trọ và người thuê qúy mến nhau như thành viên trong gia đình, chị Hạnh còn lập một nhóm gồm tất cả các bạn sinh viên thuê trọ để thường xuyên nhắc nhở đeo khẩu trang, cách phòng dịch, và chia sẻ thông tin các ca bệnh, nhắc nhở ai cần gì cứ nhắn.
Số tiền chị giảm cho các phòng trọ lên đến vài chục triệu đồng nhưng chị bảo rằng lúc này mình còn chưa cực bằng sinh viên phải ở lại giữa thành phố.
Chị Hạnh thật thà chia sẻ: "Thực lòng mình cũng không giàu có gì đâu, vẫn vay nợ ngân hàng để kinh doanh phòng trọ. Nhưng ai giữa lúc này cũng nguy khó. Mình có dùng thẻ thanh toán trả trước, cứ thế mua đồ cho các cháu. Một ngày hết dịch đẹp trời lại kiếm tiền chỗ khác đập vô".
Bạn Đình Tiến, sinh viên năm cuối trường ĐH Bách Khoa Đà Nẵng, thuê trọ của chị Hạnh cho biết: "Nhận được sự hỗ trợ của cô Hạnh, em và các bạn thuê trọ rất mừng và biết ơn. Cô đã hiểu cho hoàn cảnh của các bạn sinh viên xa nhà như tụi em, không chỉ hỗ trợ kịp thời mà còn động viên tinh thần rất lớn. Mặc dù hiện vật không quá nhiều, nhưng mọi người biết đó là tấm lòng của cô và hết sức trân trọng".
Gian hàng ấm lòng sinh viên Bách Khoa chia sẻ mớ rau, bao gạo những ngày giữa tâm dịch - Ảnh: Trường ĐH Bách Khoa Đà Nẵng
Những ngày này, đâu đó trong các con hẻm, trước cổng ký túc xá các trường ĐH, CĐ giữa thành phố vẫn thấy hàng dài sinh viên đứng giãn cách đợi đến lượt nhận thực phẩm.
Gian hàng "Ấm lòng sinh viên" được Trường ĐH Bách Khoa Đà Nẵng dựng lên trước cổng ký túc xá khiến những sinh viên bị kẹt lại giữa tâm dịch không khỏi xúc động. Quầy thực phẩm được bày ra mỗi sáng. Những nông dân từ đâu đó chạy chiếc xe máy cọc cạch chở qua xe rau, mớ quả. Khi có nhà hảo tâm đưa đến thùng mắm, muối, bao gạo, mớ cá khô.
Tình người trải rộng, manh mong tuôn trào giữa những ngày phố phường im ắng. Những chuyển động yêu thương, nhỏ bé ấy khiến ai nhìn thấy sống mũi cũng cay.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận