Những tấm huy chương "2 trong 1"

HUY ĐĂNG 18/08/2024 14:32 GMT+7

TTCT - Những tấm huy chương Olympic của các nước láng giềng Đông Nam Á với Việt Nam quý giá không chỉ ở phương diện thành tích thể thao...

Đó là những tấm huy chương Olympic không chỉ để phục vụ mục đích "báo cáo thành tích" hay cổ vũ "lòng tự hào dân tộc", mà thực sự quý giá với nước nhà, theo nhiều nghĩa vô cùng thiết thực.

Những tấm huy chương "2 trong 1" - Ảnh 1.

Leonardo tỏa sáng ở Olympic. Ảnh: Reuters

Trước khi mang về tấm HCV Olympic lịch sử cho Indonesia, nhà vô địch leo núi thể thao Veddriq Leonardo đã là một nhân vật đặc biệt ở xứ vạn đảo.

Năm 2023, Leonardo trở thành đại sứ du lịch của thành phố Pontianak, thủ phủ tỉnh Tây Kalimantan.

Du lịch và thể thao

Anh được mời đến văn phòng thị trưởng của Pontianak ngay sau khi hoàn tất cú "hat-trick vàng" ba năm liên tiếp ở World Cup leo núi thể thao - giải đấu uy tín của bộ môn thể thao mới mẻ này. 

Mục đích chuyến thăm: VĐV leo núi quê ở Kalimantan sẽ trở thành đại sứ cho khu du lịch leo núi đang được xây dựng ở đây. Tròn một năm sau, Leonardo hiển nhiên đã trở thành cái tên hoàn hảo cho vai trò này.

Năm 2021, climbing.com - trang web chuyên về leo núi - xếp Indonesia vào nhóm hàng đầu trong những địa điểm dành cho du lịch leo núi. "Quần đảo của các vị thần" là cách giới leo núi gọi xứ vạn đảo, nơi có hơn 17.500 hòn đảo lớn nhỏ, hầu hết là địa hình núi non. 

Địa hình đó hợp thành quần thể thiên nhiên hùng vĩ bậc nhất châu Á, tạo thành nguồn tài nguyên trời cho về du lịch sinh thái, du lịch leo núi cùng các tour chạy bộ, đi bộ đường dài.

Nếu đặt tour du lịch leo núi ở Indonesia, nhiều khả năng bạn sẽ được gặp hướng dẫn viên là một VĐV tên tuổi của đảo quốc này. Điển hình nhất là Ponti Hardiyanto, VĐV leo núi thể thao khá nổi tiếng từng sinh sống ở Singapore.

Khoảng năm 2005, Hardiyanto được Liên đoàn Leo núi thể thao Indonesia (FPTI) mời về nước trong chương trình "Chuyển giao VĐV", khi VĐV qua thời đỉnh cao được giới thiệu công việc hướng dẫn viên ở các khu du lịch vùng núi. Không ai hợp với vai trò này hơn họ.

Riêng Hardiyanto, nhờ kinh nghiệm học được ở Singapore, kiêm luôn cả công tác đào tạo VĐV cho đội tuyển leo núi quốc gia. Indonesia đã thành lập các đội tuyển, bao gồm các đội trẻ, từ hơn một thập niên trước. 

Tháng 4-2019, họ cử 10 VĐV tham dự Giải vô địch leo núi thế giới tại Matxcơva. Những học trò trẻ của Hardiyanto, bao gồm cả Leonardo, được tiếp cận sân đấu thế giới và cánh cổng đến huy chương Olympic bắt đầu mở ra.

"Chúng tôi sẽ sớm giành được HCV Olympic - Yenny Wahid, chủ tịch FPTI, tuyên bố từ trước thềm Olympic Tokyo 2020. Đó là năm đầu tiên leo núi thể thao được đưa vào chương trình thi đấu Thế vận hội mùa hè. 

Là "lính mới" ở Olympic nhưng leo núi là môn thể thao không hề thiếu truyền thống, thậm chí truyền thống thể thao leo núi nói chung có lẽ chỉ chịu lép trước các môn cơ bản như bơi và chạy, vì đó là hoạt động thường thức trong một thế giới có 25% diện tích mặt đất là đồi núi.

Để vào chương trình thi đấu Olympic, leo núi thể thao đã trải qua hàng chục năm phát triển chuyên nghiệp, với giải thế giới từ năm 1989. Khi Liên đoàn Leo núi thế giới chính thức ra đời, Indonesia nằm trong nhóm thành viên sáng lập. Từ năm 2022, họ gia nhập danh sách các quốc gia đăng cai World Cup leo núi.

Trước khi lập nên kỳ tích ở Olympic, Leonardo đã giành HCV ở liên tiếp ba kỳ World Cup từ 2021 đến 2023. Anh cũng chỉ là một trong bốn VĐV của Indonesia dự Olympic Paris 2024, tất cả đều có thành tích ấn tượng ở tầm thế giới dù xuất thân tương đối khác biệt.

Leonardo lớn lên ở vùng thôn quê núi non hùng vĩ, phát triển năng khiếu một cách tự nhiên trước khi được đào tạo bài bản. Rahman Adi Mulyono - đồng đội trẻ hơn anh 4 tuổi - lại sinh trưởng từ Surabaya, một thành phố đông đúc nhưng vẫn được tiếp cận với môn leo núi từ năm lớp 6, bởi nhiều trường học ở Indonesia, đây là môn thể thao khá phổ biến.

Những tấm huy chương "2 trong 1" - Ảnh 2.

Thái Lan là một thế lực lớn trong môn bóng chuyền bãi biển, vốn cũng gắn chặt với ngành du lịch biển rất phát triển của quốc gia này. Ảnh: asianvolleyball.net

Xa hơn những tấm huy chương

Tấm huy chương Olympic của Leonardo không chỉ mang về vinh quang cho thể thao Indonesia, đó còn là lời khẳng định cho phong trào leo núi của xứ vạn đảo. 

Một năm trước, Leonardo đã được mời làm đại sứ cho chiến dịch phát triển du lịch quê nhà và trong thời gian tới, nhà vô địch Olympic có thể sẽ càng phát triển vai trò này đến những tỉnh thành khác trong nước.

Theo Mountain Project, chuyên trang cho dân leo núi, Indonesia có tất cả 90 địa điểm leo núi lý tưởng trải dài từ Java, Bali đến Sumatra và không ngừng tăng lên nhờ sự phối hợp giữa FPTI với các địa phương. 

Mục tiêu của FPTI, do đó, không chỉ là phát triển "leo núi thể thao" mà còn là leo núi phong trào và quảng bá du lịch.

Mục đích đó tương tự với cách thức Thái Lan và Singapore kết hợp phát triển du lịch biển với thể thao bãi biển. Tại Olympic Paris, Singapore giành 1 HCĐ ở môn thuyền buồm - lần đầu tiên có một quốc gia Đông Nam Á chen chân được vào môn thể thao đậm chất Tây phương này. 

Đừng ngạc nhiên nếu ở các kỳ Olympic tới, Thái Lan cùng Singapore sẽ trở thành thế lực thực sự ở môn này, đặc biệt là Thái Lan - quốc gia vốn đã xác định du lịch biển là mũi nhọn của nền kinh tế.

Ở đấu trường Asiad, Thái Lan đã là một thế lực trong các môn bóng chuyền bãi biển, mô tô nước, thuyền buồm và dù lượn - những môn vốn gắn liền với du lịch biển. Người Thái tập trung vào các môn này hiển nhiên không chỉ vì huy chương ở các đại hội thể thao.

Tiến sĩ ngành khoa học thể thao Nguyễn Trà Giang, từng có thời gian dài làm việc ở Thái Lan, chia sẻ: "Người Thái luôn có tầm nhìn xa khi phát triển thể thao. Với riêng các môn bãi biển, đây là một phần trong mục tiêu phát triển du lịch biển của Thái Lan. 

Nếu bạn từng đến Phuket sẽ thấy nơi đây có rất nhiều hoạt động thể thao ở bãi biển như bóng chuyền, lướt ván… Thái Lan có hai mục tiêu lớn: một là tổ chức các giải đấu bãi biển hấp dẫn, đủ để tạo thành sự kiện thưởng thức cho du khách quốc tế; hai là để du khách có thêm hoạt động để hòa nhập với người dân địa phương".

Những tấm huy chương Olympic vì vậy không chỉ đơn thuần tượng trưng cho sức mạnh thể thao. Đó còn là những tấm huy chương mang đến lợi ích về du lịch, kinh tế, sức khỏe…■

Philippines, Thái Lan về đích với boxing

Boxing là ví dụ rõ nét cho tương tác giữa thể thao Olympic và khả năng tổ chức sự kiện giải trí, du lịch của người Thái và Philippines. Từ Olympic Tokyo 1964, Philippines đã thường xuyên gặt hái huy chương ở môn này.

Đứt mạch từ Atlanta 1996, họ lại khôi phục thế mạnh với 2 HCB, 1 HCĐ ở Tokyo 2020, rồi 2 HCĐ ở Paris 2024. Với Thái Lan, boxing đã mang về tổng cộng 4 HCV, 4 HCB và 8 HCĐ ở Olympic, thành tích ngang ngửa với các cường quốc phương Tây…

Thái Lan và Philippines cũng là hai quốc gia hàng đầu châu Á về tổ chức đấu võ đài. Nhiều tour du lịch đến hai nước này gắn liền với sự kiện các trận hoặc giải đấu võ đài danh tiếng.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận