31/12/2013 07:00 GMT+7

Những tấm gương thầm lặng mà cao cả

MAI HƯƠNG
MAI HƯƠNG

TT - “Chuyện nhỏ xíu hà, có đáng gì đâu!”- những nhân vật mà chúng tôi gặp đều có chung câu cửa miệng như thế khi nói về chuyện mình làm. Họ có chung nụ cười hiền, chung tấm lòng tốt, chung cả sự rụt rè, thậm chí từ chối khi biết mình được đề cử tuyên dương.

iNr203hl.jpgPhóng to
Anh Đinh Hạ Hùng và vợ Mai Cẩm Nguyệt chăm sóc bà Trần Thị Hà (thứ hai từ trái sang) 83 tuổi và bà Nguyễn Thị Hiếu 82 tuổi như mẹ ruột gần sáu năm nay - Ảnh: Thuận Thắng

Đó là những gương mặt của giải thưởng “Những tấm gương thầm lặng mà cao cả” - giải thưởng lần đầu tiên được Mặt trận Tổ quốc TP.HCM tổ chức - dành cho những cá nhân có việc làm ý nghĩa thầm lặng ở cộng đồng khu dân cư.

0bgl5rtc.jpgPhóng to
Anh Lê Văn Thái tân trang xe đạp cũ để tặng học trò nghèo - Ảnh: Thuận Thắng

Chuyện của “bà 38”, “bà 39”

Tới giờ cơm, chị Mai Cẩm Nguyệt lục đục lấy mâm dọn chén đũa, múc hai đĩa gà kho gừng, hai tô canh khoai mỡ, bới lưng tô cơm, thêm mấy trái chuối chín sắp xếp gọn ghẽ mọi thứ lên hai cái mâm nhỏ. Xong xuôi đâu đó, chị Nguyệt kêu con trai bưng qua mời “bà 38” với “bà 39” ăn cơm.

Lần đầu tiên bình chọn

Đầu tháng 9-2013, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc VN TP.HCM, Hội đồng thi đua khen thưởng TP đã triển khai kế hoạch bình chọn và tuyên dương “Những tấm gương thầm lặng mà cao cả” trong phong trào thi đua yêu nước của TP giai đoạn 2011-2013. Đây là lần đầu tiên TP tổ chức bình chọn danh hiệu này.

Đối tượng bình chọn là những cá nhân, tập thể có hoạt động, việc làm xuất phát từ tinh thần tự nguyện, tự giác, không vụ lợi, đậm chất nhân văn, nhân đạo, nghĩa tình, mang lại hiệu quả thiết thực trong xây dựng đơn vị, cộng đồng dân cư, trong giúp đỡ những người khó khăn, cơ nhỡ, hoạn nạn.

Đến cuối tháng 12-2013, các cơ sở, địa phương, khu dân cư đã giới thiệu hàng trăm tập thể, cá nhân tham gia bầu chọn cho giải thưởng.Dự kiến giải thưởng sẽ trao vào đầu năm 2014.

“Bà 38” là cách gọi thân mật của gia đình chị Nguyệt dành cho cụ bà Trần Thị Hà (ngụ tại căn hộ số 138), còn “bà 39” là cụ Nguyễn Thị Hiếu (sống ở căn hộ số 139). Riêng vợ chồng chị Nguyệt thì sống ở căn hộ 129. Ba căn hộ cùng thuộc chung cư Bàu Cát, P.14, Q.Tân Bình.

Anh Đinh Hạ Hùng, chồng chị Nguyệt, kể: “Từ hồi vợ chồng tui dọn về chung cư vào năm 1995 đã thấy hai bà rồi. Hai bà sống một thân một mình, tui với vợ hay chạy qua chạy lại nói chuyện cho hai bà đỡ buồn. Trong nhà có đồ ăn gì cũng đem qua mời hai bà ăn”. Rồi chừng 5-6 năm trước, sức khỏe cụ Hà giảm sút, bước đi run run. Cụ Hiếu thì không còn đi lại được, hầu như phải nằm liệt trên giường. Vợ chồng chị Nguyệt bắt đầu nấu cơm, nấu nước hằng ngày đưa qua chăm nuôi hai cụ.

Nghe cách chị Nguyệt nói về việc mình chăm chút hai cụ già người dưng, có cảm giác chị đang kể về mẹ ruột: “Sáng sớm mình nấu nước đem qua châm vô bình thủy cho bà pha sữa uống. Nhưng mà phải canh cho nước nóng vừa vừa thôi. Rót nước chỉ vừa đủ một ly chứ rót nhiều quá, nặng tay bà cầm không nổi. Trưa, chiều nấu cơm nếu có cá thì phải giẻ xương, lọc thịt sẵn cho bà dễ ăn. Tới tối mình qua đóng cửa nẻo để hai bà đi ngủ. Hằng ngày mình cũng qua lau rửa, dọn dẹp nhà cửa giùm hai cụ để trong nhà có hơi người”.

Trưa nay, bà Hiếu ăn được hết một chén cơm, gần hết tô canh nhỏ và thịt gà kho. Bà móm mém cười: “Canh khoai mềm, dẻo lắm”. Chúng tôi hỏi đùa: “Bà ơi, bây giờ bà thích gì nhất?”. Bà nằm im một chút rồi nói: “Giờ chỉ muốn chết. Thân già không đi đứng được giận quá”. Bà tâm sự: “Bây giờ mà lỡ vợ chồng chú Hùng dọn đi chỗ khác thì tui buồn lắm. Hai vợ chồng chú là số 1 ở đây đó”. Nói được tới đây, bà lặng im. Từ ngày nằm liệt một chỗ, bà ít nói hơn, hay buồn hơn, cả ngày nằm một mình trong bốn bức tường chung cư lạnh lẽo, làm bạn với chiếc tivi, có lẽ lúc vui nhất là khi vợ chồng con cái chị Nguyệt - anh Hùng qua bưng cơm, bưng nước.

Từ ngày tình nguyện chăm sóc hai bà cụ hàng xóm, cả nhà anh Hùng chưa lần nào được đi chơi, đi tiệc hay về quê chung với nhau vì lúc nào cũng phải sắp xếp người ở nhà dòm chừng hai cụ. “Nhiều khi đám cưới đám hỏi ở quê, bà con cô bác gọi kêu hai vợ chồng bay phải về đầy đủ, mình cũng phải thay phiên nhau về chứ không dám bỏ nhà đi đâu lâu. Mình đi thì hai bà ở nhà ai lo cơm nước. Rồi còn tuổi già bệnh tật, không có người gần gũi nguy hiểm lắm” - anh Hùng nói.

DCfR2246.jpgPhóng to
Chị Mai Cẩm Nguyệt chăm sóc bà Nguyễn Thị Hiếu - Ảnh: T.Thắng

Món quà của anh thợ sửa xe

Trong buổi lễ trao tặng học bổng cho học sinh nghèo hiếu học của Chi hội bảo trợ bệnh nhân nghèo Bình Phú Đông (thuộc Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo TP.HCM), có một tiết mục đặc biệt khiến hơn 200 học sinh nghèo háo hức chờ mong. Đó là tiết mục bốc thăm trúng thưởng năm chiếc xe đạp mới toanh đủ màu sắc. Em nhỏ nào cũng thòm thèm muốn có chiếc xe đạp sơn màu xanh, màu hồng láng coóng dựng ở góc phòng. Khi ban tổ chức giới thiệu chủ nhân tài trợ những chiếc xe đạp lên sân khấu phát biểu, cả hội trường hết sức ngỡ ngàng khi biết đó là một anh thợ sửa xe nghèo. Lần đầu tiên được giới thiệu trân trọng trước đám đông, anh luống cuống, bất ngờ đến mức đi chân không lên sân khấu. Và bài phát biểu của anh Lê Văn Thái, thợ sửa xe trên đường Hồng Lạc, Q.Tân Bình hôm đó cũng lọng cọng, ngập ngừng, mộc mạc như khi anh ngồi kể về nguồn gốc của gần 20 chiếc xe đạp mà anh đã tặng học trò nghèo.

Anh Thái nói bằng giọng rặt của người Quảng Ngãi: “Mình làm nghề sửa xe. Thấy mấy bà ve chai bán mấy cái sườn xe còn tốt, bỏ đi thì phí nên mình mua về, từ từ kiếm thêm phụ tùng ráp thành chiếc xe lành lặn. Về cái chữ cái nghĩa thì mình thua rồi, hồi nhỏ cha cho đi học mình chỉ biết lận cuốn tập, cuốn sách vô bụng rồi trốn đi chơi. Lớn lên không biết chữ thua sút người ta, mình buồn lắm. Thấy học trò nghèo đi học không có xe, mình mới tính đường kiếm xe cho nó đó”.

Mua một cái xe đạp cũ từ người bán ve chai, anh Thái tốn chừng 150.000 đồng. Kế đó, anh mới từ từ gom tiền mua thêm từng chút một: cái yên xe, bộ bố thắng, hai cái bánh... Mua được tới đâu, anh Thái tự tay lắp ráp tới đó. Ráp thành chiếc xe chạy tốt rồi, anh còn tỉ mẩn ngồi sơn phết kỹ càng. Mua thêm tem, giấy đềcan kiểu này kiểu khác dán lên để dòm cái xe đỡ trống. Nhiều khi xe đạp mới làm xong, có khách ghé hỏi mua, trả giá gần cả triệu đồng nhưng anh cương quyết không bán.

Thời gian đầu, anh Thái tự mình để ý tìm trong những khu lao động nghèo, những xóm trọ có em học trò nào nghèo mà thiếu phương tiện đi học là anh đích thân đem xe tới cho. Sau này, quen mấy cô ở Chi hội Bình Phú Đông, anh Thái đem xe tới trụ sở chi hội tập kết ở đó, nhờ chi hội làm cầu nối trao tặng. Cô Nguyễn Thị Cúc, chánh văn phòng Chi hội bảo trợ bệnh nhân nghèo Bình Phú Đông, nhận xét: “Nhìn Thái cóp nhặt từng chút một để có quà tặng người nghèo, ai cũng cảm phục. Những chiếc xe của Thái, chúng tôi đã mang đến cho học sinh nghèo ở Cà Mau, Kiên Giang, Tiền Giang, quận 12, Tân Bình, Tân Phú... Càng cảm động hơn khi biết Thái vẫn chưa có nhà, phải thuê chỗ ở. Hôm nhận được giấy khen người tốt việc tốt của quận, Thái cầm 300.000 đồng tiền thưởng lên đưa cho tôi, nói là để góp cho người nghèo. Tôi hỏi sao không đem về dắt vợ đi ăn một bữa, Thái cười, gãi đầu nói nếu cô Cúc không nhận thì con để dành tiền này làm thêm mấy cái xe”.

Tiệm sửa xe nhỏ của Thái trên đường Hồng Lạc được anh thuê với giá 4 triệu đồng/tháng (bao gồm cả điện, nước và các chi phí lặt vặt) với phần diện tích chừng vài mét vuông, ở dưới đất dùng để hành nghề sửa xe, căn gác nhỏ xíu phía trên làm chỗ ăn, ở, nấu nướng chen chúc cho cả gia đình hai vợ chồng và ba con nhỏ, chưa kể còn một đứa sắp chào đời. Vợ anh làm công nhân, tiền lương hằng tháng chỉ vừa đủ trả tiền nhà, gần tới ngày sinh vẫn cố đi làm mong được chút tiền thưởng tết.

Trong suốt cuộc trò chuyện, anh Thái không một lời than vãn về hoàn cảnh gia đình mình, anh chỉ say sưa nói về ước mơ: “Nói thiệt nghe, Thái mơ ước nhiều lắm. Thái ưng làm từ thiện. Thái ước phải chi mình khá hơn, mình giúp được nhiều người hơn”. Hiện tại, thu nhập của một anh thợ sửa xe chỉ đủ cho anh nuôi vợ con và nhín nhút để làm từ thiện được chừng đó. Hễ có thời giờ rảnh, anh Thái lại vô bệnh viện thăm bệnh nhân nghèo, theo chi hội từ thiện đi phát học bổng, trao nhà tình thương. Anh còn đi hiến máu cứu người, được giấy khen của phường, của quận.

“Chuyện mình chỉ là hột cát thôi mà”

Vừa nghe tin được phường giới thiệu lên Mặt trận Tổ quốc TP.HCM tham gia giải thưởng “Những tấm gương thầm lặng mà cao cả”, bà Phạm Thị Kiều Nga - nhà ở đường Trường Chinh, P.15, Q.Tân Bình - nghiêm mặt trách ông Lê Văn Phước, phó chủ tịch Mặt trận Tổ quốc P.15: “Sao kỳ vậy chú Phước? Chú đề cử hồi nào mà không cho tui hay? Từ nào giờ chú biết rồi, vợ chồng tui không chịu nhận giấy khen, phần thưởng chi đâu. Chuyện mình làm chỉ là hột cát thôi mà. Để dành khen người khác đi...”.

Chờ chúng tôi cất hết sổ ghi chép, máy quay, máy hình, bà Nga mới bộc bạch đôi chút về những “chuyện nhỏ” mà bà đã làm. Cách đây gần 15 năm, thông qua một người quen, biết cụ bà Đỗ Thị Thanh (88 tuổi) là người neo đơn, không nơi nương tựa, bỏ xứ đi lang thang. Bà Nga đã rước cụ Thanh về nhà phụng dưỡng như người thân trong gia đình. Chỉ tay lên chiếc giường mà khách đang ngồi, bà Nga cho biết đây là chiếc giường cụ Thanh từng nằm và trút hơi thở cuối cùng cách đây ít tháng. Mười mấy năm sống với bà Nga, cụ Thanh nhiều lần đau bệnh đều một tay bà Nga chăm sóc. Hiện tại, bàn thờ bà Thanh được lập trang trọng trong nhà như một người thân của gia đình.

Bà Nga vốn là người làm nghề trông giữ trẻ tại gia nhưng chỉ làm được ít năm, bà phải “giải nghệ” vì đã nhận nuôi dài hạn nhiều đứa trẻ do cha mẹ của các em phải đi tù vì nghiện ngập, chứa mại dâm, gia cảnh khó khăn phải bỏ con. Hiện tại bà Nga đang sống với bốn đứa trẻ đã được bà nuôi nấng từ khi mới vài ngày tuổi hoặc vài tháng tuổi. Đứa lớn nay đã 17 tuổi, đứa nhỏ nhất cũng được 7 tuổi.

“Nuôi tụi nhỏ đã khó, dạy dỗ cho nó nên người còn khó và quan trọng hơn là cho cái ăn. Tui cứ khuyên mấy đứa phải có nghề nghiệp ổn định, đừng yêu đương bậy bạ. Mình phải dạy kỹ chứ không tụi nhỏ hư thì khổ nó mà mình cũng có tội với xã hội” - bà Nga tâm sự. Hiện tại bà đã hoạch định tương lai cho hai đứa lớn: “Biết sức tụi nhỏ không học lên cao được, tui cho thằng lớn đi học tin học. Nó học tin học không nổi, tui đổi qua cho học nghề đầu bếp, cốt sau này có cái nghề lập nghiệp nuôi thân. Còn con bé gái tui cho đi học nghề làm tóc, học thêm tiếng Anh. Động viên nó ráng học giỏi nghề để mai mốt đứng được trên đôi chân của mình. Đời tụi nó đã thiệt thòi, sức tui thì có hạn nhưng ráng níu được đứa nào lên thì níu để tương lai nó sáng sủa hơn ba mẹ nó là mình mừng rồi” - bà Nga bỏ lửng câu chuyện ở đó.

MAI HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên