09/08/2005 06:04 GMT+7

Những tấm ảnh trở về

UYÊN LY
UYÊN LY

TT - Cúi đầu kính cẩn trước bàn thờ liệt sĩ, nhà quay phim, nhiếp ảnh Nguyễn Văn Giá chiều 8-8 là hai người Mỹ cao lớn.

lYjT8Bun.jpgPhóng to
Trước bàn thờ liệt sĩ Nguyễn Văn Giá
TT - Cúi đầu kính cẩn trước bàn thờ liệt sĩ, nhà quay phim, nhiếp ảnh Nguyễn Văn Giá chiều 8-8 là hai người Mỹ cao lớn.

Người gìn giữ “cuốn nhật ký có lửa” đã đến VN

Chị Bùi Ngọc Hiên, vợ Nguyễn Văn Giá, vừa nói vừa khóc: “...Anh ngã xuống vẫn còn trong anh những thước phim chưa kịp gửi về. Nay đã trở thành kỷ vật. Người hiện giữ những kỷ vật của anh trong suốt 35 năm qua là viên sĩ quan quân báo, bây giờ đang là tiến sĩ Fred.

Hôm nay anh Fred cùng anh Rob (Robert - NV) đã bay nửa vòng trái đất, từ nước Mỹ xa xôi tới Hà Nội để thắp cho anh một nén hương nghĩa tình... Anh Giá ơi!”. Tiếng gọi bật lên khiến thời gian và không gian như ngưng đọng.

Sức mạnh từ những bức ảnh

Fred hồi tưởng: “Những gì có được từ Nguyễn Văn Giá cho thấy anh là một người đàn ông học thức nhìn thấu vết sẹo chiến tranh. Cái máy ảnh của anh, nếu tôi nhớ chính xác, là máy Canon. Lỗ đạn xuyên từ ống kính vào ổ phim khiến cho phim hỏng, nhưng hai cuộn phim còn lại thì vẫn nguyên.

Nguyễn Văn Giá sinh ngày 16-11-1930, vào bộ đội từ 16 tuổi, 18 tuổi là đảng viên, sau đó đi học quay phim, nhiếp ảnh, công tác tại Xưởng Phim thời sự tài liệu trung ương.

Anh là một trong những phóng viên quay các bộ phim thời sự tài liệu giá trị như Trên hải phận tổ quốc, Hợp tác xã Đại Phong, Ở vùng giải phóng Lào... Những thước phim quay trong thời gian ở chiến trường khu V đã được các đồng nghiệp sử dụng vào nhiều bộ phim có giá trị.

Khi chúng tôi xem những tấm phim và giấy tờ nhặt được, người phiên dịch nói với tôi rằng người đàn ông có chiếc máy ảnh này đang ấp ủ một bộ phim có tên Dòng chảy sông Hai Bốn. Lúc ấy tôi mường tượng ra anh, một người thật tài giỏi”.

Khi những tấm phim được rửa thành ảnh, tổng cộng 50 bức, Fred như thấy lại những khoảnh khắc lạ kỳ giữa những cuộc giao tranh: “Một lần vào năm 1969..., toán quân của chúng tôi cho nổ tung một địa đạo của quân giải phóng. Một cái hố - vết sẹo kinh khủng nằm lại trên mặt đất.

Ba tuần sau, chúng tôi trở lại đó và nhìn thấy vết sẹo giờ đây đã biến thành nơi tắm rửa, giặt giũ của người dân. Tôi nghĩ: Thật như dao chém xuống nước vậy! Chúng tôi là lưỡi dao, còn những người dân chính là nước.

Hãy nghĩ về những người ở Nga Mân mà xem. Rất nhiều người trong những tấm ảnh của Giá vẫn còn sống ở Nga Mân. Họ chẳng muốn gì ngoài quê hương mình. Họ cũng chẳng cần điều gì ngoài nhu cầu được sống thanh bình.

Họ chẳng muốn thứ quyền gì ngoài quyền được nuôi dưỡng con cái. Nguyễn Văn Giá đã nhìn thấy sự thật và nói lên sự thật giản đơn đó qua những bức ảnh của anh. Nếu những bức ảnh đó thuộc về chiến tranh thì tôi đã đốt chúng đi rồi”.

Con đường anh đã chọn

b5G46av5.jpgPhóng to
Vợ chồng Nguyễn Văn Giá, Ngọc Hiên sau ngày cưới

Ngày tiễn người chồng mới cưới được năm tháng, Bùi Ngọc Hiên, cô gái trẻ nhất Xưởng Phim thời sự tài liệu trung ương, không khóc mà lẳng lặng rang ruốc, sấy khô rau củ, tháo len từ chiếc áo đen đang mặc trên người để đan cho chồng tấm áo gilê chịu rét. ]

Tin chồng mất, chị phải nghe đến ba lần mới tin. Chị dùng toàn màu đen từ đấy.

Tác giả của những bức ảnh ấy là một người yêu nghề và dũng cảm đặc biệt. Cuốn nhật ký của anh và những người đồng nghiệp đã nói rằng người liệt sĩ ấy đã hai lần từ chối trở về bình yên để rồi kết thúc cuộc đời một cách anh dũng.

Lần thứ nhất, vào năm 1967, sau một năm nhận nhiệm vụ tại chiến trường khu 5, làm việc trong điều kiện thiếu thốn, sức khỏe giảm sút, Nguyễn Văn Giá được Điện ảnh khu 5 cho phép ra Bắc điều dưỡng, nhưng anh đã xin ở lại đương đầu với gian khổ vì thấy mình chưa quay được thước phim nào ưng ý.

Nhật ký của Nguyễn Văn Giá thuật lại tâm trạng giữa vòng vây địch, vài tháng trước khi anh hi sinh: “Sáng nay địch có vẻ yên lặng. Nhưng... (không đọc rõ) và rọ (một loại máy bay trực thăng - PV) hoạt động nhiều ở xung quanh xóm này.

Rọ đang bắn phá đấy... Nó bắn chi mà bắn dai thế. Mình hết gạo rồi... 1-5, Ngày quốc tế lao động, ở Hà Nội chắc mọi người vui lắm, không hiểu họ có nghĩ đến mình ở đây không nhỉ... Còn mình thì chạy càn, trốn rọ, lánh xe tăng. Cái chết rình mò xung quanh mình.

Và còn vợ con mình, Ngọc Hiên bé bỏng và con Trung Thành thân yêu giờ này làm gì nhỉ... có nghĩ đến mình không nhỉ... Mình muốn về với Hiên thương yêu, với bé Trung Thành yêu của mình nhưng mình về làm sao được..., mình đang lao vào cuộc chiến đấu một mất một còn. Mình chỉ buồn vì chưa làm được gì cho K.5...”.

“Mình chưa làm được gì cho K.5!”. Suy nghĩ ấy đã giữ chân Nguyễn Văn Giá ở lại ngay cả khi anh đã được phép trở ra Bắc sau bốn năm ở chiến trường. Sự lựa chọn thứ hai ấy chính là định mệnh.

Nguyễn Trưng, người đồng nghiệp chứng kiến sự hi sinh của Nguyễn Văn Giá, kể lại: “Anh Giá nói anh muốn đi cùng tôi để quay những thước phim ra trò trước khi ra Hà Nội. Chúng tôi ở thôn Nga Mân, xã Phổ Cường, huyện Đức Phổ.

Hôm ấy trời mưa, chúng tôi đi từ thôn Nga Mân ra đến thôn Thanh Sơn thì anh Giá sốt cao không đi tiếp được nữa. Chúng tôi ghé vào nghỉ ở nhà ông ngoại cậu du kích dẫn đường. Anh Giá bỏ ra ngồi một mình dưới gốc mít sau nhà, thấy tôi đi tìm, anh nói: “Trưng ơi, lỡ anh có chuyện gì thì em gửi đồ đạc của anh ra Bắc giúp anh nhé”.

Tôi trách anh nói gở. Lát sau nghe tiếng trực thăng rất gần, chưa kịp trở tay đã thấy máy bay sà xuống. Lính Mỹ nhìn thấy chúng tôi, tay chỉ trỏ, miệng kêu VC, VC (Việt cộng). Cậu du kích chụp cây súng dựng gần cửa, định bắn, anh Giá ôm vai cậu ta ngăn lại vì trong nhà toàn đàn bà, trẻ con.

Chiếc trực thăng lượn lên cao. Ai đó hô: “Chạy đi!”. Tất cả chạy túa ra khỏi nhà. Tôi thu gom đồ đạc chạy ra sau, gọi tên anh nhưng không nghe tiếng trả lời. Tiếng rocket, đại liên xối xả. Tôi đoán anh Giá đã hi sinh.

Đó là vào khoảng 4g chiều ngày 27-10-1970. Bé Trung Thành lúc ấy mới 3 tuổi. Hai cha con chưa biết mặt nhau.

Những tấm ảnh trở về

2Om0P6eG.jpgPhóng to
Chân dung nhà quay phim, nhiếp ảnh Nguyễn Văn Giá
Trong hành trang của Frederic Whitehurst sau khi hoàn thành nhiệm vụ tại VN, ngoài hai cuốn nhật ký của bác sĩ Đặng Thùy Trâm còn có 50 tấm ảnh rửa ra từ hai cuộn phim lấy được từ thi thể một người đeo chiếc máy ảnh Canon bị đạn bắn ngã tại Đức Phổ, Quảng Ngãi, cùng năm hi sinh với bác sĩ, liệt sĩ Đặng Thùy Trâm. Đó là nhà quay phim, nhiếp ảnh, liệt sĩ Nguyễn Văn Giá.
Năm 1972, người vợ trẻ nhận được kỷ vật của chồng gửi ra từ chiến trường: cuốn nhật ký ố vàng đặc kín chữ và chiếc đài bán dẫn hiệu National mà Nguyễn Văn Giá gắn bó từ ngày còn ở Hà Nội. Chị đem tặng chiếc đài cho bố chồng và cất giữ cuốn nhật ký như vật quí, những tưởng đó là kỷ vật cuối cùng.

35 năm sau ngày anh Giá ra đi, chị Hiên bàng hoàng khi trông thấy những tấm ảnh chồng chụp ngay trước lúc hi sinh do nhà báo Dương Đức Quảng đem tới.

Ngược lại hành trình của những tấm ảnh, cựu sĩ quan quân báo Frederic Whitehurst sau khi tìm được gia đình liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm để trao lại chiếc đĩa CD ghi nội dung cuốn nhật ký, đã nhờ em gái của liệt sĩ là chị Đặng Kim Trâm tìm giúp chủ nhân của những tấm ảnh mà ông đang giữ.

Chị Trâm được biết nhà báo Dương Đức Quảng đã từng làm việc tại chiến trường khu 5, liền đề nghị giúp đỡ. Vợ chồng nhà báo Dương Đức Quảng đã gửi những tấm ảnh cho một người bạn ở Quảng Ngãi, nhờ người này về lại Nga Mân, Đức Phổ hỏi thăm.

Thật may, nhiều người trong những bức ảnh đó còn sống, họ nhớ ra người chụp ảnh là nhà quay phim, nhiếp ảnh Nguyễn Văn Giá.

Trong bức thư gửi chị Hiên trước khi sang VN, Fred bày tỏ: “Tôi không bao giờ dám mơ rằng đến một ngày tôi lại có vinh dự được gặp gia đình anh ấy, rằng gia đình anh ấy đã đồng ý gặp tôi...”. Và chiều 8-8, điều bất ngờ ngọt ngào đã đến: chị Bùi Ngọc Hiên đã nhận Fred và Robert làm anh em trai.

Fred nắm tay chị Hiên, cảm kích: “Tôi rất tin vào những điều thần diệu. Tháng 1-2005, tôi chỉ có hai cuốn nhật ký và những tấm ảnh. Tháng 8-2005, tôi đã có cả hai gia đình (gia đình liệt sĩ Đặng Thùy Trâm cũng đã nhận anh em Fred làm con nuôi).

Thư của bà Bùi Ngọc Hiên gửi Fred ngày 19-7-2005:

“Fred quí mến... Việc Fred giữ lại cuốn nhật ký của Thùy Trâm và những tấm ảnh của Nguyễn Văn Giá chụp, gìn giữ chúng 35 năm nay, quyết tìm thân nhân của những kỷ vật đó để trao lại, là một hành động mang đầy chất nhân văn cao đẹp. Khi biết tin này tôi vô cùng xúc động nên đã thúc đẩy tôi cầm bút viết thư cho Fred, và cũng như ông, mong gặp nhau để cùng bắt tay nhau...

Fred ạ, đã có một thời Hiên rất buồn, mặc toàn đồ đen, dùng toàn đồ đen, nhưng rồi sáng sáng mở cửa ra thấy ánh mặt trời vẫn chiếu, chim vẫn hót, hoa vẫn nở ngoài bancông, dần dần và dần dần, những sắc màu ấm áp lại đến với cuộc sống bình thường của Hiên. Thế đấy Fred ạ. Tuổi của chúng ta giờ đây đã được quyền sống thanh thản, gánh nặng đã được loại bỏ rồi. Hiên đi lễ chùa chỉ cầu xin được sống mạnh khỏe và thanh thản đến cuối đời. Vậy Fred ơi, hãy thanh thản đi nhé”.

6.000 bản nhật ký Mãi mãi tuổi hai mươi bán hết trong 4 ngày

Theo tin mới nhất từ Công ty Phát hành sách TP.HCM (Fahasa), đợt tái bản 10.000 bản sách nhật ký Mãi mãi tuổi hai mươi vừa rồi đã bán hết 6.000 bản trong vòng bốn ngày. Riêng nhật ký của bác sĩ Đặng Thùy Trâm từ đầu đến giờ Fahasa phát hành được 14.000 bản. Hiện nay tất cả nhà sách thuộc hệ thống Fahasa (TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Cần Thơ) đều bán rất nhanh quyển nhật ký này.

Trong khi đó, nhà thơ Đặng Vương Hưng vừa cho biết hiện nay Nhà xuất bản Quân Đội Nhân Dân đang đề nghị với nhóm giữ bản quyền nhật ký Mãi mãi tuổi hai mươi đồng ý cho in tái bản tập sách này với giá rẻ hơn nhiều “để tiện hơn cho phục vụ cán bộ và chiến sĩ”. Ông Hưng cho biết tính đến nay Nhà xuất bản Thanh Niên đã in được khoảng 70.000 bản nhật ký Mãi mãi tuổi hai mươi.

UYÊN LY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên