Những người khuyết tật và trẻ tự kỷ trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, Hà Nội vừa có buổi trải nghiệm vui chơi thật đặc biệt tại sân chơi vườn rừng khu bờ sông Hồng, phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Vui lây với hạnh phúc từ nụ cười của người khuyết tật
Hình ảnh ghi nhận được từ buổi vui chơi khiến ai ai cũng phải xúc động trước những nụ cười hạnh phúc hiếm hoi, những ánh mắt long lanh của người khuyết tật, trẻ em tự kỷ cũng như người thân của họ.
Những bạn bị hội chứng Down, những trẻ tự kỷ thường ngày khép mình trong những không gian riêng hoặc chỉ đứng nhìn bạn bè đồng trang lứa vui chơi thì nay được thỏa thích trải nghiệm với cầu trượt, bóng rổ, cầu bập bênh, đu xà…
Khỏi nói những trẻ em thiệt thòi này đã vui thích thế nào. Và những ông bố bà mẹ của các em có lẽ còn hạnh phúc, cảm động hơn hết.
Những ánh mắt, nụ cười hạnh phúc của những người khuyết tật và người thân của họ nhắc những người làm chính sách, các nhà quản lý và cộng đồng nói chung cần chú ý nhiều hơn tới cơ hội được tham gia vui chơi và kết nối xã hội cho những người khuyết tật.
Buổi vui chơi do mạng lưới "Vì một Hà Nội đáng sống", ECUE và Think Playgrounds - Nghĩ về sân chơi trong phố kết hợp với Hội Người khuyết tật quận Hoàn Kiếm tổ chức nhân Ngày Quốc tế người khuyết tật 3-12.
Đây là một hoạt động trong dự án thúc đẩy sự "Cải thiện cơ sở hạ tầng để tăng khả năng tiếp cận của người khuyết tật Hà Nội tới không gian cộng đồng xanh" do Đại sứ quán New Zealand hỗ trợ.
Những người khuyết tật không những được hòa mình vào không gian công cộng xanh sạch đẹp, được vui chơi thỏa thích, mà còn được xin ý kiến góp ý để những thiết bị vui chơi, đường đi lối lại… thật thuận tiện cho người khuyết tật có thể dễ dàng tiếp cận và sử dụng.
Nghĩ, làm cho người khuyết tật nhiều hơn
Bà Phạm Thị Hiền - chủ tịch Hội Người khuyết tật quận Hoàn Kiếm - cho biết đây là lần đầu tiên người khuyết tật trong quận cũng như trong thành phố được mời tham gia trải nghiệm thực tế để góp ý trực tiếp cho việc thiết kế sân chơi và vườn rừng.
Điều này thực sự có ý nghĩa vì họ được tham gia ý kiến trong các vấn đề liên quan tới mình.
Ông Lê Quang Bình, điều phối viên "Vì một Hà Nội đáng sống", cho biết khi tham gia vào các không gian công cộng như công viên, sân chơi, người khuyết tật sẽ có cơ hội bình đẳng để phát triển về thể chất, tinh thần và kết nối xã hội. Từ đó góp phần cải thiện cơ hội giáo dục, việc làm và giải trí, cũng như khả năng thực hiện các quyền công dân của người khuyết tật.
Gần đây, những không gian công cộng tại các thành phố lớn đã bắt đầu tính đến tạo thuận lợi cho người khuyết tật tiếp cận, tham gia trong khi xây dựng cơ sở vật chất.
Ở quy mô nhỏ hơn, doanh nghiệp xã hội Think Playgrounds - Nghĩ về sân chơi trong phố thời gian qua đã làm nhiều khu vui chơi ở Hà Nội cho người khuyết tật như: sân chơi cho trẻ khiếm thị tại Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu, sân chơi cho trẻ đến khám và điều trị tại khoa thần kinh Bệnh viện Nhi trung ương, sân chơi hòa nhập cho trẻ khuyết tật khu 2 Tân Mai.
Doanh nghiệp xã nội này đang hoàn thiện công viên rừng bờ lở Phúc Tân và Chương Dương theo hướng dễ dàng tiếp cận cho người khuyết tật xe lăn và khuyết tật trí não.
Tiếp đến là sân chơi cho trẻ khuyết tật trí tuệ ở trung tâm Tân Bình, TP.HCM sẽ thực hiện vào tháng 1-2024.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận