Sau khi kết thúc một ngày làm việc đầy căng thẳng và mệt mỏi, thay vì nhanh chóng trở về nhà để ngủ một giấc dài thì nhiều người lại chọn cố gắng đến phòng tập thể dục với quan niệm rằng sau khi luyện tập thể thao cơ thể sẽ lại khỏe mạnh.
Có nên luyện tập khi thiếu ngủ?
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), câu hỏi liệu chúng ta có nên tập thể dục khi bị thiếu ngủ hiện đang trở thành một vấn đề phổ biến bởi cứ ba người Mỹ sẽ có một người bị thiếu ngủ.
Tiến sĩ Phyllis Zee, giám đốc Trung tâm Y sinh học và giấc ngủ tại Trường Y khoa Feinberg, thuộc Đại học Northwestern ở Chicago, cho biết giấc ngủ và luyện tập thể thao là một mối quan hệ hai chiều, có sự tác động qua lại lẫn nhau.
Theo tiến sĩ Zee, đã có rất nhiều dữ liệu cho thấy rằng việc thường xuyên thực hiện các bài tập thể dục vừa phải vào buổi sáng hoặc tối có thể giúp cải thiện giấc ngủ sâu, một giai đoạn quan trọng trong chu kỳ ngủ của chúng ta.
Giấc ngủ sâu giúp cơ thể tái tạo và tự hồi phục, giảm căng thẳng và cải thiện khả năng tư duy, khả năng nghi nhớ cũng như mức độ tập trung. Chúng ta chỉ có thể thật sự đạt được giấc ngủ sâu khi chất lượng giấc ngủ tốt cũng như giấc ngủ không hoặc ít bị gián đoạn.
Một nghiên cứu cũng chỉ ra rằng nếu ban đêm chúng ta ngủ ngon hơn thì cơ thể sẽ khỏe mạnh hơn và năng suất hoạt động thể chất của chúng ta cũng sẽ được nâng cao hơn.
Để khỏe mạnh, cơ thể cần trải qua bốn giai đoạn của một chu kỳ giấc ngủ và trải qua nhiều chu kỳ ngủ trong mỗi đêm.
Ở giai đoạn thứ nhất và thứ hai, cơ thể bắt đầu giảm nhịp tim và nhịp thở và cả nhiệt độ cơ thể để bước vào giai đoạn thứ ba là giai đoạn ngủ sâu.
Ở giai đoạn thứ ba này, cơ thể sẽ tự phục hồi ở cấp độ tế bào, bù đắp những hao hụt trong ngày của cơ thể và chuyển các thông tin trong não bộ sang trí nhớ lâu dài.
Giai đoạn cuối cùng của giấc ngủ được gọi là giấc ngủ chuyển động mắt nhanh (REM). Đây cũng là giai đoạn mà tim đập nhanh, nhịp thở tăng cao để chuẩn bị thức giấc.
Những tác hại khi thiếu ngủ
Theo một số nghiên cứu về giấc ngủ, thiếu giấc ngủ REM có thể dẫn đến suy giảm trí nhớ, ảnh hưởng đến trí óc, gây ra các bệnh tim mạch cũng như các bệnh mãn tính khác, thậm chí là tử vong sớm.
Bên cạnh đó, nhiều nghiên cứu cũng cho thấy giấc ngủ, đặc biệt là giấc ngủ sâu, còn giúp chữa lành các vết thương và hỗ trợ tăng cường chức năng miễn dịch.
Theo CDC, vì mỗi chu kỳ giấc ngủ thường kéo dài khoảng 90 phút nên hầu hết người trưởng thành cần ngủ từ 7 - 8 giờ. Mặt khác, không bị gián đoạn khi ngủ để đạt được những hiệu quả tốt nhất mà một giấc ngủ chất lượng mang lại.
Thiếu ngủ và giấc ngủ thường xuyên bị gián đoạn sẽ dẫn đến những hệ quả tiêu cực về sức khỏe như tăng nguy cơ béo phì, bệnh tim, mất trí nhớ và các rối loạn tâm lý như lo lắng hay trầm cảm.
Thiếu ngủ ảnh hưởng đến động lực luyện tập
Tiến sĩ Raj Dasgupta, phó giáo sư y học lâm sàng tại Trường Keck thuộc Đại học Nam California, cho biết nếu không ngủ, các cơ bắp của chúng ta sẽ không thể hồi phục sau những căng thẳng mà chính chúng ta đã tạo ra trong quá trình luyện tập.
Không những vậy, chúng ta còn có nhiều khả năng bị chấn thương khi kiệt sức do thời gian phản ứng của não bộ bị chậm lại khi não mệt mỏi trong quá trình luyện tập hoặc chơi thể thao.
Thiếu ngủ cũng ảnh hưởng đến động lực tập thể dục bởi chúng ta sẽ cảm thấy sợ hãi dù chỉ với những bài tập bình thường và trở nên ghét từng phút trong phòng tập. Điều này sẽ làm ảnh hưởng đến một kế hoạch luyện tập lâu dài.
Vì thế, chúng ta không nên luyện tập những bài tập có cường độ cao khi cơ thể đã mệt mỏi mà thay vào đó hãy đi bộ hoặc tập các bài yoga nhẹ nhàng, nhưng hãy cố gắng duy trì thời gian luyện tập trong ngày như bình thường.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận