TTCT - Thi ca là một phương tiện trao đi những hồi đáp giàu cảm xúc theo những cách mà văn xuôi truyền thống có thể không làm được. Những văn phạm, cú pháp và logic có thể được phai nhòe mà chẳng cần giải thích hay biện minh, và chính giữa khối tao loạn, mập mờ ấy hiện hữu vẻ đẹp. Có một lần, tôi từng bông đùa kể với độc giả, như cách tôi mở đầu cho phần đọc bài thơ Bell Theory do tôi viết, rằng hồi bé tôi đã bị ghẹo vì tiếng Anh của tôi hạn chế, cái thời mà việc mình là người Hàn Quốc chẳng có gì thời thượng, hay nói đúng hơn, thời điểm trước khi nhóm boyband BTS khiến cho việc ai đó là người Hàn Quốc trở nên hấp dẫn. Một số độc giả còn rúc rích và rồi cười mỉm hoặc vì cảm giác khó chịu hoặc vì tỏ ra tử tế, còn tôi thì thấy muốn khóc khi đọc bài thơ viết về thứ tiếng Anh vụng về, về thứ tiếng Nhật của người Hàn khi bị người Nhật đô hộ, và những hệ quả tàn tệ của những thất bại của tiếng mẹ đẻ.Trước đây, tôi chưa từng xúc động đến dường ấy mỗi khi đọc tác phẩm mình viết. Tôi cố kiểm soát sự run rẩy trong giọng nói và cả trong các đầu ngón tay. Nếu ai đó để ý, họ cũng chẳng nói gì, hoặc vì cảm giác khó chịu hoặc vì tỏ ra tử tế.Từ Busan (Hàn Quốc), nơi tôi chỉ còn ít tháng nữa sẽ lên 11 tuổi, tôi dọn tới Victoria, BC (Canada). Tôi chỉ biết nói câu: “I’m fine, thank you, and you?” (Tôi khỏe, cảm ơn, thế còn bạn?) khi ai đó hỏi han về mình. Chị ruột và mẹ, người đã từ bỏ công việc để dọn theo gia đình, cũng biết đúng chừng đó. Có một câu đùa rằng nếu một người Hàn Quốc bị xe va vào, hoặc bị thương, và một người dùng tiếng Anh thốt lên: “Oh my God, are you okay?” (Ôi trời ơi, bạn ổn không?), người Hàn Quốc ấy sẽ tự động trả lời: “I’m fine, thank you, and you?”. Vì thế, suốt một thời gian, chúng tôi chỉ luôn luôn tỏ ra thế này với tất cả mọi người: chúng tôi ổn.Cha tôi ở lại Busan để tiếp tục duy trì thu nhập nuôi cả nhà. Theo cách nào đó, điều này có cảm tưởng như thể chúng tôi đều hi sinh điều gì đó, kể cả tôi, đứa hãy còn chưa hiểu cả nhà vì sao phải rời đi. Thế nhưng, không chối cãi được là chúng tôi cực kỳ may mắn. Cả ba chúng tôi rời Hàn Quốc đến Canada vì hai ông bà muốn chị em tôi được giáo dục trong một hệ thống không bị nhồi nhét và cạnh tranh cực độ mà học sinh Hàn Quốc đều phải gánh chịu, một thực tế ai ai cũng rõ. Cha mẹ muốn chúng tôi thoải mái hơn và bớt đi sức ép để theo đuổi ước mơ, bất luận ước mơ rồi sẽ dừng lại những đâu.Nhưng ngôn ngữ chúng tôi sử dụng ngay tức khắc tạo dấu ấn lạ lẫm, thậm chí ngớ ngẩn hoặc chẳng tị gì lý thú. Chúng tôi lạ vì người ta có thể biết chúng tôi đến từ chốn khác. Chúng tôi ngớ ngẩn vì không thể diễn đạt được tất cả mọi thứ - chuyện này làm mẹ tôi bực tức vì bà là người không bận tâm người khác xem mình là người ngoài, nhưng lại cáu lên mỗi khi không thực hiện được những công việc nhàm chán một cách mạch lạc, chắc cú. Chúng tôi không có gì thú vị vì người ta cứ hỏi không biết chúng tôi là người Hoa hay người Nhật, lúc nào cũng như vậy. “Hàn Quốc” - chúng tôi đáp, và người (da trắng) sẽ nói tiếp: “Ồ” hoặc cúi đầu thất vọng và ngưng không hỏi tiếp nữa. Kể cả khi chúng tôi là người Hoa hay người Nhật thì tôi cũng không tin bất kỳ cuộc đối thoại nào tiếp theo sau cũng sáng sủa gì hơn. Nhưng tôi muốn được người khác công nhận. Nếu ai đó nhắc họ từng ăn kim chi, tôi chắc chắn sẽ tươi roi rói. Tôi chắc chắn sẽ nói “Yeah” cho bằng hết sự háo hức có thể có được, vì tôi không biết nói thêm gì khác. Rủi thay, tôi cũng chẳng muốn bản dạng của mình trở thành một mẩu thông tin chóng nhớ chóng quên, được dùng vào việc xếp loại để từ đó người da trắng chẳng còn phải học cách tìm hiểu xem tôi là con người nào nếu không phải một kiểu công thức rập khuôn. Vì thậm chí nếu chẳng có công thức ấy, tôi cũng không tồn tại.Tuy nhiên, vì còn quá trẻ, tôi đã làu thông tiếng Anh nhanh chóng; chỉ sau vài tháng, tôi đã học được cách hiểu và giao tiếp gần như tất cả mọi sự. Nếu có người hỏi tôi khỏe không, tôi nói tôi còn khỏe như vâm hoặc chả khỏe tẹo nào, và tôi có thể giải thích với họ vì sao tôi đang như vậy. Có thể giao tiếp với người khác cũng đồng nghĩa giờ đây họ có thể hỏi tiếp tôi có nói hay đọc cho họ nghe bằng tiếng Trung hay tiếng Nhật. Sự thất vọng trong đôi mắt của họ đau nhói. Không một ai hứng thú với tiếng Hàn cả. Thực tế mà tôi không hề biết các ngôn ngữ bá quyền của hai quốc gia đã vô số lần xâm lược đất nước tôi khiến tôi cảm thấy vô phương, ủ dột, và thành thật mà nói, ghen tức.Đầu thập niên 2000, K-pop và K-drama đang ngày một phổ biến tại Trung Quốc và Nhật Bản (hiện tượng này được gọi với cái tên Hàn lưu, tức làn sóng Hàn Quốc), và những con người quyến rũ, nổi tiếng nhất Hàn Quốc không ngừng thu hoạch người hâm mộ cho mình từ các quốc gia khác tại châu Á. Văn hóa truyền thống truyền không ít cảm hứng cho thế giới K-pop. Các thành viên của BTS cũng thường xuyên mặc trang phục dân tộc Hanbok.Vào cuối thập niên 2000, dường như chắc chắn, ít nhất là trên Internet, nhiều người không phải người Hàn Quốc đã yêu thích nhạc và yêu thích truyền hình Hàn Quốc. Dù vài người bạn tôi, người Canada gốc Hoa, bảo với tôi rằng cha mẹ họ yêu thích bộ phim truyền hình Nàng Dae Jang Geum(phát sóng từ tháng 9-2003 tới tháng 3-2004), tôi vẫn không cảm thấy nhận thức của những người sống ngoài các cộng đồng di dân châu Á về Hàn Quốc ở đâu và như thế nào có sự gia tăng gì rõ rệt. Vào lúc này, tôi cũng đã thông thạo tiếng Anh, tới mức có thể lừa gạt người bản địa tôi là người sinh ra ngay tại Canada này. Tôi cảm thấy thỏa mãn vô cùng khi nhận ra mình không còn dừng lại ở giao tiếp, mà còn giỏi cả khoản tranh biện và viết lách. Tôi đứng đầu lớp môn tiếng Anh từ năm lớp 8. Dù vậy, tôi vẫn phát âm chưa chính xác và người khác vẫn chỉ ra chúng, vì điều ấy làm họ thấy vui. Rõ ràng là tôi cứ đọc “thang máy” là “thang mái”. Rõ ràng tôi không bao giờ phun ra câu “Bà mịa nó!” theo đúng điệu - tôi nói nghe cứ như tách ra thành hai chữ “bà và mịa”. Chúng là những lỗi nhỏ và ít xảy ra, nhưng tôi trở nên cực kỳ thận trọng trong cách ăn nói. Tôi không thể nào để lộ ra rằng lạ thay tôi không “thuộc về đây”, rằng tôi không thuộc về nơi này. Bà mẹ, bà mẹ, bà mẹ, tôi cứ lẩm bẩm lầm bầm, khéo sao cho các nguyên âm hòa vào nhau. Bà mịa, bà mịa, bà mịa. Dù cho có cố gắng tới đâu đi nữa, dù tôi còn có tuổi trẻ, tôi vẫn sở hữu một cái “mịa” nào đó ngăn cản ngôn ngữ của mình.Tuy nhiên, khi viết, ngôn ngữ tôi tạo ra lại có thể trở nên hoàn hảo. Trên trang giấy, không một ai nghe thấy tôi. Có lẽ đó là cách tôi trở thành một thi sĩ - có lẽ tôi đoái tìm một không gian mà ở đó tôi không thể thất bại, hay quan trọng hơn, tôi có thể thất bại mà vẫn không sao. Thi ca là một phương tiện trao đi những hồi đáp giàu cảm xúc theo những cách mà văn xuôi truyền thống có thể không làm được. Những văn phạm, cú pháp và logic có thể bị phai nhòe mà chẳng cần giải thích hay biện minh và chính giữa khối tao loạn, mập mờ ấy hiện hữu vẻ đẹp. Trong thi ca, tôi nhận ra hết lần này đến lần khác rằng “thất bại” thực ra chỉ là những chỗ mở ra thêm nhiều khả năng khác nữa.Mặc dù sáng tác thơ bằng tiếng Anh, tôi cảm tưởng điều này cũng giống như sự ca tụng ngôn ngữ và bản dạng Hàn. Là người Hàn, dùng tiếng Hàn giúp tôi cảm nhận, để ý, và có thể còn cảm nhận tốt hơn - bởi lẽ có những khái niệm hay cách diễn đạt tồn tại trong tiếng Hàn nhưng lại không có trong tiếng Anh (và đương nhiên ở cả chiều ngược lại, chỉ có trong tiếng Anh mà chẳng có trong tiếng Hàn). Chẳng hạn từ iseulbi (이슬비), boseulbi (보슬비) và garangbi (가랑비) sang tiếng Anh đều có nghĩa là mưa, mưa phùn (bi - 비 nghĩa là mưa). Iseulbi, một từ ghép gồm “mưa” và “sương”, có nghĩa mưa rất nhẹ và nhiều sương. Boseulbi nghĩa là mưa nhẹ hạt và thành từng đợt trong một ngày vắng gió. Garangbi cũng có nghĩa là mưa nhẹ hạt, nhưng lại dày hạt hơn hai loại mưa trước, đủ để áo quần ta mặc ẩm ướt. Có một thành ngữ trong tiếng Hàn như sau: “Không có một cơn mưa phùn, ta không nhận ra quần áo đã ướt”, nghĩa là kể cả một chuyện hết sức nhỏ nhoi cũng có thể thành ra to.Đó là những phân biệt vi tế mà thậm chí nhiều người Hàn cũng không biết, thế nhưng nhà văn đương nhiên sẽ cẩn trọng khi sử dụng chúng, và biết rõ nghĩa cả ba từ này trang bị thêm cho tôi sự chân xác trong mô tả và sự tinh nhạy mỗi khi sáng tác thơ ca bằng tiếng Anh. Mỗi ngày mưa đều không giống nhau. Mỗi loại mưa đều điểm tô khác nhau cho một ngày. Có nhà thơ nào lại không đắm say nơi những vi tế sinh động ấy chăng? Theo lối này, cảm nhận cá nhân tôi, tiếng Anh của tôi, và ngôn ngữ thi ca của tôi dày dặn hơn nhờ có tiếng Hàn.Thế là tôi bắt đầu yêu thích và sống trong thi ca. Đó là một mái nhà an toàn, chào mời cái thứ ngôn ngữ “khiếm khuyết” của tôi. Nỗi e ngại của tôi giảm dần, và giờ tôi tin rằng những kẻ dùng tiếng nói của kẻ khác để mà phán xét mới chính là những người cần phải điều tra lại quan điểm cho rằng ngôn ngữ là một thước đo sự thuộc về hay của trí tuệ. Nhưng tôi vẫn cảm thấy thuyết phục trước vị thế mà K-pop có được ở nhiều nơi bên ngoài Hàn Quốc. Khi lớn lên, tôi không sao có thể hình dung nổi K-pop sẽ nổi tiếng ở truyền thông Bắc Mỹ hay châu Âu. Tôi hiểu về lịch sử, sự hiện hữu của sự phân biệt chủng tộc và chủ nghĩa dân tộc qua độc tôn ngôn ngữ. Tất cả người Mỹ gốc Á (nhất là những dân tộc ngoài vùng Đông Á) đều thiếu chỗ đứng trên truyền thông phương Tây. Nhưng nhóm nhạc nam BTS đã trở nên phổ cập tới độ họ được xuất hiện trên những sô truyền hình như Good Morning America và The Tonight Show Staring Jimmy Fallon, và tôi đang cố hiểu vì sao lại được như thế. MV DNA của BTS.Phải rồi, đương nhiên các video âm nhạc K-pop đều có chất lượng hình ảnh tuyệt đẹp, kể những câu chuyện quyến rũ, vũ đạo tuyệt vời, những gương mặt thần thái, những giai điệu bắt tai và những trình diễn giới tính vừa mới mẻ lại vừa tràn ngập hi vọng cho khán giả Mỹ, cùng những cung cách đặc trưng vừa trẻ con vừa… sến sẩm mà tôi gọi là “sến kiểu Hàn”... Câu hỏi của tôi ở đây là liệu những khía cạnh ấy của BTS, hay của K-pop nói chung, đã quyến rũ đến độ người hâm mộ ngoài Hàn Quốc cũng yêu thích họ, bất chấp những bài hát kia vẫn trình bày bằng ngôn ngữ Hàn? Hay sự xa lạ trong ngôn ngữ hóa ra mới chính là một phần của sức quyến rũ kia?Tôi nào phải chuyên gia về lý luận âm nhạc, truyền thông đại chúng đương thời, hay hiện tượng liên văn hóa gì đâu. Cũng tồn tại vô số thứ để phê phán, chỉ trích về ngành công nghiệp K-pop, hệ thống “thần tượng”, những ca khúc và những sở thích định kiến với phương Đông. Chẳng hạn BTS, dù là nhóm nhạc đến từ một quốc gia chưa từng có thuộc địa, nhưng lại có cả một ARMY (tên gọi cho fanbase của họ) trên toàn thế giới. BTS là viết tắt của Bangtan Sonyeondan, âm Hán Việt là “Phòng đạn thiếu niên đoàn”, còn ARMY là viết tắt của “Adorable Representative MC for Youth” (MC đại diện đáng yêu cho tuổi trẻ), nhưng đây chỉ là kiểu giải thích được nhào nặn cho các tên gọi viết tắt mà thôi. Nếu BTS nghĩa là chống đạn, rõ ràng họ sẽ có một đạo quân cho mình. Điều này gợi tiếp những câu hỏi khó về kỳ vọng với chủ nghĩa nam tính và vai trò của quân đội/chủ nghĩa quân sự tại Hàn Quốc.Dù thế, khi tôi nghe BTS trình diễn bằng tiếng Hàn trên truyền hình Mỹ và nhìn thấy nhiều fan Mỹ của họ - nhiều bạn trong số đó là các bạn trẻ da màu, tôi cũng nhận ra thêm - hát theo lời bài hát bằng tiếng Hàn, tôi cảm thấy nhẹ lòng hơn với tất cả, và cho cả cái đứa trẻ trung hơn nằm bên trong tôi. KpopTôi muốn tin rằng thế hệ trẻ trân quý vẻ đẹp giữa sự rối rắm và mơ hồ của dịch thuật, rằng các em đang sảng khoái rút ra ý nghĩa từ những âm thanh có lẽ trước kia chỉ từng dùng để tan đi vào giai điệu mà thôi. Tôi muốn tin rằng mặc dù họ có thể thất vọng vì phần dịch ấy chẳng thể chuyển tải được tất cả đi chăng nữa, thì họ cũng có thể hứng khởi bởi sức mạnh yểm tàng ở những khoảng trống chuyển dịch ấy. Và rồi khi đến lượt, họ sẽ gắn bó với dịch thuật, bằng trí tưởng tượng và sức sáng tạo. Họ sẽ tìm ra thi ca giữa quá trình ấy. Họ sẽ tìm thấy niềm vui trong âm thanh của một bán đảo bé nhỏ mà ngày trước ngôn ngữ của nó từng bị cưỡng đoạt.Tôi lại phải nói lại rằng BTS và K-pop còn rất nhiều thứ khiến ta phải hồ nghi. Tôi biết chứ. Nhưng cho phép tôi nói điều này. Hãy cho tôi một lần. Tôi hình dung khuôn mặt tôi ngày trước sáng bừng giữa đám đông người hâm mộ, xung quanh là bạn bè, gân cổ hát theo ngôn ngữ của mình, chẳng buồn bận tâm về sự bất toàn trong phát âm tiếng Hàn hay tiếng Anh trong trường hợp của tôi - mà thay vào đó, yêu quý và tụng ca sự giãn nở của ngôn ngữ cũng như những khả năng diễn đạt thi vị của chúng. Hãy cho phép tôi nương vào chốn dịu dàng ấy.■Du Lê (chuyển ngữ từ Paris Review) Emily Jungmin Yoon là tác giả các đầu sách Ordinary Misfortunes (NXB Tupelo Press, 2017), A Cruelty Special to Our Species (NXB Ecco, 2018). Chị đang là biên tập viên mảng thơ cho The Margins. Sáng tác và các bản dịch của chị xuất hiện trên The New Yorker, The Paris Review, Poetry, Columbia Journal Online, Pinwheel... Emily Jungmin Yoon Tags: Hàn QuốcNgôn ngữThi caBTSKPopDu lêEmily Jungmin Yoon
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Tin tức thế giới 22-11: Nga sẽ bắn thêm tên lửa Oreshnik; Triều Tiên cảnh báo chiến tranh hạt nhân BÌNH AN 22/11/2024 Nga đã dùng tên lửa đạn đạo siêu vượt âm tầm trung để đánh Ukraine; Ông Matt Gaetz rút khỏi đề cử bộ trưởng tư pháp Mỹ;
Lập lờ sữa và nước uống từ sữa DƯƠNG LIỄU 22/11/2024 Sữa tươi, sữa hạt, sữa trái cây... với hàng trăm thương hiệu, chủng loại trên thị trường khiến người tiêu dùng hoa mắt. Loại nào mới đáp ứng nhu cầu khuyến nghị về dinh dưỡng?
Yoga vì sức khỏe, nào phải 'phông bạt' với đời THU HƯƠNG 22/11/2024 Dư luận lại một lần nữa dậy sóng khi mạng xã hội lan truyền những hình ảnh về một nữ du khách 37 tuổi, người Hà Nội, đã có động tác yoga phản cảm tại Cung điện Gyeongbokgung - Hàn Quốc.
Tin tức sáng 22-11: Vợ và con gái sếp ngân hàng VIB bỏ hàng trăm tỉ mua cổ phiếu TUỔI TRẺ ONLINE 22/11/2024 Tin tức đáng chú ý: Vợ và con gái sếp ngân hàng VIB bỏ hàng trăm tỉ mua cổ phiếu; Quốc hội thảo luận 2 dự luật thuế quan trọng; Năm 2025, ngành y tế TP.HCM ưu tiên nâng cấp và xây mới ba bệnh viện xuống cấp...