TTCT - Hôm 11-2-2013, trước mặt các hồng y nhân lễ Công nghị để phong thánh cho một số tử đạo, Đức Giáo hoàng Benedict XVI đã bất ngờ đọc quyết định từ nhiệm. “Sau nhiều lần tự vấn mình trước Chúa, tôi đã cảm nhận được rằng do tuổi cao nên sức khỏe của tôi không còn thích hợp để hoàn thành sứ vụ mà Chúa đã ủy thác”. Phóng to Chiều 11-2-2013, sau khi Đức Giáo hoàng Benedict XVI tuyên bố từ nhiệm, một trận mưa dông lớn xảy ra tại thành phố Roma, sấm chớp đã nổ ngay trên tòa tháp của thánh đường Vatican gây ấn tượng lớn trong công luận - Ảnh: ANSA/Alessandro Di Meo Thêm vào đó, Đức Giáo hoàng còn nhận xét rằng thế giới hôm nay cực kỳ năng động và bị xáo động bởi nhiều vấn đề, do đó sứ vụ giáo chủ cũng đòi hỏi người mang trọng trách phải có đầy đủ năng lực vừa của cơ thể vừa của linh hồn..., điều mà hiện nay Đức Giáo hoàng cảm thấy mình không thể có một cách trọn vẹn. Sau tuyên bố này, Tòa thánh cũng đã xác định Đức Giáo hoàng Benedict XVI đã quyết định từ nhiệm một cách tự do, không dưới một sức ép nào. Dù rằng bộ luật giáo hội cũng có các điều khoản ấn định trường hợp từ nhiệm của Đức Giáo hoàng, nhưng phải nói trong lịch sử cận đại đây là lần đầu tiên xảy ra chuyện từ nhiệm ở Tòa thánh. Những vụ từ nhiệm ở Tòa thánh trước đây trên thực tế là do bị áp lực. Ví dụ trường hợp cuối cùng xảy ra sáu thế kỷ trước, khi Đức Giáo hoàng Gregorio XII bị áp lực phải từ nhiệm năm 1415. Báo chí Ý trích dẫn những nguồn am tường về Vatican nói tuổi tác và sức khỏe chỉ là “bề nổi” của vụ từ nhiệm. Bản thân Đức Giáo hoàng Benedict XVI trong buổi lễ tro 13-2 vừa qua, trước mặt đông đủ chức sắc của hàng giáo phẩm, đã công khai nhìn nhận “những chia rẽ đã tàn phá giáo hội”. Những sự kiện “nhức nhối” Hiện Roma đang chuẩn bị các kế hoạch để đón nhận hàng triệu tín đồ từ khắp nơi đổ về ngày 27-2 tới, là ngày Benedict XVI làm thánh lễ cuối cùng trong cương vị Đức Giáo hoàng. Thị trưởng thành phố Roma đã gõ cửa văn phòng Thủ tướng Mario Monti để xin tài trợ 4 triệu euro. Dự kiến sẽ có nhiều giáo dân và chuyên viên của các mạng truyền thông “ăn dầm nằm dề” ở quảng trường S.Pietro trước Tòa thánh để theo dõi kết quả bầu cử của Mật nghị hồng y vào hạ tuần tháng 3. Trước mắt, các cơ sở truyền thông đã cho xe tải thâu phát tín hiệu với các ăngten lòng chảo đến nằm đầy quảng trường, các căn lều dã chiến đã được dựng lên để các nhà báo, các chuyên viên thu hình... ngày đêm túc trực săn tin trước Tòa thánh. Hồng y Joseph Aloisius Ratzinger trở thành vị Đức Giáo hoàng thứ 265 vào ngày 19-4-2005. Dưới giáo triều của Benedict XVI, gần tám năm qua đã xảy ra không ít những sự kiện “nhức nhối” ở Tòa thánh. Đầu tiên là năm 2006, trong lần giảng thuyết về đức tin tại Đại học Regensburg (Đức), Giáo hoàng Benedict XVI đã trích dẫn một vài tuyên bố của Manuel II Palaiologos, đại đế của triều đại Byzantine vào thế kỷ 15, trong đó có câu “Hãy minh chứng cho tôi những gì mới mẻ mà đấng Muhammad mang lại và ở đó các ngươi sẽ chỉ thấy những điều xấu xa và vô nhân đạo, chẳng hạn như thói rao giảng đức tin bằng gươm giáo”. Trích dẫn nói trên đã gây một làn sóng phẫn nộ trong giới Hồi giáo đến độ sau đó Đức Giáo hoàng đã phải chính thức xin lỗi. Đến năm 2008 nổ ra xìcăngđan về xâm phạm nhi dục (paedophilia) dính líu đến nhiều chức sắc cao cấp trong hàng giáo phẩm ở châu Âu và Bắc Mỹ... Đức Giáo hoàng Benedict XVI, trong buổi đọc diễn văn nhân ngày “Thanh nhiên quốc tế” ở Sydney, đã phải nhìn nhận là có vấn nạn xâm phạm nhi dục và ngài cảm thấy xấu hổ vì những xìcăngđan như thế. Tin mới nhất: báo chí Ý tiết lộ các chức sắc trong hàng giáo phẩm ở Mỹ đã kiến nghị lên Tòa thánh đòi loại bỏ hồng y Roger Mahony ra khỏi danh sách tham dự Mật nghị hồng y bầu Đức Giáo hoàng mới. Hồng y Roger Mahony khi còn giữ chức vụ tổng giám mục giáo phận Los Angeles đã cố tình “ô dù” cho các giáo sĩ dính líu đến các xìcăngđan xâm phạm nhi dục nói trên. Sang năm 2009, Benedict XVI đã quyết định rút lại lệnh rút phép thông công cho bốn giám mục bảo thủ cực đoan do giám mục ly khai tòa thánh Marcel Lefebre tấn phong trước đó. Quyết định trên được Tòa thánh xem như là một biểu hiện ân xá cho nhóm của giám mục Lefebre, nhưng sau đó chính những giám mục bảo thủ cực đoan này lại có những tuyên bố “xét lại” về nạn diệt chủng Do Thái của Đức quốc xã... Điều này lại làm giảm phần nào uy tín của Đức Giáo hoàng. Nhưng có lẽ phải đợi đến năm 2012 thì thật sự những xung đột trong nội bộ Tòa thánh mới trở thành gần như lộ liễu. Đầu tiên là các hoạt động tài chính của “Cơ quan chuyên trách về các hoạt động tôn giáo” thuộc Tòa thánh (“IOR - Istituto per le Opere di Religione”), được coi như ngân hàng của Tòa thánh. Trên danh nghĩa thì IOR chỉ hoạt động tài chính để hỗ trợ các hoạt động về tôn giáo của giáo hội, ví dụ như quản lý tài khoản cho các giáo xứ hay các cơ quan hoạt động trong nội thành Vatican. Và cũng trên lý thuyết thì chỉ có những tu sĩ hoặc nhân viên làm việc cho Tòa thánh Vatican mới có quyền mở tài khoản ở IOR. Nhưng trên thực tế có rất nhiều tài khoản ẩn danh mà Ngân hàng Trung ương Ý không biết rõ nguồn gốc. Và nhất là IOR đã có những vụ chuyển khoản lớn mà không cung cấp cho Ngân hàng Trung ương Ý biết rõ xuất xứ thể theo luật pháp tài chính của Nhà nước Ý. Bằng cớ là năm 2010, Ngân hàng Trung ương Ý đã ra lệnh phong tỏa 23 triệu euro trong một số tài khoản của IOR không có nguồn gốc minh bạch. Trong những năm gần đây, châu Âu đã đưa ra một số tiêu chuẩn cho các ngân hàng EU để phòng chống nạn rửa tiền và cũng trong chiều hướng đó, Ngân hàng Trung ương Ý nhiều lần yêu cầu IOR phải tuân thủ các tiêu chuẩn chung. Đây là một trong những chuyện đau đầu cho chủ tịch IOR Ettore Gotti Tedeschi. Tedeschi là chuyên gia tài chính tầm cỡ quốc tế, được quốc vụ khanh của Tòa thánh là hồng y Tarcisio Bertone đề bạt vào Tòa thánh để chuyên trách về các vấn đề tài chính, và đến năm 2009 thì trở thành chủ tịch của IOR. Khi IOR được khuyến cáo phải minh bạch các hoạt động tài chính... thì trong nội bộ hàng giáo phẩm cũng đã nổ ra căng thẳng giữa các hồng y. Có người muốn Tòa thánh phải làm gương minh bạch và xem như đó là sứ vụ của hàng giáo phẩm trước con chiên. Có người thì xem như đây là thời cơ làm giảm uy lực của một số hồng y xưa nay khuynh đảo các hoạt động của IOR. Tedeschi, rất có thể là với tư duy chuyên nghiệp của người làm tài chính, đã quyết định minh bạch hóa các hoạt động IOR... Nhưng cũng chính từ đó, quan hệ giữa Tedeschi và quốc vụ khanh hồng y Bertone ngày càng trở nên tồi tệ. Đến độ ngày 24-5-2012 toàn bộ viện kiểm soát tài chính của Tòa thánh tuyên bố bất tín nhiệm Tedeschi và cách chức ông với lý do “không thực hiện được các nhiệm vụ quan trọng hàng đầu và có những hành vi thất thường và sai trái”. Lần đó, khi được báo chí phỏng vấn, Tedeschi đã “hăm dọa”: “Đừng bắt tôi phải nói những điều tôi không muốn nói”. Trong khi IOR không đề bạt được chủ tịch mới thì đến tháng 5-2012 lại nổ ra vụ “ăn cắp tư liệu mật” của Tòa thánh, mà báo chí nhanh chóng đặt tên là “Vatileaks”: ông Paolo Gabriele, vốn là quản gia hầu cận của Benedict XVI, bị bắt giam về tội làm “nội gián” tuồn ra ngoài văn thư mật của Đức Giáo hoàng. Đặc biệt trước đó, ký giả Ý Gianluigi Nuzzi vừa tung ra một quyển sách mang tựa đề Sua Santità (Đức cha) với phụ chú “Những tư liệu mật của Benedict XVI”, sao chụp lại rất nhiều tư liệu mật. Dĩ nhiên không ai tin người quản gia đã hành động đơn độc. Họ cho rằng có một nhóm trong hàng giáo phẩm đứng sau lưng ông quản gia. Bằng chứng là khi bị bắt giam, người quản gia đã thú nhận rằng tất cả hành động “nội gián” nói trên là vì ông ta muốn “bảo vệ” Đức Giáo hoàng. Câu hỏi: “Bảo vệ Đức Giáo hoàng để chống lại ai?” đến hôm nay vẫn chẳng có câu trả lời. Paolo Gabriele bị tuyên 18 tháng tù. Và như công luận đã tiên đoán, Đức Giáo hoàng nhanh chóng ban lệnh ân xá cho ông và “Vatileaks” kết thúc cực nhanh với nhiều câu hỏi vẫn còn bỏ ngỏ. Phóng to Người quản gia hầu cận Paolo Gabriele của Đức Giáo hoàng bị kết tội “nội gián” trong vụ “Vatileaks” - Ảnh: Il Messaggero Một quyết định “đốt giai đoạn”? Benedict XVI năm nay 86 tuổi. Chỉ cần đem so sánh với trường hợp sức khỏe và bệnh tật của người tiền nhiệm của ông là Đức Giáo hoàng John Paul II, tức hồng y Karol Józef Wojtyła người Ba Lan, thì thấy quyết định từ nhiệm vì tuổi cao và sức khỏe của Benedict XVI có nhiều chi tiết không dễ lý giải. Công luận vẫn còn nhớ rằng John Paul II mất năm 2005 ở tuổi 85. Nhưng khoảng 15 năm trước đó, ông đã bắt đầu có vấn đề sức khỏe do hệ lụy của cuộc ám sát hụt ngày 13-5-1981. Những năm sau cùng của cuộc đời, John Paul II lại mắc thêm chứng bệnh Parkinson. Tuy nhiên khi đó, lãnh đạo giáo hội đã đứng ra cáng đáng giáo triều một cách êm thấm cho đến khi Đức Giáo hoàng từ trần. So với John Paul II ngày trước, sức khỏe của Benedict XVI khả quan hơn, và chính Tòa thánh cũng đã phủ nhận mọi tin đồn về việc Benedict XVI mắc một chứng bệnh hiểm nghèo nào đó. Vì thế, quyết định từ nhiệm vì sức khỏe của Benedict XVI tự nó cũng dễ làm cho người ta “tưởng tượng” ra những lý do khác bên trong hậu trường. Một số tờ báo cho rằng Benedict XVI với quyết định từ nhiệm bất ngờ đã gây khủng hoảng cho những phe nhóm chống lại ngài. Giống như người ta đang ra sức đẩy một cánh cửa để rồi bất ngờ cánh cửa tự dưng mở ra... khiến những người đang ra sức đẩy nó bị té nhào. Những người lập luận theo chiều hướng này viện dẫn rằng Benedict XVI tuyên bố từ nhiệm mới năm ngày thì hôm 15-2 Tòa thánh đã bổ nhiệm chủ tịch mới cho IOR là ông Ernest Von Freyberg, người Đức, thay cho ông Ettore Gotti Tedeschi bị cách chức hồi tháng 5 năm ngoái. Benedict XVI sẽ thật sự chấm dứt vai trò Đức Giáo hoàng vào lúc 20g ngày 28-2, và kể từ lúc đó ngôi vị giáo chủ của giáo hội Công giáo coi như bỏ trống. Tòa thánh dự kiến sẽ tổ chức Mật nghị hồng y để các hồng y cử tri bỏ phiếu bầu ra Đức Giáo hoàng mới vào khoảng thời gian từ ngày 15 đến 20-3 sắp tới. Và trong giai đoạn chuyển tiếp, quốc vụ khanh hồng y Tarcisio Bertone sẽ giữ vai trò hồng y nhiếp chính cai quản giáo triều cho đến khi có Đức Giáo hoàng mới. Quyết định từ nhiệm bất ngờ của Benedict XVI cũng đã “đốt giai đoạn”, không cho phép các quá trình thương lượng có thể đi đến chín muồi trước khi Mật nghị hồng y bỏ phiếu. Do đó, theo phán đoán của các chuyên gia, lần bầu cử Đức Giáo hoàng sắp tới sẽ kéo dài và có nhiều bất ngờ. Nguồn tham khảo: La Repubblica, La Stampa, Corriere della Sera. Tin bài liên quan: ___________ Kỳ tới: Mật nghị hồng y 2013 Tags: VaticanGiáo hoàngTừ nhiệmGiáo Hoàng Benedict XVIBầu chọn giáo hoàng
Thủ tướng: 'Chúng ta cứ đấu thầu nhưng cuối cùng quân xanh, quân đỏ, kỷ luật liên tục' THÀNH CHUNG 23/11/2024 Thủ tướng chia sẻ hoạt động doanh nghiệp nhà nước phải theo quy luật thị trường, giá trị, cung cầu và cạnh tranh, không thể can thiệp bằng các biện pháp hành chính.
2 cô gái trang điểm bị gia đình chú rể lục vali, yêu cầu cởi đồ vì nghi lấy 20 triệu HOÀI THƯƠNG 23/11/2024 Hai cô gái chuyên trang điểm cho cô dâu bị một gia đình chú rể ở Tiền Giang giữ lại để lục vali, đồ đạc và yêu cầu cởi đồ để lục soát chỉ vì bị mất 20 triệu đồng, khiến nhiều người bức xúc.
Nhiều nội dung tố cáo liên quan Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ là đúng hoặc đúng một phần THÁI LŨY 23/11/2024 Sở Y tế TP Cần Thơ vừa có kết luận các nội dung tố cáo ban giám đốc Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ, liên quan đến thực hiện các gói thầu mua sắm, sửa chữa, miễn giảm tiền thuê mặt bằng trong bệnh viện và quy trình tuyển dụng…
Mỹ nghi Triều Tiên sắp thử hạt nhân, ông Trump nhắc tên ông Kim Jong Un THANH BÌNH 23/11/2024 Ông Trump nhắc tên nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un khi thông báo đề cử nhân sự mới, giữa lúc căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.