Năm 2017 sắp kết thúc, đây là một năm đầy biến động đối với điện ảnh Việt và điện ảnh thế giới. Khán giả chứng kiến doanh thu kỉ lục của một bộ phim Việt Nam, còn trên thế giới, hàng loạt vụ quấy rối tình dục được tiết lộ phơi bày mặt tối của kinh đô điện ảnh thế giới Hollywood.

Cùng Tuổi Trẻ Online điểm qua những sự kiện nổi bật nhất năm 2017.

Những sự kiện điện ảnh nổi bật của năm 2017 - Ảnh 1.


Ra rạp ngày 28-4-2017, Em chưa 18 của đạo diễn Lê Thanh Sơn do hãng phim Chánh Phương đầu tư vốn không phải là một dự án được chú ý. Đặc biệt vào thời điểm đó, rạp chiếu còn ra mắt phim bom tấn siêu anh hùng của Mỹ Guardians of the galaxy vol 2, nên không nhiều người lạc quan về thành công phòng vé của Em chưa 18.

Thế nhưng với con số 86 tỷ đồng chỉ sau 10 ngày công chiếu, bộ phim gây kinh ngạc cho thị trường điện ảnh Việt Nam. Nội dung dễ gần, hiện đại và rất hợp thời đại, Em chưa 18 đã tạo ra một hiệu ứng truyền miệng rộng lớn, đến mức, khi bộ phim dừng chiếu, doanh thu phim đã lên đến hơn 170 tỷ. Đó là con số lớn nhất từ trước đến giờ mà thị trường phim Việt có thể đạt được.

Em chưa 18 đã vượt qua kỉ lục doanh thu của bom tấn Kong: Skull Island vốn được yêu thích vì lấy bối cảnh Hạ Long.

Kỉ lục này chắc chắn sẽ rất khó bị phá trong một thời gian nữa, đồng thời minh chứng rằng, khán giả Việt Nam luôn sẵn sàng đón nhận phim Việt, miễn là phim hay và đánh đúng tâm lý mà khán giả cần. 

Những sự kiện điện ảnh nổi bật của năm 2017 - Ảnh 2.


Một điểm nổi bật nữa của thị trường phim Việt năm 2017 là hàng loạt dự án phim làm lại từ các tác phẩm điện ảnh nước ngoài ra mắt. Trong thời điểm điện ảnh Việt đang phát triển mạnh mẽ như hiện nay, cơn khát kịch bản hay là điều làm các nhà làm phim đau đầu.

Điều này dễ dàng được giải quyết bằng việc sử dụng lại các kịch bản đã gây tiếng vang của quốc tế. Trong đó thành công của bộ phim Em là bà nội của anh của đạo diễn Phan Gia Nhật Linh là một ví dụ điển hình.

Yêu đi đừng sợ dựa theo tác phẩm gốc Spellbound, hay Sắc đẹp ngàn cân làm lại từ bộ phim 200 Pounds Beauty đều được khán giả đón nhận ít nhiều. Ngoài ra còn nhiều dự án đang chuẩn bị phát hành vào đầu năm 2018 như Tháng năm rực rỡ, Mối tình đầu của tôi, Yêu em bất chấp…

Những sự kiện điện ảnh nổi bật của năm 2017 - Ảnh 3.

Đầu năm nay, khi điện ảnh chưa xuất hiện nhiều tác phẩm nổi bật, lễ trao giải Oscar lần thứ 89 của Viện hàn lâm Mỹ chứng kiến một màn trao giải kì lạ, ấn tượng và có đôi chút ngớ ngẩn. Một phút trao nhầm giải phim điện ảnh xuất sắc nhất cho La La Land mà đáng lẽ ra thuộc về Moonlight đã tạo ra một tình huống dở khóc dở cười.

Cả hai tác phẩm đều xứng đáng, nhưng chỉ một tác phẩm được vinh danh. Sự "tẽn tò" của La La Land đã làm người ta bớt hưởng ứng chiến thắng của Moonlight.

Với lỗi "trao nhầm vương miện", Oscar 2017 trở thành một trong những buổi lễ trao giải đáng quên nhất trong lịch sử.

Những sự kiện điện ảnh nổi bật của năm 2017 - Ảnh 4.

Sau 3 năm nghỉ ngơi sau tác phẩm khoa học viễn tưởng Interstellar, Nolan trở lại màn ảnh lớn bằng một bộ phim về chiến tranh thế giới thứ 2 có tên Dunkirk.

Nhưng đúng chất của một trong những đạo diễn lớn nhất đương đại, Nolan khiến Dunkirk không phải phim chiến tranh với mô típ thông thường, mà mang đậm dấu ấn của ông.

Đặt điểm nhìn ở ba nơi là mặt đất, trên không trung và ngoài biển, Christopher Nolan mang đến một trải nghiệm điện ảnh độc nhất dành cho khán giả về những căng thẳng mà gần 300 ngàn người lính thuộc quân Đồng minh phải trải qua khi cố gắng sống sót trở về quê nhà.

Dunkirk có kinh phí 100 triệu đô la Mỹ, tuy nhiên doanh thu bộ phim đạt được tính đến thời điểm này là hơn 500 triệu đô. Điều đó, một lần nữa, chứng minh cho việc, thể loại phim không quan trọng để đạt được doanh thu khủng, mà quan trọng là tài năng của đạo diễn.

Dunkirk được dự đoán sẽ là một trong những ứng cử viên số 1 cho giải thưởng Oscar 2018. Liệu Chritopher Nolan có phá bỏ được sự vô duyên của mình với tượng vàng?

Những sự kiện điện ảnh nổi bật của năm 2017 - Ảnh 5.

Đầu năm, tại liên hoan phim Sundance, bộ phim đầu tay Get Out của đạo diễn Jordan Peele đã gây tiếng vang lớn cho giới phê bình. Điều đó chưa đáng chú ý bằng việc, khi bộ phim được phát hành toàn thế giới, Get Out đã được đón nhận nồng nhiệt.

Dù kinh phí chỉ hơn 4 triệu đô la Mỹ, bộ phim đã thu về 254 triệu đô, một con số kỉ lục mà bất kì nhà làm phim độc lập nào cũng thèm muốn. Thêm nữa, Get Out còn được Viện phim Mỹ chọn là một trong 10 bộ phim hay nhất 2017.

IT: Chapter one - tác phẩm được thực hiện dựa theo tiểu thuyết của nhà văn Stephen King - đã trở thành bộ phim kinh dị có doanh thu cao nhất mọi thời đại, với con số lên tới 688 triệu đô.

Kể về chú hề Pennywise chuyên ăn thịt trẻ con, IT là biểu tượng văn hóa đại chúng với bản phim ra mắt năm 1990. Bộ phim do đạo diễn Andrés Muschietti chỉ đạo sẽ ra mắt phần 2 vào năm 2019.

Ngoài thành công về mặt doanh thu, điện ảnh kinh dị còn chứng kiến sự ra đời của một bộ phim gây tranh cãi nhất 2017.  Đó là phim Mother! của đạo diễn Darren Aronofsky .  

Aronofsky là một trong những nhà làm phim tài năng bậc nhất Hollywood. Những tác phẩm của ông giàu tính biểu tượng, trong đó ông luôn tìm cách khơi gợi bản năng và dục vọng của con người để truyền tải ý nghĩa của cuộc sống. Những tác phẩm được biết đến nhiều nhất của ông là Requiem for a dream, Black swan

Với Mother!, cấp độ mà ông mang đến cho bộ phim ở một tầm cao mới. Những hình ảnh hãi hùng, gây khó chịu cho khán giả được nhà làm phim đưa vào phim một cách trực diện đã tạo ra sự phân hóa lớn cho giới phê bình và khán giả.

Mother! là phim mà người thích thì thích mê, còn người ghét thì ghét phim cùng cực. Phim không gặt hái được nhiều thành công phòng vé, tuy nhiên, yếu tố nghệ thuật được đặt lên hàng đầu của đạo diễn là một điều đáng kể dành cho Mother!.

Những sự kiện điện ảnh nổi bật của năm 2017 - Ảnh 6.


Liên hoan phim Cannes lần thứ 70 chứng kiến giải thưởng Cành cọ vàng dành cho nữ đạo diễn Sofia Coppola, khi bà trở thành người phụ nữ thứ 2 dành giải Đạo diễn xuất sắc kể từ năm 1961. Bộ phim bà mang đến Cannes lần này là The Beguiled - một bộ phim đậm tính nữ khi chỉ có một nam diễn viên trong phim.

The Beguiled có sự tham gia của Nicole Kidman - minh tinh nước Úc và là nữ hoàng của Cannes 2017 khi góp mặt trong 5 tác phẩm tham dự Cannes.

Tại đây, Nicole Kidman cũng lên tiếng về những bất công mà phụ nữ phải chịu trong ngành điện ảnh, và kêu gọi mọi người ý thức hơn về bình đẳng giới, cho phụ nữ nhiều cơ hội được tham gia nhiều dự án phim hơn.

Chưa dừng lại ở đó, phim thương mại còn đón nhận thành công ngoài sức tưởng tượng của phụ nữ. Bộ phim về nữ siêu anh hùng Wonder Woman đã làm nên kì tích đáng ngưỡng mộ. Wonder Woman là bộ phim hành động đạt doanh thu lớn nhất do một đạo diễn nữ thực hiện.

Không những thế, với thành công của Wonder Woman, phần 2 của bộ phim đã được lên lịch sản xuất và Patty Jenkins trở thành đạo diễn nữ có mức thù lao cao nhất mọi thời đại.

Những sự kiện điện ảnh nổi bật của năm 2017 - Ảnh 7.

Ngày 5-10-2017, báo The New York Times đã đăng bài điều tra dài kết tội "ông trùm" Harvey Weinstein có hành vi lạm dụng và quấy rối tình dục với nhiều nữ diễn viên.

Harvey Weinstein là một trong những nhà sản xuất quyền lực bậc nhất Hollywood. Ông là đồng sáng lập ra hãng phim Miramax và công ty The weinstein Company, nơi nâng đỡ những bộ phim xuất sắc của thế kỉ 20 như Pulp Fiction, Shakespeare in love

Danh sách nữ diễn viên bị Harvey Weinstein quấy rối rất dài, trong đó có những cái tên nổi tiếng như Angelina Jolie, Gwyneth Paltrow… Một chiến dịch mang tên Tôi Cũng Vậy (#metoo) được nhân rộng, qua đó rất nhiều phụ nữ được tiếp thêm dũng khí để lên tiếng tố cáo những con yêu râu xanh trong ngành điện ảnh.

Và thật bất ngờ khi danh sách những kẻ "đồi bại" có những tài năng hạng A của Hollywood như Kevin Spacey, giám đốc điều hành Amazon Roy Price…

Ngành công nghiệp điện ảnh đã phô bày ra mặt tối của nó. Liệu sau vụ scandal rúng động này của Hollywood, một môi trường điện ảnh trong sạch hơn sẽ được tạo ra hay không? Đó là điều ai cũng hy vọng khi mà lĩnh vực điện ảnh vốn đang do nam giới thống trị.  

Những sự kiện điện ảnh nổi bật của năm 2017 - Ảnh 8.

Đầu tư đến 6 tỷ đô la cho phim ảnh trong năm 2017, Netflix không chỉ đơn giản là một hệ thống truyền hình trực tuyến, mà còn là nhà đầu tư lớn của Hollywood ở thời điểm hiện tại. 

Ngoài những dự án phim truyền hình đình đám như Westworld, Stranger Things…, Netflix không giấu diếm tham vọng tạo ra những sản phẩm điện ảnh đích thực qua việc trở thành nhà phát hành cho các bộ phim độc lập khó tìm đầu ra ở hệ thống rạp, và tự bỏ tiền sản xuất những dự án điện ảnh lớn.

Tuy nhiên, với việc kiên quyết không chấp nhận việc chiếu ở rạp trước khi phát hành online, Netflix nhận nhiều chỉ trích từ giới làm phim như Christopher Nolan hay Tarantino, khi họ cho rằng trải nghiệm màn ảnh rộng mới tạo ra giá trị điện ảnh đích thực.

Nhưng đó chỉ là những tiếng nói yếu ớt trong muôn vàn những lời khen ngợi dành cho Netflix. Netflix dám bỏ ra những khoản tiền lớn cho những đạo diễn tên tuổi làm phim và quan trọng nhất là để nhà làm phim tự do kiểm soát đứa con của mình.

50 triệu đô cho tác phẩm Okja của Bong Joon-ho, 125 triệu đô cho The Irishman của Martin Scorsese là những con số biết nói.

Netflix đang là miền đất hứa cho sự sáng tạo mà các hãng phim lớn lớn vì chạy theo lợi nhuận đã không sẵn lòng cung cấp cho những nhà làm phim nữa.

Những sự kiện điện ảnh nổi bật của năm 2017 - Ảnh 9.

Cuối năm chứng kiến một thương vụ lịch sử đang diễn ra. Disney đã mua thành công mảng kinh doanh giải trí của công ty truyền thông 21st Century Fox, với giá 52,4 tỷ đô la.

Những thương hiệu điện ảnh của Fox như Spider-Man, Fantastic four… sẽ thuộc về Disney.

Sau thương vụ này, Disney trở thành ngáo ộp ở Hollywood khi sở hữu nhiều hãng phim đình đám như Pixar, Lucasfilm, Marvel Studios. "Nhà Chuột" càng ngày càng trở nên cường đại.


Nguyễn Tuấn
Thùy Trang
Bảo SuZu
16/12/2017
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên