05/10/2022 08:44 GMT+7

Những sinh viên đặc biệt truyền cảm hứng học nghề

TRỌNG NHÂN
TRỌNG NHÂN

TTO - Nhân Ngày kỹ năng lao động Việt Nam (4-10), Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) lần đầu tiên tổ chức vinh danh 100 học sinh, sinh viên giỏi nghề ở khắp các tỉnh thành.

Những sinh viên đặc biệt truyền cảm hứng học nghề - Ảnh 1.

Hồ Minh Hải - học sinh Trường trung cấp Tháp Mười - Ảnh: NVCC

Những cái tên được tuyên dương đã và đang lan tỏa niềm đam mê học tập, đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, cho các bạn trẻ cả nước.

Cô sinh viên "5 tốt" tuổi... 40

Lướt qua danh sách 100 học sinh, sinh viên xuất sắc tề tụ về thủ đô cho buổi vinh danh lần này, chúng tôi phải dừng lại một hồi lâu tại dòng thông tin của Nguyễn Thị Kim Thoa - Trường CĐ Lý Tự Trọng TP.HCM - bởi ban tổ chức ghi năm sinh của sinh viên này là... 1982. Liệu có nhầm lẫn gì chăng?

Tâm sự bên lề sự kiện, nữ sinh Kim Thoa đùa rằng hồi năm 2019, khi ghi danh học cao đẳng, nhiều người cũng ngỡ ngàng khi biết chị ngót nghét 40 tuổi. Đã vậy, chị lại chọn một nghề thường kén phái đẹp là điện lạnh, thay vì theo những ngành nữ công gia chánh như may mặc hay bếp núc.

Chị Thoa cho biết cách đây gần 20 năm, sau khi hoàn thành chương trình cấp III tại Trung tâm giáo dục thường xuyên huyện Bình Chánh (TP.HCM), chị không học tiếp mà một phần vì điều kiện tài chính. Rồi sau khi lập gia đình, chị lui về hậu phương lo chuyện nhà cửa, con gái và "dồn lực" để chồng - cũng là người bạn học chung cấp III - có thể học tiếp lên cao đẳng, đại học.

Đến lúc chồng đã trở thành giảng viên tại Trường trung cấp Trần Đại Nghĩa (TP.HCM), kinh tế ở nhà cũng đã ổn định, con cái đã lớn, năm 2018 chị bắt đầu học lại trung cấp tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên của huyện, rồi học cao đẳng tại Trường CĐ Lý Tự Trọng và hoàn thành luôn chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm và giờ đang theo học chương trình của Trường ĐH Nha Trang. Tất cả đều theo nghề điện lạnh.

Năm học 2021 - 2022, cô nữ sinh này giành được danh hiệu "sinh viên 5 tốt" của Trường CĐ Lý Tự Trọng TP.HCM. Năm 2021, chị Thoa cùng bốn sinh viên "đàn em" cùng nhau thiết kế mẫu máy lạnh được tích hợp đèn UVC để diệt vi rút và vi khuẩn trong phòng. 

Do có hiệu quả và tính ứng dụng cao, sản phẩm đã được chuyển giao cho một công ty công nghệ tiếp tục phát triển thành các phiên bản tiếp theo. Dự án này cũng đoạt được giải nhì tại cuộc thi "Ý tưởng khởi nghiệp học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp" (Start-up Kite) của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội năm 2021.

Chị Thoa chia sẻ mục tiêu lúc này của chị có thể trở thành giáo viên trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp để truyền nhiệt huyết học nghề và theo đuổi đam mê cho các thế hệ tiếp theo. Hiện chị đang bước những bước đầu tiên khi đã tham gia trợ giảng cho một số trường nghề trên địa bàn. 

"Không bao giờ là quá trễ để thực hiện ước mơ, huống chi tôi còn đến gần 20 năm nữa mới tới tuổi nghỉ ngơi. Đó cũng là điều tôi sẽ gửi đến các bạn trẻ trong những lớp học của mình trong tương lai: không ngừng phấn đấu để đạt đến những gì mình mong muốn", chị Thoa nói.

"Làm chủ" ở tuổi 18

Hồ Minh Hải - vừa tốt nghiệp nghề điện lạnh tại Trường trung cấp Tháp Mười (Đồng Tháp) - là một trong những học sinh hệ trung cấp được Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp vinh danh lần này. Khi học xong THCS, Hải chủ động chuyển hướng học nghề (hệ 9+) mặc dù đủ điều kiện học tiếp các trường phổ thông công lập trên địa bàn.

Hải chia sẻ bạn chưa từng cảm thấy nao núng khi đi theo con đường kén người hơn so với số đông bạn bè là vào trường phổ thông. Ngược lại, Hải luôn cảm thấy vui vì được học nghề bạn thích, được đi thực hành trên máy móc và được đến các công ty thực tập. 

Học hết một năm, Hải đánh bạo mở luôn cửa tiệm sửa chữa máy lạnh ở nhà, đi sửa lòng vòng cho những gia đình trong huyện. Hiện tiệm hoạt động ổn định, Hải có nguồn thu nhập kha khá mỗi tháng.

Năm học 2020 - 2021, Hải đạt danh hiệu "học sinh 3 tốt" cấp trung ương do Ban Bí thư Trung ương Đoàn trao tặng. Cũng trong năm này, Hải trở thành thành viên của SOS Tháp Mười - nhóm tình nguyện chuyên hỗ trợ người dân gặp khó khăn khi đi đường ban đêm. Trung bình mỗi tuần Hải sẽ túc trực 2-3 đêm để nhận cuộc gọi từ người dân và đến hỗ trợ những trường hợp xe thủng bánh dọc đường hay gặp tai nạn giao thông.

Giờ đây, Hải đang tính tới chuyện vừa làm vừa học lên đại học. Hải cho rằng mỗi người sẽ có một hành trình riêng, không ai giống ai, tuy nhiên điều quan trọng là mỗi bạn trẻ nên luôn nỗ lực để luôn tốt hơn mỗi ngày.

Ngày tôn vinh kỹ năng lao động

Ông Trương Anh Dũng - tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp - cho biết 100 bạn trẻ được vinh danh đều là những học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp xuất sắc, tiêu biểu, có thành tích học tập toàn diện, có đề tài nghiên cứu, các sáng chế hoặc đoạt giải cao trong các cuộc thi lớn.

Ngoài ra, các bạn cũng tích cực tham gia các hoạt động Đoàn - Hội và hoạt động tình nguyện, trở thành động lực học nghề cho học sinh, sinh viên nhiều nơi. Cũng nhân Ngày kỹ năng lao động Việt Nam 2022, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã vinh danh 54 nhà giáo giáo dục nghề nghiệp tiêu biểu trên cả nước, đại diện cho hơn 83.000 nhà giáo đang giảng dạy trong 1.900 trường nghề tại Việt Nam.

Nữ sinh người Cil và ý nguyện vườn cây giống

Là người con thuộc bộ tộc Cil quanh năm nương rẫy, Lơ Mu K' Luyn (sinh năm 1997) phát hiện mình có sở thích đặc biệt với nghề trồng trọt nên quyết định theo học khoa nông nghiệp và sinh học ứng dụng Trường CĐ nghề Đà Lạt. Năm 2021, Luyn và hai bạn cùng khoa bắt đầu theo đuổi dự án nghiên cứu tạo ra một sản phẩm mới lạ từ sản phẩm đông trùng hạ thảo nuôi cấy trong ống nghiệm đang khá phổ biến ở Đà Lạt.

Nhóm thử nghiệm kết hợp nấm dược liệu đông trùng hạ thảo và nấm thủy sâm Kompucha và làm dưới dạng thạch. Sản phẩm ứng dụng công nghệ sấy lạnh, không hương liệu, phẩm màu, chất bảo quản nhằm giữ lại tối đa dược tính của các loại nấm. Dự án này đã giành giải nhì tại cuộc thi "Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Lâm Đồng" năm 2022 và lọt vào "mắt xanh" của một số nhà đầu tư.

Hôm qua (4-10), Luyn là một trong 20 sinh viên thuộc các bạn đồng bào dân tộc thiểu số được Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp vinh danh sinh viên giỏi nghề. "Mình ấp ủ dự định về lại bản làng để mở một vườn ươm cây giống. Hiện nay đồng bào mình muốn mua cây giống còn phải đi xa hoặc đặt hàng rất xa. Mình muốn tạo được nguồn giống tại chỗ để thuận tiện hơn cho bà con" - Luyn nói.

Hết lớp 9 nên học nghề gì, ở đâu? Hết lớp 9 nên học nghề gì, ở đâu?

Hiện nay, nhiều bạn trẻ có xu hướng chọn học nghề sau tốt nghiệp THCS ngày càng nhiều với mong muốn khởi nghiệp, thành công sớm.

TRỌNG NHÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên