Dù nguyên nhân là gì đi nữa, thì điều đó cũng cho thấy rằng rất nhiều người đã phải chia tay chiếc xe của mình sau một thời gian ngắn sử dụng, nhiều trường hợp trong số đó là chiếc xe đầu tiên.
Trên các diễn đàn lớn, nhiều người cũng chia sẻ rằng họ không hài lòng với lựa chọn đầu tiên của mình và muốn đổi xe. Vậy đâu là những lý do hay sai lầm phổ biến khiến chủ nhân của những chiếc xe phải "ly dị" "mối tình đầu" ấy?
Quyết định vội vã vì người khác
Mua xe để phục vụ cho bản thân và cho gia đình, nhưng nhiều người lại đi hỏi ý kiến của người ngoài để xin lời khuyên mua xe gì, hoặc thấy bạn bè hay người thân đang sử dụng xe gì đó thì cũng mua theo.
Một nghiên cứu tại thị trường Anh và một số nước châu Âu cũng chỉ ra rằng cứ 10 chiếc xe được bán ra thì có tới 7 chiếc xe do phụ nữ quyết định. Câu chuyện cũng có thể tương tự ở Việt Nam. Trong khi đó, có một thực tế rằng phụ nữ đôi khi bị ảnh hưởng nặng nề bởi những giá trị phù phiếm hay lời khuyên của đám bạn bè mà bỏ qua những đánh giá mang tính khách quan, lý trí.
Hãy nhớ rằng sở thích và nhu cầu của mỗi người một khác. Cùng phục vụ gia đình, nhưng có người sẽ cần một chiếc xe nhỏ bé nhưng cho cảm giác lái thú vị và nhiều tiện ích, nhưng có gia đình lại cần không gian rộng để chở đồ mỗi khi đi xa. Hãy đánh giá nhu cầu thực tế của bạn để lựa chọn chiếc xe chuẩn xác.
Vung tay quá trán vì chữ "oai"
Mua xe vượt quá khả năng tài chính của gia đình cũng là tình trạng phổ biến trên thị trường Việt Nam trong nhiều năm qua. Rất nhiều người có tâm lý vay thêm để mua được chiếc xe ở phân khúc cao hơn, sang trọng hơn, chứ không chịu bỏ ra khoản tài chính an toàn để mua chiếc xe nhỏ hơn ở phân khúc thấp hơn.
Và kết quả là chủ nhân của chiếc xe phải cố. Sau khi mua xe, ngoài khoản chi hàng tháng để nuôi chiếc xe đó, chủ nhân của chiếc xe còn phải lo trả nợ và kết quả là chiếc xe trở thành gánh nặng khiến bạn phải chật vật.
Hãy nhớ rằng chi phí để nuôi một chiếc xe cỡ nhỏ như Ford Fiesta, Kia Morning, Hyundai Grand i10,... cũng mất khoảng 4-5 triệu đồng/tháng. Các dòng xe hạng trung có thể tốn khoảng 6-8 triệu đồng trong điều kiện sử dụng bình thường.
Xe chưa mua đã lo bán lại mất giá
Thật nực cười! nhưng đó là sự thật tồn tại trên thị trường ôtô Việt Nam. Rất nhiều người tiêu dùng chỉ lo đến chuyện sau này bán đi có bị mất giá nhiều không mà bỏ qua những yếu tố khác; không nghĩ rằng chính những giá trị đích thực mới là yếu tố khiến bạn yêu xe.
Vậy câu hỏi đặt ra là những chiếc xe bán lại được giá có thực sự quý giá như giá trị bán lại của chúng? Thực tế chứng minh rằng không hẳn như vậy. Đôi khi, đó chỉ là chiếc xe phổ dụng nhất, được nhiều người sử dụng nên đi đâu cũng không sợ đơn độc, trang bị đơn giản và nghèo nàn nên ít lỗi và dễ sửa chữa, phụ tùng nhái và rởm tràn lan nên dễ kiếm...
Quá coi trọng hình thức bề ngoài
Bất kỳ ai cũng có thể dễ dàng bị điêu đứng trước một thiết kế xe đẹp và màu sắc hấp dẫn. Nhưng thực tế chứng minh rằng hình thức đẹp không thể khiến chủ nhân của chiếc xe gắn bó nếu xe bị khiếm khuyết hoặc không đáp ứng được nhu cầu của chủ xe về một vài yếu tố căn bản bên trong nội thất.
Hãy cân nhắc kỹ các yếu tố bên trong nội thất xe, nơi mà bạn thường xuyên cảm nhận và tiếp xúc trên mọi hành trình. Bạn phải cảm thấy thoải mái khi cầm lái, các vị trí để đồ phải thuận tiện, hệ thống thông tin giải trí phải dễ dàng thao tác, hệ thống hỗ trợ người lái (cảm biến lùi, camera, GPS, hỗ trợ đỗ xe, hỗ trợ khởi hành ngang dốc, lẫy chuyển số thể thao...) phải hiệu quả. Đó mới là những giá trị khiến bạn gắn bó lâu dài với chiếc xe của mình.
Không xem xét kỹ càng yếu tố an toàn
Vấn đề cuối cùng trong bài viết này, nhưng lại là vấn đề quan trọng nhất khi lựa chọn một chiếc xe cho gia đình. Lý do là trang bị an toàn sẽ giúp cứu sống gia đình bạn khi có tình huống không mong muốn xảy ra.
Rất nhiều dòng xe phổ thông với giá bán rất hấp dẫn trên thị trường hiện nay có đầy đủ những công nghệ an toàn tiên tiến. Những công nghệ an toàn mà một chiếc xe gia đình cần có là hệ thống túi khí cho cả người ngồi trước và ngồi sau, hệ thống chống bó cứng phanh, cân bằng điện tử, hệ thống hỗ trợ đỗ xe tự động, hệ thống phanh chủ động khi phát hiện chướng ngại vật phía trước, hệ thống cảnh báo khi có phương tiện cắt ngang phía sau khi lùi xe…
Không chỉ dừng lại ở những trang bị, đánh giá mức độ an toàn khi va chạm còn quan trọng hơn thế. Các tổ chức như ANCAP (Tổ chức Đánh giá Xe mới châu Úc), hay Euro NCAP (Tổ chức Đánh giá Xe mới châu Âu)... là những đơn vị trung lập và tin cậy.
Hãy lựa chọn một chiếc xe đạt điểm 5 sao theo đánh giá của các tổ chức này để bảo vệ gia đình bạn khi có va chạm. Công cụ để bạn tìm kiếm đánh giá, không gì khác, chính là Google.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận