Đừng ngại bẩn, hãy để cho bé tự nhiên. Ảnh: laleche.org.uk
Phương pháp nuôi con đã và đang có nhiều thay đổi theo thời gian. Đã có những quy tắc mới trong việc tập ăn cho bé và tìm hiểu xem làm thế nào để tạo thói quen ăn uống tốt cho bé ngay từ lúc đầu.
Tuy nhiên không hẳn tất cả mọi quy tắc đều thay đổi. Bài viết này sẽ đề cập đến các quy tắc cũ mà bạn vẫn nên làm theo.
Hãy cảnh giác với đồ ăn vặt
Mọi người đều biết rằng đồ ăn vặt không tốt cho sức khỏe, nhưng đối với trẻ nhỏ, những ảnh hưởng tiêu cực này có thể còn nghiêm trọng hơn nhiều. Thật không may, một số loại thực phẩm quen thuộc dành cho em bé lại thuộc về nhóm đồ ăn vặt này. Chẳng hạnh như nước ngọt có ga, nước ép trái cây đóng chai, bánh quy giòn (cracker), bữa ăn chế biến sẵn, những món tráng miệng chứa gelatin,…
Đó là bởi vì chỉ cần một lượng rất nhỏ các loại đồ ăn vặt chứa muối hoặc đường này đã có thể làm bé cảm thấy no, và bao tử của bé sẽ không có nhiều chỗ trống để ăn các loại thực phẩm lành mạnh và các chất dinh dưỡng cần thiết cho sự tăng trưởng và phát triển não bộ của bé.
'Nhu cầu calo của trẻ nhỏ tương đối thấp, nhưng nhu cầu dinh dưỡng của chúng lại rất cao', Christine Gerbstadt, bác sĩ và là chuyên gia dinh dưỡng nói. 'Dinh dưỡng không đầy đủ có thể ảnh hưởng đến các cột mốc phát triển quan trọng'.
Vậy điều này có nghĩa bạn là một người bố mẹ xấu nếu bạn thỉnh thoảng cho bé một mẩu khoai tây chiên hoặc một góc của miếng bánh quy chocolate, hoặc nếu bạn cho bé ăn bánh kem tại bữa tiệc sinh nhật đầu tiên của bé? Tất nhiên là không. 'Thỉnh thoảng ăn những món này sẽ không có vấn đề gì'. Susanna Block, bác sĩ nhi khoa ở Seattle nói.
Chỉ cần không hình thành thói quen ăn những món ăn vặt thường xuyên là được. Không chỉ là vì nó không lành mạnh mà nó còn có thể làm bé phát triển vị giác thích ăn các loại thực phẩm có đường hoặc muối trong cả cuộc đời của bé.
Cho bé ăn những chất béo lành mạnh
Trên các kệ của cửa hàng tạp hóa tràn ngập các sản phẩm ít chất béo và không béo - phô mai, sữa, bánh, sữa chua, thậm chí là khoai tây chiên. Trẻ nhỏ có nên ăn chế độ ăn ít chất béo? Tuyệt đối là không nên.
'Chất béo cần thiết cho sự tăng trưởng của bé. Sữa mẹ và sữa bột đều chứa rất nhiều chất béo'. Block nói.
Tất nhiên, không phải tất cả các loại chất béo đều có tác dụng như nhau. Chất béo không bão hòa, được tìm thấy trong các loại thực phẩm như quả bơ và dầu ô liu, là sự lựa chọn tuyệt vời cho bé của bạn, cũng như các axit béo thiết yếu như omega-3, được tìm thấy trong các loại thực phẩm như cá hồi và cá béo khác.
Mặt khác, các chất béo chuyển hóa (trans fat) có trong bánh rán chiên được xếp thẳng vào loại chất béo không lành mạnh. Chất béo bão hòa, được tìm thấy chủ yếu trong các sản phẩm động vật như thịt và sữa nguyên kem, sẽ thuộc vào "vùng màu xám". "Không ai thực sự biết về những ảnh hưởng của các chất béo bão hòa trong chế độ ăn của trẻ nhỏ do không đủ dữ liệu", Block nói.
Chúng tôi biết rằng các chuyên gia khuyến khích bạn nên cung cấp cho bé các sản phẩm sữa nguyên kem (đầy đủ chất béo) như phô mai và sữa chua cho đến khi bé được 2 tuổi. Sau tuổi này, có lẽ là an toàn khi cho rằng một chế độ ăn uống chứa chất béo bão hòa không phải là một ý kiến tốt, đặc biệt là do bạn sẽ không muốn chúng lấn át các loại thực phẩm khác và không muốn con của mình hình thành sở thích với chúng. Sự điều độ và đa dạng các loại thực phẩm luôn là tốt nhất.
Cho bé ăn thực phẩm mới mỗi lần chỉ một loại
Mặc dù những hạn chế trong các món ăn dành cho bé ăn dặm đã bớt đi, nhưng những quy tắc cũ về cách cho ăn vẫn luôn đúng.
Cho bé thử thức ăn mới mỗi lần chỉ một loại, và đợi ít nhất ba ngày trước khi chuyển sang cho bé ăn thử thức ăn mới tiếp theo. Bằng cách này, nếu em bé của bạn có phản ứng xấu với một loại thực phẩm nào đó, bạn sẽ biết thực phẩm đó là gì.
Dấu hiệu của một phản ứng dị ứng bao gồm tiêu chảy, bụng phình to, tăng việc xả hơi và phát ban. Nếu em bé của bạn liên tục có các triệu chứng nhẹ sau khi ăn một thực phẩm nào đó, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ. Bác sĩ có thể sẽ giới thiệu bạn đến một chuyên gia về dị ứng để làm kiểm tra dị ứng cho bé.
Nếu em bé của bạn biểu hiện các triệu chứng nghiêm trọng - chẳng hạn như khó thở, sưng mặt hoặc môi, nôn mửa hoặc tiêu chảy sau khi ăn - hãy gọi cấp cứu hoặc số điện thoại khẩn cấp tại địa phương của bạn ngay lập tức. Một phản ứng dị ứng nghiêm trọng có thể làm tắc nghẽn đường thở của bé trong vòng vài phút.
Hãy nhớ rằng quy tắc 'mỗi lần thử một món mới' không nên bị hiểu nhầm khi con bạn bị dị ứng. Trẻ nhỏ vẫn có thể xảy ra phản ứng dị ứng với một loại thức ăn ngay cả khi chúng đã ăn nó trước đó mà không hề xảy ra vấn đề gì. Điều này có thể xảy ra đặc biệt nếu những lần trước bé ăn nó với hàm lượng rất ít như khi có mặt trong một loại thực phẩm khác - ví dụ, bánh muffin làm từ trứng hoặc sữa (trứng và sữa có khả năng gây dị ứng).
Cứ lặp lại những món ăn mà bé không muốn ăn (cứ thử đi thử lại)
Khi đề cập đến ăn thử món mới, trẻ nhỏ còn khó chịu và kén chọn hơn cả. Khi bạn thử cho bé ăn một muỗng đậu que xay nhuyễn với thì là, bé có thể nuốt nó - hoặc nhổ nó ra một cách phẫn nộ, hất tay của bạn đi và quay mặt đi, miệng mím chặt.
Đừng đặt nặng vấn đề này. Có lẽ là em bé của bạn không thực sự đói bụng. Khẩu vị của trẻ nhỏ hay biến đổi, và chúng cần ít thức ăn hơn so với chúng ta nghĩ.
Mặt khác, bé cũng có thể không thích món ăn thông qua việc nhìn, ngửi, hoặc nếm thử. Điều này không có nghĩa là bạn nên vĩnh viễn loại bỏ món này ra khỏi thực đơn của bé.
'Nghiên cứu cho thấy rằng trẻ em thường sẽ bắt đầu làm quen với một loại thực phẩm mới chỉ sau khi chúng tiếp xúc với nó nhiều lần' Block, bác sĩ nhi khoa nói.
Vì vậy, trong khi bạn có thể bực bội vì em bé của bạn từ chối bữa ăn mà bạn đã chuẩn bị đầy yêu thương, hãy hít một hơi thật sâu, và thử lại vào một ngày khác.
Dạy cho bé niềm vui ăn uống
'Ăn uống với bạn bè của mình và gia đình thân yêu chắc chắn là một trong những niềm vui cơ bản và hồn nhiên nhất của cuộc sống', là câu nói nổi tiếng của đầu bếp Hoa Kỳ Julia Child.
Thật không may, bố mẹ có thể sẽ thấy niềm vui hồn nhiên đó bị biến thành sự bực dọc và căng thẳng. Sự hay thay đổi khẩu vị của bé, mối lo lắng rằng bé ăn không đủ, cộng với sự bừa bãi trong bữa ăn, tất cả làm cho giờ ăn của bé thành một mớ hỗn độn, hoặc thậm chí một bãi chiến trường.
Bữa ăn của bé không nên là như vậy. Có rất nhiều thứ bạn có thể làm để biến bữa ăn thành một trải nghiệm thú vị.
Trước tiên, hãy chắc chắn rằng bạn có đủ thời gian để bạn không phải vội vã trong bữa ăn của bé. Và mặc dù khó khăn, vẫn hãy chấp nhận sự lộn xộn mà bé sẽ gây ra - để bé chơi đùa với thức ăn của bé thực sự rất tốt cho bé.
'Trẻ em đang học ăn nên được cho phép làm mọi thứ lộn xộn. Trong khi chơi chúng sẽ thực sự tìm hiểu về các mùi vị mới và cách cho thức ăn vào miệng của chúng', chuyên gia dinh dưỡng Eileen Behan, tác giả của cuốn sách The Baby Food Bible nói. 'Điều quan trọng nhất là chúng sẽ học được ăn uống là việc rất vui vẻ và thoải mái'. Aviva Pflock và Devra Renner, tác giả của cuốn Mommy Guilt, rất đồng ý với điều này. 'Không nên để ý đến những mớ hỗn độn', họ nói.
Nhưng có lẽ điều ý nghĩa nhất mà bạn có thể làm là thưởng thức món ăn của mình. Bé sẽ xem cách bố mẹ ăn rồi bắt chước, vì vậy hãy cẩn thận cách bạn thể hiện khi ăn: Bạn thấy thức ăn như là một sự thưởng thức và đáng trân trọng hay một thứ phiền chán và sợ hãi?
Nếu câu trả lời của bạn là cái sau thì hãy cố gắng thư giãn bản thân và chú tâm vào những điều tốt đẹp mà thức ăn có thể đem lại. Hãy thử với nhiều hương vị khác nhau và thử các loại thức ăn lành mạnh mới. Hãy chú ý đến các loại quả, rau củ và phô mai đẹp mắt tại các cửa hàng tạp hóa và chỉ cho bé thấy- hoặc tốt hơn, hãy dắt bé đi tham quan chợ nông sản. Hãy để bé thấy rằng bạn ăn và thưởng thức nhiều loại thực phẩm lành mạnh khác nhau. Nếu bạn thưởng thức thức ăn như là một món quà của thiên nhiên, rất có thể bé của bạn cũng vậy.
Hãy chú ý đến các mối nguy có thể gây nghẹn
Thái độ dễ dãi và tự do hơn trong việc cho bé ăn chắc chắn không nên được áp dụng cho kích thước và cấu trúc thực phẩm - bởi vì nghẹn là một mối nguy hiểm.
Dầm hoặc nghiền thực phẩm mới của bé, hãy chắc chắn rằng thức ăn đã đủ mềm, hãy nhớ rằng kỹ năng ăn cũng giống như các mốc phát triển quan trọng khác của bé - mỗi đứa trẻ sẽ có các mức độ phát triển khác nhau. Một số bé sẽ có thể ăn thức ăn đặc hơn hoặc thức ăn dạng khối sớm hơn so với một số bé khác.
'Nếu bạn nhận thấy bé bị sặc khi ăn thức ăn đặc, điều này có thể có nghĩa là bé chưa sẵn sàng để xử lý nó tốt. Hãy bỏ thức ăn này ra khỏi bàn ăn của bé và cho bé ăn lại thức ăn lỏng hơn một thời gian'. Block nói. Nếu vấn đề vẫn tiếp diễn, hãy trao đổi với bác sĩ.
Khi bé bước vào giai đoạn ăn thức ăn cầm tay, bạn sẽ không còn phải nghiền nhỏ tất cả mọi thứ. Chỉ cần chắc chắn tránh các loại thực phẩm dễ gây nghẹn và hóc như xúc xích, các loại hạt cây và bắp rang./.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận