Từ ngày 1-3, thông tư 34/2023/TT-BGTVT về sửa đổi, bổ sung một số điều của thông tư số 17/2019/TT-BGTVT ban hành khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa chính thức có hiệu lực.
Chuẩn mới với cơ sở giáo dục đại học
Thông tư số 01/2024 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định chuẩn quốc gia đối với cơ sở giáo dục đại học sẽ có hiệu lực từ 22-3-2024 và bãi bỏ thông tư 24/2015 trước đó. Đây là các yêu cầu tối thiểu về điều kiện bảo đảm chất lượng và chỉ số hoạt động của một cơ sở giáo dục đại học.
Theo đó, chuẩn cơ sở giáo dục đại học sẽ bao gồm 6 tiêu chuẩn với 20 tiêu chí. Cụ thể gồm tiêu chuẩn về tổ chức và quản trị, tiêu chuẩn về giảng viên (có 3 tiêu chí về tỉ lệ giảng viên cơ hữu, giảng viên toàn thời gian có trình độ tiến sĩ...), tiêu chuẩn về cơ sở vật chất, tiêu chuẩn về tài chính, tiêu chuẩn về tuyển sinh và đào tạo, tiêu chuẩn về nghiên cứu và đổi mới sáng tạo.
Trong đó có các nội dung đáng chú ý như: các vị trí lãnh đạo chủ chốt (chủ tịch hội đồng trường/hội đồng đại học và hiệu trưởng/giám đốc cơ sở giáo dục đại học) phải được kiện toàn kịp thời, thời gian khuyết đồng thời 2 vị trí không quá 6 tháng. Tỉ lệ giảng viên cơ hữu trong độ tuổi lao động trên giảng viên toàn thời gian không thấp hơn 70%.
Từ năm 2030, diện tích đất (có hệ số theo vị trí khuôn viên) tính bình quân không nhỏ hơn 25m2 trên một người học chính quy. Số học phần sẵn sàng giảng dạy trực tuyến chiếm ít nhất 10% tổng số học phần giảng dạy trong năm.
Về tuyển sinh và đào tạo, tỉ lệ người học hài lòng với giảng viên về chất lượng và hiệu quả giảng dạy, tỉ lệ người tốt nghiệp hài lòng tổng thể về quá trình học tập và trải nghiệm không thấp hơn 70%.
Tỉ lệ thôi học, được xác định bằng tỉ lệ người học chưa tốt nghiệp mà không tiếp tục theo học hằng năm, không cao hơn 10% và riêng đối với người học năm đầu không cao hơn 15%.
Tỉ lệ tốt nghiệp, được xác định bằng tỉ lệ người học tốt nghiệp trong thời gian không chậm quá 2 năm so với kế hoạch học tập chuẩn, không thấp hơn 60%; tỉ lệ tốt nghiệp đúng hạn không thấp hơn 40%.
Nhiều ưu đãi cho dự án đầu tư tại khu công nghệ cao
Nghị định số 10/2024/NĐ-CP của Chính phủ quy định về khu công nghệ cao cũng sẽ có hiệu lực từ ngày 25-3.
Nghị định này quy định về phương hướng xây dựng, phương án phát triển khu công nghệ cao; việc thành lập, mở rộng khu công nghệ cao; hoạt động tại khu công nghệ cao; cơ chế, chính sách và quản lý nhà nước đối với khu công nghệ cao.
Trong đó, về chính sách ưu đãi thì khu công nghệ cao là địa bàn ưu đãi đầu tư, được hưởng ưu đãi đầu tư áp dụng đối với địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định.
Các dự án đầu tư và các hoạt động tại khu công nghệ cao được ưu tiên tham gia các chương trình hỗ trợ về đào tạo, tuyển dụng lao động; chương trình hỗ trợ hoạt động nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao, chuyển giao công nghệ; chương trình hỗ trợ phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, phát triển công nghệ cao trong nông nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo; hỗ trợ vốn vay và các chương trình hỗ trợ khác của Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương.
Giá vé máy bay nội địa tăng nhẹ
Theo đó, thông tư mới sửa đổi khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách hạng phổ thông cơ bản. Cụ thể, nhóm đường bay có khoảng cách dưới 500km có giá vé tối đa không đổi là 1.600.000 cho nhóm đường bay phát triển kinh tế - xã hội và 1.700.000 đồng cho nhóm đường bay khác.
Đối với các đường bay có khoảng cách từ 500km đến dưới 850km có giá vé tối đa là 2.250.000 đồng (giá cũ là 2.200.000 đồng); giá vé tối đa của nhóm đường bay có khoảng cách từ 850km đến dưới 1.000km là 2.890.000 đồng (cũ là 2.790.000 đồng); đối với đường bay từ 1.000km đến dưới 1.280km có giá vé tối đa là 3.400.000 đồng (giá cũ là 3.200.000 đồng) và đối với đường bay từ 1.280km trở lên có giá tối đa là 4.000.000 đồng (giá cũ là 3.750.000 đồng).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận