Được ban hành vào ngày 14-12-2020, nghị định 144/2020 về hoạt động nghệ thuật biểu diễn có nhiều điều chỉnh, cập nhật mới thay cho nghị định 79/2012 vốn đã có phần lỗi thời.
Trong đó, những thay đổi, điều chỉnh dưới đây gây nhiều sự quan tâm, chú ý cho những người trực tiếp tham gia tổ chức - sản xuất, biểu diễn và công chúng:
1. Không lo bị phạt vì hát nhép
Ở nghị định 79/2012, việc "sử dụng bản ghi âm để thay cho giọng thật của người biểu diễn hoặc thay cho âm thanh thật của nhạc cụ biểu diễn” là bị cấm và nghệ sĩ sẽ bị phạt nếu vi phạm.
Tuy nhiên, nội dung này đã hoàn toàn không được nhắc đến trong nghị định 144/2020, sẽ có hiệu lực từ ngày 1-2-2021.
Hát nhép (lip-sync) vẫn luôn là chủ đề gây nhiều tranh cãi khi thị hiếu thưởng thức âm nhạc nghệ thuật của công chúng ngày càng cao. Họ đòi hỏi được nghe, xem những sản phẩm/màn biểu diễn nghiêm túc của ca sĩ khi phải bỏ thời gian và tiền bạc đến sân khấu. Có lẽ vì thế mà các cấp quản lý không cần chăm chăm "canh gác" ở hoạt động này nữa.
Bởi nếu ca sĩ, nghệ sĩ có những màn trình diễn khiến khán giả, công chúng thất vọng thì tự họ cũng sẽ bị tẩy chay mà thôi. Còn nếu biết ca sĩ hát nhép mà khán giả vẫn đến xem thì đó là sở thích và lựa chọn của công chúng, của đơn vị tổ chức. Âu cũng là "thuận mua vừa bán", "có cung ắt có cầu".
2. Không có danh hiệu trong nước, người đẹp vẫn tự do "chinh chiến" ở đấu trường quốc tế
Trong nghị định mới này, những người đẹp muốn tham dự cuộc thi nhan sắc ngoài lãnh thổ Việt Nam sẽ được quyền tự quyết thay vì phải có danh hiệu Top 3 của một cuộc thi sắc đẹp trong nước như trước đây.
Theo đó, một cá nhân muốn đi thi nhan sắc quốc tế chỉ cần đảm bảo ba yêu cầu: có giấy mời từ cuộc thi, đang không trong thời gian bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính, không có án tích hay đang bị buộc tội theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự. Cuối cùng, cá nhân đó không trong thời gian bị đình chỉ hoạt động biểu diễn nghệ thuật theo quy định.
Như vậy, với điều khoản mới này sẽ không còn khái niệm “thi chui” và về nước nhận án phạt như nhiều người đẹp trước đó phải trải qua nữa.
3. “Bỏ qua” cấp phép tác phẩm biểu diễn
Các tác phẩm từng bị đưa vào danh sách cấm hoặc cấp phép nhỏ giọt như những sáng tác viết trước 1975 hoặc những sáng tác của các nhạc sĩ Việt Nam đang sinh sống ở nước ngoài sẽ không cần phải nộp hồ sơ xin cấp phép như trước.
Thay vào đó, Cục nghệ thuật biểu diễn sẽ quản lý các tác phẩm bằng cách hậu kiểm dựa vào những quy định cấm ở điều 3 của Nghị định 144 vừa ban hành.
Điều 3 của Nghị định 144/2020 quy định về các điều cấm trong hoạt động nghệ thuật biểu diễn. Theo đó, việc biểu diễn không được chống nhà nước CHXHCN Việt Nam, không xuyên tạc lịch sử, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ nước CHXHCN Việt Nam, không xâm phạm an ninh quốc gia, không kích động bạo lực, gây hận thù giữa các dân tộc và nhân dân các nước, ảnh hưởng xấu đến quan hệ đối ngoại…
Đại diện từ Cục nghệ thuật biểu diễn lý giải cho những đổi mới này là động thái tăng thêm tinh thần tự giác, trách nhiệm của chính người hoạt động nghệ thuật. Cụ thể là nghệ sĩ và người tổ chức.
Hẳn nhiên công chúng cũng là một "bộ lọc", thậm chí là yếu tố quyết định tính thành bại của tác phẩm, nghệ sĩ. Tác phẩm, nghệ sĩ không hay, không tốt, không nghiêm túc, thiếu sáng tạo thì sẽ bị đào thải nhanh thôi, nhất là trong thời toàn cầu hóa như hiện nay.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận