TTCT - Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Hàn - Nhật vừa diễn ra không chỉ nhằm đối ngoại, đối phó với một vài đối thủ nào đó, hay một tình hình mới, mà còn để giải quyết những khúc mắc nội bộ. Không ngạc nhiên khi thấy video clip mà bộ phận truyền thông của Nhà Trắng đưa ra, ghi lại cảnh Tổng thống Mỹ Joe Biden hết sức khỏe khoắn cùng hai thượng khách Hàn và Nhật sánh bước trong Trại David: một tổng thống Mỹ vững vàng hơn bao giờ hết vào lúc mà theo ông, "thế giới đang ở trong một bước ngoặt" nhiều bất trắc.Quan hệ tay baSự nhấn mạnh trên truyền thông về sức khỏe của ông chủ Nhà Trắng là cần thiết khi mà mới trước đó hôm 13-7, ông Biden trượt chân khi bước xuống chiếc Không lực 1 (AF1) ở căn cứ Andrews, tiểu bang Maryland, chỉ nửa tháng sau cú trượt té hôm 1-6 vào cuối buổi lễ tốt nghiệp sinh viên sĩ quan không quân ở Colorado, rồi cú vấp hôm 22-2 khi leo lên chiếc AF1 ở sân bay Warsaw (Ba Lan). Không biết có phải vì vậy mà ống kính truyền hình cất công ghi lại đầy đủ cảnh sau khi đi bộ vài chục bước trong vườn cây giữa hai thượng khách, ông Biden tự hào mở đầu họp báo: "Nếu tôi trông có vẻ hạnh phúc, đó là bởi vì tôi đang như thế".Ảnh: APÔng Biden "hạnh phúc" là bởi "cuộc gặp vĩ đại" mà ông gọi là "một thời khắc lịch sử". Tại sao là "vĩ đại" và "lịch sử"? Theo lời ông Biden, hôm thứ sáu 18-8 ấy bắt đầu "một kỷ nguyên mới trong quan hệ giữa Nhật Bản, Hàn Quốc và Hoa Kỳ" và "Hàn Quốc và Nhật Bản nay là những đồng minh có năng lực và không thể thiếu với nhau".Trước giờ, giữa Mỹ, Hàn, Nhật mới chỉ có những cuộc gặp hay thượng đỉnh song phương riêng rẽ, như thượng đỉnh Joe Biden - Suga Yoshihide hồi ông Biden mới nhậm chức (16-4-2021), rồi sau đó với Thủ tướng Nhật Kishida Fumio (2-11-2021).Họ gặp tiếp lần nữa vào tháng 3-2022 tại Bỉ nhân thượng đỉnh G7, rồi hai tháng sau vào ngày 18-5-2022 tại Washington nhân khai mạc IPEC (Khung kinh tế Ấn Độ - Thái Bình Dương), rồi 18-9-2022 tại trụ sở Liên Hiệp Quốc, và Phnom Penh tháng 11-2022, và hai lần gần nhất là tháng 1-2023 tại Washington và tháng 5-2023 tại Hiroshima. Đó là chưa kể các cuộc gặp trực tuyến hay qua điện thoại.Còn quan hệ giữa ông Biden với Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol thì mới mẻ hơn, do lẽ ông này mới chỉ nhậm chức từ 10-5-2022. Song hai ông Biden và Yoon không vì thế mà ít tiếp xúc với nhau. Lần đầu tiên là hôm 10-3-2022, ngay sau khi ông Yoon có kết quả đắc cử tổng thống. Còn gặp thượng đỉnh thì ngay từ 20 đến 22-5-2022, tức chỉ 10 ngày sau khi ông Yoon nhậm chức, nhân chuyến công du đầu tiên của ông Biden tới châu Á kể từ khi ông trở thành tổng thống vào tháng 1-2021.Đến 21-9-2022, họ lại gặp nhau bên lề phiên toàn thể của Đại hội đồng LHQ và tháng 3-2023, là cuộc gặp trực tuyến nhân Thượng đỉnh Dân chủ lần thứ ba do ông Biden chủ trì. Tháng 4 vừa rồi, ông Yoon công du Mỹ kỷ niệm 70 năm quan hệ Mỹ - Hàn. Tiếp xúc giữa hai ông khá là cởi mở do ông Yoon có nền tảng văn hóa phương Tây, đặc biệt là Mỹ: trong buổi dạ tiệc chiêu đãi, ông Biden đã giới thiệu sau đây là tiếng hát của một fan ca khúc American Pie của Don McLean: chính là ông Yoon.Kẹt một nỗi, quan hệ Nhật - Hàn xưa nay vốn nhiều khúc mắc, nên giữa hai ông Kishida và Yoon cũng phải từ từ. Mãi đến 13-11-2022, tức nửa năm sau khi ông Yoon nhậm chức, họ mới gặp nhau khoảng 45 phút, mà lại là ở một diễn đàn đa phương: bên lề Thượng đỉnh ASEAN Phnom Penh. Tháng 3 vừa rồi mới có thể coi là chuyến gặp mặt đối mặt đầu tiên, khi ông Yoon công du Nhật Bản, phá băng tình trạng "quan hệ song phương... đang ở mức thấp nhất kể từ khi bình thường hóa năm 1965" (Comparative Connections 1-4).Vấn đề giữa hai bên Hàn - Nhật chủ yếu là có tính lịch sử do thời bán đảo Triều Tiên là thuộc địa Nhật Bản và thời Thế chiến II để lại. Về chuyện này, ông Yoon từng nói rằng "quan hệ Hàn - Nhật cần phải vượt qua quá khứ", và ông "đã có thể chọn con đường nhàn hạ vì lợi ích chính trị tức khắc và để mặc cho quan hệ xấu chưa từng thấy giữa Hàn Quốc và Nhật Bản tiếp diễn", song ông đã lựa chọn khác đi. Ông Yoon cũng nhấn mạnh ông đã không tìm cách tranh thủ lợi ích chính trị bằng việc thổi lên "chủ nghĩa quốc gia thù hận" và "tình cảm chống Nhật Bản", bởi với vai trò tổng thống, ông coi đó là hành động thiếu trách nhiệm (Reuters 21-3).Thế là ngay sau khi ông Yoon khai thông những cấm đoán trong quá khứ, các bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng Hàn - Nhật đã họp với nhau trở lại. Đến tháng 5 tới phiên các bộ trưởng tài chánh. Một kết quả quan trọng khác của thượng đỉnh Yoon - Kishida là việc hai bên nhất trí "bình thường hóa hoàn toàn" qua Thỏa thuận An ninh chung về thông tin quân sự (GSOMIA).Với việc nối lại GSOMIA, hai nước láng giềng một lần nữa có thể chia sẻ thông tin quan trọng về các vụ thử tên lửa của Triều Tiên, nước vừa tiến hành 12 vụ thử liên tiếp. Chính việc "xích lại gần nhau" giữa Nhật Bản và Hàn Quốc đã khiến ông Biden ca tụng hai ông Yoon và Kishida trong họp báo: "Tôi muốn công nhận công việc quan trọng mà cả hai vị đã làm và sự dũng cảm chính trị - và tôi muốn nói điều này một cách chân thành - sự dũng cảm chính trị mà cả hai vị đã thể hiện để giải quyết những vấn đề khó khăn đã cản trở trong một thời gian dài".Ảnh: The Japan TimesCó nhắm tới ai không?Trên thực tế, dạng thức ba bên như vừa chính thức thể hiện đã được ướm thử từ năm ngoái qua hai cuộc gặp ba bên vào tháng 6 bên lề thượng đỉnh NATO, và nhất là vào tháng 11 tại Phnom Penh, nổi bật với Tuyên bố về quan hệ đối tác ba bên cho Ấn Độ - Thái Bình Dương. Theo đó, các bên Hàn, Mỹ, Nhật nhất trí tiếp tục hợp tác song phương và ba bên, thực hiện các hành động kiên quyết hướng tới phi hạt nhân hóa hoàn toàn Triều Tiên theo các nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ, bao gồm tăng cường khả năng răn đe khu vực.Và vấn đề không chỉ bó hẹp ở bán đảo Triều Tiên. Từng nảy ra câu hỏi ngay từ khi Nhật, Hàn dự thượng đỉnh NATO năm ngoái với tư cách quan sát viên: liệu hai nước này có trở thành NATO nối dài ở châu Á hay không? Từ phía truyền thông Mỹ cũng đã dấy lên câu hỏi này. Tờ Time 16-6-2022, tức 12 ngày trước khi NATO bắt đầu họp thượng đỉnh, giựt tít: "Nhật Bản và Hàn Quốc tham dự Thượng đỉnh NATO sắp tới có thể làm cho xấu đi các căng thẳng toàn cầu".Bài báo khẳng định: "Tin này là một đòn địa chính trị giáng vào Tổng thống Nga Vladmir Putin", và chứng minh bằng lập luận: "Các quốc gia châu Âu trung lập trước đây là Phần Lan và Thụy Điển đã nộp đơn xin gia nhập khối, trong khi Đan Mạch gần đây đã bỏ phiếu nhất trí với EU về vấn đề quốc phòng... Sự hiện diện của Kishida và Yoon ở Madrid cũng là diễn biến không được hoan nghênh với Bắc Kinh, nước đã từ chối lên án Matxcơva về cuộc chiến (Ukraine)". Tuy nhiên, cũng chính tờ Time này, ngay trước thượng đỉnh Mỹ - Nhật - Hàn, đã đăng một bài khác với tựa đề: "Hoa Kỳ đang tăng cường các liên minh trên khắp châu Á - Nhưng đừng trông mong một NATO châu Á".Vậy thì thực hư thế nào? Hãy thử xem những người trong cuộc nói gì.Tuyên bố chung ba bên, được gọi là "Tinh thần Trại David", nêu rõ: "Chúng tôi sẽ nhanh lẹ tham khảo lẫn nhau để phối hợp ứng phó các thách thức, hành động khiêu khích và mối đe dọa trong khu vực ảnh hưởng đến lợi ích và an ninh chung của chúng tôi". Như vậy có phải là chỉ hướng tới chiến tranh? Câu trả lời là: "Chúng tôi sẽ củng cố nền kinh tế của mình, mang lại khả năng phục hồi và thịnh vượng, hỗ trợ trật tự quốc tế tự do và cởi mở dựa trên pháp quyền, đồng thời củng cố hòa bình và an ninh khu vực và toàn cầu".Liên quan đến khu vực Đông Nam Á và lân cận, tuyên bố chung nêu rõ: "Chúng tôi hết lòng tái khẳng định vai trò trung tâm và thống nhất của ASEAN cũng như sự ủng hộ của chúng tôi với cấu trúc khu vực do ASEAN lãnh đạo. Chúng tôi chia sẻ quan ngại về những hành động không phù hợp với trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, làm suy yếu hòa bình và thịnh vượng của khu vực".Ảnh: The WeekTuyên bố nhấn mạnh đến những thực tế nóng bỏng và cụ thể: "Nhắc lại lập trường đã được công bố công khai của mỗi quốc gia chúng tôi về hành vi nguy hiểm và hung hăng ủng hộ các yêu sách hàng hải phi pháp mà chúng ta đã chứng kiến gần đây của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ở Biển Đông, chúng tôi cực lực phản đối bất kỳ nỗ lực đơn phương nào nhằm thay đổi hiện trạng ở vùng biển Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Đặc biệt, chúng tôi kiên quyết phản đối việc quân sự hóa các thực thể được cải tạo; việc sử dụng nguy hiểm các tàu cảnh sát biển và dân quân biển; và các hoạt động có tính cưỡng bức. Ngoài ra, chúng tôi lo ngại về việc đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định". Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) và phán quyết tháng 7-2016 của Tòa Trọng tài Biển Đông cũng đã được nhắc tới, và ba nhà lãnh đạo nói họ coi phán quyết đó là "cơ sở pháp lý để giải quyết hòa bình xung đột trên biển giữa các bên tham gia vụ kiện".Triều Tiên và quyết tâm phi hạt nhân hóa của ba nước cũng đã được nhắc tới, bởi đây rõ ràng là mối quan tâm an ninh hết sức sát sườn với Seoul và Tokyo.Tuyên bố chung dành phần cuối để nói đến cuộc chiến tranh Ukraine, tất nhiên có chạm tới Nga: "Chúng tôi tái khẳng định cam kết sát cánh cùng Ukraine chống lại cuộc chiến tranh xâm lược tàn bạo và vô cớ của Nga, vốn đã làm lung lay nền tảng của trật tự quốc tế. Chúng tôi cam kết tiếp tục hỗ trợ Ukraine, áp đặt các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ, có phối hợp nhắm vào Nga, và đẩy nhanh việc giảm sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga".Ông Biden coi như đã thành công trong thượng đỉnh ba bên đầu tiên này. Thời điểm cũng là điều đáng chú ý. Năm nay, ông còn rảnh để lo cho công tác đối ngoại vào cuối nhiệm kỳ, nhất là ở khu vực châu Á, bao gồm không chỉ Nhật Bản và Hàn Quốc. Năm tới sát bầu cử, ông hết rảnh, nên ai muốn làm gì, thì tốt nhất là nên tranh thủ lúc này đi. Thời cơ qua rồi, e không trở lại nữa đâu!■ Phát súng mở màn chiến tranh lạnh mới?Báo Trung Quốc Global Times ngày 18-8 đã giật tít cảnh báo như vậy về cuộc gặp ba bên Mỹ - Nhật - Hàn ở Trại David, qua lời các chuyên gia.Cụ thể, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân, khi bình luận ngày 18-8 về hội nghị ở Mỹ, đã nói khu vực châu Á - Thái Bình Dương là "cao điểm của hòa bình và phát triển", là nơi để hợp tác và không được phép trở thành "sàn đấu địa chính trị một lần nữa". "Ai đang gây ra xung đột và leo thang căng thẳng? Cộng đồng quốc tế sẽ tự nhìn nhận", ông Uông nói, và nhắc lại những lời mà Nga cũng đã dùng trong cuộc chiến ở Ukraine: "An ninh của một nước không nên được đảm bảo bằng cái giá phải trả là an ninh của một nước khác, hay hòa bình và ổn định của khu vực"."Hoàn toàn có thể coi thượng đỉnh Trại David là phát súng mở màn cho một cuộc chiến tranh lạnh mới", Global Times dẫn lời ông Lü Chao (Lữ Siêu), chuyên gia về bán đảo Triều Tiên ở Viện Khoa học xã hội Liêu Ninh. "Hội nghị rõ ràng là nỗ lực do Mỹ dẫn dắt nhằm trói buộc Nhật Bản và Hàn Quốc vào cỗ chiến xa của họ, như những quân cờ, nhằm theo đuổi một chiến lược thế hệ mới của Mỹ".Tính biểu tượng của cuộc gặp là không thể phủ nhận: Đây là lần đầu tiên ba nước gặp nhau ở cấp cao nhất, và cũng là lần đầu tiên ông Biden tiếp khách nước ngoài tại Trại David kể từ khi nhậm chức. Đây là khu nghỉ dưỡng chính thức của tổng thống Mỹ, và những vị khách được tiếp ở đó hàm ý hết sức thân tình, như người một nhà.C.VĂN Chưa một tổng thống Mỹ nào mà từ khi nhậm chức lại liên tục lên trang nhứt các báo bằng những tin té ngã như ông Biden. Chuyện sức khỏe tổng thống Mỹ tất nhiên là tối quan hệ. Trong lịch sử Mỹ, tổng thống lừng lẫy Franklin D. Roosevelt khi ra tranh cử, từng bị đặt câu hỏi: "Liệu về mặt thể chất, ông có thích hợp với chức tổng thống hay không?" bởi tờ Liberty, lúc đó (tháng 7-1931) rao có tới 2,5 triệu độc giả. Chẳng qua do ông Roosevlelt từ 10 năm trước bị nhiễm vi rút bại liệt, nên giờ phải ngồi trên xe lăn. Dầu vậy ông vẫn đắc cử, không chỉ một, mà tới bốn nhiệm kỳ luôn.Ông Roosevelt còn đưa nước Mỹ vượt qua cuộc Đại Suy thoái và Thế chiến II, cùng Joseph Stalin (Liên Xô) và Winston Churchill (Anh) họp ở Yalta suốt 7 ngày trong tháng 2-1945 để "phân chia thế giới", vừa kịp trước khi ông qua đời vì tai biến hai tháng sau. Trong 12 năm giữ chức tổng thống, ông Roosevelt hiếm khi để cho chụp hình trên xe lăn. Bởi thế, 78 năm sau hội nghị Yalta, Nhà Trắng, lần này ở thượng đỉnh Trại David, đã muốn cho thấy một Joe Biden mạnh mẽ thể xác (bước đi mấy chục bước nhanh nhẹn) và tâm trí (không nói vấp nữa). Tags: Hội nghị thượng đỉnhMỹ - HànHàn - NhậtQuan hệ tay baTổng thống MỹLiên Hiệp QuốcChuyến công duQuan hệ song phươngBán đảo triều tiênBộ trưởng ngoại giaoThế chiến IIThỏa thuận an ninhMỹ - NhậtKhu vực Đông Nam ÁCộng hòa Nhân dân Trung HoaẤn Độ DươngChiến tranh UkraineChiến tranh Lạnh
Tổng Bí thư Tô Lâm: Đẩy mạnh đột phá về thể chế vì đó là 'đột phá của đột phá' TỔNG BÍ THƯ TÔ LÂM 24/01/2025 Chiều 24-1, Tổng Bí thư Tô Lâm có bài phát biểu quan trọng bế mạc Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII sau gần 2 ngày làm việc.
Điều động bí thư Tỉnh ủy Phú Yên làm phó trưởng Ban Kinh tế trung ương NGỌC AN 24/01/2025 Bộ Chính trị có quyết định điều động, phân công, bổ nhiệm ông Phạm Đại Dương - bí thư Tỉnh ủy Phú Yên - giữ chức vụ phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương.
Nguyên bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu qua đời chiều 24-1 HỒNG HÀ 24/01/2025 Thông tin từ Bộ Y tế cho hay nguyên bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu đã qua đời lúc hơn 17h chiều 24-1 tại Hà Nội.
Cục Điện ảnh yêu cầu cắt cảnh Uyển Ân trong trang phục đạo Mẫu phim Thái 404 Chạy ngay đi Đ.DUNG 24/01/2025 Cục Điện ảnh cho rằng đoạn Uyển Ân trong trang phục đạo Mẫu của người Việt xuất hiện ở phim 404 Chạy ngay đi 'không sai phạm nhưng cắt để tránh gây hiểu sai về ý nghĩa và giá trị di sản'.