15/11/2018 16:52 GMT+7

Những quả phụ chiến tranh

HUỲNH NGỌC VÂN (nguyên giám đốc Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, cố vấn Bảo tàng Áo dài)
HUỲNH NGỌC VÂN (nguyên giám đốc Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, cố vấn Bảo tàng Áo dài)

TTO - Năm 2017, chỉ một lần tò mò tìm đến Bảo tàng Áo dài mà các thành viên của Tổ chức Trái tim người lính (Hoa Kỳ) đã “phải lòng”. Năm 2018, họ đã đưa một đoàn cựu chiến binh đến thăm bảo tàng vào tháng 10. Và đặc biệt hơn cả là chuyến thứ hai...

Những quả phụ chiến tranh - Ảnh 1.

Những quả phụ chiến tranh người Mỹ ôm chầm lấy bà Năm Nga - vợ liệt sĩ - Ảnh: H.N.V.

Để đón tiếp đoàn khách thứ hai do tiến sĩ Edward Tick - nhà sáng lập "" - đưa đến Bảo tàng Áo dài, chúng tôi - những người góp phần xây nên bào tàng này - thực sự hồi hộp, băn khoăn.

Đã từng tiếp hàng trăm cựu chiến binh các nước tham chiến, tôi ít nhiều hiểu được họ mong muốn gì, cần gì ở người Việt Nam. Nhưng lần này lại là... những !

Nhận nhau là chị, là em

Họ vui vẻ, thân thiện, khác hẳn với những gì chúng tôi hình dung. Họ tấm tắc khen áo dài với nhiều câu chuyện thú vị. Họ thận trọng thắp nhang ở miếu Ngũ Hành, ngạc nhiên và hãnh diện vì người Việt Nam tôn thờ Phật Quan Âm cùng nhiều nữ thần khác...

Nhưng tới khi chúng tôi giới thiệu với họ bà Năm Nga, vợ liệt sĩ ở Q.9, đến gặp gỡ thì mọi việc bỗng chốc thay đổi hẳn! Hai phụ nữ Mỹ mất chồng ở Đà Nẵng, Quảng Trị năm 1968 ôm chầm lấy bà Năm Nga (cũng mất chồng năm 1968) khóc cứ như chuyện chỉ mới xảy ra ngày hôm qua... 

Một phụ nữ khác khóc sướt mướt kể rằng chồng mình đã tự tử sau khi trở về từ Việt Nam vì không vượt qua nổi sự giày vò, ám ảnh! Người còn lại thì chồng ly hôn vì hội chứng trầm cảm khiến gia đình tan vỡ...

Hầu như họ chẳng cần phiên dịch! Ánh mắt, vòng tay, nhịp tim và nước mắt đã trở thành thứ ngôn ngữ chung của họ, những quả phụ chiến tranh... Lần đầu tiên trong đời gặp nhau mà họ tíu tít hỏi han như chị em một nhà: "Chị lớn tuổi hơn, làm chị. Đây là em gái!". 

Nhìn họ khẽ khàng múc cho nhau từng muỗng cháo, lóng ngóng gắp miếng đậu hũ kho, chúng tôi bỗng nghẹn lời! Nỗi đau riêng của từng người trong số họ đã biến thành một tình thương chung, xóa nhòa mọi ranh giới...

Những quả phụ chiến tranh - Ảnh 2.

Họ cùng nướng bắp phết mỡ hành… Ảnh: H.N.V.

Trên tất cả là tình thương yêu

Bữa cơm nhà quê kéo dài tưởng chừng như bất tận. Họ chia sẻ nỗi đau mất chồng, nhưng lại "xin lỗi người Việt Nam vì chồng chúng tôi đã tham gia cuộc chiến này", "Lỗi là ở những người gây ra chiến tranh!". 

Khi nghe bà Năm Nga kể mình mất chồng khi mới 18 tuổi, mang thai 4 tháng, nhà nghèo đến nỗi phải "vượt cạn" trong một cái lò gạch cũ, ai cũng chứa chan nước mắt cảm thương.

Một "bà chị" khẩn khoản nài nỉ: "Xin hãy chỉ đường cho chúng tôi: làm thế nào để vượt qua quá khứ?". Bà Năm Nga cười mộc mạc: "Tình thương! Chỉ cần tình thương thôi là đủ!". Họ vừa ăn, vừa len lén nắm tay nhau dưới gầm bàn khiến chúng tôi vừa buồn cười vừa thương đứt ruột!

Giữa Sài Gòn mà tìm thấy một gốc cây mù u để giăng võng nằm ca vọng cổ kể cũng hiếm. Nhìn thấy ông Ba Nhẫn, người chồng hiện nay, đu đưa cánh võng để bà Năm Nga nghêu ngao hát "Dệt chặng đường xuân", các vị khách Mỹ vừa ngạc nhiên vừa vui. Hạnh phúc đến với "cô em gái" sao mà giản đơn đến vậy! 

Rồi "bà chị Jane" không nhịn được, chạy đến đòi nằm võng để được bà Năm Nga đưa. Jane cũng nghêu ngao một bài hát ru của Mỹ. Trong đoàn, người thì hát theo, người bật khóc nức nở...

Bữa xế đơn sơ với bắp nếp nướng thơm lừng, phết mỡ hành vàng óng. Bà Năm Nga bảo: "Đây, chị ăn trước, em ăn sau". Jane lại sững sờ trước nét văn hóa mộc mạc mà sâu sắc của Việt Nam: "Kính trên, nhường dưới". Họ chúm môi, thổi phù phù cho bắp nguội rồi cười vang...

Chia tay thật là bịn rịn! Chúng tôi cuống quýt dịch giùm mọi người vì ai cũng muốn dặn dò, nhắn nhủ: "Đừng nói đây chỉ là bảo tàng về trang phục phụ nữ Việt Nam nha! Đến đây chúng tôi học được quá nhiều điều, hiểu thêm quá nhiều về văn hóa Việt Nam!". 

Họ nắm tay bà Năm Nga mãi: "Mừng cho em bây giờ hạnh phúc rồi. "Hắn" có vẻ yêu em nhiều lắm!". Cô Năm Nga cười phá: "Ờ, ờ, hai ba bữa lại kỳ lưng cho một lần!". Rồi bà lại mếu máo: "Từ hồi sanh ra tới giờ mới gặp nhau mà sao thương quá! Như chị em ruột của mình...".

* * *

Phải vượt gần nửa thế kỷ, nửa vòng trái đất mới có được một buổi gặp gỡ ngắn ngủi tràn đầy nước mắt và nụ cười! Họ đã hiểu nhau, an ủi nhau, yêu thương và tin tưởng nhau.

Họ - những quả phụ chiến tranh...

Ngồi lại bên nhau

quả phụ chiến tranh

Vợ của những người lính ở hai chiến tuyến nay đã cao tuổi, lần đầu gặp và săn sóc cho nhau từng muỗng cháo - Ảnh: H.N.V.

Ở chuyến viếng thăm thứ nhất, ngoài những câu chuyện về áo dài Việt Nam, các cựu chiến binh Hoa Kỳ còn được các cựu chiến binh, cựu tù chính trị Việt Nam tâm tình thân thiện như những người bạn, cùng làm món bánh ít truyền thống quen thuộc của người Việt.

"Đối thủ" trên chiến trường một thời, bây giờ lại được ngồi bên nhau, háo hức chụm lửa chờ nồi bánh ít chín, cùng ăn một bữa cơm dân dã với cá kho, bầu luộc...

Tất cả như một giấc mơ đối với các cựu chiến binh Mỹ, những người đã hơn 40 năm vật lộn với PTSD (Hội chứng trầm cảm sau sang chấn - chiến tranh).

"Đó chính là một chuyến tham quan đặc biệt nhất của đoàn chúng tôi! Thật không thể hình dung nổi!" - Ryan, một cựu chiến binh Mỹ, ánh mắt long lanh, y như khi ông thắp ngọn nến vào chiếc đèn hoa đăng chuẩn bị thả xuống hồ nước như muốn thả trôi những nỗi ưu phiền đã đeo đẳng suốt một đời…

Bảo tàng Áo dài

Bảo tàng Áo dài ra đời từ ý tưởng của họa sĩ - nhà thiết kế Sỹ Hoàng, tọa lạc ở một khu nhà vườn tại phường Long Phước, Q.9, TP.HCM. Đây là bảo tàng thứ 12 tại TP.HCM và là một trong hai bảo tàng tư nhân của TP.

Bảo tàng Áo dài là nơi trưng bày câu chuyện về chiếc áo dài Việt Nam, từ lúc hình thành cùng với những đổi thay trong đời sống xã hội. Đây cũng là nơi tổ chức nhiều sự kiện văn hóa nghệ thuật, triển lãm trưng bày những tác phẩm của nhiều loại hình nghệ thuật với cảm hứng sáng tạo từ áo dài.

Nơi đây còn có những bộ sưu tập áo dài gắn bó với những người phụ nữ Việt Nam nổi tiếng trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa... của đất nước như: nữ anh hùng Lực lượng vũ trang Nguyễn Thị Định, nguyên phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, nhà ngoại giao Tôn Nữ Thị Ninh, NSND Trà Giang, NSND Bạch Tuyết...

HUỲNH NGỌC VÂN (nguyên giám đốc Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, cố vấn Bảo tàng Áo dài)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên