Đại tá Nguyễn Xuân Tuyến (phải) và thượng tá Nguyễn Gia Nhân (ảnh chụp khi đại tá Tuyến còn là trung đoàn trưởng trung đoàn 935) - Ảnh: M.Lăng |
>> Kỳ 1:
>> Kỳ 2:
>> Kỳ 3:
>> Kỳ 4:
"Có những tình huống nếu là phi công ở Nga hay các nước khác thì họ đã nhảy dù để bảo toàn tính mạng. Nhưng với phi công VN, họ vẫn bám máy bay đến cùng, bình tĩnh xử lý và hạ cánh an toàn”.
Câu nói của chuyên gia người Nga ấy không phải là lời khen xã giao.
600km giữa đại dương và hơn 60 triệu USD
“Trong tài liệu huấn luyện cho phi công chỉ có 60 - 70 tình huống, nhưng thực tế có những tình huống chưa từng thấy trong bất cứ tài liệu nào. Để xử lý tốt đòi hỏi sự bản lĩnh rất lớn của phi công” - đại tá Nguyễn Xuân Tuyến (phó sư đoàn trưởng sư đoàn 370) cho biết.
Và một trong những tình huống không có trong sách vở ấy là câu chuyện của chính anh thời còn ở trung đoàn 935: cứu Su-30MK2 khi đang cách đất liền tới 600km!
“Lúc 13g ngày 9-4-2011, sau khi làm nhiệm vụ bay tuần tiễu và kiểm tra vùng quần đảo Trường Sa xong, trên đường bay về đất liền thì chúng tôi phát hiện áp suất hệ thống dầu đỏ trái giảm rất nhanh, chỉ trong vài chục giây đã tụt về 0! Tôi nghĩ ngay đến tình huống bị cháy hệ thống dầu đỏ” - đại tá Nguyễn Xuân Tuyến kể.
Khi đó anh Tuyến đang bay ở buồng sau, còn thượng tá Nguyễn Gia Nhân bay ở buồng trước. Khi hệ thống dầu đỏ bị tụt về 0 là tình huống rất nguy hiểm vì có thể làm máy bay bốc cháy!
Ngay lập tức, phi đội trưởng Nguyễn Xuân Tuyến báo cáo về chỉ huy bay và xin tắt động cơ trái của hệ thống thủy lực. Nhưng lúc này động cơ bên phải hoạt động không ổn định do quá tải, áp suất thụt thò. Một loạt đèn tín hiệu nhấp nháy liên tục.
Rất nhiều thông tin về hỏng hóc trong máy bay phát ra bằng tiếng Nga. Lệnh chỉ huy chuyển tiếp trên không cũng dồn dập dội tới. “Có rất nhiều khói đen ở đuôi số 1!” - máy bay số 2 trong biên đội thông báo yểm trợ.
“Cùng một lúc phi công nhận quá nhiều thông tin, nếu không bình tĩnh sẽ rất rối, chẳng còn nghĩ được gì nữa” - đại tá Nguyễn Xuân Tuyến nói. Bay tiếp 1 - 2 phút, phi hành đoàn tính toán đường bay và kiểm tra thấy còn 600km mới về đến Biên Hòa, còn về sân bay Phan Rang chỉ 400km.
Ngay lập tức tổ bay báo cáo chỉ huy xin hạ cánh khẩn cấp ở Phan Rang. Khi quỹ đường bay còn 139km, tổ bay phải giảm tốc độ bay xuống dưới 600km/h để tránh bị rung lắc. Phi công bình tĩnh giảm độ cao từ từ từng mét một.
“Nếu cuống lên, xử lý sai lệch một ly sẽ rất nguy hiểm, cháy máy bay ngay” - anh Tuyến cho biết.
Khi hạ cánh, Phan Rang đang mùa gió chướng nên gió cạnh và gió ngược rất lớn. Máy bay lại hạ cánh chỉ với một động cơ. Hệ thống bánh mũi không lăn được. Thế nên thử thách lớn nhất là phải giữ máy bay được thăng bằng, nếu không sẽ bị lao ra khỏi đường băng.
Tổ bay đã phải giảm tốc độ hợp lý để giữ thăng bằng cho máy bay trong từng 0,5m. Sau khi máy bay tiếp đất xong, phi công lại phải tính toán và tận dụng tốc độ dư để dạt sang đường thoát ly cho máy bay số 2 đáp xuống ngay sau đó...
Đến giờ, chiếc Su-30MK2 ấy vẫn có mặt trong hangar, vẫn dũng mãnh bay lượn trên bầu trời.
Còn đại tá Đào Quốc Kháng (chính ủy trung đoàn 935) lại gan dạ đến mức từ chối nhảy dù để bảo toàn tính mạng mà tìm cách cứu máy bay đang bị cháy.
Đó là tình huống xảy ra tám năm trước, lúc 10g44 ngày 12-10-2007. Khi đó anh Kháng đang là trung tá - chính trị viên phi đội 1.
Đại tá Đào Quốc Kháng đã cứu thành công máy bay bị bốc cháy trên không - Ảnh: Thuận Thắng |
Từ chối nhảy dù, quyết cứu máy bay
Hôm đó, chiếc máy bay tiêm kích số hiệu 6005 đang cất cánh khỏi mặt đất. “Vừa rời mặt đất khoảng 20m thì phía trong động cơ phát ra âm thanh huỳnh huỵch rất lớn rồi máy bay bị rung mạnh và nghiêng phải. Tôi nghĩ chắc là... chim chui vào động cơ rồi” - anh Kháng kể.
Ngay lập tức những âm thanh, các loại đèn tín hiệu và đồng hồ trên buồng lái phát tín hiệu cháy động cơ phải. Trung tá Kháng bình tĩnh thu ga, tắt máy, đóng ngắt dầu của động cơ phải, ấn nút dập lửa.
Anh cố gắng giữ ổn định trạng thái máy bay, sử dụng động cơ còn lại, lấy độ cao 500m lập hàng tuyến về hướng bắc sân bay để hạ cánh.
Nhưng trong buồng lái đèn báo cháy trên bảng khẩn cấp của động cơ phải vẫn sáng! Trong khi đó ở đài quan sát, chỉ huy bay thấy một luồng lửa kéo dài và nghe thấy hệ thống thông tin bằng lời trong máy bay số 2 phát ra ngoài không gian. Đây là tình huống khẩn cấp.
“Hỏng hai hệ thống dầu đỏ, nhảy dù! Nhảy dù” - hệ thống tín hiệu liên tục báo động.
“Khi dập lửa động cơ mà máy bay vẫn cháy thì phải nhảy dù vì máy bay sẽ phát nổ. Nhưng tôi cảm giác máy bay vẫn điều khiển được nên lấy độ cao, lập vòng tuyến và xả dầu cho máy bay nhẹ bớt trọng lượng” - anh Kháng kể.
Lúc máy bay vừa chạm xuống mặt đất, chỉ huy bay ngỡ ngàng khi nhìn thấy máy bay vẫn còn cháy.
“Thao tác ấn nút dập lửa chỉ dùng được một lần. Do máy bay bị cháy ngầm bên trong nên không dập được lửa nữa” - anh Kháng giải thích.
Viên trung tá phi công có hơn 700 giờ bay vẫn bình tĩnh cho máy bay tiếp đất an toàn rồi thu ga, tắt máy, dừng máy bay. Sau khi cẩn thận tắt các công tắc nguồn điện, anh mới mở nắp buồng lái nhào qua mũi máy bay thoát ra ngoài. Cùng lúc đó hai xe cứu hỏa và đội ứng cứu mặt đất lao đến.
Thượng tá Nguyễn Xuân Thạch - kíp trưởng kíp cứu hỏa đại đội công binh, người trực tiếp tham gia giải cứu máy bay 6005 hôm ấy - cho biết:
“Phi công đã đưa được máy bay hạ cánh thì chúng tôi phải hoàn thành thật tốt phần việc còn lại. Lúc đó đúng là anh em có tinh thần thép dù tình huống đó quá nguy hiểm, máy bay có thể nổ bất cứ lúc nào, chỉ nghĩ phải cứu bằng được máy bay” - anh Thạch nói.
Chiếc máy bay Su-27 số hiệu 6005 đã được cứu thành công, viết nên câu chuyện như một kỳ tích của trung đoàn 935 và không quân VN.
“Những chuyên gia kỹ thuật người Nga khi tận mắt nhìn thấy chiếc 6005 ngỡ ngàng hỏi: tại sao máy bay trong tình trạng như thế này mà phi công vẫn bình tĩnh hạ cánh được?
Ở đất nước của họ và những quốc gia khác, phi công đã rời máy bay ngay khi hệ thống yêu cầu nhảy dù! Do được cứu kịp thời nên chiếc Su-27 6005 ấy chỉ bị hỏng một động cơ, thủng một lỗ bên khoang động cơ” - trưởng ban tuyên huấn sư đoàn không quân 370 Đặng Thế Điều cho biết.
Anh Điều tiết lộ thêm mọi người rất khâm phục khi nghe lại băng ghi âm cho thấy giọng nói của anh Kháng lúc đó rất bình tĩnh.
Hỏi lý do tại sao không chịu nhảy dù khi hệ thống tín hiệu Natasa đã yêu cầu nhiều lần, anh Kháng cười - nụ cười rất hiền - giải thích rất giản dị: “Khi đó chỉ nghĩ còn cứu được máy bay thì phải cứu đến giây cuối cùng”.
Trung tá Đào Quốc Kháng đã được thăng quân hàm trước niên hạn. Ít ai biết bố anh là liệt sĩ, hi sinh ở mặt trận phía Nam, đến nay vẫn chưa biết chính xác nơi ông nằm xuống.
Khi bố hi sinh, anh mới 3 tuổi. Mẹ anh ở vậy nuôi hai con. Có lẽ truyền thống gia đình đã khiến anh hiểu giá trị sự hi sinh của người lính cho Tổ quốc.
“Có một ý nghĩ luôn thường trực trong đầu chúng tôi khi đã ngồi trong máy bay, đó là phải luôn bảo vệ an toàn cho tài sản quý mà đất nước, nhân dân đã tin tưởng giao cho mình dù trong bất cứ tình huống nào” - chính ủy trung đoàn 935 Đào Quốc Kháng nói.
__________
Kỳ tới: Những phi công trẻ lái Su-30
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận