24/05/2019 10:10 GMT+7

Những phụ nữ làm 'Cầu nối ngọt ngào'

KIM ANH - DOÃN HÒA
KIM ANH - DOÃN HÒA

TTO - Cầu nối đó là những thuyết minh viên đã "tái hiện" sinh động cuộc đời Bác với khách tham quan.

Những phụ nữ làm Cầu nối ngọt ngào - Ảnh 1.

Chị Trương Thị Thanh Nhã thuyết minh tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, chi nhánh TP.HCM - Ảnh: K.ANH

Mỗi lần về quê Bác, tôi lại có một cảm xúc đặc biệt bởi được nhìn thấy những hiện vật đơn sơ mà Bác và người thân trong gia đình đã sử dụng và vui mừng với sự đổi thay từng ngày trên quê hương Bác

Chị Phạm Thị Dung (37 tuổi, sống và công tác tại Hà Nội cùng chồng và hai con, về quê Bác dịp kỷ niệm sinh nhật Bác năm nay, bày tỏ)

"Mỗi lần thuyết minh, chúng tôi chọn cách diễn đạt sao cho phù hợp với từng lứa tuổi hay đặc thù công việc của từng đoàn khách đến tham quan" - chị Hoàng Thị Trang, thuyết minh viên ở làng Hoàng Trù, quê ngoại Chủ tịch Hồ Chí Minh, chia sẻ.

Công việc đặc biệt

Tháng 5, nắng vàng trải dài trên con đường dẫn về Khu di tích Kim Liên, huyện Nam Đàn (tỉnh Nghệ An). Đi giữa hương sen thơm ngát, hàng tre xanh rì rào, chúng tôi hòa cùng dòng người đang về thăm quê Bác.

Dưới bóng cây xanh mát ở làng Hoàng Trù, quê hương của thân mẫu Bác Hồ - cụ bà Hoàng Thị Loan, chị Hoàng Thị Trang đang say sưa thuyết minh cho nhóm học sinh mầm non về những năm tháng chào đời và tuổi thơ của cậu bé Nguyễn Sinh Cung.

"Các con có biết mẹ của Bác Hồ là ai không? Bác Hồ có mấy anh chị em? Các con có yêu quý Bác Hồ không?", những câu hỏi thân thương về thân thế, gia đình Chủ tịch Hồ Chí Minh của chị Trang cứ thế nối tiếp bằng những câu trả lời thật to của các em.

Tranh thủ phút nghỉ ngơi hiếm hoi, chị Trang bộc bạch: "Với đoàn khách thiếu nhi, chúng tôi chọn những câu hỏi ngắn gọn, nhắc lại nhiều lần để các em nhớ lâu. Người thuyết minh như chiếc cầu nối giữa quê Bác, cuộc đời Bác với mọi người. Vì thế, khi trình bày chúng tôi luôn tạo sự gần gũi để khách tham quan có cảm giác ấm áp trên quê Bác, như nhìn thấy bóng dáng của Bác, dù Bác đã đi xa".

Từng đoàn khách thập phương tiếp tục nối chân nhau vào thăm làng Sen - quê nội Bác Hồ. Chị Nguyễn An Vinh - phó phòng tuyên truyền Khu di tích Kim Liên - nghiêng vành nón lá chào mọi người bằng chất giọng xứ Nghệ dịu dàng. Chị Vinh cho biết các hướng dẫn viên ở đây hầu hết là người địa phương, được tuyển chọn gắt gao, có sự hiểu biết về lịch sử, văn hóa xứ Nghệ và đặc biệt là am tường về cuộc đời cũng như người thân trong gia đình Bác.

Chị Vinh nói "đây là công việc đặc biệt" và kể những lần thuyết minh cho các đoàn khách là người khiếm thị để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng chị, bởi vừa kể chuyện, vừa miêu tả cảnh vật nhà Bác một cách cụ thể để họ dễ hình dung. Thậm chí, các cán bộ thuyết minh còn "đặc cách" để các vị khách đặc biệt này có thể sờ vào hiện vật.

"Tôi còn nhớ đoàn của bà mẹ Việt Nam anh hùng từ miền Nam về thăm quê Bác, có mẹ xin được ôm cánh võng gai - nơi cậu bé Nguyễn Sinh Cung nằm nghe tiếng à ơi của mẹ và những câu chuyện cổ tích của bà ngoại, sau đó cất lời hát ru, điệu dân ca xứ Nghệ làm cả đoàn ai cũng rưng rưng" - chị Vinh xúc động.

Khu di tích Kim Liên là nơi lưu giữ những di sản về quê hương, gia đình, thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh và hai lần Người về thăm quê.

Ông Nguyễn Bảo Tuấn - giám đốc Khu di tích Kim Liên - cho biết hơn 60 năm qua, Khu di tích Kim Liên đã đón hơn 40 triệu lượt khách trong và ngoài nước tham quan, tưởng niệm, trong đó có hơn 20 triệu lượt khách được hướng dẫn và nghe giới thiệu về những di tích, di vật gắn liền với cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Từ khi mở cửa đón khách tham quan năm 1970, đến nay Khu di tích Kim Liên đã tổ chức 7 lần thi tuyển cán bộ thuyết minh. Hiện phòng tuyên truyền giáo dục có 19 cán bộ, trong đó có 6 cán bộ là hướng dẫn viên chuyên trách được phân bổ thuyết minh ở các di tích.

Kể về Bác bằng trái tim

Tròn 10 năm làm thuyết minh viên tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, chi nhánh TP.HCM, chị Trương Thị Thanh Nhã cho biết ban đầu mới vào nghề, hầu hết các thuyết minh viên có một năm vừa làm việc vừa nghiên cứu, học những kiến thức về cuộc đời, sự nghiệp của Bác cũng như rèn luyện tác phong, kỹ năng của nghề. "Tụi mình học hỏi các anh chị đi trước, rồi tự tập; khi được lãnh đạo duyệt đạt mới bắt đầu cầm micro thuyết minh cho các đoàn đến tham quan" - chị Thanh Nhã nói.

Mỗi khi bảo tàng chuẩn bị cho chuyên đề mới, các thuyết minh viên luôn tiếp tục nghiên cứu, tìm hiểu thông tin, cập nhật kiến thức để kịp thời chuyển tải những thông điệp của chuyên đề đến với người nghe. Nhờ chất giọng truyền cảm của thuyết minh viên, khách tham quan cũng rưng rưng theo từng câu chuyện về Bác.

"Khi nói đến thời thơ ấu của Bác, cảnh mẹ Bác mất khi em trai còn khát sữa..., tất cả hình ảnh đó khiến nhiều lần giọng mình nghẹn lại. Nhìn mọi người đỏ hoe mắt khi nghe, mình cũng xúc động và gắn bó với công việc hiện nay hơn" - chị Nhã chia sẻ.

Chị Nguyễn Thị Kim Liên, trưởng phòng tuyên truyền giáo dục Bảo tàng Hồ Chí Minh, chi nhánh TP.HCM, cho biết phòng có 9 người, mỗi ngày tiếp hàng ngàn lượt khách, từ học sinh đến các cụ hưu trí, du khách phương xa. 

"Các thuyết minh viên luôn khai thác thêm những điểm nhấn phù hợp để từng người nghe, từng lứa tuổi cảm nhận sâu sắc nhất, đặc biệt là những bài thuyết minh về Di chúc Bác. Hơn hết là sự đòi hỏi mỗi người phải đảm bảo độ chính xác cao trong từng lời nói khi thuyết minh" - chị Kim Liên thông tin.

Duy nhất là thuyết minh nam của phòng, anh Phan Văn Minh đã có tám năm gắn bó công việc với nơi này. "Càng nghiên cứu, càng thuyết minh về Bác, mình lại càng thấm những lời Bác dạy cho thế hệ trẻ. Từ đó thấy yêu công việc hơn" - anh Minh cho hay.

Chị Nguyễn Thị Kim Liên - trưởng phòng tuyên truyền giáo dục Bảo tàng Hồ Chí Minh, TP.HCM - cho biết từ năm 2017 đến nay số lượng người đến tham quan bảo tàng ngày càng đông.

Ngày nào cũng rất đông người đến tìm hiểu, tham quan và học tập theo những chuyên đề về Bác Hồ. Trong đó nhiều thanh niên còn được tổ chức kết nạp Đoàn, Đảng tại đây như một kỷ niệm đặc biệt với các bạn trẻ.

Không chỉ thuyết minh tại bảo tàng, các thuyết minh viên còn đến tận sân trường, nhà máy, xí nghiệp để chuyển tải thông điệp theo những chuyên đề triển lãm lưu động do bảo tàng thực hiện.

Lần đầu tiên phát hành bộ truyện tranh màu về Bác Hồ

TTO - Những câu chuyện về Bác vốn đã quen thuộc với nhiều thế hệ người Việt, nay trở lại sinh động, hấp dẫn trong một hình thức mới, hấp dẫn trẻ em: truyện tranh màu.

KIM ANH - DOÃN HÒA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên