29/04/2025 11:16 GMT+7

Những phóng viên nước ngoài với thời khắc lịch sử 30-4-1975

Những ngày cuối tháng 4-1975, khoảng 40 phóng viên nước ngoài chọn ở lại miền Nam Việt Nam để ghi nhận những ngày cuối cùng của cuộc chiến. Trong mắt họ, đó là sự hồi hộp và ngạc nhiên của một đời người.

phóng viên nước ngoài - Ảnh 1.

Các cựu phóng viên chiến trường quốc tế trải nghiệm tuyến metro số 1 (TP.HCM) vào sáng 28-4 - Ảnh: NGỌC ĐỨC

Kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước, Bộ Ngoại giao đã mời hơn 50 cựu phóng viên chiến trường từng tác nghiệp tại Việt Nam và phóng viên kiều bào đến thăm TP.HCM.

Tuổi Trẻ lắng nghe câu chuyện của hai phóng viên quốc tế hiếm hoi từng tận mắt chứng kiến khoảnh khắc cuộc chiến kết thúc và tất cả đều bình yên ngay sau đó. Họ cũng chia sẻ về những ngạc nhiên về những bước phát triển hiện tại của TP.HCM.

Giấc ngủ ngon ngay đêm hòa bình đầu tiên

Ông Nayan Ranjan Chanda (79 tuổi) là một trong số ít các phóng viên quốc tế còn ở lại Sài Gòn sau ngày 30-4-1975 để tiếp tục ghi nhận tình hình sau giải phóng.

Ông kể vào khoảng giữa tháng 4-1975, ông nhận được một tin nhắn khẩn từ biên tập viên ở Hong Kong rằng ông nên rời đi vì "không câu chuyện nào đáng để đánh đổi mạng sống cả".

Lúc này ông đang giữ vị trí trưởng văn phòng ở Sài Gòn cho tạp chí Far Eastern Economic Review.

"Tôi viết thư trả lời, nói rằng tôi đã theo dõi lịch sử Việt Nam suốt một thời gian dài và tôi muốn chứng kiến hồi kết của trận chiến này. Đó là trách nhiệm của tôi, không cần phải trả phí để bảo hiểm cho tôi", ông kể.

Trước khi đến Việt Nam trong vai trò phóng viên, ông Chanda đã có thời gian dài là học giả nghiên cứu lịch sử Việt Nam và Campuchia. Nhờ hai vai trò này, ông nhận thức được tầm quan trọng của những sự kiện sắp diễn ra.

"Tôi hiểu rằng những gì sắp diễn ra ở Việt Nam lúc ấy là một khoảnh khắc lịch sử cực kỳ kịch tính. Là một người học lịch sử, tôi không thể bỏ qua cơ hội đó - được chứng kiến lịch sử diễn ra ngay trước mắt, không phải ngồi trong thư viện hay xem trên truyền hình" - ông giải thích thêm và nói rằng mình cũng không hành động liều lĩnh mà luôn cẩn thận.

Ông Chanda nhớ lại: "Tôi cúi thấp người, thậm chí nằm rạp xuống đất, khi có tiếng súng nổ. Nhưng tôi không cảm thấy sợ. Bởi vì tôi không nghĩ rằng những người lính Việt Nam sẽ bắn bừa bãi vào dân thường".

Sáng 30-4, ông Chanda ngồi ở văn phòng Hãng tin Reuters ở góc dinh Độc Lập. Ông đồng ý viết bài cho Reuters bởi đội ngũ thường trú của họ đã rút đi.

"Tôi nhận các cuộc gọi từ Chợ Lớn và Gia Định báo tin rằng mọi người bắt đầu kéo cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Tôi biết chắc chắn hồi kết đã cận kề", ông Chanda kể.

Khi đang đánh máy lại những thông tin đó thì ông nghe thấy một tiếng động lớn vọng qua cánh cửa đang mở.

Nhìn ra, ông thấy một chiếc xe tăng băng ngang qua khung cửa, trên đại lộ Thống Nhất (đường Lê Duẩn hiện nay - PV). Ông thốt lên "Ôi, Chúa ơi, họ đã tới rồi!" và vội lao ra ngoài với chiếc máy ảnh, chụp được bức ảnh xe tăng tiến đến cổng dinh.

"Tôi vừa tiến lại gần những chiếc xe tăng, vừa vẫy tay chào những người lính ngồi trên đó. Khi họ vẫy tay đáp lại, tôi biết họ đã nhận ra tôi không có ý thù địch. Lúc đó tôi không hề có cảm giác sợ hãi. Điều quan trọng nhất đối với tôi lúc ấy, vì tôi là một phóng viên, là tôi cần phải chụp được khoảnh khắc đắt giá ấy", ông nói.

Sau khi chụp được ảnh, ông chạy về văn phòng và gửi một dòng tin nhanh với nội dung: "Hôm nay, lúc 11h25, chiến tranh tại Việt Nam kết thúc".

"Đêm hôm đó tôi đã ngủ rất ngon. Không còn tiếng trực thăng lượn trên đầu, không còn tiếng pháo kích. Tôi chợt cảm thấy: đó chính là hòa bình. Tôi có thể thực sự ngủ yên", ông nhớ lại.

phóng viên nước ngoài - Ảnh 2.

Hạ tầng cơ sở TP.HCM phát triển hiện đại bền vững - Ảnh: QUA NG ĐỊNH

Khi nhìn vào Việt Nam của năm 2025, bạn không thể nhận ra đất nước này vào năm 1975. Nơi đây đã trở thành một nơi hoàn toàn khác. Tôi đã luôn ở đây, ngắm nhìn nơi này đổi thay, đặc biệt từ khi công cuộc Đổi mới được khởi xướng năm 1986. Việt Nam hiện nay đang đi rất đúng hướng.
Ông Jim Laurie

Những bình yên bất ngờ

Nhà báo Jim Laurie của đài NBC News (Mỹ) là một trong số ít phóng viên chiến trường cũng bám trụ lại Sài Gòn. Giống như ông Chanda, ông Laurie đã được cơ quan yêu cầu di tản khỏi Việt Nam nhưng ông chọn ở lại để trực tiếp chứng kiến thời khắc lịch sử.

"Chúng tôi không biết điều gì sẽ xảy ra. Chúng tôi không ngờ chính quyền Sài Gòn sụp đổ chỉ trong hai tuần. Nhưng chúng tôi biết rằng quân giải phóng là đội quân có kỷ luật. Hà Nội từng mời nhiều người Mỹ đến thăm họ, do đó chúng tôi không nghĩ rằng mình sẽ gặp nguy hiểm với chính quyền mới", ông Laurie chia sẻ.

Khi đó nỗi sợ duy nhất của ông lại chính từ những người lính trong quân đội Sài Gòn khi các phóng viên nước ngoài sợ rằng những người lính cảm thấy mình bị Mỹ "phản bội" sẽ tìm đến họ để trả thù.

Tuy nhiên mọi thứ vẫn hầu như yên bình cho đến thời khắc xe tăng của quân giải phóng tiến vào dinh Độc Lập.

Ông Laurie kể thoạt đầu sau khoảnh khắc ấy, mọi thứ im lặng như tờ. Tuy nhiên, rất nhanh, đến chiều người dân bắt đầu xuống đường để gặp quân giải phóng. Nhưng chuỗi ngạc nhiên của ông Laurie chưa kết thúc.

Chỉ một ngày sau giải phóng, Ủy ban Quân quản đã cho phép toàn bộ hàng quán, kể cả chợ Bến Thành, mở cửa trở lại. Ông Laurie đã có thể ăn phở, uống cà phê tại quán Givral (quán cà phê từng rất nổi tiếng ở trung tâm Sài Gòn).

Sau ngày 30-4, ông cùng đồng nghiệp đi về các tỉnh ĐBSCL để ghi nhận tình hình. Một lần nữa họ ngạc nhiên khi thấy người dân đã bắt đầu ra đồng làm ruộng, bộ đội đã xây xong các cây cầu tạm.

Chỉ chưa đầy một tuần sau khi chính quyền Sài Gòn sụp đổ, đời sống của người dân miền Nam đã bình thường trở lại.

Ông Laurie ở lại Việt Nam khoảng ba tuần mới rời đi. Trong suốt thời gian này, ông gần như không gặp trở ngại nào từ chính quyền quân quản khi đi tác nghiệp. Ông cho biết từ đó đến nay, hầu như năm nào ông cũng trở lại Việt Nam để ghi nhận những thay đổi của đất nước.

phóng viên nước ngoài - Ảnh 3.

Các phóng viên quốc tế chụp ảnh từ tàu metro - Ảnh: BÌNH MINH

Một mối quan hệ rất thú vị bắt đầu hình thành khi người dân bắt đầu trò chuyện với bộ đội và bộ đội cũng làm quen với người Sài Gòn. Tôi hoàn toàn kinh ngạc. Tôi chưa từng thấy một tình huống quân sự nào như vậy, nơi mà người dân lại ra ngoài và trò chuyện như thế.
Ông Jim Laurie

Ấn tượng mạnh mẽ với metro số 1

Sáng 28-4, đoàn cựu phóng viên quốc tế được trải nghiệm tuyến metro số 1. Các phóng viên đều có chung nhận định rằng đây là tuyến đường hiện đại, ấn tượng.

Ông Kenneth Ellery Wagner, cựu phóng viên Hãng tin UPI, chia sẻ với Tuổi Trẻ: "Tuyến metro của TP.HCM có chất lượng cao hơn rất nhiều hệ thống ở các TP San Francisco, Oakland và khu vực Bay Area (bang California). Tôi chưa từng thấy hệ thống nào tốt như vậy và tôi rất ấn tượng".ng Wagner cũng nhấn mạnh sự thay đổi của Sài Gòn thời chiến so với TP.HCM ngày nay quá lớn khiến ông "khó có thể chấp nhận" đây là cùng một địa điểm. Dù đã quay lại thăm TP.HCM nhiều lần nhưng ông chưa từng bắt gặp cảnh tượng nào quen thuộc ngày xưa.

Những phóng viên nước ngoài với thời khắc lịch sử 30-4-1975 - Ảnh 7.Phóng viên chiến trường: Chúng tôi có tình cảm rất đặc biệt với đất nước này

Chiều 28-4, đoàn phóng viên tham gia Tuần lễ báo chí nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2025) đã có buổi gặp mặt lãnh đạo thành phố.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên