Quán thủy thần (NXB Văn Hóa - Văn Nghệ)
Chỉ với 10 truyện, tròn 200 trang mà nặng trĩu bao phận người trong những biến động xã hội đương đại và tất cả được diễn tả với giọng văn tràn đầy cảm xúc, giàu hình ảnh, nhiều trang như những bài thơ - văn xuôi.
Trong truyện mở đầu tập sách, từ chuyện bà cụ Thao 6 năm nằm liệt giường, tác giả đã khéo mở ra "nhân gian một cõi" như một tiểu thuyết được nén chặt với bao số phận trớ trêu.
Bạn đọc bất ngờ về cái "bệnh" ngoa ngôn, "chửi có giờ… sắp lại thành bài" của cụ Thao hóa ra bắt nguồn từ một ẩn ức đau đớn khi bà phải chứng kiến bố chồng bị đội Cang lôi ra bờ huyệt tuyên án tử, rồi mẹ chồng thắt cổ chết từ mấy chục năm trước.
Và thật trớ trêu khi người con cả lại đòi lấy con gái đội Cang, sau hơn chục năm vào chiến trường, trở về với mảnh đạn trong đầu, lúc tỉnh, lúc điên. Bà rít lên sòng sọc: "Bà cấm tiệt cái giống ấy. Có bà không có nó…".
Vậy nhưng rút cục, đó lại là đám cưới to nhất làng và cô dâu cả lại là người chăm sóc bà tận tụy nhất, dù thỉnh thoảng lại bị thằng cả nổi cơn điên đánh chửi đến bị thương.
Việc bà cụ tìm được bọc tiền con cháu cho dành dụm bao năm, vì hoang tưởng ngỡ bị ai đánh cắp, đem cho cô dâu cả, sau khi chửi thằng cả vũ phu đánh vợ… thật đậm tính nhân văn, thật vui mà cảm động.
“Tôi thích những đoạn văn ấm, lênh láng và chi chít những chi tiết lạ, được xâu chuỗi óng ánh màu…
PGS.TS NGUYỄN THỊ MINH THÁI
Nhiều bạn đọc có lẽ sẽ rơi lệ khi đọc Đi giữa trời xanh mây trắng, tác giả "đóng vai" cái bào thai 4 tháng, kể lại nỗi đau đớn của người mẹ phải từ bỏ bé vì mẹ chồng và người chồng nhẫn tâm không muốn chị sinh đứa con thứ 3 cũng là con gái!
Người viết tiếp tục bất ngờ trước ngòi bút của tác giả với truyện Phía trước nhà có giàn mơ dại. Đọc đoạn mở đầu truyện với cảnh một cô gái đón xe đường dài xin đi nhờ giữa lúc tối trời, có lẽ không ít bạn đọc tưởng sẽ phải chứng kiến một màn kịch lừa lọc xấu xa; không ngờ lại là một mối tình thật đẹp mà buồn.
Cô gái đi làm thuê ở Đài Loan, chàng lái xe giữ lời hẹn ba tháng sau đón vợ về ăn tết thì cô chỉ còn là nắm đất trong ngôi chùa; cô đã chết vì tai nạn giao thông khi đi làm công nhân - những mong có tiền cứu thoát mẹ và em khỏi người cha ích kỷ, chỉ biết rượu chè…
Qua những dòng chữ giàu hình tượng xô tràn lớp lớp như sóng là nỗi đau của các phận người phải tha hương: "Làng cô… gái trai lớn lên là khăn gói dạt trôi tan tác, nhọc nhằn đất lạ xứ người, bỏ lại toàn người già và trẻ con quẩn quanh trong cái vòng tròn tĩnh như mặt ao tù với những hàng rào dâm bụt, cúc tần um xum giăng đầy dây tơ hồng và những giêng hai hoa xoan lại rắc nỗi nhớ lên khăn áo, nhuộm tím gan tím ruột những đoàn người lầm lũi lên đường…".
Trong truyện Quán thủy thần, cảnh cô gái cúng rượu người đã khuất bên vực Thủy Thần đậm tính huyền ảo, câu văn như bay lượn, như bốc theo hơi rượu nồng. Chất huyền ảo lung linh này cũng rất đậm nét trong năm truyện ngắn dự thi mà tạp chí Nhà Văn & Tác Phẩm vừa đăng (nhất là truyện Hoa gạo đáy hồ), chứng tỏ Nguyễn Hải Yến còn có khả năng đi xa.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận