04/07/2011 02:33 GMT+7

Những phận đời được cưu mang

MAI VINH - CÔNG NHẬT
MAI VINH - CÔNG NHẬT

TT - Mất cha mất mẹ, những bạn học trò chưa đến tuổi 16 tưởng đã bơ vơ giữa cuộc đời. May mắn thay, cuộc sống có những tấm lòng nhân ái trở thành điểm tựa để những bạn trẻ ấy vươn lên.

Dành cho 400 học sinh THPT vượt khó, học giỏi của tám tỉnh, thành miền Đông Nam bộ và Hà Nội. Tổ chức: báo Tuổi Trẻ cùng tám tỉnh, thành miền Đông Nam bộ và TP Hà Nội - Tài trợ: Tập đoàn SCG (Thái Lan)

Read this on Tuoitrenews.vn

kPFKLVqv.jpgPhóng to

Nguyễn Văn Khỏe quay nước mía phụ mẹ Thảo - Ảnh: Mai Vinh

Và kỳ diệu thay, các bạn ấy đều học giỏi và mang theo mình những ước mơ cháy bỏng...

400 suất học bổng

Học bổng Chung một ước mơ lần 5-2011 do báo Tuổi Trẻ phối hợp với tám tỉnh, thành đoàn miền Đông Nam bộ và Hà Nội tổ chức, Tập đoàn SCG (Thái Lan) tài trợ, sẽ được tổ chức tại TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai trong hai ngày 5 và 6-7-2011.

Học bổng gồm 400 suất trị giá 2.000.000 đồng/suất cùng quà thưởng trị giá 1.000.000 đồng. Bên cạnh đó, học bổng còn tuyên dương và trao 20 phần thưởng trị giá 4.000.000 đồng/suất cho 20 giáo viên có hoàn cảnh khó khăn.

Lá rách đùm lá nát

Buổi chiều, căn nhà nhỏ của cô học trò Vũ Thị Thanh thoang thoảng khói nhang. Bà ngoại Thanh mất cách đây hai năm. Đó là người thân duy nhất của Thanh trong những năm qua.

Ngay khi vừa sinh ra, cô học trò hiện học ở Trường THPT cấp 2-3 Tân Tiến, Bù Đốp, Bình Phước đã chịu cảnh không cha, cha đã bỏ đi biệt xứ. Chưa kịp dứt sữa thì mẹ em ra đi mãi mãi. Ông bà ngoại đưa cô bé về căn nhà xập xệ ở Nghĩa Khánh, Nghĩa Đàn, Nghệ An.

Cái nghèo của nhà ngoại in trong ký ức Thanh là những đêm mái tranh bị bục và nước mưa xối xuống giường ngủ. Lớn lên, mỗi ngày Thanh mang cây cuốc cao quá đầu đi làm mướn sau giờ học để phụ bà lo miếng ăn trong nhà. Nghèo đến quẫn bách và không dưới một lần Thanh nghĩ đến điều khủng khiếp: tự tử. Trong thư gửi ban tổ chức học bổng Chung một ước mơ lần 5, Thanh tâm sự: “Ngày bà mất, một lần nữa em lại muốn rời bỏ cuộc sống nhưng như thế thì mọi sự hi sinh của ông bà dành cho em suốt mười mấy năm trở nên vô nghĩa, em quyết phải sống, phải học”.

Rồi Thanh về Bình Phước ở với dì là Nguyễn Thị Hồng cũng nghèo khó, sống bằng công việc làm thuê làm mướn. Hiện Thanh đang chuẩn bị bước vào lớp 11, Thanh bảo: “Giờ thì em đã vững rồi, phải vượt lên nữa. Không thể phụ lòng những người thân dù nghèo khó nhưng đã cưu mang em”.

Cũng côi cút như Thanh, Diệp Mỹ Kỳ - lớp 10C15 Trường THPT Trần Phú, Q.Tân Phú, TP.HCM - bị sốc khi cha mẹ đột ngột qua đời lúc Mỹ Kỳ đang học lớp 6. Em từng có ý định bỏ học vì khó khăn bủa vây. “Mẹ buôn ve chai, ba chạy xe ôm, cả nhà em hồi đó ở nhà mướn. Lúc cha mẹ mất, em không còn nhà để ở. May thay lúc đó bà ngoại và dì Sáu đón em về ở cùng” - Mỹ Kỳ nhớ lại. Ngôi nhà với chiều dài 12m, ngang 1,7m quá nhỏ cho bảy con người cùng sống.

Vượt qua những khó khăn, năm học vừa qua Mỹ Kỳ đứng hạng nhất trong lớp với điểm tổng kết cả năm 8,6. Mỹ Kỳ còn là cán bộ Đoàn xuất sắc của trường. “Được như ngày hôm nay, em phải cảm ơn dì Sáu thật nhiều” - Mỹ Kỳ nói. Dì Sáu của Mỹ Kỳ (không lập gia đình) hiện đang làm lao công cho một trường cấp II gần nhà với mức lương 1,8 triệu đồng mỗi tháng. Trước đây mức thu nhập đó chỉ đủ để dì Sáu và bà ngoại Mỹ Kỳ sống tằn tiện qua ngày, giờ càng khó khăn hơn.

Do thu nhập quá thấp, cả nhà phải sống rất tằn tiện, bữa ăn mỗi ngày toàn rau, đậu hũ và chao. “Thật sự tui rất sợ chuyện gì đó bất ngờ xảy ra. Có lần vì kiệt sức và huyết áp tăng cao đột ngột, tui được đồng nghiệp đưa vào một bệnh viện gần trường ở quận Tân Phú và xoay xở mãi mới trả được khoản tiền thuốc men. Thôi, cực bao nhiêu cũng được, Mỹ Kỳ học giỏi là tui thấy khỏe rồi” - dì Sáu nói. Với Mỹ Kỳ, dì Sáu và bà ngoại là mẹ của mình.

Mẹ nuôi của Khỏe

“Con bà ăn chưa no mà bà lo chi cho con người dưng vậy...” là câu nửa đùa nửa thật của láng giềng với bà Nguyễn Thị Thu Thảo (Tân Thành, Bù Đốp, Bình Phước) khi bà nhận Nguyễn Văn Khỏe là bạn học của con trai về nuôi. 10 năm trước bà từng nhận cô gái 12 tuổi Nguyễn Thị Hương cầu bất cầu bơ về nuôi như con trong nhà.

Khi vừa sinh ra Khỏe đã mất mẹ, còn cha thì ruồng bỏ. Năm Khỏe 12 tuổi thì cậu mợ ly hôn nên Khỏe không còn chỗ nương tựa. Để có thể đến trường, Khỏe xin đi ở cho một số nhà trong xã. Đối với Khỏe đó là những ngày khó khăn nhất, cứ ăn nhờ ở đậu và phụ việc từ nhà này qua nhà khác để tự nuôi mình suốt ba năm từ lớp 6 đến lớp 9.

Khỏe nói về mẹ nuôi Thu Thảo của mình: “Mẹ chăm em kỹ lắm, việc nhà mẹ cũng không cho làm, mẹ bảo đời mẹ học ít nên giờ mẹ chịu cực là phải, còn tụi con cứ dồn sức mà học, không thì mẹ mất trắng”. Căn nhà bà Thảo tồi tàn nhưng góc học tập của các con rất chỉn chu. Bà tấm tắc: “Khỏe học chăm lắm, đêm nào cháu cũng học tận 0g, 4g sáng mở mắt ra đã thấy Khỏe ngồi bên bàn học”.

MAI VINH - CÔNG NHẬT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên