NSƯT Hoàng Yến (vai Sáu Huệ), họa sĩ tranh cát Trí Đức (vai Minh) trong vở Cát trắng như gạo - Ảnh: Nguyễn Lộc |
Đây là lần thứ hai, sau vở Âm binh tạo được dấu ấn với công chúng và người làm nghề (vở giành được huy chương bạc trong Liên hoan sân khấu kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc 2012 tại Huế), êkip: nhà văn Nguyễn Quang Vinh - NSƯT Hoàng Yến - họa sĩ tranh cát Trí Đức lại gặp gỡ để tiếp tục cho ra đời một tác phẩm mới.
Dù Cát trắng như gạo không gây ám ảnh như Âm binh, nhưng với êkip này mỗi lần xuất hiện luôn đem đến cho người xem những cái nhìn mới, những thử nghiệm mới.
Vở diễn chỉ có hai diễn viên. Nghệ sĩ Hoàng Yến một mình gánh ba vai: nữ chiến sĩ công an, Sáu Huệ và Linh "lục bình".
Họa sĩ tranh cát Trí Đức “thoát” khỏi phận gốc cây già chỉ ngồi im một chỗ quan sát và kể chuyện đời trong Âm binh để vào vai họa sĩ Minh được đi đứng, được diễn nhưng không được... nói! (do một cơn bạo bệnh, Minh bị câm).
Vì mặc cảm bệnh tật và sợ trở thành gánh nặng cho người yêu nên Minh đã bỏ xứ lang thang qua các vùng đất vẽ tranh để quên lãng nỗi đau. Rồi tình cờ anh có dịp quay lại cố hương, cuộc trùng phùng gần 20 năm xa cách với người xưa nhiều xót xa, đắng đót...
Nhà văn Nguyễn Quang Vinh từng thổ lộ Cát trắng như gạo nằm trong kế hoạch “ủ mưu” viết 10 kịch bản về cát của miền Quảng Bình quê anh (tính tới nay anh đã viết được 5 kịch bản).
Nếu cát trong Âm binh dày đặc và là linh hồn, điểm tựa không thể thiếu để khắc họa những phận người thì vai trò của cát trong Cát trắng như gạo có vẻ yếu, so với nội dung câu chuyện thì tên của vở diễn cũng khá khiên cưỡng.
Nhưng thế mạnh của Nguyễn Quang Vinh vẫn là câu chuyện nhiều cảm xúc, chỉ là câu chuyện nhỏ về những phận đời nhỏ nhoi như trôi dạt bên lề cuộc sống, vậy mà làm người ta chùng lòng, xao xác...
Nghệ sĩ Hoàng Yến “ấm ức” kể: “Khi bắt tay vô tập vở này, bản thân tôi đã nhận thấy được mức độ khó khăn, bởi một mình tôi diễn ba vai sẽ rất nguy hiểm, dễ bị đuối và sợ diễn không ra sẽ gây tác dụng ngược.
Tôi đã tự đặt câu hỏi: tại sao một người phải diễn tới ba vai, sao không mời thêm diễn viên khác để bản thân mình tập trung đầu tư một vai cho tốt? Nhưng anh Vinh cứ... độc tài, bảo đấy là cái lạ, cái mới.
Kịch bản này anh viết riêng cho tôi và Trí Đức để cả hai có thể bộc lộ hết những sở trường, khả năng của mình, “chơi nghệ thuật phải chơi cho sướng”.
Anh còn làm căng, nếu không theo ý, anh sẽ... đòi lại kịch bản. Ức thì ức thật nhưng trong thâm tâm tôi biết anh có lòng với chúng tôi, từ sau thành công của Âm binh, anh đã viết Cát trắng như gạo như là món quà ân tình đặc biệt dành riêng cho tôi và Trí Đức...”.
Mà quả thật với vở diễn này, Nguyễn Quang Vinh đã “vắt kiệt” sức lực của Hoàng Yến và Trí Đức. Hoàng Yến lúc là nữ công an đĩnh đạc, thâm trầm; lúc lại hóa thân thành Sáu Huệ yếu đuối, u buồn bên khúc sông cô quạnh; thoắt đó lại loi nhoi, phá phách với cô bé tuổi teen Linh "lục bình" bướng bỉnh.
Suốt vở diễn, Yến phải chạy vô chạy ra thay đổi trang phục tới bảy, tám lần. Ba vai diễn đòi hỏi Yến phải tập trung sức lực và giữ bản lĩnh để điều phối tâm lý nhân vật, bởi: “Chỉ cần sơ sểnh là có thể trả giá ngay!”.
Với ba vai diễn này, Hoàng Yến lại một lần nữa khẳng định khả năng của mình. Cô đã nỗ lực khắc họa cho ra được ba tính cách của ba nhân vật, nhưng để nhân vật được tròn đầy hơn có lẽ Hoàng Yến phải tiếp tục hoàn thiện qua từng đêm diễn...
Nếu như Hoàng Yến làm nghề chuyên nghiệp thì nghiệp diễn với họa sĩ Trí Đức như cái duyên mà không nợ. Lần đầu vào “vai diễn lớn”, Trí Đức mang hết cả sự say mê và tình yêu hồn hậu của mình lên sàn diễn.
Nhưng Trí Đức gây ấn tượng mạnh nhất vẫn là khi anh vừa diễn, vừa vẽ tranh cát hoặc thể hiện những tài lẻ như phác họa chân dung trên giấy, múa rối tay...
Những khoảnh khắc đó, con người nghệ sĩ của Trí Đức dường như thăng hoa, anh diễn và người ta thấy được sự say mê, sự say mê đó thật sự truyền được những cảm xúc mạnh mẽ đến người xem...
Vở Cát trắng như gạo đã tham dự cuộc thi nghệ thuật sân khấu kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc 2015 tại Thanh Hóa cuối tháng 6 và Liên hoan nghệ thuật sân khấu Hình tượng người chiến sĩ công an nhân dân tháng 7 vừa qua tại Hà Nội. Vở đem về huy chương vàng cho NSƯT Hoàng Yến, huy chương bạc cho họa sĩ tranh cát Trí Đức. Vở sẽ diễn định kỳ tối thứ 5 hằng tuần tại nhà hát Thế Giới Trẻ, trong ba tháng 10, 11 và 12 năm nay, êkip sẽ đưa vở lưu diễn theo hợp đồng đến nhiều tỉnh thành trong cả nước. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận