22/08/2021 10:47 GMT+7

Những phần cơm từ trái tim

BÌNH MINH
BÌNH MINH

TTO - 'Mình biết ơn những đồng đội đã đồng hành trong dự án Bếp Sài Gòn thời gian qua. Mình biết mỗi thành viên của nhóm đều đang dốc sức vì những ý nghĩa, tình cảm khác nhau với TP.HCM', Lê Quang Long (28 tuổi), người sáng lập dự án, chia sẻ.

Những phần cơm từ trái tim - Ảnh 1.

Lê Quang Long trò chuyện cùng ba chị em quê ở An Giang đang sống tại quận Bình Tân

Từ đầu năm đến nay, Quang Long cùng tình nguyện viên đã miệt mài nấu hàng chục ngàn phần cơm gửi tặng các quận huyện, đồng thời hỗ trợ những hộ lao động, người nghèo trong khu phong tỏa, cách ly, người thất nghiệp.

Giúp sức cùng TP.HCM

"Đây là lúc đất nước cần những thanh niên trẻ như mình. Bao năm ở TP.HCM, từ nơi này mình chạm tới những ước mơ, mục tiêu cho riêng mình. Đây là lúc mình giúp sức lại cho thành phố", bạn trải lòng.

Từ động lực này, Long khởi động dự án Bếp Sài Gòn và liên tục tuyển tình nguyện viên để nâng cao số lượng suất cơm nấu hằng ngày. Ngoài phần ăn tối là bữa chính, nhóm còn hỗ trợ nấu thêm 200 suất cơm trưa. Nhóm chia nguyên liệu về cho các bếp gia đình nấu, sau đó gom phần cơm vào 18h và tỏa ra để phân phát.

Nguyên liệu gồm rau củ chủ yếu được vận chuyển từ Đà Lạt xuống, đồng thời nhận thêm từ các nhà hảo tâm ở các tỉnh. Đến nay, nhóm đã nhận và chế biến gần 100 tấn rau củ quả, ngoài ra còn có 20 tấn gạo, 2.000 thùng mì tôm, 2.000 chai nước mắm và nước tương...

Là nhiếp ảnh gia, những ngày làm thiện nguyện giúp đỡ cộng đồng mùa dịch, Quang Long cập nhật hành trình trên trang cá nhân, kể lại câu chuyện về những hoàn cảnh mà bạn gặp qua từng bức ảnh.

Đó là mái nhà lụp xụp, xiêu vẹo của ba chị em quê An Giang sống cùng bà ngoại ở quận Bình Tân, là chuyện về chú xích lô bị chủ trọ đuổi ra khỏi nhà do không có tiền đóng, rồi hai cha con dắt nhau đi lòng vòng thành phố vì không có tiền thuê nhà, cũng không thể về quê do giãn cách...

Trước khi dịch bệnh bùng phát, Quang Long là nhiếp ảnh gia tự do, từng xuất hiện trên nhiều bài báo để chia sẻ về hành trình 3 lần đi xuyên Việt, rong ruổi suốt 9 năm trời. Bạn cũng tổ chức nhiều dự án thiện nguyện ở những nơi mình từng đến.

"Mình đi bao nơi nhưng vẫn về lại TP.HCM để nghỉ ngơi, sinh sống, nhiều kỷ niệm trong hành trình nấu bếp cùng các tình nguyện viên lắm. Đó là những ngày chúng mình cùng thức khuya dậy sớm, đi chỗ này chỗ kia...", bạn trải lòng.

Có câu chuyện chẳng bao giờ được kể ra hay ghi lại trong sách vở, nhưng chúng đều là những mảnh ghép của cuộc sống, là một phần của một số phận nào đó mà mình được chứng kiến. Những trải nghiệm đáng giá nhất trong đời mình đều có thể đến từ những khoảnh khắc rất nhỏ.

Lê Quang Long

Từ nhiếp ảnh đến thiện nguyện

Cách đây 10 năm, khi còn là sinh viên đại học, Quang Long "bén duyên" với nhiếp ảnh rồi quyết định dừng việc học để theo đuổi đam mê. Câu chuyện về hành trình nhiếp ảnh xuyên Việt của Long xuất hiện trên những bài báo, nhưng đằng sau đó là rất nhiều vất vả và đánh đổi, từ bán xe đến bán cả máy tính, vất vả trăm bề. Vậy nhưng, tình yêu của Long dành cho khoảnh khắc bấm máy vẫn mạnh mẽ, đủ để bạn theo đuổi công việc, dần dần ổn định cuộc sống. Long nói giờ đây bạn đã có thể yên tâm để làm các hoạt động tình nguyện.

"Mình thích nhiếp ảnh vì ý nghĩa của nó trong cuộc sống. Ngoài việc ghi dấu những kỷ niệm, nhiếp ảnh còn tái hiện được nhiều câu chuyện, đưa nhiều người kết nối và đồng cảm với nhau hơn", Long nói.

Cũng từ nhiếp ảnh và hành trình xuyên Việt, qua những chuyến đi đến nhiều vùng đất và trải nghiệm các nền văn hóa khác nhau, Quang Long được gặp nhiều mảnh đời và những đứa trẻ, rồi cảm thấy sự thôi thúc muốn được lan tỏa và góp sức.

Dự án "Những bước chân xanh" chính thức ra đời ngày 1-6-2020 với hoạt động chính là trao nhu yếu phẩm, gạo, quà, bánh, sữa, sách vở, quần áo... cho trẻ em và người có hoàn cảnh khó khăn; xây và tu sửa các điểm trường, thư viện ở vùng cao.

Với Long, ký ức ngày một vẹn tròn hơn với hình ảnh về đôi mắt thơ ngây của những đứa trẻ nơi các bản làng nghèo khó. Giữa cuộc sống còn đầy thiếu thốn, gương mặt trẻ thơ vẫn bừng sáng những nụ cười. Trong tiết trời rét cắt da cắt thịt, lũ trẻ vẫn phải đến trường với tấm áo vừa mỏng vừa rách, thậm chí có em không có quần áo để mặc. Vào mùa hè, lũ trẻ rủ nhau đi tắm suối hay rãnh nước nhỏ.

Thế là dự án "Bếp Hoàng Cầm" nấu các bữa ăn tình nghĩa cho trẻ em và người nghèo hình thành.

"Từ các hoạt động cộng đồng, chúng mình tìm thấy hạnh phúc trong những hành động tương thân tương ái, sự giúp đỡ người kém may mắn. Cuộc sống của tụi mình trở nên ý nghĩa hơn", Long chia sẻ.

Dùng sức trẻ đóng góp cho xã hội

Long nói những dự án cộng đồng giúp bạn trưởng thành hơn, nhìn nhận mọi thứ thực tế và tình cảm hơn, biết cách thông cảm và sẻ chia với người khác. Với tài sản lớn nhất là sức khỏe, Quang Long mong muốn có thể tiếp tục hành trình dài hỗ trợ cộng đồng.

"Tiền bạc hay vật chất nếu biết cách tính toán và quản lý thì theo thời gian sẽ phát triển, nhưng sức trẻ thì theo thời gian sẽ không còn. Vậy nên thời điểm này, mình chọn cách theo đuổi những giá trị mang tính xã hội", Long nói.

Chuyến xe hàng hào sảng của dì Uyên bon bon trên đường Chuyến xe hàng hào sảng của dì Uyên bon bon trên đường

TTO - Khệ nệ ông Tượng chất gạo lên xe, dì Uyên trong nhà bước ra mặc vội đồ bảo hộ rồi tiện tay xách luôn mấy bọc mì, trứng gà, thịt cá và nước tương (vô sẵn) gửi luôn cho người nghèo ở TP Cần Thơ ăn trong những ngày giãn cách xã hội.

BÌNH MINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên