Thu Trang |
Đầu năm 2015, báo Phụ Nữ nhận được đơn tố cáo của chị Nguyễn Thị Thoa (giám đốc một công ty tại Hà Nội) về việc bị Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Hải Phòng khu vực II gây khó dễ, không cho thông quan hàng hóa, tìm cách rút ruột lô hàng và gạ gẫm bán hàng với giá rẻ mạt.
Gã đàn ông liên tục gằn lên với tôi: “Mày đi mua quan tài cho cả nhà chưa? Từng người một, mỗi người một chiếc. Nhà mày có bao nhiêu người thì mua bấy nhiêu chiếc, nghe chưa? |
Nhận thấy đây là một đề tài điều tra được nhiều người quan tâm, tôi báo cáo với tòa soạn rồi tức tốc lên đường xuống Hải Phòng.
“Đại gia” ở nhà... thu nhập thấp
Trong vai một doanh nhân nhiều tiền, có quá khứ ăn chơi sa đọa và đang muốn làm lại từ đầu, tôi lân la bắt mối với ông Đ., cán bộ chuyên môn kiểm hóa hàng hóa xuất, nhập khẩu tại Cảng Hải quan Chùa Vẽ (Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Hải Phòng khu vực II).
Ông Đ. gạ chị Thoa phối hợp lấy cắp lô hàng vi phạm, trong quá trình làm thủ tục tái xuất để chia đôi giá trị lô hàng trị giá hơn 2 tỉ đồng.
Lần đầu tiên ngồi chung xe, ông ta đã hất hàm hỏi tôi: “Này, có máy ghi âm không đấy”. Tôi đưa điện thoại cho ông ta để chứng minh mình không ghi âm (dù lúc đó trong người tôi đủ loại máy móc và thiết bị ghi âm).
Là một tay cáo già, ông Đ. luôn đề cao cảnh giác. Lúc tôi và Thoa mới xuống Hải Phòng, ông Đ. buộc hai chị em phải ngủ tại khách sạn do ông ta chọn.
Chúng tôi cảnh giác việc trong phòng có đặt thiết bị ghi âm, ghi hình nên chẳng bao giờ dám trao đổi về việc điều tra của tôi. Cần nói gì bí mật, hai chị em đều phải ghi ra giấy.
Lần đầu tiên tôi hẹn gặp, ông Đ. liên tục thay đổi địa điểm lắt léo để thử xem có “đuôi” bám theo tôi hay không.
Sau khi lái xe lòng vòng, ông Đ. đưa tôi đến quán bar nằm trên một tòa nhà cao chót vót. Qua nhiều lần bị ông ta cắt đuôi, người bạn mà tôi nhờ đi theo bảo vệ đã bị mất dấu.
Khi vào quán bar được một lúc thì chẳng hiểu bằng cách nào, bạn tôi đã tìm thấy tôi và ngồi ngay bàn bên cạnh. Lúc đó tôi mới thở phào nhẹ nhõm.
Ở trong bar, tôi vừa phải tỏ ra là một phụ nữ ngu si để ông Đ. không nghĩ tôi là công an, vừa tỏ ra mình là dân chơi và có thật nhiều tiền.
Tôi cũng cố tỏ ra sành điệu khi ngồi đốt thuốc lá như điên dù lúc đó buồn nôn khủng khiếp (cả đêm đó tôi đã đốt hết gần một bao thuốc lá). Cuối cùng ông Đ. cũng tin tôi không phải là công an vì “công an thì chẳng ngu như em”.
Sau khi nghĩ tôi là cô gái hư hỏng đang học cách kiếm tiền, ông Đ. đồng ý chỉ dẫn và bắt đầu kể hết các mánh khóe làm ăn phi pháp cho tôi nghe.
Ông ta vẽ ra viễn cảnh tôi là người có tiền, ông ta là người có quyền và Thoa là người có mối hàng. Ba chúng tôi mà phối hợp để buôn hàng lậu thì sẽ thu về món lợi khủng khiếp.
Tôi có thể kiếm được vài tỉ đồng mỗi tháng nhờ sự kết hợp với ông ta. Hàng buôn lậu đủ thứ từ quần áo cũ đến iPhone, ngà voi, sừng tê giác... do ông Đ. chịu trách nhiệm về thủ tục hải quan.
Khi đêm đã khuya, thấy câu chuyện sắp vơi, tôi nhá máy cho bạn (đang ngồi bàn bên cạnh). Theo kế hoạch từ trước, bạn tôi liên tục gọi điện bảo tôi phải về Hà Nội gấp.
Tôi giả vờ bảo ồn ào quá nghe không rõ. Khi tin nhắn của bạn đến, tôi đưa cho ông Đ. xem. Ông ta tin tôi có việc phải về gấp nhưng lại nằng nặc đòi đưa tôi về Hà Nội.
Khi nghe ông ta bảo vậy, tôi đứng tim vì sợ! Đó có thể là cách để ông ta kiểm tra tôi. Trong mấy trăm kilômet từ Hải Phòng về Hà Nội, tôi biết nói chuyện gì với ông ta?
Nếu để bị lộ thân phận thì việc bể đề tài là chuyện nhỏ, chuyện lớn hơn là có thể tôi sẽ bị thủ tiêu vì đã biết những gì không nên biết. Vấn đề quan trọng hơn là đến Hà Nội tôi sẽ về đâu?
Tôi phải kiếm một biệt thự chứ không thể đưa ông ta về căn chung cư thu nhập thấp của mình. Tôi chưa chuẩn bị trước cho tình huống này. Lúc đó tôi bình thản ngồi nhả khói thuốc nhưng trong lòng thì rối như tơ vò.
Rồi tôi cũng nghĩ ra một cách. Khi trên xe ra về, tôi vỗ đùi đánh đét: “Thôi chết, em quên túi xách có số tiền lớn đang để ở khách sạn, không biết có tin tưởng được cái Thoa không”.
Ông Đ. chở tôi về khách sạn. Về đến phòng, tôi dùng giấy trao đổi qua với Thoa tình huống gấp rút. Thoa chuẩn bị quần áo theo kế hoạch của tôi. Tôi gọi cho ông Đ. (đang đợi dưới sảnh) thông báo: “Cái Thoa nó cứ nằng nặc đòi theo em về Hà Nội vì sợ em bỏ nó lại đây. Em không muốn nó biết em và anh vừa gặp nhau, anh lánh đi để tụi em xuống lấy xe”.
Ông ta cuống lên vì muốn giữ Thoa lại Hải Phòng để ngày mai ký vào giấy tờ làm thủ tục đưa lô hàng đi soi, rồi rút ruột ra để bán lô hàng cho tôi. Nhưng không còn cách nào khác, ông ta phải để chúng tôi đi.
Lái xe qua mấy khúc cua, tôi nhìn gương chiếu hậu vẫn thấy hai xe bám theo sau. Một xe của ông Đ., một xe của bạn tôi. Đi thêm một đoạn, tôi thấy ông Đ. đã quay về Hải Phòng, chỉ còn xe bạn tôi đi theo bảo vệ.
Biết chắc không còn ai theo dõi, tôi cho xe quay ngược trở về Hải Phòng để tiếp tục điều tra. Vậy là chỉ nhờ một kế bất chợt nghĩ ra, tôi đã thoát việc để ông Đ. đưa về Hà Nội, thoát khỏi khách sạn ông ta thuê và kiếm cớ ở xa để hôm sau Thoa không phải ký vào giấy tờ đi soi lô hàng.
Bị dọa giết cả nhà
Tháng 9-2015, báo Phụ Nữ TP.HCM khởi đăng loạt bài “Cò viên chức giáo dục lộng hành ở thủ đô” phản ánh việc giáo viên bị đuổi việc và được rủ chạy biên chế với giá 200-250 triệu đồng để được ở lại ngành giáo dục. Sau khi cùng gặp nhóm giáo viên, đồng nghiệp của tôi ở các báo đã viết bài phản ánh sự việc.
Còn tôi vẫn âm thầm điều tra với mong muốn bóc gỡ toàn bộ sự thật. Sau gần hai tháng vẫn chưa thấy tôi đăng bài, nhiều đồng nghiệp nhìn tôi với ánh mắt “lạ”. Họ hỏi tôi: “Sao cứ loay hoay mãi ở Sóc Sơn mà không viết bài?”.
Tôi không thể nói gì vì giữ bí mật là biện pháp tối ưu nhất để thành công đối với bất cứ đề tài điều tra nào. Khi thực hiện bài viết, tôi đã mất ngủ nhiều đêm với quyết định có nên đưa tên vị trung tá cũng làm cò giáo dục vào tuyến bài của mình hay không?
Tôi thức trắng đêm, nghe đi nghe lại ghi âm, xem đi xem lại clip... và nhận ra rằng: “Nếu tôi “tha” cho vị trung tá ấy, chắc hẳn anh ta sẽ làm cò cả cuộc đời thì nguy hại cho xã hội”.
Sau khi loạt bài được đăng, tôi đã cung cấp nhiều tài liệu quan trọng cho Công an TP Hà Nội để họ tiến hành điều tra.
Loạt bài với các nhân vật tưởng đã khép lại ở đó, nhưng cho đến 23g ngày 7-4-2016, tôi thấy con gái mình vẫn chưa trở về nhà sau giờ học thêm như thường lệ.
Điện thoại của tôi liên tục nhận được cuộc gọi từ số lạ. Gã đàn ông liên tục gằn lên: “Mày đi mua quan tài cho cả nhà chưa? Từng người một, mỗi người một chiếc. Nhà mày có bao nhiêu người thì mua bấy nhiêu chiếc, nghe chưa?". Tôi khuỵu xuống, toàn thân rũ ra như tàu lá héo. Tim tôi nhức nhối như đang có ngàn mũi kim đâm xuyên qua. Lấy tay đấm ngực thùm thụp để thở, tôi lao vào bóng đêm tìm con trong tuyệt vọng...
Thực hiện loạt bài này giống như cuộc chơi với rất nhiều tình huống thật căng thẳng và nguy hiểm. Trước khi bắt tay vào làm, tôi đã báo Công an Hải Phòng để họ bắt quả tang việc hải quan rút ruột hàng nhưng không hiểu vì lý do gì họ lại chậm trễ không bắt. Trong khi đó ông Đ. thì liên tục thúc giục tôi phải chuyển tiền đặt cọc trước khi mua lô hàng của Thoa. Tôi phải dàn kịch hoãn binh, để Thoa mất tích bằng cách đưa cô đến một nhà nghỉ hẻo lánh, tắt điện thoại và nằm yên ở đó. Khi biết tin Thoa biến mất, ông Đ. điên cuồng phóng xe đi tìm. Khi đã đủ tư liệu và không thể trì hoãn việc chuyển tiền mua hàng, tôi bắt đầu viết bài. Tháng 4-2015, loạt bài “Thâm nhập đường dây cán bộ hải quan câu kết “trộm” hàng vi phạm” khởi đăng trên báo Phụ Nữ TP.HCM đã gây xôn xao dư luận. Sau khi loạt bài đăng, Thoa đã lấy lại được lô hàng của mình, riêng ông Đ. bị đình chỉ công tác để làm giải trình. |
_______________
Kỳ tới: Nỗi đau của người đàn bà viết báo
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận