16/02/2020 10:13 GMT+7

Những ông Tây làm 'chuyện lạ' ở Việt Nam - Kỳ 5: Xin chào, tôi là Nam

NGỌC ĐÔNG
NGỌC ĐÔNG

TTO - Chiều chiều rảnh rỗi, Nam ra trước nhà đợi người bán trái cây quen đẩy xe qua. "Chuối hôm nay ngon không anh, mai mang thêm nữa nhé", Nam nói với người bán bằng tiếng Việt rành rọt.

Những ông Tây làm chuyện lạ ở Việt Nam - Kỳ 5: Xin chào, tôi là Nam - Ảnh 1.

Nam trong vai diễn chú da đen chạy xe ôm ở Việt Nam - Ảnh chụp màn hình

Sao gọi tôi là Nam?

Nam, 36 tuổi, tóc xoăn, da màu, tên thật là Nnadozie Uzor Nadis, là người Nigeria đang sống ở TP.HCM. Nhiều người cũng gọi Nam là "ông Tây" nhưng hổng phải Tây tóc vàng mắt xanh mà là da màu.

Những người quanh khu Nam sống biết anh đến từ châu Phi, giỏi tiếng Việt, làm kinh doanh. Còn trên mạng, Nam là youtuber có gần 45.000 subscriber (người theo dõi) cả ở Việt Nam lẫn nước ngoài. Hơn 70 video đăng trên kênh YouTube Afro Viet TV của Nam trong gần hai năm qua là những lát cắt phản ánh cuộc sống của anh ở Sài Gòn.

Cái tên Nam ra đời từ một dịp tình cờ. Một người bạn đón anh ở sân bay Tân Sơn Nhất rồi "đèo" cả người và hành lý về bằng xe máy. Cô chủ nhà của bạn anh đang thuê tặng hai người một đĩa trái cây, rồi thân thiện hỏi thăm. "Tôi là Nnadozie Uzor Nadis", anh giới thiệu tên mình. Khổ thay, cái tên khó nhớ đó khiến cô chủ nhà quyết định gọi anh là Nam "cho dễ kêu".

Đó là tình huống được Nadis tái hiện trong tập 1 series Welcome to Vietnam của anh. Series dài hơn 10 tập kể lại quá trình anh chàng đến từ Nigeria hòa nhập với cuộc sống Việt Nam đến nay đã được hơn 10 năm. Phải mất gần một năm Nam mới chấp nhận được cái tên Việt. 

"Ban đầu tôi rất bực mình, sao họ lại đổi tên tôi? Nam là gì, sao cứ gọi tôi là Nam?", anh chàng càu nhàu. "Nhưng rồi sau đó bạn tôi giải thích cho tôi nghe ý nghĩa tích cực của cái tên, ví dụ như là nam tính, tôi thấy cũng hay hay nên quen dần", Nam cười kể lại.

Nội dung rất đời thường, cách thể hiện đơn giản, các vlog Nam làm nhẹ nhàng mang đến tiếng cười cho khán giả, những người xem rồi gật gù "anh chàng này cũng hiểu Việt Nam phết!". Trong các video của mình, Nam kể chuyện đi chợ, ăn hàng, ăn hột vịt lộn, thử hút thuốc lào, học tiếng Việt, "đi bão", rồi chuyện giao thông, chuyện hỏi đường... Có vlog là tình huống tự nhiên, có video được dàn dựng theo kịch bản tự Nam viết, nhưng tất cả đều cùng một gu hài hước, nhẹ nhàng. Nam nói anh muốn cho mọi người thấy được cuộc sống vui vẻ của mình ở Việt Nam.

"Tôi thích làm cho người ta cười khi xem những bài hát mình cover, những video hài hài mình đóng. Đồng thời tôi hi vọng họ thấy rằng nếu tôi, một người da màu đến từ châu Phi có thể sống vui vẻ như vậy ở đây thì họ cũng vậy", Nam chia sẻ.

"Cần phải đến đây xem"

Năm 2008, Nadis đến Việt Nam du lịch. Lúc ấy anh không hề nghĩ có ngày mình sẽ xem đây là quê hương thứ hai. Đến năm 2009 anh quay lại, bắt đầu dạy tiếng Anh, lúc đó vẫn chưa xem Việt Nam là nhà. Rồi sau một lần nghe bạn hỏi ở Việt Nam có mặt hàng gì nổi tiếng, Nam bắt đầu chú ý đến quần áo và giày dép, từ đó nảy ra ý tưởng xuất khẩu về quê nhà, dần dà xác định đó là hướng kinh doanh lâu dài của mình.

Khi biết anh quyết định ở lại Việt Nam, bạn bè thường hỏi: "Việt Nam là ở đâu? Tôi nghe ở đó có chiến tranh mà?". Đáp lại, Nam chỉ trả lời: "Ồ, anh cần phải đến đây xem". "Rất nhiều người không biết nhiều về Việt Nam nên tôi cảm thấy mình thật may mắn. Tôi tự hào khi đến đây sống cũng như tôi tự hào khi mình đến từ châu Phi. Tôi thấy mình có trách nhiệm cho mọi người biết đến Việt Nam thật sự là thế nào. Nhiều người có quan niệm sai về Việt Nam, cũng như người ta cứ nghĩ châu Phi chỉ có đói nghèo, tội phạm", anh nói.

Nam kể nhiều người nói với anh rằng họ tò mò về Việt Nam sau khi xem vlog của anh. Có lần Nam hẹn gặp một gia đình đến từ Indonesia tại Hà Nội, bỏ cả ngày dẫn họ đi thăm thú chỗ này chỗ kia, dạo phố cổ, ăn bún chả... "Họ thay đổi suy nghĩ về Việt Nam sau khi thấy được sự hiếu khách và thân thiện của con người nơi đây", Nam kể.

Nam vẫn nhớ hồi anh mới ở Việt Nam vài tháng, đang chạy từ Tân Phú sang quận 12 thì xe bị tắt máy. Giữa dòng xe cộ đông như mắc cửi, nắng đổ trên đầu, anh hì hục đẩy xe. Bỗng có người chạy xe máy lại gần, tiếng Anh tiếng được tiếng mất, vừa nói vừa ra hiệu anh ngồi lên rồi giúp Nam đẩy xe đến cây xăng.

"Anh ấy đẩy giúp tôi xa lắm, không phải vài trăm mét đâu. Khi đến được cây xăng, anh chào rồi đi mất, không cần tôi trả công, không cần một lời cảm ơn. Lúc đó tôi vừa bất ngờ vừa xúc động. Và đó là cử chỉ tử tế nhất mà tôi từng gặp. Trước đó, tôi luôn nghe người ta nói rằng "người Việt sẽ chẳng thích anh đâu" nên luôn có ánh mắt hoài nghi về mọi thứ, chưa kể tôi từng bị giật bóp, từng bị "chém" một chai nước suối giá 5 USD. Nhưng kể từ giây phút đó, suy nghĩ của tôi thay đổi", Nam bày tỏ.

Khi bắt đầu quen với cuộc sống Việt Nam, Nam quyết định học tiếng Việt. Nhiều người bất ngờ khi biết anh chàng nói tiếng Việt "như gió" này lại không qua trường lớp nào, mà chỉ học mỗi ngày từ bạn bè, bạn chơi bóng đá và cả từ... bạn nhậu của mình.

Sống ở Việt Nam chừng ấy năm, Nam đã có một gia đình nhỏ. Anh cho biết văn hóa tôn trọng giá trị gia đình và gắn bó với người thân của người Việt khiến anh thấy thân thuộc vì quê hương anh cũng vậy. Anh đi du lịch nhiều nơi, để rồi sang Việt Nam thì tìm thấy cảm giác quen thuộc. "Xe cộ, chợ búa, cách người ta ra ngoài uống với bạn bè... đều mang đến cho tôi cảm giác thân thuộc giống ở quê nhà. Ngay lập tức, tôi cảm thấy đây là nhà mình", anh tâm sự.

Từ đó đến nay Nam duy trì công việc kinh doanh như nghề chính, bên cạnh đam mê làm video. Sắp tới anh còn dự định đi khắp Việt Nam để làm video vẻ đẹp các địa phương.

"Nhiều đồng nghiệp cũ ở quê nhà nói với tôi họ muốn sang đây quay phim, tất nhiên là tôi bảo họ sang rồi, vì những tên tuổi lớn của Hollywood còn đến cơ mà. Phải đến và khám phá được đất nước này phong phú ra sao. Có lần đi tàu hỏa từ Sài Gòn ra Hà Nội, tôi đã thật sự choáng ngợp trước vẻ đẹp của những nơi mình đi qua dù chỉ là nhìn qua ổ cửa kính tàu", Nam hứng khởi nói.

"Màu tự nhiên"

Nam tâm sự có một khó khăn là cái nhìn không thân thiện của không ít người về người châu Phi, không chỉ ở Việt Nam mà nhiều nước khác cũng vậy. "Có thể họ từng có trải nghiệm xấu với ai đó đến từ quê hương chúng tôi nên như vậy. Nhưng tôi muốn tìm cách vượt qua rào cản đó, muốn giao tiếp với mọi người, cho họ thấy tôi là người như thế nào", anh trải lòng.

Có lần đi Bình Dương, một đám nhỏ vây quanh Nam rồi hỏi: "Chú ơi, sao tóc chú xoăn vậy, sao da chú màu này?". Anh chàng đến từ Nigeria cười tươi, nháy mắt trả lời bọn trẻ bằng tiếng Việt: "Màu tự nhiên đó!".

Dạy bơi không lương suốt mười mấy năm, anh Tây này vẫn nói quyết định chính xác, bởi anh được sống ở Huế, được gặp "nửa còn lại" cùng niềm mê cố đô.

Kỳ tới: Bớt lì ... dụ trẻ học bơi

Những ông Tây làm Những ông Tây làm 'chuyện lạ' ở Việt Nam - Kỳ 4: Mai Cồ 32 năm 'săn' áo dài Việt

TTO - Nếu bạn bắt gặp ông Tây đội mũ tai bèo, tay xách máy ảnh dạo loanh quanh quận 1 (TP.HCM), chụp những cô gái mặc áo dài rồi bất ngờ buông lời khen bằng tiếng Việt, đích thị ông ấy là Mai Cồ.

NGỌC ĐÔNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên