Những bà mẹ kiên cường cùng con chiến đấu với bệnh tật trong thời điểm dịch COVID-19 - Ảnh: HÀ THANH
Trước ngày dịch bùng phát ở Hà Nội, phát hiện 4 tuần liền chỉ số máu của con đều tụt xuống thấp, anh Lê Anh Quyết (41 tuổi) chở con trai Lê Nhật Minh (5 tuổi) trên chiếc xe gắn máy lặn lội hơn 100km từ Tuyên Quang xuống thủ đô tái khám.
Mang theo hồ sơ bệnh án của con, anh làm thêm xét nghiệm COVID-19 để có thể qua các chốt kiểm soát phòng chống dịch.
Nhưng dính đợt giãn cách, hai bố con bám trụ lại nơi xóm trọ nghèo gần Bệnh viện Nhi trung ương từ đó đến nay.
Con là hy vọng của bố mẹ
Minh bị ung thư máu, đằng đẵng suốt 3 năm hành trình, vợ chồng anh Quyết thay phiên nhau từ Tuyên Quang xuống Hà Nội chăm sóc con.
Gần 1 năm sau trở lại xóm trọ nghèo, tóc của Minh đã mọc lún phún, đen láy từng sợi. "Không còn trọc lóc như trước nữa", người bố xoa xoa mái đầu của con.
Vợ chồng kết hôn muộn, người ta xì xào không biết như vậy thì có sinh nở được không. May mắn năm 37 tuổi, anh Quyết đón chào đứa con đầu lòng, hạnh phúc vô bờ vì được làm bố.
Vợ đang mang bầu, một mình anh Quyết đưa con trai đầu lòng xuống Hà Nội tái khám và điều trị đã 2 tháng nay - Ảnh: HÀ THANH
"Chúng tôi đặt tất cả tình yêu thương, hy vọng vào cháu Minh. Chẳng may cháu bị bệnh tật thế này, vợ chồng quyết định dành trọn thời gian chăm sóc con" - anh Quyết xót xa.
Ngày Minh được về nhà, đắn đo mãi hai vợ chồng mới quyết định sinh thêm em bé. Vợ đang mang bầu, người bố phát hiện chỉ số máu của con liên tục bất thường trong suốt 4 tuần.
Vốn dĩ nếu không có dịch, cứ gần 2 tuần chăm con ở viện thì hai bố con được bác sĩ cho về. Ở quê, người ta thương nên tạo điều kiện cho anh làm công việc hàn xì, cơ khí theo ngày công. Vợ anh cũng tranh thủ đi bán hàng thuê kiếm thêm tiền chữa bệnh cho con.
Nhưng dịch bệnh ập đến, hai vợ chồng đều mất việc làm.
Ở xóm trọ, chiếc điện thoại của bố giúp Minh giải trí khuây khỏa sau những giờ vào viện - Ảnh: HÀ THANH
Khó nhất là cảnh "gà trống chăm con". Minh lớn dần, đã biết hiểu chuyện, nhưng không gian bí bách nơi xóm trọ chẳng thể khiến cậu bé hiếu động khuây khỏa. Những lúc không phải vào viện, anh Quyết nhường chiếc điện thoại duy nhất cho con để chơi game, giải trí, gọi điện trò chuyện với mẹ cho vơi nỗi nhớ nhà.
"Minh ngoan lắm, không quấy bố, chỉ khóc vì sợ kim tiêm. Không có gì vất vả đâu, mình chăm con quen rồi", ông bố thật thà chia sẻ.
Chiến binh nhí dũng cảm
Bé Linh có gương mặt rất đẹp, đôi mắt to tròn, đen láy. Em rất thương mẹ, thích vùi đầu vào ngực mẹ. Mới 7 tuổi, chiến binh nhí dũng cảm đã có 2 năm cùng mẹ đi trên hành trình chiến đấu với căn bệnh u não.
- Khi truyền con có đau không? Không ạ, Linh đáp.
- Con có thích đi học không? Có ạ.
- Con ước mơ điều gì?
Cô bé nhỏ nhắn lắc đầu, bỏ ngỏ câu trả lời và ôm lấy người mẹ đang lén lau đi giọt nước mắt.
7 tuổi, chiến binh nhí Thùy Linh đã 2 lần phẫu thuật vì căn bệnh u não - Ảnh: HÀ THANH
Chấp nhận, tập làm quen
Ban đầu con hay kêu đau đầu, choáng váng, thường xuyên té ngã. Đem con đi khám ở viện tỉnh, người mẹ chết lặng khi hay tin con bị u não. Từ trạng thái tinh thần sốc, đau đớn, dần dần chúng được thay thế bằng việc chấp nhận và tập làm quen.
"Suy nghĩ cũng chẳng được gì, đành cố gắng vì con", chị Nguyễn Thị Hồng (30 tuổi, quê ở Bắc Giang) quả quyết.
Suốt 5 tháng qua, mẹ con chị bám trụ lại thủ đô. Trong đại dịch, những phận người khốn khó nương nhờ nhau qua những bữa cơm chung, may mắn họ được chủ trọ giảm chi phí hoặc cho khất tiền phòng. Thỉnh thoảng còn có các nhà hảo tâm gửi tặng thêm ký gạo, suất lương thực thực phẩm.
"Mình chỉ mong ước sao cho con hết bệnh, được đi học như các bạn, chẳng có ước mơ gì hơn" - người mẹ mong ước.
Chị Hồng cùng con gái kẹt ở Hà Nội từ ngày dịch bùng phát ở Bắc Giang vẫn chưa được về nhà - Ảnh: HÀ THANH
Từ mảnh đất Phú Thọ, chị Bùi Thùy Linh kiên cường trên hành trình cùng con gái Lan Ngọc (6 tuổi) chiến đấu với căn bệnh ung thư máu. Trước đi làm công ty, nhưng từ tết chị xin nghỉ việc ôm con xuống Hà Nội chữa trị, còn chồng ở nhà lo kinh tế.
Chi phí ở thủ đô đắt đỏ, nhưng chị nói dù có đắt đỏ đến mấy cũng ráng để chữa bệnh cho con. Dự kiến liệu trình điều trị của Lan Ngọc sẽ kéo dài khoảng 3 năm.
"Phải lo bằng được để điều trị cho con" - người mẹ quả quyết.
Chị Thùy Dương kiên trì dạy con giao tiếp theo phương pháp PECS - Ảnh: HÀ THANH
Có con bị tự kỷ, chị Thùy Dương (ở Lai Châu) xin nghỉ việc tạm thời để dành trọn thời gian đồng hành cùng bé Quân (5 tuổi). Suốt 6 tháng qua, mỗi ngày, chị đều kiên trì hướng dẫn con theo phương pháp PECS - giao tiếp trao đổi qua hình ảnh để cải thiện khả năng ngôn ngữ cho trẻ tự kỷ.
Hai vợ chồng đều là giáo viên, chẳng ai nghĩ một ngày cậu con trai đầu lòng anh chị hết mực thương yêu lại mắc bệnh tự kỷ.
"Thấy con bị chậm nói, tôi nghĩ chắc con chỉ cố tình như vậy thôi, không ngờ được là con bị bệnh. Nay dù có muộn, nhưng mẹ sẽ cố gắng thật nhiều để đồng hành cùng con" - chị Dương quả quyết.
Nơi xóm trọ nghèo gần bệnh viện, bà Bùi Kim Sinh (chủ trọ) luôn hỗ trợ, tạo điều kiện cho những ông bố, bà mẹ có con bị bệnh. Thi thoảng đi chợ bà mua thêm con gà để cải thiện bữa ăn cho mọi người.
Trong đợt dịch thứ 4, khách đến thuê được bà hỗ trợ giảm tiền phòng, bà còn trồng thêm rau cải thiện bữa ăn, mua bếp gas để mọi người nấu ăn chung.
"Chồng nhà tôi cũng bị bệnh 10 năm nay, đi viện nhiều cũng hiểu được hoàn cảnh. Thôi thì mình đỡ được các cháu phần nào thì đỡ" - bà Sinh nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận