Ảnh (minh họa): REUTERS
Mạng di động thế hệ 5 (5G) siêu nhanh, công nghệ mạng Internet di động mới nhất với tốc độ truyền tải dữ liệu hứa hẹn tăng tốc gấp từ 10-20 lần so với hiện tại đã và đang trong lộ trình triển khai tại nhiều quốc gia trên thế giới. Đây thực sự là một cuộc đua công nghệ mà không quốc gia nào muốn bị rớt lại phía sau.
Phần lớn chọn mốc 2020
Hãng nghiên cứu và tư vấn toàn cầu trong lĩnh vực viễn thông Analysys Mason phân loại 3 nhóm nước dẫn đầu về mức độ sẵn sàng triển khai 5G. Trong đó, nhóm quán quân gồm: Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản. Nhóm thứ 2 gồm: Đức, Anh, Pháp. Và nhóm thứ 3 gồm: Canada, Nga, Singapore.
Theo trang Lifewire, những nước đã triển khai 5G trong năm 2018, hoặc thí điểm hoặc một phần gồm: New Zealand (thí điểm tháng 3-2018); Úc (8-2018); Estonia (12-2018); Bồ Đào Nha (12-2018); Ba Lan (12-2018); Ireland (11-2018); Nga (2018); Phần Lan (6-2018); Tây Ban Nha (6-2018); Đức (2018); Singapore (11-2018)…
Các nước dự kiến triển khai 5G trong năm 2019 hoặc 2020 gồm: Oceania (2019); Thụy Điển (2020); Áo (2019); Thụy Sĩ (2019); Ý (2019); Anh (2019); Na Uy (thử nghiệm đầu năm 2017 nhưng dự kiến triển khai năm 2020); Pakistan (2020); Malaysisa (9-2019); Bangladesh (2020); Philippines (2020)…
Tại Thế vận hội mùa đông đầu năm 2018 công chúng đã chứng kiến những ứng dụng 5G ấn tượng tại Hàn Quốc, song xứ sở kim chi lại không phải nước đầu tiên triển khai mạng 5G quy mô thương mại.
Theo trang công nghệ Venturebeat, Qatar là quốc gia đầu tiên trên thế giới triển khai mạng 5G thương mại của nhà mạng Ooredoo. Tháng 5-2018 nhà mạng Ooredoo của Qatar công bố họ đã triển khai mạng 5G Supernet, "mạng 5G thương mại đầu tiên trên thế giới".
Riêng tại châu Á, tháng 12-2018 Hàn Quốc là nước đầu tiên triển khai dịch vụ mạng 5G thương mại tại thủ đô Seoul và 6 thành phố lớn khác. Nhà mạng không dây lớn nhất của Hàn Quốc SK Telecom cũng bắt đầu triển khai hạ tầng 5G tại K-City, thành phố đầu tiên của Hàn Quốc dành cho xe tự lái, từ đầu năm 2018.
Cho tới năm 2020 hầu hết các nước sẽ có mạng 5G. Hãng Ericsson ước tính tới năm 2024 sẽ có 1,5 tỉ người dùng sẽ được sử dụng mạng 5G. Vào thời điểm đó mạng di động thế hệ mới cũng sẽ tiếp cận được hơn 40% dân số thế giới.
Các hãng viễn thông lớn của Mỹ như AT&T, Sprint, T-Mobile và Verizon Wireless đều sẽ cung cấp mạng 5G. Tham gia cung cấp thiết bị cho hạ tầng 5G sẽ gồm có các tên tuổi lớn như Qualcomm, Intel, Ericsson, Nokia, ZTE và Huawei. Riêng tại châu Á và châu Âu, hai nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn của Trung Quốc là ZTE và Huawei được cho đóng vai trò rất lớn.
Để đón đầu xu hướng công nghệ mới, nhiều nhà sản xuất thiết bị di động như LG, Samsung, Motorola, Apple…. cũng đang đầu tư phát triển các dòng sản phẩm có nền tảng phần cứng và phần mềm thích ứng với 5G.
Huawei là một trong những hãng cung cấp thiết bị viễn thông cho mạng 5G lớn tại châu Á và châu Âu - Ảnh: REUTERS
Công nghệ 5G có thể làm gì?
Trên toàn cầu, theo tạp chí Fortune, phần lớn mọi người đều đang sử dụng mạng 4G với tốc độ khoảng 16,9 megabit/s (Mbps), mặc dù tốc độ nhanh nhất của mạng 4G hiện tại theo BBC là 45Mbps.
Mạng 5G hứa hẹn tăng tốc độ mạng lên cấp Gigabit (> 1Gbps). 1 gigabit trên giây (hay 1 Gpbs = 1.000Mbps). Để dễ hiểu, nếu mạng 4G cho phép người dùng xem video trên Youtube ở chất lượng full HD thì mạng 5G sẽ cho phép họ xem video ở chuẩn 4K HDR hoặc hơn. Và bạn có thể hình dung, với tốc độ đó, việc tải một bộ phim chuẩn HD chỉ mất chừng 1 phút hoặc hơn thế một chút.
Về tiềm năng ứng dụng của mạng 5G, trước hết nhà mạng có thể dùng công nghệ này thay cho dịch vụ mạng băng thông rộng, cung cấp dịch vụ mạng không dây cho những nơi chưa thể tiếp cận Internet qua đường dẫn cáp thường hoặc cáp quang.
Những lĩnh vực mạng 5G được cho là sẽ có tác động lớn trong tương lai là xe tự hành (xe không người lái), cảm biến, máy bay không người lái (drone), đồng hồ thông minh, theo dõi chăm sóc sức khỏe và đương nhiên là các thiết bị di động.
Tuy nhiên cần phải nhấn mạnh yếu tố "tương lai", dù có thể chỉ là tương lai gần của những ứng dụng này, bởi hiện tại, ở tất cả những quốc gia đã triển khai 5G, quy mô triển khai dịch vụ ở cấp độ thương mại chưa phổ biến, theo đó những lĩnh vực ứng dụng cũng chưa thể rộng rãi.
Ngoài việc cung cấp dịch vụ mạng không dây tốc độ nhanh hơn cho các thiết bị di động, mới chỉ một số nước ứng dụng công nghệ 5G cho các lĩnh vực khác. Chẳng hạn tại Phần Lan, tháng 10-2018 hãng viễn thông Elisa công bố chương trình cải thiện chất lượng không khí đô thị bằng các cảm biến 5G theo dõi tình trạng ô nhiễm. Tháng 12-2018 sân bay Helsinki trở thành sân bay 5G đầu tiên trên thế giới.
Nên ưu tiên nâng cấp 4G hơn lúc này
Đằng sau những náo nhiệt của cuộc đua 5G, có một thực tế ảm đạm hơn nhiều là vẫn còn rất nhiều người trên thế giới thậm chí chưa được sử dụng mạng 4G. Đó là quan điểm của ông Brendan Gill thuộc hãng phân tích dữ liệu di động OpenSignal chia sẻ với đài BBC (Anh).
Theo chuyên gia này, việc cải thiện diện bao phủ mạng 4G (vốn đã đủ nhanh để cho người dùng tải video HD) tại thời điểm này có lẽ là một nỗ lực quan trọng hơn là việc chạy đua để đưa ra một công nghệ mới, thời thượng nhưng chỉ mới ứng dụng được trong rất ít trường hợp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận