Ba cô gái tươi cười sau khi giành tấm HCV đầu tiên cho bắn cung VN ở SEA Games 2019 - Ảnh: HUY ĐĂNG
Nhiều khán giả Việt Nam đến địa điểm thi đấu Parade Grounds theo dõi môn bắn cung bất ngờ thốt lên với chúng tôi: "Xinh thế này sao phải chơi môn thể thao khổ thế nhỉ?" khi chứng kiến 3 cô gái Lộc Thị Đào - Nguyễn Thị Phương - Đỗ Thị Ánh Nguyệt bước ra sân và rồi giành HCV.
Những ước mơ giản dị
Cả ba cô gái đều có ngoại hình nổi bật với dáng người cao ráo, làn da trắng ngần và khuôn mặt khả ái. Các CĐV ngạc nhiên cũng phải, bởi bắn cung nằm trong số những môn thi đấu đặc biệt khổ của làng thể thao Việt Nam, khi VĐV phải đứng hàng giờ dưới nắng, oằn mình kéo những cây cung với lực lên đến vài chục ký mỗi lần bắn.
Bắn cung khổ đến mức cả CĐV cũng ít khi chịu nổi cái nắng gắt để theo dõi và cổ vũ (môn này luôn thi đấu ngoài trời vào buổi trưa)
Đỗ Thị Ánh Nguyệt (18 tuổi, Hưng Yên) chia sẻ: "Đôi lúc cũng hơi mắc cỡ khi nhìn thấy các bạn nữ khác, vì mình chơi thể thao, đứng nắng nhiều nên sợ người thô ráp. Tôi thường mặc áo tay dài, đội mũ che nắng để da bớt đen. Cũng may trời sinh da trắng nên không đến nỗi".
Là con gái, đặc biệt lại là... con gái đẹp, vì sao những cô gái bắn cung lại chấp nhận đến với môn thể thao khổ ải này? "Tôi sinh ra ở Phú Thọ, quê tôi dường như có tố chất bắn cung hay sao ấy, nên các thầy hay xuống đây tuyển sinh. Năm 14 tuổi, tôi được chọn để tập môn này.
Gia đình làm nông, lúc nhỏ tôi cũng từng theo bố mẹ phụ việc ngoài đồng. So với làm ruộng thì bắn cung tuy có đội nắng tập luyện nặng nhọc nhưng cũng sướng hơn nhiều. Vì vậy mà cả nhà đều ủng hộ tôi làm VĐV" - Nguyễn Thị Phương (20 tuổi) kể.
Từ những kỳ SEA Games trước, người hâm mộ VN đã quen với câu chuyện các nữ VĐV bắn cung ôm nhau reo lên "có tivi rồi" khi giành HCV. Với những nữ cung thủ tài năng, xinh đẹp này, mục tiêu thi đấu của họ đơn giản chỉ là kiếm thêm thu nhập để giúp gia đình, có được chút tiện nghi.
Lộc Thị Đào - người chị cả của cả đội (giành đến 3 HCV đồng đội, đôi nam nữ và cá nhân ở SEA Games này) cho biết nhờ nghiệp VĐV mà cô đã sắm sửa đầy đủ đồ dùng cho gia đình, điều mà Đào chưa từng nghĩ đến thời niên thiếu. Còn Phương cho biết sẽ dùng số tiền thưởng SEA Games để giúp cha mẹ trả khoản nợ xây nhà, nuôi em ăn học.
Niềm vui của Thu Trang sau khi về đích đầu tiên nội dung 10km đi bộ - Ảnh: HOÀNG TUẤN
Nhà vô địch SEA Games lái xe Grab
Sáng 8-12, Phạm Thị Thu Trang gây bất ngờ cho điền kinh VN khi xuất sắc giành HCV nội dung 10km đi bộ nữ. Trước đó, Thu Trang chỉ được dự báo có thể mang về HCĐ, còn HCV là cơ hội của VĐV kỳ cựu Nguyễn Thị Thanh Phúc. Thế nhưng trong một ngày thi đấu xuất thần, Thu Trang đã bỏ xa đàn chị và các đối thủ để giành HCV quý giá nhất trong sự nghiệp.
Nước mắt cô gái 22 tuổi không ngừng rơi sau khi cán đích. Thu Trang cho biết cô không thể tin vào mắt mình khi là người về đích đầu tiên. Khoảnh khắc hạnh phúc đó, Thu Trang nhớ đến bố mẹ và bao nhiêu khó khăn cô và gia đình đã phải trải qua để cô có được HCV đầu tiên này.
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân tại huyện Chương Mỹ (Hà Nội) có bốn anh chị em, Thu Trang là thứ ba. Từ nhỏ cô đã làm đủ việc lam lũ của nghề nông cùng với bố mẹ nhưng cơm vẫn chẳng đủ ăn. Ngoài những ngày mùa bận rộn, bố mẹ cô thường xuyên phải lên Hà Nội đi làm thuê, bố cô làm thợ xây còn mẹ đi phụ hồ.
Thu Trang nhớ lại: "Năm 2013 khi đi làm, bố tôi biết Trung tâm huấn luyện thể thao Hà Nội tuyển VĐV điền kinh nên về nhà đưa tôi đi dự tuyển. Tôi cũng không biết vì sao mình được lựa chọn vào đội điền kinh năng khiếu Hà Nội. Ban đầu tôi tập cự ly 5km, 10km, 42km và 2 năm gần đây mới chuyển sang nội dung đi bộ".
Thu Trang giành HCB nội dung đi bộ tại Giải điền kinh vô địch quốc gia diễn ra tháng 9-2019 tại TP.HCM. Chính vì vậy cô đã bất ngờ được bổ sung lên đội tuyển điền kinh quốc gia tham dự SEA Games 30. Ông Dương Đức Thủy, trưởng bộ môn điền kinh, cho biết Thu Trang chỉ có hai tháng tập cùng đội tuyển, trong đó có một tháng đi tập huấn tại Trung Quốc.
Hai tháng sau khi được lên đội tuyển quốc gia, lần đầu dự một giải điền kinh quốc tế, Thu Trang tạo "cơn địa chấn" khi giành HCV SEA Games. Nếu không có cơ duyên đến với đi bộ, Thu Trang cho biết có thể cô đã về quê đi làm công nhân từ rất lâu rồi.
Thu Trang chia sẻ: "Sau một thời gian tập luyện, bố mẹ muốn tôi về quê làm việc cho gần nhà. Lúc đó tôi đã định về đi làm công nhân ở các xí nghiệp cạnh nhà nhưng chẳng hiểu sao lại chưa về.
Sau đó tôi cũng định đi học nấu ăn để sau này đi xin làm việc ở các nhà hàng, có công việc nuôi bản thân và phụ giúp gia đình. Mọi việc vẫn như một giấc mơ khi tôi giành HCB quốc gia, được lên đội tuyển đi SEA Games và giành HCV".
Gia cảnh quá khó khăn, Thu Trang cho biết cả nhà chỉ có cô được lên Hà Nội tập thể thao rồi được đi học đại học thể thao.
Vì thế hằng tháng có tiền lương cô chuyển hết về nhà phụ giúp bố mẹ. Thời gian còn ở đội điền kinh Hà Nội, ngoài giờ tập Thu Trang còn đi lái xe ôm Grab để có thêm thu nhập. Câu chuyện về tấm HCV của Thu Trang khiến cả đội điền kinh VN rớt nước mắt.
Niềm vui kép của bắn cung
Ngay trước thềm SEA Games, tuyển bắn cung VN nhận một tin vui lớn khi hai cung thủ Hoàng Phi Vũ và Ánh Nguyệt giành được vé tham dự Olympic.
Đây là lần đầu tiên trong lịch sử bắn cung, VN giành vé dự Olympic. Thành tích này càng đặc biệt với Ánh Nguyệt vì cô mới 18 tuổi, kỳ SEA Games 2019 thậm chí là kỳ SEA Games đầu tiên trong sự nghiệp của cô.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận