03/12/2012 06:14 GMT+7

Những nữ kỹ sư chất lượng cao

MAI HƯƠNG
MAI HƯƠNG

TT - Công ty kín cổng cao tường, nằm biệt lập trong Khu công nghệ cao TP.HCM, nhân viên đi làm bằng xe đưa đón của công ty và tuyệt đối tuân thủ nguyên tắc không phát ngôn những chuyện liên quan đến công việc khi chưa có sự đồng ý của người có trách nhiệm.

Kỳ 1: Kỳ 2:

zRe1aJ0E.jpgPhóng to
Các nữ kỹ sư trẻ của Công ty Intel Việt Nam trao đổi công việc tại trụ sở Nhà máy Intel (Khu công nghệ cao, quận 9, TP.HCM)- Ảnh: Minh Đức

Những đặc điểm đó khiến cho câu chuyện về những cô gái trẻ đang làm việc tại Công ty TNHH Intel Products Việt Nam (chuyên sản xuất chip vi xử lý) trở nên “bí ẩn” trong mắt nhiều người.

Học để trưởng thành

Khi đã được nghe chính Pauline Phạm Kim Phượng giới thiệu về mình, người đối diện cũng khó mà tin được người còn rất trẻ đang ngồi trước mặt mình đã bước sang tuổi 40. Phượng hiện là trưởng bộ phận quản lý hiệu suất của công ty. Rời Việt Nam năm 18 tuổi, cô là người Việt định cư tại Mỹ và làm việc cho Tập đoàn Intel. Cách đây ba năm, Phượng nhận nhiệm vụ về công tác tại Việt Nam để đào tạo, hướng dẫn đội ngũ kỹ sư trẻ trong nước. Phượng kể: “Khi nhận quyết định, trong lòng tôi rất vui và hạnh phúc vì được trở về quê hương, đem những kiến thức và kỹ năng đã được tích lũy bấy lâu nay về chia sẻ cho nhiều đồng nghiệp trong nước. Đó chính là động lực khiến tôi hăng hái trở về”.

Những bạn trẻ mà Pauline hướng dẫn có Đỗ Thị Xuân Quyên, 24 tuổi, hiện làm việc ở bộ phận quản lý hiệu suất. Từ khi còn là sinh viên, Quyên đã được Intel tuyển chọn cấp học bổng cho đi du học hai năm ở Mỹ tại hệ thống các trường đại học đối tác của công ty. Quyên cho biết trong hai năm du học, cô không chỉ được rèn luyện để phát triển kỹ năng giao tiếp, sử dụng tiếng Anh thành thạo mà quan trọng hơn là được đào tạo tác phong làm việc chuyên nghiệp, kỹ năng làm việc nhóm như: kỹ năng thuyết phục, chứng minh, kỹ năng nói trước công chúng... “Tất cả những điều đó tưởng chừng không liên quan gì tới đặc thù tại một công ty điện tử, nhưng tôi cảm nhận nó thật sự cần thiết và giúp ích rất nhiều cho công việc. Đó thật sự là yêu cầu cần có khi làm việc trong một môi trường quốc tế năng động và áp lực cao” - Quyên thổ lộ.

Làm ở Intel được bốn năm, bạn Nguyễn Thị Hạnh Dung, 27 tuổi, vẫn không quên được những ngày đầu phải làm ca đêm. Hạnh Dung kể: “Tôi là lứa kỹ sư đầu tiên được Intel tuyển dụng ngay từ khi còn ngồi trên ghế trường đại học. Tôi được qua Malaysia làm việc trong nhà máy của Intel tại đó để học tập văn hóa Intel và kỹ năng làm việc”.

Còn Huỳnh Thị Mỹ Linh, 28 tuổi, lại đến với Intel bằng một cơ duyên. Mỹ Linh học chuyên ngành hóa tại Đại học Bách khoa TP.HCM. Năm Linh học năm cuối đại học, Intel về tận trường để giới thiệu về công ty và tuyển người. “Lúc đó mình nghĩ rằng sinh viên ngành hóa như mình sẽ không có cơ hội làm việc cho một công ty điện tử. Vậy mà cuối cùng Linh được chọn”. Sau một thời gian làm việc, Mỹ Linh đã có nhiều sáng kiến về vệ sinh môi trường, xử lý nước sạch, tiết kiệm điện, nước được áp dụng tại công ty. Nói về lớp đàn em, Pauline Phạm Kim Phượng nhận xét: “Ngày tôi mới về nước, các em làm việc chưa chuyên nghiệp, chưa biết nhiều thứ. Nhưng sau ba năm các em đã lớn lên rất nhiều. Tới đây khi hết thời hạn làm việc ở Việt Nam, nếu phải trở về Mỹ tôi cũng hoàn toàn yên tâm vì các em đã có thể đảm nhận tốt công việc”.

Vươn tới chuẩn toàn cầu

Sau hơn năm năm đầu tư vào Việt Nam, đến nay lực lượng trẻ được tuyển dụng và đào tạo tại Công ty TNHH Intel Products Việt Nam đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu công việc. Về khả năng ngoại ngữ, các kỹ sư trẻ làm việc tại đây đã có thể sử dụng thành thạo tiếng Anh để giao tiếp, trao đổi công việc với các bộ phận cũng như những công ty trong cùng hệ thống trên toàn thế giới. “Ông giám đốc công ty từng nhận xét: “Làm việc với các bạn trẻ Việt Nam tôi không cần phải học tiếng Việt”. Lời nhận xét này chứng tỏ các bạn trẻ hiện nay đã vượt qua được khuyết điểm về ngoại ngữ như thời gian trước đây - bà Hồ Thị Thu Uyên, giám đốc đối ngoại của công ty, cho biết: “Riêng về các nữ kỹ sư, lâu nay khi nhắc tới những lĩnh vực công nghệ cao, nhiều người thường không đánh giá cao khả năng tham gia lĩnh vực này của nữ giới. Thế nhưng những nữ kỹ sư của chúng tôi đã chứng minh điều ngược lại: các bạn rất giỏi. Các bạn biết mình muốn gì, cần gì và phải học hỏi những gì. Với tốc độ như thế này, trong tương lai không xa các bạn hoàn toàn có thể đảm nhận những vị trí quan trọng trong công ty”.

Kể từ năm 2006-2011, Intel đã huy động và tài trợ bằng nguồn vốn của mình khoảng 8,3 triệu USD (tương đương 87,7 tỉ VNĐ) trong đó đã đào tạo cho 54 sinh viên tốt nghiệp tại Đại học Portland State Universities, hỗ trợ học bổng trong nước cho 555 sinh viên, đào tạo 78 giảng viên trong khuôn khổ chương trình HEEAP, 24 giảng viên trong khuôn khổ chương trình triển khai bộ giáo trình ESAP (chương trình đào tạo kỹ năng vận hành thiết bị - Equipment Skills Acquisition Program) và hơn 85.000 giáo viên trong khuôn khổ chương trình Intel Teach.

Trong năm 2011 và dự kiến trong năm 2012, Intel sẽ đào tạo khoảng 100 giảng viên trong các chương trình HEEAP và ESAP và khoảng 25.000 giáo viên trong khuôn khổ chương trình Intel Teach; trao học bổng trong nước cho khoảng 200 sinh viên. Với đội ngũ nhân lực do Intel đào tạo và hỗ trợ đào tạo giảng viên kỹ thuật, Intel hướng tới mục tiêu trong những năm tới giáo dục đại học VN sẽ có những đổi mới mạnh mẽ về giáo dục kỹ thuật công nghệ cao, phù hợp với đường lối chiến lược của VN là đào tạo nhanh chóng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

MAI HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên