Phóng to |
Dù việc mua vé vào sân xem World Cup là ước mơ xa vời của họ nhưng không khí bóng đá vẫn hiện diện nơi đây.
Bên âm thanh rầm rập của những chiếc máy ép nhựa, chủ đề bóng đá và những trận thắng của tuyển Hà Lan, Đức, Tây Ban Nha... vẫn được các cô bàn tán xôn xao. “Xin lỗi, tuy không nhớ tên cầu thủ nào nhưng khi xem họ đá qua truyền hình tôi... rất thích các cầu thủ đẹp trai!” - Vuyiseka, 24 tuổi, có mái tóc thắt bím sát da đầu rất công phu, thổ lộ với chút bẽn lẽn. Các cô khác đang làm việc bên cạnh Vuyiseka phá lên cười...
“Chúng tôi rất thích bóng đá. Dù làm việc suốt ngày nhưng buổi tối trước khi đi ngủ tôi vẫn xem các trận đấu hay phần bình luận thể thao” - Lindeni Mpangeva, cô gái làm ở công đoạn vô bao bì nhựa, cho biết. Lindeni hiện sống với mẹ và con trai 9 tuổi ở khu dân cư Limlazi. Do chồng đã bỏ đi nên Lindeni nuôi con một mình. Cô kể mùa World Cup này đã dành tiền mua chiếc kèn vuvuzela làm quà cho con để nó không tủi thân với đám bạn cùng xóm.
“Nhà chị có tivi chứ?”. Chị Alice Mzimela, đang ngồi bên máy dập đáy bao bì, trả lời: “Nhà tôi có một chiếc tivi đen trắng để xem World Cup”. Alice cho biết chị không thể nào có dư tiền để mua vé vào sân xem trực tiếp. Chị nói tiếp: “Với mức lương 2.000 rand/tháng, tôi phải chi 300 rand để thuê nhà, 1.000 rand đóng tiền học cho con, số còn lại phải rất tiết kiệm mới đủ đi chợ”. Cũng như Lindeni, chị Alice vẫn đơn thân nuôi con. Ở Nam Phi có rất nhiều phụ nữ nuôi con một mình.
Dù bận rộn việc mưu sinh, những nữ công nhân ở Roga Plastics vẫn tìm đến World Cup bằng cách riêng của mình. Giờ nghỉ giữa ca, các cô quây quần ở một góc phân xưởng chất đầy các loại nhựa bọc giường, tấm lót trần nhà và các túi nhựa đựng rác mới ra lò. Họ mở những hộp bột ngô xay, cải bắp và xúc xích mang theo từ nhà để dùng bữa trưa.
“Thật ra sau khi tuyển Bafana (Nam Phi) bị loại, chúng tôi thích đội Brazil, nhưng bây giờ lại thích Hà Lan hơn” - Nolitha Mati cười khoe hàm răng trắng muốt và cắn vào một trái cam vừa lột vỏ. “Còn tôi không thích đội tuyển nào hết ngoại trừ Bafana. Tôi hi vọng họ sẽ đá hay hơn ở World Cup tới” - Nonjabulo, 21 tuổi, cô gái trẻ nhất trong phân xưởng, nói. Những chị khác ngồi bên gật gù tán đồng.
Thú vị khi giám đốc điều hành Nhà máy Roga Plastics là anh Nguyễn Văn Thức - một người VN sang làm việc và định cư tại Nam Phi (từ năm 1993). Mấy năm trước khi HLV Calisto và đại diện CLB Đồng Tâm sang Nam Phi tìm kiếm cầu thủ, anh Thức từng giúp đỡ họ trong việc liên lạc với các CLB ở địa phương.
Là dân ghiền bóng đá, anh Thức cho biết: “Nhân World Cup, phân xưởng đã tặng mỗi công nhân một chiếc áo vàng đội tuyển Bafana mặc vào mỗi ngày “thứ sáu bóng đá” trong tuần. Các cô trông tươi tắn hơn khi đi làm và nhà máy cũng sống động sắc màu hơn. Hồi đầu World Cup các công nhân còn được “cấp phép” nghỉ sớm để xem Bafana thi đấu. Hoặc tất cả cùng nhau xem truyền hình ngay tại nhà máy, không khí rất vui”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận